Khi tìm hiểu, phân tích và đánh giá bản lĩnh của một người, một tập thể nào đó, các nhà nghiên cứu thường dựa vào những tình huống, sự việc diễn ra trong thời điểm khó khăn, phức tạp, nhiều thách thức ở các mức độ khác nhau và kết quả đạt được để xem xét. Đối với các y tá, y sĩ, bác sĩ Quân đội, bản lĩnh kiên cường, vượt khó khăn, gian khổ và sáng tạo được thể hiện rất rõ trong chiến tranh, đặc biệt là trong suốt giai đoạn dài của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua nghiên cứu lịch sử của ngành quân y, tôi nhận thấy, trong bất kỳ một chiến dịch quân sự nào, quân y luôn là lực lượng vô cùng quan trọng.

Điển hình như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh của lực lượng quân y đã được thể hiện qua tin tưởng vào chiến thắng của chiến dịch, luôn đưa ra những quyết định đúng đắn, có nhiều sáng kiến về cách thức tổ chức, bố trí lực lượng; động viên tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ để cứu chữa, chăm sóc thương binh. Trong bài viết: “Một lòng một dạ vì chiến sĩ, vì chiến thắng” trong cuốn “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành, tác giả Hồng Dân đã ghi lại lời kể của bác sĩ Vũ Văn Cẩn (1915-1982), nguyên Cục trưởng Cục Quân y (sau này là Thiếu tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế). Thời điểm đó, ông là Trưởng ban Quân y Chiến dịch. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã cùng các cộng sự phác thảo kế hoạch xây dựng phòng mổ trong lòng đất. Họ đào moi vào ruột núi, đất sụt xuống thì dùng gỗ chống. Xong lại xoay ra đào hầm lộ thiên, rồi lát cây, đắp đất lên làm nắp. Làm xong phòng mổ, lại đào những đường hào tỏa khắp xung quanh, lại làm thêm các hầm kho thuốc, hầm thay băng và hàng trăm hầm nhỏ cho thương binh ở. Sau khi làm xong bệnh viện trong lòng đất thì mời các đội điều trị trên toàn mặt trận về tham quan, rút kinh nghiệm.

leftcenterrightdel

Cán bộ, học viên Học viện Quân y lên đường vào phía Nam chống dịch năm 2021. Ảnh: QUỐC TRỊ 

Sau khi đánh Him Lam mở màn chiến dịch, lực lượng quân y đã cứu chữa, chăm sóc tốt thương binh, bệnh binh, góp phần ổn định lực lượng chiến đấu. Nhưng vào giai đoạn 2 của chiến dịch, tính chất ác liệt của cuộc chiến khiến công tác quân y bị quá tải. Tìm đọc hồi ức của các cán bộ, chiến sĩ quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi mới thấy được sự kiên cường vượt khó của y tá, y sĩ, bác sĩ trong chiến đấu gian khổ, ác liệt. Có y sĩ đã kể lại rằng, khi nhiều thương binh phải làm việc liên tục hàng chục ngày đêm không ngủ, đến giờ thay nhau ăn cơm... Các chiến sĩ quân y đã phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Có những lúc quá đông thương binh đến độ hết băng, bông, thuốc giảm đau.

Cũng theo bác sĩ Vũ Văn Cẩn kể lại trong cuốn sách trên: “Buổi tối, chúng tôi sang đến phía Đông, tìm vào một đội điều trị. Mấy đồng chí thầy thuốc đang làm việc trong phòng mổ, dưới ánh sáng của một ngọn đèn pha xe đạp. “Máy phát điện” của họ là một cái bình điện xe đạp và một cái guồng quay tay làm bằng bánh, đĩa, xích xe đạp”.

Không chỉ chăm sóc, cấp cứu cho thương binh mà lực lượng quân y còn đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác. Từ cho thương binh đi vệ sinh, giặt giũ quần áo đến ăn uống với phương châm coi thương binh như người thân của mình. Nếu có ai hy sinh, y tá làm luôn cả việc khâm liệm, đêm đến còn phải đốt đuốc đi coi thi thể đồng đội vì sợ lũ beo, sóc quấy phá.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác quân y ở mặt trận rất gian khổ và thiếu thốn. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã ghi lại trong nhật ký ngày 23-4-1968 những lời như sau: “Một ngày mệt nhọc vô cùng. Ba ca thương nặng vào một lúc. Suốt một ngày đứng bên bàn mổ đầu óc căng thẳng vì những vết thương, vì tiếng khóc xé ruột xé lòng của chú Công (cha Hường) và vì những tin buồn dồn dập”...

Thời bình, quân y là ngành được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm chăm lo xây dựng rất toàn diện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của toàn ngành được đầu tư nâng cấp; bộ mặt của các bệnh viện, nhà trường, cơ sở quân y được đổi mới, khang trang, chất lượng chuyên môn được củng cố và nâng cao. Các bệnh viện lớn của ngành và nhiều cơ sở quân y được xây dựng mới, trang bị hiện đại, có những thiết bị hàng đầu thế giới, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, cấp cứu, điều trị, cứu chữa thương binh, bệnh binh, bộ đội và nhân dân. Quân y các tuyến đã vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại, ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu như: Ghép mô, ghép tạng, ghép đa tạng, ghép chi thể từ người cho sống...

leftcenterrightdel

Bác sĩ tổ cấp cứu cơ động của Học viện Quân y đến một gia đình ở TP Hồ Chí Minh cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: QUỐC TRỊ 

Đi liền với sự đầu tư sâu về đào tạo và cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật ấy thì bản lĩnh của bộ đội quân y cũng được nâng cao. Trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng quân y toàn quân đã quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và phương châm “Sớm hơn và nhanh hơn một bước”. Với sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng quân y toàn quân đã xung kích, đi đầu trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng ngăn chặn, khống chế dịch Covid-19.

Ngay từ những ngày đầu dịch khởi phát, Quân đội là lực lượng xung kích trên tuyến đầu trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Hàng nghìn thầy thuốc, điều dưỡng ở các bệnh viện và giảng viên, cán bộ quản lý, học viên của Học viện Quân y đã lên đường vào phía Nam để phòng, chống dịch trong thời gian dài.

Học viện Quân y vốn là cơ sở đào tạo lớn nhất về y tế trong Quân đội. Ở thời điểm bình thường, Học viện luôn có khoảng 3.500-4.000 học viên. Nhưng thời điểm diễn ra dịch Covid-19 thì tất cả hoạt động giáo dục và đào tạo tạm ngưng. Thời điểm đó, lúc cao điểm có khoảng 3.000 lượt giảng viên, bác sĩ sau đại học, học viên của Học viện Quân y đã vào phía Nam, làm việc ở các bệnh viện dã chiến hoặc tăng cường đến các cơ sở y tế... để thu dung, điều trị và chia sẻ những bệnh nhân nặng đối với các bệnh viện khác... Có những lúc, quân số của Học viện Quân y tại Hà Nội chỉ còn 132 sinh viên, đủ để đi canh gác, còn gần như học viên đều học ở “chiến trường” phía Nam. Các tổ lưu động gồm có các bác sĩ quân y và sinh viên quân y xuống phối hợp cùng với y tế cơ sở đi xe máy, xe đạp, vào từng ngõ ngách chăm sóc cho người dân. Các chiến sĩ quân y thực hiện phối hợp với nhau để làm việc, phát hiện, tư vấn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bà con không chỉ Covid-19 mà cả các bệnh khác ngay tại nhà.

Bản thân cũng là một thành viên đi chống dịch, tôi nhận thấy rằng, tại thời điểm đó, quân y ở các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 và lực lượng phục vụ trong các khu vực cách ly, quân y ở các điểm tiêm chủng... luôn chịu áp lực căng thẳng, hoạt động vượt quá khả năng sức lực trong thời gian dài. Thế nhưng, bằng bản lĩnh kiên cường, chúng tôi đã vượt qua và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ với tất cả tinh thần trách nhiệm cùng ý chí quyết tâm cao nhất. Rất nhiều thầy thuốc trẻ sẵn sàng hoãn đám cưới, gác mọi chuyện đại sự của gia đình để tập trung vào nhiệm vụ trước mắt chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.

Thời bình, trong thời kinh tế thị trường, mặt bằng về thu nhập của các y, bác sĩ Quân đội có phần khó khăn và thấp hơn so với các đồng nghiệp ở bên ngoài. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề cốt yếu làm giảm đi bản lĩnh của bộ đội quân y. Tôi được biết rằng, nhiều y, bác sĩ đã vừa công tác vừa học tập để nâng cao trình độ. Vừa rồi, khi công tác ở Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần-Kỹ thuật, Quân khu 1), tôi có gặp gỡ một nữ bác sĩ trẻ và là học viên cũ, tôi rất cảm phục nghị lực, bản lĩnh của em.

Em cho biết, gặp nhau trong cuộc chống dịch Covid-19 ở phía Nam rồi nên duyên vợ chồng. Chồng em cũng là bác sĩ quân y công tác ở một bệnh viện khác và hiện đang theo học chuyên khoa 1. Để làm tròn công việc và mục tiêu người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, để có điều kiện nâng cao trình độ trong lúc thu nhập từ đồng lương chưa đáp ứng đầy đủ các chi phí, vợ chồng em phải nhờ sự hỗ trợ của hai bên gia đình trong việc chăm sóc con cái... 

Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ, dù không muốn lấy ra để so sánh với những nhiệm vụ lớn lao, nhưng tôi muốn nói rằng, bản lĩnh của các thầy thuốc quân y có được là do được học tập, rèn luyện từ việc nhỏ. Từ khắc phục khó khăn trong cuộc sống đến khắc phục những khó khăn trong công việc phục vụ, chăm sóc, khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân. Chính bản lĩnh ấy đã giúp các y, bác sĩ có ứng xử đúng trong công tác và góp phần tô thắm giá trị phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Thượng tá, PGS, TS ĐỖ NGỌC ÁNH