“Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh không đơn thuần chỉ là những trang giấy ghi lại diễn biến của chiến dịch, mà đó là lịch sử, là hồn thiêng sông núi, là bằng chứng hiện hữu rõ ràng nhất về một giai đoạn hào hùng trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, là máu xương của hàng triệu đồng bào đã ngã xuống để có được một ngày vui thống nhất”-giọng thuyết minh của nữ hướng dẫn viên tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh vang lên đầy xúc động khi giới thiệu với khách tham quan. Đây là hiện vật được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 10-2012.
    |
 |
Bảo vật quốc gia “Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh” được trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh.
|
Theo Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, cuốn sổ trực ban này được Trung úy Nguyễn Hoàng Vỵ, cán bộ trực ban tác chiến của Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lưu giữ, trân trọng như một báu vật linh thiêng và trao tặng Bảo tàng vào tháng 3-2005. Hơn 50 năm trôi qua, cuốn sổ đã nhuốm màu thời gian, bìa và những trang giấy đã ngả vàng. Trang đầu tiên có dòng chữ đậm, được viết ngay ngắn, sạch đẹp: “Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1975”. Dòng chữ viết bằng màu mực đỏ tươi thắm như màu cờ Tổ quốc, như rực lửa ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của những ngày tháng Tư. 53 trang tiếp theo là những ghi chép tỉ mỉ của các sĩ quan trực ban tác chiến tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng quân tại Căn cứ Căm Xe, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, về toàn bộ diễn biến chiến dịch, tình hình cụ thể từng đơn vị của 5 cánh quân từ ngày 25-4 đến 1-5-1975, gồm: Tình hình chiến sự, diễn biến về lực lượng, vũ khí, các mục tiêu quan trọng tại Sài Gòn... vẽ nên bức tranh toàn cảnh của những ngày tháng Tư lịch sử.
Đặc biệt, dòng chữ nắn nót của đồng chí trực ban Nguyễn Hoàng Vỵ đã khắc ghi một khoảnh khắc lịch sử: “9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh lên đài Sài Gòn kêu gọi quân ngụy ngưng bắn để trao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời. Thực chất là ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đã đầu hàng vô điều kiện”...
Anh Phan Quốc Bình, Phó bí thư Đoàn phường Bến Nghé chia sẻ: "Nhìn vào những dòng chữ này, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự hy sinh của thế hệ cha anh. Đây là bài học lịch sử vô giá, nhắc nhở chúng tôi về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7, đơn vị quản lý Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi có nhiệm vụ bảo quản hiện vật, vì vậy thường xuyên kiểm soát môi trường trưng bày nghiêm ngặt, ngăn chặn sự tác động của thời gian, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng lên từng trang giấy, từng nét mực. Bên cạnh đó, định kỳ kiểm tra, xử lý các nguy cơ tiềm ẩn gây hư hỏng. Mục tiêu cao nhất là giữ gìn nguyên vẹn chứng tích lịch sử này cho muôn đời sau, để những câu chuyện hào hùng của dân tộc tiếp tục được kể và lan tỏa đến các thế hệ tương lai”.
Bài và ảnh: NGÂN PHƯƠNG