Sau gần hai giờ chờ đợi, tôi sướng rơn vì kéo được Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Bệnh viện ra khỏi Hội thi Điều dưỡng viên giỏi, thanh lịch năm 2023. Bên hành lang hội thi náo nhiệt, anh Chinh chỉ tay về phía những hàng cây trong khuôn viên Bệnh viện mà rằng, bí quyết xây dựng thương hiệu “lính quân y xứ Đoài” bắt đầu từ những hàng cây này.

Lạ quá!

Nhiệm vụ chính của Bệnh viện thì phải làm tốt công tác khám, chữa bệnh, rèn y đức chứ liên quan gì đến cây. Cứ tình hình này thì tôi bị “cháy giáo án” chứ chẳng chơi. Dù lo lắng nhưng tôi vẫn tò mò hỏi: “Để làm gì hả anh?”.

- Thì để lấy bóng mát, lấy màu xanh. Nhưng rộng hơn là chúng tôi trồng cây để trồng người và tiến tới những mục đích cao, xa hơn.

Bằng chất giọng đặc trưng của người Quỳnh Lưu, Nghệ An, anh Chinh hào hứng như một diễn giả, khiến tôi "mắt tròn, mắt dẹt"!

- Ở Bệnh viện được trồng cây có cắm biển tên là niềm tự hào và kiêu hãnh. Thế nên người trồng phải gánh trên vai cái nghĩa, cái tình, qua đó phát huy trách nhiệm, chăm cho cây xanh tốt. Hiện nay, để “giành” được đất trồng cây không dễ. Không có thành tích, không có uy tín, không đạt danh hiệu thi đua và không được bổ nhiệm thì khó có đất trồng cây. Thế là cán bộ, y, bác sĩ thi đua làm tốt chức trách, nhiệm vụ để có đất và được trồng cây. Với cách làm đó, đến nay, cây xanh đã phủ khoảng 40% diện tích đất của Bệnh viện. Mặt khác, tinh thần đoàn kết, kết quả cấp cứu, khám, chữa bệnh và điều trị cũng tăng đáng kể. Nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp được ứng dụng. Thói quen làm việc chậm chạm, lề mề và những lỗi khuyết về chuyên môn trong phối hợp giữa các khoa, ban cũng bị loại bỏ. Người bệnh ở xa tìm đến khám, điều trị là do tin vào y đức, y thuật của y, bác sĩ Bệnh viện. Đó là phần thưởng vô giá!    

leftcenterrightdel

Đại diện Bệnh viện Quân y 105 trao quà tặng bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TRANG HẢI

Tôi thừ người vì cái triết lý đơn giản mà rất sâu sắc, rất đời và cũng rất logic của Giám đốc Nguyễn Văn Chinh.

Anh Chinh tiếp tục trải lòng, với thầy thuốc, chữa bệnh cứu người là mệnh lệnh không lời. Mỗi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện không chỉ hàm chứa y lý, y thuật và y đức của đội ngũ y, bác sĩ mà cao hơn cả là tình người của “lính quân y xứ Đoài” tặng bệnh nhân. Tiếng lành bay xa giúp Bệnh viện thêm động lực. Thế nên, hiện nay, việc tự học nâng cao trình độ ở Bệnh viện là yêu cầu đã thành tự giác. Cách đây 2 tuần, Bệnh viện có hơn 40 y, bác sĩ tốt nghiệp văn bằng hai cử nhân tiếng Anh. Đây là nền móng để các thầy thuốc đọc tài liệu nước ngoài, đọc tạp chí y học của thế giới, nâng cao y thuật và nghiên cứu cho ra các sáng kiến, sáng chế, đề tài khoa học ứng dụng trong thực tiễn.

Để chứng minh cho thông tin vừa rồi, Giám đốc Nguyễn Văn Chinh cho mời Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Trang, Tổ trưởng tổ vận động, tiếp nhận tài trợ đến. Thế nhưng cuộc trò chuyện của tôi với Trang chưa bắt đầu thì đã bị gián đoạn vì tiếng chuông điện thoại. Nghe xong, Trang báo cáo với Giám đốc Nguyễn Văn Chinh, vợ chồng anh chị Oanh làm việc ở Công đoàn Y tế Việt Nam và những người bạn đã tài trợ cho một bệnh nhân 9.500.000 đồng.

Sau này Trang tiết lộ cụ thể hơn với tôi, ngày 2-8, Bệnh viện tiếp nhận một ca cấp cứu khá nghiêm trọng và có hoàn cảnh éo le là bệnh nhân Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 2005), quê xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Phúc bị tai nạn giao thông tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương, chấn thương sọ não, khuyết xương sọ... Qua người thân thì biết được bố Phúc mất sớm, mẹ đi bước nữa, hai anh em ở cùng ông bà, nhưng ông bà cũng đã mất cách đây 4 năm. Hiện tại anh em Phúc nương tựa vào chị của bố vốn bị tật một bên cánh tay. Phúc nghỉ học đi đưa hàng thuê thì bị tai nạn. Sau khi mổ, điều trị, Phúc đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sắp được ra viện. Song hành với đội ngũ thầy thuốc điều trị cho Phúc, các thành viên trong Ban Công tác xã hội trong đó có chị Nguyễn Thị Trang đã vận động được hơn 50.000.000 đồng để giúp đỡ. Cũng qua chị Trang tôi được biết thêm một giá trị mới về tình người, góp phần làm nên chất của “lính quân y xứ Đoài".

leftcenterrightdel
 Bệnh viện Quân y 105 tổ chức Hội thi Điều dưỡng viên giỏi, thanh lịch năm 2023. Ảnh: TRANG HẢI

Buổi trưa, tôi rảo bước trong hành lang khu điều trị của Bệnh viện để tìm gặp Trung tá Phan Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Nội tim-Thận-Khớp. Theo như lời giới thiệu của Giám đốc Nguyễn Văn Chinh, Phan Anh Tuấn là một cán bộ rất gương mẫu, giỏi nghề và gặt hái được nhiều thành tích. Khi đang ngó nghiêng thì một giọng nữ rất nhẹ ở bên tai: “Anh tìm ai ạ?”.

- Tôi tìm Chủ nhiệm khoa Phan Anh Tuấn có chút việc.

- Vâng, em đưa anh đến.

Vừa đi tôi vừa gợi chuyện. Thì ra người chỉ đường cho tôi là y sĩ Ngô Huyền Diệu, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Diệu cùng với 5 y sĩ khác người dân tộc thiểu số được cử đi học chuyển giao kỹ thuật ở nhiều khoa của Bệnh viện đã hơn một tháng nay. Diệu học quy trình phụ mổ, cung cấp dụng cụ mổ cho bác sĩ. Diệu tâm tình, về đây, em được tiếp xúc với nhiều trang, thiết bị mới, rất hiện đại. Nhưng quan trọng là học được tính kỷ luật rất cao trong công tác, đặc biệt là tinh thần phục vụ, chăm sóc người bệnh.

Đến nơi, trong khi chờ Chủ nhiệm khoa Phan Anh Tuấn mở cửa, tôi hướng mắt dõi theo bước chân đều đều và bóng áo trắng của Diệu. Tôi chợt nghĩ đến những chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện. Anh Sáng kể, 10 năm qua, Bệnh viện đã kết hợp với ngành y tế tỉnh Cao Bằng, tặng thiết bị và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế cấp xã. Tới nay, đã có 2 bệnh viện tuyến huyện do Bệnh viện giúp đỡ đạt chuẩn hạng 2 và đang tập trung giúp Bệnh viện Đa khoa huyện Trùng Khánh. Các y, bác sĩ về Bệnh viện học tập đều được giúp đỡ nhiệt tình. Họ được học và rèn tác phong công tác như thầy thuốc Quân đội.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh Sáng kể, theo lịch sử, tiền thân của Bệnh viện hiện nay là Đội phẫu thuật lưu động được thành lập ngày 1-9-1950 tại bản Chang, xã Quốc Phong thuộc huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa), tỉnh Cao Bằng; sau đổi tên thành Đội Điều trị 5 do bác sĩ Trần Mạnh Chu làm Đội trưởng. Từ mấy chục năm qua, năm nào Bệnh viện cũng tổ chức hành quân về nguồn để tri ân. Hơn 10 năm nay, ngoài bồi dưỡng nhân lực, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật y tế, Bệnh viện còn tổ chức các hoạt động xã hội. Có thời điểm thì biểu diễn văn nghệ, phục vụ đồng bào và tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.

Anh Sáng nhớ mãi kỷ niệm mùa thu năm 2022 cùng chỉ huy và đồng đội hành quân vào xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Ngai 92 tuổi, ở bản Un. Khi cách nhà mẹ Ngai hơn 3km thì xe phải dừng lại vì đường rất khó đi. Đoàn công tác phải trèo đèo lội suối khiêng vác đủ thứ mới vào được nhà. Anh Sáng kể rằng, khi nhìn lên tường nhà mẹ Ngai, anh thấy 3 tấm Bằng Tổ quốc ghi công đã ố vàng theo thời gian. Mắt anh cay cay. Chiến tranh đã để lại những vết thương cho dù có cố gắng hàn gắn thế nào thì cũng không thể bù đắp bao mất mát, hy sinh. Gánh nặng ấy dồn cả lên đôi vai gầy mòn của mẹ Ngai bởi chồng và hai con trai của mẹ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Câu chuyện về mẹ Ngai đã giúp cho các thế hệ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của tình người, tình đồng chí và đặc biệt là tinh thần cống hiến, hy sinh của người lính.

Theo xu thế phát triển, đến nay, Bệnh viện-“ngôi nhà thứ hai” của hơn 800 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên, lao động hợp đồng, chiến sĩ ngày càng được đầu tư khang trang; phương tiện khám, chữa bệnh và điều trị cũng hiện đại hơn. Để xứng đáng hơn với niềm tin mà nhân dân dành tặng và không ngừng bồi đắp truyền thống, thương hiệu “lính quân y xứ Đoài”, các “chiến sĩ áo trắng” của Bệnh viện đã vượt lên mọi khó khăn, thậm chí vượt qua cả cám dỗ về lợi ích vật chất để đồng sức, đồng lòng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả chữa bệnh, cứu người.

Năm 2022, Bệnh viện Quân y 105 đã thông qua 27 đề cương nghiên cứu khoa học (NCKH), 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở; nghiệm thu 13 đề tài NCKH cấp cơ sở và 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Tham gia dự thi Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22 năm 2022 đoạt 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích. Năm 2023, Hội đồng khoa học của Bệnh viện đã nghiệm thu 5 đề tài NCKH; thông qua 35 đề cương NCKH và sáng kiến, trong đó có 28 đề tài NCKH và 7 sáng kiến giải pháp (trong đó có 2 sáng kiến đoạt giải nhất và giải ba cấp Tổng cục Hậu cần). Năm 2019, Bệnh viện thành lập Ban Công tác xã hội. Tính đến nay, Tổ vận động tiếp nhận tài trợ đã vận động, tiếp nhận hơn 1 tỷ đồng và hỗ trợ 50 bệnh nhân nghèo, gia cảnh khó khăn. Hằng năm, Bệnh viện chi hàng trăm triệu đồng phục vụ công tác chính sách xã hội, tri ân người có công, gia đình chính sách ở các địa phương

MẠNH THẮNG