Những ngày này, để đón các đoàn khách quốc tế đến tham dự lễ duyệt binh, an ninh trên toàn nước Nga nói chung và thủ đô Moscow nói riêng đều được thắt chặt. Bộ Quốc phòng Nga bố trí cho 4 đoàn quân đội từ Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Myanmar chung một khu vực ăn nghỉ, luyện tập. Khu vực quân sự này được canh gác nghiêm ngặt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trừ nhân viên công vụ, để bảo đảm an toàn, toàn bộ quân nhân của các đoàn tại đây đều không được tiếp xúc với bên ngoài nếu không có chỉ lệnh đặc biệt.
Khu vực này rộng hàng chục héc-ta, với những hàng thông reo vi vu trong gió; những cây sồi mà đứng dưới gốc ngước mắt lên không nhìn thấy ngọn; những con đường hun hút dưới tán cây; rừng bạch dương bát ngát bao tứ phía. Moscow đang ở giai đoạn chuyển mùa từ đông sang xuân, thời tiết thất thường, ban sáng còn nắng ấm với mức nhiệt độ khoảng 20 độ C, quá trưa trời bỗng kéo mây đen, mưa đem theo hơi lạnh, nhiệt độ ngoài trời đã xuống dưới 10 độ C. Ngày hôm sau, nhiệt độ đột ngột hạ thấp còn chừng 1 độ C, gió lồng lộng thổi và bắt đầu có tuyết rơi. Đi ngoài trời chừng mươi phút, đôi bàn tay đã như tê cóng. Nhưng cái giá buốt rơi rớt của mùa trước không ngăn được cây cối bung lá, bung hoa tràn nhựa sống. Xuân tưng bừng khoe sắc trên những khóm tulip đủ màu dọc đường đi, trên thảm hoa vàng không tên rực rỡ, bầu trời cao xanh vời vợi.
Hôm máy bay hạ cánh xuống sân bay Sheremetyevo của Moscow lúc 19 giờ, chúng tôi ngạc nhiên thấy trời vẫn sáng rõ. Những tia nắng vàng ruộm xiên qua ô cửa kính máy bay. Mùa này, Moscow ngày dài, đêm ngắn, sau 20 giờ 30 phút, trời mới nhá nhem tối, rồi chưa đến 4 giờ hôm sau đã sáng bừng. Bộ Quốc phòng Nga cử sĩ quan liên lạc ra tận sân bay chờ đón đoàn QĐND Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của phía bạn, các thủ tục nhập cảnh cho đoàn nhanh chóng được thực hiện, thậm chí đoàn còn được đặc cách không phải qua khâu kiểm soát hành lý tại cửa hải quan-vốn thường ngày là bắt buộc đối với bất kỳ ai.
Ngày đầu sau khi các đoàn đã tập kết đông đủ, Việt Nam là đoàn đầu tiên sắp xếp đội hình ra sân tập luyện. Tiếng nhạc hùng tráng cất lên, những bước chân đều tăm tắp gõ theo nhịp dồn dập đã khuấy động bầu không khí. Đoàn quân đội các nước ngay sau đó cũng tập hợp đội hình, triển khai luyện tập.
Có chút gì nghèn nghẹn nơi khóe mắt khi đội hình tham gia duyệt binh của các đoàn bạn rầm rập bước qua, không ai bảo ai, tất cả cán bộ, học viên đoàn QĐND Việt Nam đều lui lại nhường đường theo khẩu lệnh, rồi đồng loạt vỗ tay cổ vũ, động viên các bạn. Những ánh mắt trao đi, những nụ cười nhận lại. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tan biến mọi cách ngăn. Hình như ai cũng ý thức được rằng cần trân trọng cơ hội gặp gỡ, hội tụ trên đất nước Nga xinh đẹp vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít-ngày chiến thắng của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý. Đoàn QĐND Việt Nam còn khiến các sĩ quan phụ trách người Nga bất ngờ và xúc động khi tận mắt chứng kiến giai điệu vừa hào hùng vừa da diết của bài hát Kachiusa cất lên từ khối quân nhân Việt Nam trong hành tiến.
Buổi hợp luyện đầu tiên của các đoàn tại thao trường Alabino ở ngoại ô thủ đô Moscow diễn ra trong điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt. Trời nắng to, gió giật mạnh, từng lớp bụi cuộn lên trên mặt sân tập. Ban tổ chức phải điều hàng chục xe bồn tưới nước trên mặt sân ngay trước giờ hợp luyện. Cái rét tê tái mỗi lúc một ngấm dần khiến người ta có cảm giác mức nhiệt không thể chỉ là 2 độ C như hiển thị trên màn hình điện thoại. Cho đến khi kết thúc 4 giờ phơi mình trên thao trường, thành viên các đội mới thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua một thử thách của thời tiết trên đất bạn.
Đêm trên Quảng trường Đỏ, mưa mù mịt giăng giăng tứ phía. May sao, mưa dịu dần ngay trước giờ hợp luyện. Giữa những tòa kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa và là biểu tượng của xứ bạch dương, giữa không gian ngập tràn cảm xúc, giữa những tưng bừng náo nhiệt mang màu cờ, sắc áo của từng đoàn quân đến từ những nền văn hóa khác nhau, trên nền nhạc hùng tráng, lòng người bỗng náo nức, hân hoan. Cho đến khi đôi tay lạnh buốt và tê cứng, người ta mới nhận ra cái lạnh tê tái tự lúc nào đã ngấm dần, thấm dần vào cơ thể.
Trung tá Trần Xuân Trung, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, từng có hơn 10 năm sống và học tập tại Nga bật mí, có ở lâu mới biết cái lạnh xứ bạch dương thoạt tiên tưởng rất đỗi dịu dàng, rét thế đấy mà vẫn nắng thế đấy, trời vẫn xanh vời vợi, cỏ cây vẫn ganh nhau bung hoa rực rỡ. Người với người vẫn thản nhiên đón nhận từng cơn gió lạnh như một lẽ tất yếu của mùa đông, cho tới khi đôi bàn tay và khuôn mặt và bất cứ chỗ nào trên cơ thể không được che chắn, bỗng như hóa đá. Nếu không thức tỉnh, sẽ đến lúc cái lạnh thấm ngược từ trong ra ngoài, làm con người mất dần ý thức. Bởi thế cũng không quá khi nói rằng, 80 năm trước, cùng với ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của nhân dân và Hồng quân Liên Xô, cái lạnh xứ bạch dương chính là một loại vũ khí âm thầm mà đáng sợ bào mòn ý chí và sức chiến đấu của quân phát xít, góp phần đưa tới chiến thắng lịch sử trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, của nhân loại thế giới.
Trở lại với không gian lịch sử và không khí hào hùng trên Quảng trường Đỏ, trong lúc chờ xếp đội hình duyệt binh, nhiều người ngạc nhiên thích thú khi thấy điểm tập kết của đoàn QĐND Việt Nam bỗng nhiên “hút khách”. Nhiều thành viên trong đội hình các nước, rồi lực lượng thực thi nhiệm vụ trong khu vực, cả khán giả quốc tế và nước chủ nhà tới cổ vũ lễ duyệt binh nao nức tới bắt tay chào hỏi, ngỏ ý chụp ảnh cùng các thành viên đoàn QĐND Việt Nam. Có lẽ bên cạnh sự nghiêm trang, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ và tiếng vang về những trang sử hào hùng của QĐND Việt Nam, thì vẻ thân thiện, nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi của những chàng quân nhân tuổi đôi mươi khiến lòng người “tan chảy”. Nó xóa nhòa khoảng cách về ngôn ngữ, quốc tịch, màu da. Chỉ còn những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm ấm áp tình người.
Bài và ảnh: HÀ PHƯƠNG - VĂN TRƯỜNG