50 năm từ mùa xuân thống nhất
Những ngày này, đến nơi đâu, người dân và du khách đều cảm nhận được không khí sôi nổi, vẻ đẹp rạng rỡ khắp phố phường ở TP Hồ Chí Minh. Cùng với nhiều pa nô, bảng cổ động, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hình ảnh cờ Tổ quốc bay phấp phới trên tàu điện metro số 1, nơi công sở, tòa nhà cao tầng, các tuyến đường lớn nhỏ, trên ta xi, nơi những công trình trọng điểm... Nổi bật là các hoạt động như triển lãm, văn hóa nghệ thuật chào mừng, chương trình du lịch truyền thống, du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, những bước chân hùng tráng với quyết tâm cao độ trong hoạt động luyên tập phục vụ diễu binh, diễu hành mừng ngày đại lễ 30-4... Các chương trình hội nghị, hội thảo được các bộ, ngành Trung ương và TP Hồ Chí Minh tổ chức cũng tập trung đánh giá về Đại thắng mùa Xuân 1975, thành tựu đổi mới của TP Hồ Chí Minh sau 50 năm được giải phóng...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (105 tuổi), sinh ra ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), hiện sống ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, là người dành cả cuộc đời để nghiên cứu, viết, biên soạn về lịch sử, văn hóa Nam Bộ, Sài Gòn-Gia Định xưa và TP Hồ Chí Minh 50 năm qua. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông kể, 50 năm rồi, mỗi độ xuân về, dịp kỷ niệm 30-4 được ví như mùa xuân thống nhất, Tết thống nhất, thành phố năm nào cũng rực rỡ cờ hoa, với nhiều hoạt động kỷ niệm thức dậy bao niềm tự hào, trở thành động lực để thành phố vươn tới, hoàn thành những mục tiêu, thành tựu mới.
Thành phố anh hùng, tiên phong đổi mới, sáng tạo
50 năm qua đi, người dân và du khách đều cảm nhận Thành phố mang tên Bác đã khoác lên mình một vóc dáng đô thị vạm vỡ, vươn mình mạnh mẽ. Những thành tựu về mọi mặt đã khẳng định giá trị to lớn của hòa bình, thống nhất đất nước, đưa TP Hồ Chí Minh trở thành vị thế đầu tàu kinh tế, trung tâm của nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế-xã hội... Hành trình này gắn liền với những cải cách mạnh mẽ, từ một đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, trở thành một thành phố hiện đại, hội nhập.
Hội thảo khoa học “TP Hồ Chí Minh-Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển” được tổ chức cuối tháng 3-2025 đã tập trung đánh giá, phân tích ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm quý báu của Đại thắng mùa Xuân 1975 và thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh. Hội thảo tập trung khẳng định, trong hành trình 50 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã viết tiếp trang sử hào hùng với các thành quả khôi phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định vị thế, tầm cao mới, phát triển bền vững. Kết quả gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới để lại những dấu ấn, thành tựu đặc biệt to lớn, từ một đô thị bị chiến tranh tàn phá, TP Hồ Chí Minh vươn lên, năng động, tiên phong đổi mới, hội nhập sâu rộng, trở thành đô thị sôi động bậc nhất Đông Nam Á, đi đầu cả nước qua những chỉ số đóng góp ngân sách, trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP liên tục trên mức hai con số suốt 20 năm (1991-2010).
Trong giai đoạn 2000-2010, TP Hồ Chí Minh đã thể hiện sự bứt phá tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và hiện đại hóa trên nhiều lĩnh vực, có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9-12%/năm. Thành phố đã xây dựng nhiều khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn...; phát triển khu công nghệ cao thu hút nhiều tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Nidec,... Hiện nay, TP Hồ Chí Minh được định hướng phát triển đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều khu đô thị đã được phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với sự tích hợp của giao thông thông minh, quản trị vận hành số, hành chính số, kinh tế số... Song hành với sự tăng trưởng ấy, TP Hồ Chí Minh đã thể hiện vai trò, trách nhiệm vì cả nước, cùng cả nước trong hỗ trợ nhiều địa phương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, hỗ trợ thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ...
    |
 |
Tuyến metro số 1 vươn mình xuyên qua đô thị hiện đại của Thành phố mang tên Bác. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
PGS, TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, có hai sự kiện quan trọng: Thành phố được Quốc hội đặt tên là “TP Hồ Chí Minh” vào tháng 7-1976 và đón nhận danh hiệu cao quý “Thành phố anh hùng” vào dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm 2005. Niềm vinh dự to lớn đó đã tạo động lực để thành phố luôn vững vàng vượt qua bao trở ngại, phát huy cao độ truyền thống anh hùng, liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Truyền thống anh hùng thể hiện rõ qua việc thành phố đã năng động, sáng tạo, vươn lên, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò lớn đối với cả nước.
Đặc biệt, giai đoạn 10 năm sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh chính là cái nôi của nhiều cách thức tháo gỡ khó khăn, giải pháp chăm lo cho nhân dân, đỡ đầu những sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, khắc ghi một thời “xé rào”, “cởi trói”, tạo tiền đề quan trọng cho đổi mới. TP Hồ Chí Minh không chỉ là nơi khởi xướng đổi mới mà luôn giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước. Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên và 8,56% dân số nhưng hiện nay TP Hồ Chí Minh đóng góp 21,3% GDP, 29,38% tổng thu ngân sách...
Khát vọng vươn tới
Khi đánh giá hành trình 50 năm không ngừng đổi mới và thành tựu đạt được của TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã khẳng định: "TP Hồ Chí Minh đang tràn đầy khát vọng vươn lên. Trong thực hiện khát vọng ấy, truyền thống cách mạng đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, nghĩa tình chính là động lực để thành phố luôn hội tụ và tỏa sáng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, trong sự tin yêu của cả nước, sự kỳ vọng của nhân dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó tăng cường sự vững mạnh của hệ thống chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân xây dựng, bảo vệ và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, luôn xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố anh hùng".
Vừa tròn 50 năm giải phóng và gần 40 năm đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiều công trình, dự án để trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Yếu tố hiện đại được thể hiện là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học-công nghệ lớn nhất cả nước, hạ tầng phát triển với các trục giao thông hiện đại, đa loại hình được xây dựng; hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình như: Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm trí tuệ nhân tạo, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo... Trên cơ sở là trung tâm tài chính, thương mại phát triển, TP Hồ Chí Minh đang tập trung hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, xây dựng hành chính công hiện đại, dịch vụ công trực tuyến.
TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều dự án hạ tầng quan trọng nhằm cải thiện môi trường sống và giao thông đô thị, như dự án giải quyết ngập do triều cường, cải thiện hệ thống thoát nước và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn, Tham Lương-Bến Cát, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát. Những dự án này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Ở lĩnh vực văn hóa và giáo dục đã có sự phát triển vượt bậc khi xây dựng được hệ thống trường học, đại học chất lượng cao, các trung tâm văn hóa, bảo tàng, tạo cơ chế, chính sách và môi trường để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch, phát triển đô thị đặc trưng sông nước. Nhiều dự án văn hóa-thể thao quy mô lớn, mang tính biểu tượng, đã và đang được triển khai. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và niềm tin, kỳ vọng của nhân dân cả nước, sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các địa phương, TP Hồ Chí Minh đứng trước cơ hội lớn, tạo đột phá mạnh mẽ, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, trở thành thành phố toàn cầu, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
BẢO MINH