Gặp tôi tại một sự kiện kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành quân y (16-4-1946/16-4-2024), Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang đã thông tin, anh vừa từ chối lời mời về làm việc của mấy cơ sở y tế lớn ở Hà Nội. Anh bảo: "Tới đây, tớ tiếp tục tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở quê và chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học. Hiện tớ tiếp tục làm giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Gây mê-Hồi sức của Học viện Quân y và Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108".

Anh vẫn vậy, sôi nổi, hào hứng, hóm hỉnh và tươi trẻ. Từ lúc về nghỉ hưu, tôi thấy nước da trên khuôn mặt tròn và vầng trán cao của anh có phần hồng hào hơn. Trò chuyện với anh, người bác sĩ quân y mang tên sông Vân, biểu tượng vùng đất Ninh Bình thơ mộng tâm sự, làm thầy thuốc chữa bệnh, cứu người luôn là niềm tự hào, hạnh phúc vô bờ bến, và nghiên cứu được một phương pháp điều trị hiệu quả, giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân cũng là mục tiêu cao cả mà anh theo đuổi.

Cuối năm 2018, sau khi bàn giao chức vụ Giám đốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 5, Cục Hậu cần Quân khu 3 (BVQY 5 nay thuộc Quân đoàn 12), anh “xách ba lô” lên nhận quyết định Phó cục trưởng Cục Quân y. Từ đây, TS Nguyễn Vân Giang thường xuyên ở tập thể. Thế nên, với anh em Phòng Chính trị chúng tôi, những người hay phải tăng ca vì nhiều việc đột xuất, anh như người thân trong gia đình. Ở anh, chúng tôi thấy được sự cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu, chắc chắn của người thầy thuốc và một nhà tâm lý. Anh luôn sôi nổi, lạc quan, biết cách truyền cảm hứng, niềm tin cho những người bên cạnh. Hơn 42 năm công tác, anh để lại dấu ấn sâu đậm với đồng đội, đơn vị, là tấm gương sáng tạo, hết lòng vì bệnh nhân và một người luôn khát khao vươn lên trau dồi y đức, nâng cao y thuật.

leftcenterrightdel

Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang (thứ hai, từ trái sang) chỉ đạo hội thi của ngành quân y năm 2019. Ảnh: HÀ TRUNG 

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cục Quân y nhiệm kỳ 2020-2025, anh được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Từ đó, anh gắn bó với chúng tôi hơn. Trừ những ngày nghỉ về quê ở TP Ninh Bình và khi đi công tác xa, buổi tối, sau 20 giờ, anh và chúng tôi lại có dịp ngồi với nhau bên ấm trà. Tôi nhớ, trước Tết Quý Mão 2023, anh gọi tôi sang phòng. Thấy anh có chút căng thẳng, khác với thái độ vui vẻ thường nhật, tôi hỏi:

- Có gì không vui mà anh gọi em đột xuất vậy?

- Không, mình chỉ hơi băn khoăn. Biết tin mình sắp nghỉ hưu, nhiều anh em trong ngành mời đi làm việc ở các bệnh viện. Từ chối cũng khó mà nhận lời cũng khó Hóa ạ.

- Theo em, anh cứ nghỉ ngơi. Bao năm xa nhà biền biệt, cũng phải dành thời gian cho gia đình chứ!

- Ờ, cậu nói đúng! Anh em mình không nên quá lạm dụng “lòng tốt của vợ”, cho dù đã được hiểu và thông cảm.

Thế rồi anh chia sẻ với tôi những kỷ niệm, dấu ấn trong cuộc đời quân ngũ của mình.

Năm 1981, thi đỗ vào Học viện Quân y, chàng trai Nguyễn Vân Giang quê ở xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nuôi trong mình bao hoài bão. Tháng 7-1987, Nguyễn Vân Giang tốt nghiệp bác sĩ quân y và được điều động về Trung đoàn 159, Mặt trận 779 (Quân khu 7) với chức danh Phó đại đội trưởng Đại đội Quân y 24. Đây là đơn vị cơ động của Mặt trận, đứng chân tại phum Ta Barok, huyện Chamkar Leu, tỉnh Kampong Cham, Campuchia.

Trong hai năm ở chiến trường đầy khó khăn, bác sĩ Giang đã huấn luyện y tá tại chỗ 4 lớp, bổ sung 120 y tá cho các đơn vị chiến đấu của Trung đoàn 159. Anh trực tiếp cấp cứu, điều trị nhiều chiến sĩ bị thương và sốt rét. Kỷ niệm ám ảnh anh là những lần phải cắt cụt chi theo kiểu “bút chì” cho đồng đội.

Thời điểm đó, bọn tàn quân Pol Pot hay phục kích trên con đường từ Kampong Cham đến Kampong Thom, nơi bộ đội ta cơ động. Chúng cài mìn chống bộ binh đè nổ 652B rất đáng sợ. Mũi chân người lính nhấc khỏi mặt mìn là nổ ngay. Khi cấp cứu chắc chắn phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng chân. Còn nếu điểm chạm mìn là gót thì phải cắt cụt 1/3 trên cẳng chân, thậm chí phải tháo khớp gối. Những lần phẫu thuật như thế, bác sĩ Giang cùng kíp mổ phải căng mình xử lý những vết thương và chỉ cắt tối thiểu phần chi thể bị giập nát của thương binh. Phương pháp phẫu thuật cắt cụt chi kiểu “tròn phẳng” này nhằm chuyển thương binh về tuyến sau an toàn, tránh những biến chứng, hoại tử, nhiễm trùng, cứu sống tính mạng và giúp thương binh ít bị tàn phế nhất, tạo thuận lợi khi phục hồi chức năng và lắp chi giả sau này.

Những tháng mùa mưa, bác sĩ Giang tập trung tinh thần, ý chí để cấp cứu bộ đội bị sốt rét và sốt rét ác tính trong điều kiện dã chiến, thiếu thuốc và trang bị y tế. Có bệnh nhân bị sốt rét ác tính đến hơn 41 độ C. Gặp trường hợp ấy, anh lập tức triển khai cấp cứu, truyền dịch, hạ sốt bằng mọi biện pháp rồi lên phác đồ điều trị. Lúc ấy, quân y tự pha chế dịch truyền từ Natriclorua 9 phần nghìn và Glucose 5% rồi truyền, giúp bệnh nhân hạ sốt, bù nước, điện giải... Khi tỉnh và cắt sốt, có bệnh nhân ngơ ngác hỏi: “Em đang ở đâu?”.

Thời ấy, một trong những sáng kiến có giá trị của bác sĩ Giang là dùng nhựa lá cây đại thấm vào giấy bản, đắp lên các vết tiêm điều trị sốt rét cho bộ đội. Thực tế ở chiến trường, khi bị sốt rét, mỗi ngày y tá tiêm mông cho bệnh nhân 2 mũi thuốc Quinin Sulfat kéo dài trong 5-7 ngày. Những vết tiêm ấy rất đau đớn, có chiến sĩ bị sưng tấy, áp xe. Khi đắp nhựa cây đại, người bệnh đỡ đau rất nhiều, đi lại dễ dàng hơn, tỷ lệ áp xe giảm hẳn.

Sau khi về nước, tháng 7-1991, bác sĩ Giang được điều động về công tác tại Khoa Phẫu thuật-Gây mê hồi sức, BVQY 5. Ngay sau đó, anh được điều động làm Tổ trưởng Tổ quân y tăng cường cho đảo Cô Tô thuộc Trung đoàn 242, Quân khu 3. Anh hóm hỉnh kể, ở đảo, ngoài chăm sóc tốt cho sức khỏe bộ đội, đóng góp lớn nhất của mình cho nhân dân ở đảo là đã đỡ đẻ 16 ca mẹ tròn con vuông.

Thời gian công tác ở đảo Cô Tô, có một ca bệnh mà anh nhớ mãi. Một chiều mưa dông tháng 8-1992, anh Giang nhận điện từ quân y đảo Thanh Lân gọi sang tham khảo xử lý trường hợp một cô gái tên Dinh, 18 tuổi, quê Thái Bình, ra đảo Thanh Lân lập nghiệp bị đau bụng hố chậu phải, nghi viêm ruột thừa cấp. Tổ quân y bên đó cũng có bác sĩ nhưng thiếu dụng cụ và chưa có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật. Nhận thấy nếu đưa bệnh nhân bằng thuyền gỗ về đất liền trong điều kiện đêm tối, sóng to gió lớn sẽ rất nguy hiểm, anh Giang đã xin ý kiến chỉ huy đảo Cô Tô quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Đưa bệnh nhân vượt biển từ đảo Thanh Lân sang Cô Tô trong cơn dông biển đã khó, nhưng khi phẫu thuật cho bệnh nhân càng khó hơn. Lúc ấy, không hiểu sao đèn măng xông vụt tắt, kíp mổ phải phẫu thuật dưới ánh sáng của một chiếc đèn pin. Rất may, ca mổ thành công.

Trở về BVQY 5, bác sĩ Giang phấn đấu và được bổ nhiệm Phó trưởng khoa rồi Trưởng khoa Phẫu thuật-Gây mê hồi sức. Trong gần 18 năm phục vụ ở đây, bác sĩ Giang đã cùng với cán bộ, nhân viên gây mê bảo đảm phẫu thuật thành công cho hàng nghìn bệnh nhân, hồi sức cấp cứu cho nhiều trường hợp nặng như sốc đa chấn thương, chấn thương sọ não nặng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp... Trong đó có một ca cấp cứu phức tạp mà anh không thể nào quên khi đang giữ cương vị Trưởng khoa Phẫu thuật-Gây mê hồi sức.

Buổi chiều tháng 10-2003, khi anh đang nghỉ ở nhà sau ca trực thì nhận được điện vào đơn vị gấp. Đến nơi, anh thấy một chiếc công nông đỗ ở đường nội bộ Bệnh viện trước cửa Khoa Phẫu thuật-Gây mê hồi sức, có nhiều người vây quanh. Trên thùng xe là chiếc máy làm gạch và một người đàn ông tên Hoàng Văn Uy, 36 tuổi ở xã Ninh Phong, huyện Hoa Lư (nay là phường Ninh Phong, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) bị dính chặt vào phễu của máy làm gạch. Do mải đạp đất đưa vào máy mà chân trái của Uy đã bị cuốn vào bên trong. Những người làm cùng phát hiện và ngắt máy thì chân của anh Uy đã bị cuốn sâu đến tận bẹn. Lúc này, da bệnh nhân đã tím tái, mất mạch ngoại vi do sốc chấn thương và mất nhiều máu. Không thể lấy được bệnh nhân ra nên những người làm cùng đã đưa nguyên cả chiếc máy làm gạch và bệnh nhân lên xe công nông rồi chở đến bệnh viện.

Trong tình huống ngặt nghèo ấy, bác sĩ Giang xin ý kiến lãnh đạo và nhanh chóng triển khai hồi sức, phẫu thuật khẩn cấp ngay tại chỗ. Dây điện được kéo tới, bóng điện được mắc và những tấm vải trắng quây kín chiếc xe công nông tạo thành phòng mổ dã chiến. Anh mặc đồ mổ cùng với kíp mổ tiến hành truyền dịch, truyền máu, đặt nội khí quản và gây mê cho nạn nhân đang trong tư thế ngồi. Bác sĩ Trần Đức Thủy tiến hành phẫu thuật tháo khớp háng. Ngay sau  đó, bệnh nhân được khẩn trương cầm máu rồi đưa nhanh vào phòng mổ tiếp tục phẫu thuật sửa mỏm cụt và hồi sức tích cực. Những ngày sau, bệnh nhân tỉnh táo và dần hồi phục... 

Trong hơn 27 năm công tác tại BVQY 5, Đại tá, TS Nguyễn Vân Giang được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen về thành tích trong nghiên cứu khoa học; Bộ tư lệnh Quân khu 3 và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu “Lao động sáng tạo". Anh đoạt giải nhì Giải thưởng Hoa Lư của UBND tỉnh Ninh Bình với đề tài "Giải pháp giảm đau ngoài màng cứng bệnh nhân tự điều khiển". Nhiều năm anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2005, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu 3. Năm 2021, anh được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì... 

Thượng tá VŨ THANH HÓA, Chủ nhiệm Chính trị Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần

(còn nữa)