Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ ngành xe máy-vận tải đã làm nên những kỳ tích. Giai đoạn từ năm 1960 đến trước khi Hiệp định Paris được ký kết là thời điểm diễn ra cuộc chiến khốc liệt, dai dẳng ở Trường Sơn. Sân ga Hà Nội cùng rất nhiều địa danh ở các tỉnh, nơi con đường huyết mạch 1A chạy qua, từng chứng kiến những giờ phút chia tay bịn rịn hẹn ngày chiến thắng hết sức lãng mạn, đầy chất thơ của không biết bao người. Hàng trăm, hàng nghìn lần vận chuyển người, hàng vào tiền tuyến lớn miền Nam luôn in đậm bóng dáng, việc làm của cán bộ, chiến sĩ ngành xe máy-vận tải quân sự.

Đã có nhiều văn nghệ sĩ lấy hình ảnh người lính xe máy-vận tải, nhất là lái xe Trường Sơn- vốn được ví là những “phi công mặt đất” hoặc “tuấn mã Trường Sơn”, “đại bàng Trường Sơn”- làm chủ đề tư tưởng, hình tượng nghệ thuật cho tác phẩm của mình. Thi sĩ của Trường Sơn Phạm Tiến Duật từng viết về các tiền bối của chúng tôi bằng những câu từ không thể lãng mạn hơn: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Trong bài "Nước non ngàn dặm" (năm 1973), nhà thơ Tố Hữu viết: “Xe lao qua dốc qua đồi/ Gió Tây giội lửa ồi ồi sau lưng... Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi, băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình".

leftcenterrightdel
                                              

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chia tay bộ đội hành quân bằng tàu Thống Nhất vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NAM ANH 

Trên đường Trường Sơn, song hành với công tác vận chuyển của bộ đội vận tải còn có các thợ kỹ thuật. Đại tá Nguyễn Văn Tấn, nguyên Chỉ huy trưởng Xưởng X203 (Cục Xe máy-Vận tải) đã chia sẻ, từ năm 1967 đến 1972, Đội cơ động sửa chữa 2 (tiền thân của Xưởng X203) đã đến nhiều đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô, các trọng điểm giao thông trên Quốc lộ 1A, vào Nghệ An, đến Quảng Trị, tới Nam Lào để thu hồi, sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe xích, xe Gaz, trạm nguồn điện..., bàn giao cho các đơn vị, kịp thời đưa vào tác chiến. Trên đường làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, thợ sửa chữa của Đội đã hy sinh anh dũng.

Những hình ảnh về đợt chuyển quân lớn phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà tôi được chứng kiến gợi nhắc về cuộc hành quân thần tốc của quân ta trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trong cuộc hành quân thần tốc “một ngày bằng hai mươi năm” có một không hai trong thế kỷ 20 ấy, ngành xe máy-vận tải đã làm hết sức mình để chớp thời cơ, tạo cơ hội cho bộ binh các quân đoàn, sư đoàn thẳng tới chiến trường, hợp lực đập tan ngụy quân của chính quyền Sài Gòn tay sai. 

Sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973), ta làm chủ hoàn toàn tuyến đường Trường Sơn. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, lực lượng vận tải quân sự trên tuyến vận tải hậu phương đã tổ chức tiếp nhận 5.500 ôtô và một số phương tiện đường goòng, tàu biển... để mở chiến dịch vận chuyển vật chất, vũ khí, đạn dược... bằng đường sắt, đường thủy, đường bộ lên phía trước, bàn giao cho tuyến 559 chuyển vào các chiến trường.

Cùng với các lái xe vận tải, các đoàn thợ sửa chữa cũng có mặt tại những chiến trường nóng bỏng. Xưởng X203 bấy giờ cũng cấp tốc vào chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) để sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật xe-máy công trình cho Sư đoàn 473 mở Đường 14 ở bờ Nam sông Ba Lòng. Đầu năm 1975, đơn vị lại nhận lệnh hành quân cấp tốc vào chiến trường B3 phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. Sau đó các tổ, đội của Xưởng đi theo đội hình các đơn vị, bảo đảm kỹ thuật cho cuộc hành quân thần tốc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trên tuyến vận tải chiến lược 559, ta đã cải tiến cơ cấu tổ chức, thành lập các sư đoàn ô tô để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lớn, cung dài vào các chiến trường, trong đó có những đợt chuyển quân lớn.

Một lần, Đại tá Nguyễn Văn Ninh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571, đã kể lại câu chuyện thú vị. Ngày 2-3-1975, Bộ tư lệnh Trường Sơn chuẩn bị 1.000 xe vận tải để làm nhiệm vụ cơ động Quân đoàn 1-lực lượng dự bị chiến lược của Bộ từ Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) vào Đồng Xoài chuẩn bị cho trận quyết chiến lịch sử. Sư đoàn 571 đã sắp xếp thành 3 đội hình lớn, mỗi đội hình có 3 tiểu đoàn xe, chở gọn một trung đoàn bộ binh, hành quân cách nhau 5 ngày. Chỉ trong vòng 10 ngày, Sư đoàn 571 đã sử dụng hơn 1.000 xe ô tô vận tải (cả xe dự phòng và hộ tống đi theo đội hình), cơ động đại bộ phận Quân đoàn 1 (còn để lại Sư đoàn 308 làm lực lượng dự bị chiến lược) hành quân bằng cơ giới theo Đường 22 Tây Trường Sơn đến Sê Sụ rồi tạt sang Đường 14 qua Pleiku xuống Đồng Xoài.

leftcenterrightdel

Nhân dân lưu luyến chia tay bộ đội hành quân bằng tàu hỏa vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NAM ANH 

Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 471 kể, 10 ngày đầu tháng 4-1975, Sư đoàn 471 đã cơ động gọn Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B và cơ quan Quân đoàn 3 vào Lộc Ninh. Tiếp đó Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Sư đoàn 316 cũng được xe của Sư đoàn 471 cơ động vào Đồng Xoài, Lộc Ninh đúng thời gian quy định, an toàn tuyệt đối.

Trong thời bình, ngành xe máy-vận tải Quân đội vẫn tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Không chỉ phục vụ vận chuyển quân, khí tài, hàng hóa, lực lượng xe máy-vận tải còn tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên cả nước. Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 (2020-2021), thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, hàng nghìn lượt phương tiện vận tải quân sự đã được huy động. Những chiếc xe quân sự lại trở thành “cánh tay nối dài” của tuyến đầu, thầm lặng nhưng hiệu quả. Gần đây, lực lượng vận tải của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, đặc biệt là Cục Xe máy-Vận tải, cũng đảm nhiệm nhiều phần việc quan trọng trong các hoạt động quân sự, quốc phòng lớn, như diễn tập khu vực phòng thủ, hội thao hay hỗ trợ nhân đạo quốc tế. 

50 năm trước, tiếng xe rền vang khắp Trường Sơn, nối liền hai miền đất nước trong cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc. 50 năm sau, tiếng xe lại ngân vang trong một bản hùng ca mới-bản hùng ca của đoàn kết, trách nhiệm và tình yêu nước không bao giờ vơi cạn.

Chuyển quân hôm nay, tiếng xe vẫn như xưa-cần mẫn, âm thầm nhưng đầy ý nghĩa. Đó là tiếng của ký ức, của lịch sử và của khát vọng tiếp bước cha anh. Với những người lính xe máy-vận tải chúng tôi, được đồng hành trong hành trình vinh quang ấy không chỉ là nhiệm vụ mà là niềm tự hào thiêng liêng của một thế hệ nối tiếp lịch sử bằng tất cả trái tim và sự tận hiến.

Đại tá NGUYỄN MẠNH HUÂN, Phó cục trưởng Cục Xe máy-Vận tải, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật