Chúng tôi có mặt ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đúng 14 giờ ngày 16-7. Bầu trời cao vời vợi và không một ngọn gió. Cạnh con đường lớn dẫn vào làng và các con đường xung quanh, những chiếc lều bạt màu xanh nằm lặng lẽ lẫn vào tán cây. Mở cửa xe bước ra, ngay lập tức, chúng tôi bị bao trọn bởi cái nóng hầm hập. Sức nóng từ mặt trời trên cao phả xuống xen với hơi nóng từ mặt đường nhựa, mặt sân bê tông bốc lên khiến tôi như ngột thở.

Bấy giờ, nhìn những thân hình cao lớn trong bộ quân phục khỏe khoắn ở phía xa, đôi chân tôi vô thức di chuyển, quên mồ hôi, quên nắng nóng. Vượt qua con đường trải nhựa rộng thênh thang như đi trên chảo rang, tôi đến nơi luyện tập của khối nam Binh chủng Hóa học. Một hồi còi vang lên xé toạc cái nắng kèm theo khẩu lệnh từ chiếc loa nén cầm tay của người chỉ huy.

leftcenterrightdel

Khối diễu duyệt Binh chủng Hóa học luyện tập chiều 16-7. Ảnh: MINH HƯNG 

- Bắt đầu tập, các bộ phận đưa bộ đội về vị trí phân công.

Sau khi quan sát khắp một lượt hành động của bộ đội, Đại tá Lại Hồng Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Sĩ quan Phòng hóa và là Phó tiểu đoàn trưởng huấn luyện lực lượng A80 của Binh chủng Hóa học, quay sang chia sẻ với tôi. Hiện khối nam đã bước sang giai đoạn luyện tập đội hình khối, nhưng trước mỗi buổi tập vẫn phải có thời gian luyện tập cơ bản đội hình hàng ngang. Để tạo được đội hình khối như vậy, cán bộ, chiến sĩ phải luyện tập rất công phu. Theo anh Sơn, yêu cầu đạt được trong huấn luyện là đội hình gồm 10 hàng ngang và 16 hàng dọc diễu duyệt qua lễ đài 250m phải là một khối thống nhất, hàng ngang, hàng dọc, hàng chéo phải thẳng như kẻ chỉ. Muốn khối đi không xô lệch, nghiêng ngả thì thành viên trong từng hàng phải thực hiện các động tác cùng lúc. Chân dập xuống trùng với nhịp nhạc hoặc nhịp hô của chỉ huy. Tay đánh lên cũng phải nằm trên một đường thẳng. Khi chuyển bước tiếp lệnh, mặt các chiến sĩ đi trong hàng phải đánh lên trên và chếch bên phải theo các thông số quy định.

Anh nói thêm như muốn chúng tôi hiểu cặn kẽ hơn:

- Đầu tiên là tập động tác cá nhân, ke chân, ke tay, ke thân người. Đeo vật nặng vào chân để ke, sau đó tập bước đúng cự ly, rồi bước đều, bước bền. Tập xong cá nhân thì chuyển sang tập đội hình hàng ngang, hàng dọc. Mỗi hàng có một giáo viên phụ trách. Những nội dung ấy chiếm nhiều thời gian và sức khỏe. Sau mỗi buổi tập phải hội thao, bình tập, đánh giá kết quả, chỉ rõ mạnh yếu của từng người.

- Luyện tập với cường độ cao, thời tiết khắc nghiệt, những khó khăn mà các anh thường gặp là gì?

- Nhiều lắm, chẳng thể kể hết được.

- Các anh có cách nào để giảm thiểu những khó khăn ấy?

Nghe tôi hỏi vậy, anh Sơn cười rồi gọi Đại úy QNCN Hoàng Đình Thản đưa chúng tôi đi xem một thiết bị do các anh sáng kiến ra phục vụ bộ đội chống chọi với nắng, nóng trong quá trình huấn luyện.

leftcenterrightdel
 Khối diễu duyệt Binh chủng Hóa học trong hợp luyện ngày 17-7. Ảnh: MINH HƯNG

Anh Thản dẫn tôi xem chiếc quạt công nghiệp có gắn nhiều béc phun nước làm mát quanh lồng bảo vệ. Anh khởi động, những tia nước li ti theo gió bung ra, cái nắng nóng có phần dịu đi, cảm giác khá dễ chịu.

Anh Thản cho hay, thấy bộ đội luyện tập trong nắng nóng nên ngoài việc đơn vị thường xuyên sử dụng nước chanh muối, chanh đường, uống oresol bù nước và điện giải theo quy định của quân y thì anh nghĩ ra cách này để hạ nhiệt cho bộ đội. Anh Thản mua một cái bơm dùng cho máy lọc nước cùng dây ti ô, béc phun... với tổng chi phí chưa đầy 600.000 đồng và lắp ráp. Nguồn nước cung cấp chỉ là một bình nước 20 lít để dưới chân quạt.

Thấy sáng kiến hữu ích, có tính cơ động cao, các đồng chí chỉ huy lực lượng luyện tập nhất trí cho triển khai đồng loạt. Thế là mỗi lần tập xong, bộ đội tụ tập cạnh chiếc quạt hơi nước tiện dụng để xả mệt. Đồng chí nào có biểu hiện sốc nhiệt, sức khỏe yếu, mệt là được quạt hỗ trợ ngay. Gần 4 tháng qua, dù luyện tập dưới thời tiết nắng nóng cực độ, có thời điểm lên đến 40oC, nhưng toàn đội không có ai phải vào lều quân y cấp cứu. Lực lượng quân y của Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật) chốt ở đây nói đùa rằng, coi như không có khối Phòng hóa. Họ bị “thất nghiệp” vì có sáng kiến hữu ích này của Bộ đội Phòng hóa.         

Tôi di chuyển ra sân tập rộng thênh thang và nóng như nung, nơi Trung tá Lê Thanh Quyết, giáo viên phụ trách hàng thứ 4, đang duy trì luyện tập “sự tập trung”. Tức là bộ đội sẽ đi nghiêm có đánh mặt 3 bước rồi phải dừng lại. Theo anh Quyết, muốn tạo khối từ từng cá nhân trong duyệt đội ngũ thì phải rèn tính tập trung để hành động đều đồng thời “đúng, đều, mạnh, đẹp”.

leftcenterrightdel

Video clip tập luyện đội hình của khối tham gia diễu binh, diễu hành Binh chủng Hóa học. 

Trung tá Lê Thanh Quyết giải thích rằng, để quá trình luyện tập đòi hỏi sự tập trung cao độ ấy có hiệu quả thì phải chụp ảnh hoặc quay clip lại và phân tích. Nếu chiến sĩ có biểu hiện sai nhiều lần phải thay thế ngay và chuyển sang tập bổ trợ một mình. Với cách làm quyết liệt ấy, hiện hàng ngang số 4 do anh Quyết phụ trách đang dẫn đầu toàn khối về chất lượng luyện tập. 

Tôi tiếp tục di chuyển ra các vị trí khác và tai luôn dõi theo những tiếng hô: "Một", "Hai" chắc nịch, mạnh mẽ. Khi tổ quân kỳ dừng tập, tôi lại gần chỗ Binh nhất Nguyễn Hữu Trưởng mặt đẫm mồ hôi. Chiến sĩ này cao tới gần 1,8m trong bộ quân phục rất oai nghiêm. Trưởng thổ lộ, để có được kết quả như hiện nay phải tập trung luyện tập rất kỹ. Hằng ngày vẫn đeo tạ 2,5kg để luyện cơ đùi, cơ bụng. Nếu quá trình tập trong khối mà không tập trung thì sẽ bị đi lạc nhịp.

Thời gian chậm trôi, trời vẫn nắng gay gắt, nhưng tiến độ tập luyện của các khối luôn duy trì đều đặn. Phía xa xa, tiếng nhạc hành khúc hùng tráng thúc giục. Lặng nhìn những đoàn quân hành tiến, tôi nhận ra rằng: Họ không chỉ luyện tập cho một cuộc diễu binh, diễu hành. Họ đang viết nên bản hùng ca sống động bằng chính mồ hôi, ý chí và lòng tự hào dân tộc, để khi ngày lễ trọng đại đến, từng bước chân trên Quảng trường Ba Đình sẽ là hiện thân của cả một quá trình rèn giũa, vượt nắng, vượt gió, vượt chính mình.

Tôi thầm mong họ có thể lực, tinh thần tốt nhất để có màn diễu duyệt mãn nhãn ở Quảng trường Ba Đình tới đây.

Bút ký của ĐỨC TÂM