Thiếu tá Đặng Ngọc Cương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 887 (Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) dẫn chúng tôi đi dọc bờ kè ven chân sóng. Tiếng anh nói át cả tiếng gió: “Từ năm 2022 và 7 tháng năm 2023, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thi công gần 30 hạng mục công trình, năng suất bảo đảm 110% kế hoạch. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng cán bộ, chiến sĩ đã chạy đua với thời gian kịp thời vận chuyển ra đảo hàng trăm tấn hàng, đào đắp gần 6.000m3 đất đá...”. Theo những con số mà Thiếu tá Đặng Ngọc Cương cho tôi biết, với số lượng công việc như vậy, việc thi công ở đất liền cũng đáng nể, đằng này, các anh thi công giữa biển khơi trong điều kiện sóng to gió lớn, thời tiết khắc nghiệt...

Trung úy QNCN Trương Hoài Nam là tay lái “lụa” chuyên vận chuyển hàng hóa, vật liệu cùng anh em thi công trên đảo Hòn Khoai heo hút của tỉnh Cà Mau. Vì nhiệm vụ nên anh Nam đành gác việc riêng, cả ngôi nhà cũ kỹ ở quê nhà Vĩnh Phúc chưa có thời gian sửa sang, mọi việc trong gia đình, anh đều phó thác cho vợ là chị Trần Thị Hồng Thắm, công nhân dệt may, ở nhà đảm nhiệm. Người lái xe xông xáo, nhiệt tình xung phong ra xây dựng công trình trên đảo, tâm sự: “Công việc của bộ đội công binh đòi hỏi phải cụ thể, tỉ mỉ, độ chính xác cao. Thi công trong điều kiện khó khăn phức tạp, cần mẫn làm việc, nhưng phải khôn khéo chống chọi với sóng gió, nếu không cẩn thận, chỉ cần một cơn sóng lớn ập đến thì cả người, vật liệu và xuồng chìm nghỉm...”.

leftcenterrightdel

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 83 Hải quân múa hát tập thể trên công trường xây dựng đảo Hòn Khoai (Cà Mau). Ảnh: VĂN THUẦN

Trong gian khổ, cán bộ, chiến sĩ công binh Hải quân càng thêm gắng sức. Không áo xanh, yếm trắng, quần tím than, chỉ với bộ quần áo xanh công nhân lấm lem hồ vữa, bê tông ướt mèm nước biển, các anh chọn mùa xây dựng theo con nước, tranh thủ lúc sóng yên, biển lặng, làm việc quần quật suốt ngày đêm. Từ thực tế điều kiện thi công khó khăn phức tạp, cán bộ, chiến sĩ đơn vị rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý như: Đổi mới kết cấu tàu chuyển tải; phương pháp chạy xuồng quay vòng tăng chuyến nhanh; hiệp đồng kéo dây chuyển đá; lợi dụng con nước làm tăng ca; cải tiến xẻng xúc cát thành máng xúc; từ vận chuyển bê tông, cát đá, vữa bằng thủ công thì nay vận chuyển bằng băng chuyển tải...

Ở Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, Đại úy QNCN Lê Thế Anh có 26 năm gắn bó với các công trình. Vì thế, anh có thể “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”, chỉ cần nhìn con nước cũng có thể nhận biết được thời tiết, khí hậu. Thế Anh kể: “Trước đây, một số người cứ nghĩ rằng xây dựng nhà ở đảo chỉ cần chắc, bền, có khả năng chống chọi với sóng, gió là đạt yêu cầu, nhưng thực tế không phải vậy. Những ngôi nhà chúng tôi xây vừa đòi hỏi kiên cố nhưng phải phù hợp với khí hậu, đón được hướng gió, đẹp về mỹ quan, quá trình xây dựng phải kết hợp với thiết kế các khuôn viên trồng rau và chậu hoa, cây cảnh...”.

Nói là vậy, nhưng làm không dễ, bởi để mang được vật liệu ra đảo rất khó khăn. Bộ đội phải đóng xi măng, cát, sỏi thành từng bao vừa đủ trọng lượng cho mỗi người thuận tiện mang vác. Tàu chở hàng vượt biển ra tới đảo đã khó, công tác chuyển tải và bảo quản lại khó khăn gấp bội. Mùa mưa bão, gió quất ràn rạt vào thịt da, vậy mà những bộ đội công binh vẫn dầm mình che đậy, đảo xi măng, nếu không, loại vật liệu này để lâu ngày sẽ bị hỏng. Sắt, thép, dụng cụ xây dựng ra đảo vài tuần do tác động của gió biển nên han gỉ, vàng như tôm. Có thời kỳ cao điểm trong chuyển tải hàng hóa, nhiều đồng chí xuống hầm tàu chếnh choáng say, mệt đừ người nhưng vẫn gắng sức hoàn thành nhiệm vụ cho kịp tiến độ thi công.

Cường độ và khối lượng công việc đã “quá tải”, cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ công binh cũng lắm gian nan. Thi công ở đảo, bộ đội làm việc quần quật cả ngày, đêm, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn tắm “chay” vì nước ngọt chủ yếu dùng cho sinh hoạt tối thiểu và thi công. Tiêu chuẩn mỗi ngày chỉ 10 lít nước/người, gồm cả đánh răng, rửa mặt và tắm rửa. Thực phẩm ăn hằng ngày của bộ đội chủ yếu là đồ hộp.

Những ngày tháng Tám lịch sử này, các đơn vị của Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân đang chạy đua với thời gian để thi công công trình trên các đảo... thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Ra đảo công tác, Thiếu tá Nguyễn Đăng Hiệp “khoán gọn” mọi việc hai bên nội ngoại cho “bà xã” ở Đà Nẵng. Còn Trung úy Trần Minh Quang, Trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn 885 có hoàn cảnh khá đặc biệt. Anh Quang là con trai độc nhất trong gia đình, quê ở Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An). Bố anh bị bệnh ung thư và mất năm 2022. Hiện nay, mẹ anh sinh sống ở quê một mình, thường xuyên đau ốm. Vì mải lo công việc đơn vị nên anh Quang chưa có điều kiện “bén duyên” cùng cô gái nào. Có thể nói, Trung úy Trần Minh Quang là tấm gương tiêu biểu của Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. 

Thi công công trình trên đảo có Binh nhất Trần Út, chiến sĩ Đại đội 8 là trẻ tuổi nhất. Vì mới ra đảo nên chàng trai quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trông còn khá thư sinh. Lời tâm sự của Út rất mộc mạc, chân thành: “Ra đảo xa, nhớ gia đình, nhớ quê hương, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, nhưng em vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ". Tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, tôi thấy mỗi người có một nỗi niềm, hoàn cảnh riêng, song không ai nao núng tinh thần. Sự động viên, chia sẻ kịp thời của chỉ huy đơn vị và đồng đội đã tiếp thêm nghị lực cho họ vượt qua tất cả để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Gian khổ, sóng gió nhưng không làm những người lính thợ sờn lòng. Bao nhiêu năm qua, dù thi công trong điều kiện hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau như ruột thịt. Người nào việc nấy, không phân biệt cao thấp, cán bộ làm gương cho chiến sĩ. Mối quan hệ cán-binh chân thành, cởi mở giúp các thành viên trong đơn vị luôn yên tâm công tác, để dấu chân thầm lặng của họ góp phần “kê cao Tổ quốc”. Thế nhưng, khi nói về nhiệm vụ của mình, Đại tá Vũ Xuân Hòa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân vẫn rất khiêm tốn: “Công việc chúng tôi làm là gian khổ, đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nghĩ đến đồng đội của mình đang ngày đêm đối mặt với muôn vàn thử thách nơi đảo xa thì chúng tôi càng phải gắng sức, làm việc quên mình. Mỗi hạt cát, giọt nước ngọt được đưa từ đất liền ra đến đảo là biết bao tiền của và công sức nhân dân đóng góp, vì vậy chúng tôi phải chắt chiu, tiết kiệm”.

Bộ đội công binh Hải quân vốn nổi tiếng về sự “gan lì” chống chọi với sóng gió biển khơi, nhưng không vì thế mà kém phần lạc quan, yêu đời. Nhớ lần có đoàn văn nghệ sĩ từ đất liền ra đảo, đến biểu diễn ngay tại công trường, chẳng biết Thượng tá Trần Thức, Phó chính ủy Lữ đoàn tâm sự những gì, đến nỗi ca sĩ Thanh Huyền (Đoàn Văn công Hải quân) sụt sùi nước mắt. Còn ca sĩ Nhã My (Khối Dân-Chính-Đảng tỉnh Quảng Bình) thì say sưa hát trong tiếng reo hò vang dậy cả một vùng biển, đảo. Chuyến đi ấy, tất cả thành viên trong đoàn đều phải thốt lên: “Chúng tôi khâm phục ý chí và nghị lực phi thường của những người lính công binh Hải quân!”.

Những ngày tháng Tám, miền Trung nắng như đổ lửa. Trên biển, sóng to, gió lớn, tàu chở vật liệu và các nguồn lương thực, thực phẩm vào đảo khá khó khăn. Đại tá Lã Ngọc Tuân, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân đứng ngồi không yên. Anh lo lắng cho sức khỏe bộ đội vì thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, độc hại; phần vì lo chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sửa sang, tôn tạo cảnh quan, doanh trại chuẩn bị kỷ niệm ngày truyền thống. Tâm sự với anh, chúng tôi hiểu thêm một điều, lính công binh có nét đặc thù. Họ là những người xây dựng nên bao công trình khang trang, kiên cố giữa đảo xa, mỗi lần xây xong lại bàn giao cho đơn vị bạn, còn mình thì lại lên đường thực hiện nhiệm vụ mới và ở trong những ngôi nhà bạt đơn sơ.

Có được khuôn mặt, diện mạo ở các đảo xa như hôm nay, công đầu phải nhắc tới bàn tay, khối óc và công sức không nhỏ của những người lính công binh Hải quân. Giữa đảo xa đầy nắng gió, những người lính thợ gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Họ đội nắng trên đầu, vác đá trên vai, xây đảo dựng nhà. Bình minh lên, hoàng hôn xuống, ngày cũng như đêm, nhịp sống lao động ở đây lúc nào cũng gấp gáp, khẩn trương. Họ chạy đua với thời gian để xây nên những công trình trên biển.

Có lẽ muôn đời sau, những công trình vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió là minh chứng cho sức mạnh và chiến công của người lính công binh Hải quân. Những công trình mọc lên giữa biển khơi là những cột mốc chủ quyền, như một lời thề với cha ông và lời nhắn nhủ với thế hệ mai sau về bài ca dựng nước và giữ nước.

PHAN TIẾN DŨNG