Với cán bộ, nhân viên cơ quan Vùng 2 Hải quân, dường như việc nghe, xem thời tiết hằng ngày đã trở thành thói quen thường trực, giống như một chế độ bất thành văn. Những thời điểm có bão xuất hiện từ xa thì việc cập nhật tin tức về thời tiết trong ngày càng dày hơn. Chúng tôi hướng về họ, những đồng đội thân yêu ở nhà giàn DK đang bảo vệ thềm lục địa phía Nam thiêng liêng của Tổ quốc một cách tự nhiên như vậy.
Có cán bộ của chúng tôi đã ví họ như những bờ kè chắn sóng trong đất liền, hoặc được xây dựng trên các đảo. Anh phân tích rằng, để bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã nối tiếp nhau nắm chặt tay, kề vai sát cánh tạo thành những bờ kè vô hình. Mỗi lần Biển Đông dậy sóng là mỗi lần những “bờ kè” ấy gồng lên. Sóng gió, bão tố, nắng nóng và hơi mặn có thể bào mòn, quật đổ nhà giàn nhưng không thể bào mòn ý chí, sự kiên trung của các anh. Trải qua thời gian, “bờ kè” ấy ngày càng được vun cao, dày hơn, uyển chuyển và càng bền bỉ hơn trước sức mạnh của bão tố.
    |
 |
Nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Ảnh: ĐẶNG ĐÔNG |
Từng nhiều lần ra với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nên tôi rất thấm thía điều đó. Dù ban ngày hay ban đêm, dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu, dù phải huấn luyện dưới nền sắt thép và cái nắng gay gắt hơn 40 độ C hay đứng dưới màn sương biển buốt lạnh thì họ vẫn kiên trung, vững vàng, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, kể cả sẵn sàng phải hy sinh.
Thực tế, trong những tình huống chống chọi với phong ba, bão tố, đã có những đồng đội của chúng tôi mãi mãi không về. Người lính nhà giàn mười tám, đôi mươi ngã xuống, thân thể của họ hòa vào mẹ biển, mang theo ước mơ, hoài bão dang dở. Các anh hòa cùng sóng biển, hóa thân thành những rặng san hô xanh biếc, kiên trung nằm lại tiếp tục bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
    |
 |
Khẩu đội 12,7mm trên nhà giàn luyện tập. Ảnh: ĐẶNG ĐÔNG
|
Mỗi lần ngoài Biển Đông có bão, trong tôi lại hiện lên câu chuyện những người lính nhà giàn. Các anh viết nên những bản anh hùng ca bất diệt, tiếp tục cổ vũ, động viên bao thế hệ một lòng kiên trung bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Còn nhớ, vào những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12-1990, sau nhiều cơn sóng to cấp 9, cấp 10 kéo dài liên tục, cao tới 14-15m thì các nhà trạm rung lắc rất mạnh. Trong hoàn cảnh phức tạp, hiểm nguy, giữa sự sống-cái chết cận kề, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn không hề nao núng. Họ vẫn bình tĩnh, nắm chắc tình hình, báo cáo đầy đủ, chính xác về sở chỉ huy các cấp và quyết không rời trạm.
Tuy nhiên, sức người nhỏ bé không thể chống chọi với sức tàn phá của thiên nhiên. Khoảng 2 giờ 5 phút ngày 5-12-1990, sau nhiều đợt sóng lớn chồm lên rồi nuốt chửng Trạm Phúc Tần (DK1/3), cuốn theo 9 cán bộ, chiến sĩ xuống biển. Giữa đêm tối mịt mù sóng dữ, các anh đã ôm chặt lấy nhau trên mảnh phao. Sau đó, tàu trực của Lữ đoàn 171 cứu được 6 đồng chí, còn 3 đồng chí khác anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại với mẹ biển, đó là: Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó chỉ huy trưởng về Chính trị; Trung úy QNCN Trần Văn Là, y sĩ và chiến sĩ Hồ Văn Hiền, cơ điện.
Mỗi khi có dịp được nghe Thiếu tá QNCN Nguyễn Hữu Tôn, nhân viên quân y của Nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) kể lại câu chuyện chống chịu với cơn bão số 8 vào tháng 12-1998, tôi và nhiều đồng đội không khỏi bùi ngùi xúc động và cảm phục những “bờ kè” ấy.
Khi bão xoáy qua, Nhà giàn Phúc Nguyên 2A rung lắc rất mạnh. Trong giờ phút ấy, chiến sĩ trẻ Hoàng Văn Thủy điện về nói với các nữ nhân viên thông tin rằng: “Chị Vân ơi! Nhà em sắp bị đổ rồi, em nhờ chị viết thư báo tin cho bố mẹ em. Bố em tên là Hoàng Văn Sơn, mẹ em tên là Lê Thị Tịnh, xóm 9 Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An...”.
Khi tần suất sóng lớn tiếp tục chồm tới, nhà giàn nghiêng hẳn sang một bên. Trước sinh mạng của đồng đội, Đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng lệnh cho anh em rời vị trí, nhưng chẳng ai nỡ rời người chỉ huy. Họ vây quanh anh, ánh mắt rực lửa quyết bám trụ đến phút cuối cùng với tinh thần “còn người là còn nhà”. Đại úy Vũ Quang Chương quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình và cầm theo cuốn sổ vàng truyền thống bỏ vào túi bảo quản.
Một cơn sóng kinh hoàng dựng đứng như vách núi, đổ sập xuống nuốt chửng nhà giàn khiến mọi người không còn chỗ đứng. Đại úy Vũ Quang Chương thét lên lệnh cho tốp đầu bám phao cứu sinh nhảy xuống biển. Chiến sĩ Thủy và Trạm trưởng Chương rời khỏi nhà giàn sau cùng. Trước khi nhảy xuống, Thủy gửi lời chào về đất liền: “Chúng em chào các thủ trưởng, chúng em đi đây”. Đồng đội dưới biển gào thét trong tiếng sóng: “Nhảy ra đi, Thủy ơi! Nhà đổ rồi...”. Thủy nhảy rồi thì Đại úy Vũ Quang Chương cùng lá cờ và cuốn sổ cũng theo anh xuống biển.
Trong dịp theo đoàn công tác ra chúc Tết ở khu vực biển phía Nam đầu năm 2018, tôi được Thiếu úy QNCN Phan Văn Trung, Nhà giàn DK1/8 kể cho nghe chuyện chống bão lẫn trong tiếng gió giật. Trung kể: "Cuối năm 2017, trước khi cơn bão số 16 quét qua khu vực DK1, chúng cháu chuẩn bị, cố định kỹ lắm rồi. Nhưng khi bão đến, mọi thứ cứ rung lên bần bật như có động đất, gió rít, sóng thì liên tục chồm tới trùm cả nhà giàn nhỏ, sáng ra tan hoang hết cả chú ạ!".
Nhìn vào mắt Trung, tôi hỏi: “Cháu có sợ không?”.
Chẳng hề ngại ngần, cậu chia sẻ: “Nhà giàn mới chắc chắn lắm, với lại các chú, các anh trong bờ cũng gọi điện ra động viên suốt, cháu chẳng sợ!”.
Câu nói vô tư nhưng thể hiện rõ bản lĩnh bộ đội nhà giàn của Trung khiến chúng tôi ấm lòng. Dẫu còn khó khăn, vất vả, đối diện với hiểm nguy nhưng họ vẫn kiên định vững vàng bám trụ canh giữ nhà giàn. Có những người gắn bó với nhà giàn hàng chục năm mà vẫn muốn tiếp tục ở lại với biển, với nhà giàn, tiêu biểu như Trung tá Bùi Xuân Bổng, Nhà giàn Ba Kè (30 năm); Trung tá Bùi Đình Dong, Nhà giàn DK1/16 (29 năm); Trung tá QNCN Phạm Văn Hướng, Nhà giàn DK1/19 (27 năm)... Hiện nay, tôi biết có những trường hợp rất khó khăn nhưng vẫn bám trụ vững chắc ở nơi đầu sóng ngọn gió. Ví như Thiếu tá Lê Hoàng Sáng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/12 có con nhỏ và bố đẻ bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau điều trị dài ngày, tốn kém. Hay như Đại úy Bùi Thanh Hưng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/9 có con gái bị bệnh nặng. Họ bỏ lại phía sau những lo toan để trụ vững, đảm đương tốt vai trò điểm tựa sức mạnh tinh thần của bộ đội nhà giàn.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bộ đội nhà giàn còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Lính nhà giàn sẵn sàng chia sẻ tất cả với bà con ngư dân, từ chút thức ăn, thuốc men, nước ngọt để cùng ngư dân giữ đảo, canh trời. Các anh còn là ân nhân cứu sống biết bao ngư dân giữa bão tố trùng khơi.
Tối 27-4-2020, sau nhiều giờ vật lộn với sóng biển, khi không còn nước uống, lương thực, những ngư dân trên tàu cá QNa 95654 TS tưởng chừng không còn hy vọng sống tiếp. Giữa đêm tối mù mịt, ở phía xa xuất hiện những tia sáng yếu ớt, nhen nhóm cho họ có cơ hội sống. Đến 22 giờ cùng ngày, tất cả 30 ngư dân được cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/11 cứu sống, chăm sóc.
Bác Hồ Ni, ngư dân trên tàu cá QNa 95654 TS, sau khi về bờ đã xúc động chia sẻ với chúng tôi rằng: “Lúc bị nạn, tôi nghĩ mình không sống được nữa, nhưng may mắn vớt được 4 cái thúng, lênh đênh trên biển, rồi khi nhìn thấy ánh đèn của bộ đội nhà giàn thì tôi biết là mình được sống rồi. Tôi cảm thấy may mắn như được sinh ra lần thứ hai. Cảm ơn bộ đội nhà giàn đã kịp thời cứu giúp, khám bệnh, nhường cơm cho bà con ngư dân chúng tôi”.
Hoàng hôn buông xuống, mặt nước biển dần bị nhuộm đen, đó cũng là thời khắc của nhớ nhung bùng cháy. Khi bóng tối bao phủ, trên nhà giàn nhỏ nhoi giữa biển, ánh đèn vẫn sáng. Nơi ấy có những trái tim trai trẻ nóng hổi, luôn tràn đầy nhiệt huyết. Họ hiên ngang, bất khuất, kiên cường trước giông tố, kẻ thù và tạo ra một biểu tượng để chúng ta tin tưởng, vươn lên sống đẹp hơn, tốt hơn, ý nghĩa hơn.
Đại tá PHẠM NGỌC QUÝ (Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân)