Kể từ khi chiếc cầu nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ) bị gãy trong đợt siêu bão số 3 hồi tháng 9-2024 đến nay, tôi đã về bến Phong Châu nhiều lần. Trong lần về này, tôi bất ngờ với những hạng mục công trình mà Lữ đoàn 249 vừa cải tạo, hoàn thành. Đó là bến vượt mới được xây dựng trên nền bến cũ; đó là hơn 500m đường bê tông thảm nhựa ra vào hai bên bến và đoạn kè chắn sạt lở bờ sông thuộc xã Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Công trình thứ nhất mà tôi muốn nói đến là bến vượt. Bến phà cũ vốn dốc, hẹp lại bị xuống cấp nghiêm trọng bởi thời gian và những đợt mưa lũ, nay được bộ đội Lữ đoàn 249 cải tạo, mở rộng hạ thấp độ dốc. Bây giờ, người và phương tiện lên xuống cầu phao Phong Châu không còn phải chờ đợi lâu như trước đây.
Công trình thứ hai rất ấn tượng là con đường bê tông nhỏ hẹp dẫn xuống bến phà nay được mở rộng, trải thảm bê tông nhựa và phân thành hai làn kéo từ đầu Quốc lộ 32 vào hai đầu bến. Trong nắng chiều vàng ruộm của mùa hè, con đường đen bóng nổi bật bởi vết sơn kẻ đường màu trắng, màu vàng xen lẫn mùi nhựa đường ngai ngái, hăng hắc. Vùng thôn quê sau sự cố gãy cầu Phong Châu, nay được khoác chiếc áo mới, bừng sáng, tràn đầy sức sống bởi xe cộ ngược xuôi. Nhìn hai công trình được hoàn thành, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn mỗi khi qua cầu phao giữa mênh mang sông nước, tôi hình dung được phần nào sự vất vả và công sức của Bộ đội Công binh.
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh thi công ở bến Phong Châu. Ảnh: HỮU NGỌC
|
Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Binh chủng Công binh nói với tôi rằng, việc hoàn thành công trình là một sự kiện quan trọng của Bộ đội Công binh. Bởi ngoài ý nghĩa hướng tới chào mừng Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ XI; chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì quan trọng hơn là khi công trình hoàn thành giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
Sau này, trong lúc ngồi trò chuyện, anh tâm sự với tôi rằng, việc ghép phà, bắc cầu phao và thi công bến vượt, đường dẫn ở bến Phong Châu gặp nhiều khó khăn hơn so với những lần các đơn vị của Binh chủng Công binh bắc cầu phao Chèm, cầu phao Khuyến Lương trước đây. Khó vì địa hình nơi đây hẹp nhưng rất dốc. Mới chỉ bắt đầu vào mùa lũ ít hôm mà lưu tốc dòng chảy đã thay đổi nhanh, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 phải luôn dự báo kịp thời và chủ động ứng phó.
Mặc dù khó khăn là vậy nhưng khi nhận nhiệm vụ từ thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn 249 đã hứa quyết tâm hoàn thành các hạng mục trong 20 ngày. Thượng tá Nguyễn Văn Tú, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, người trực tiếp chỉ huy thực hiện nhiệm vụ chia sẻ rằng, khi bắt tay vào chiến dịch, lực lượng thi công của Lữ đoàn đã dồn sức, tổ chức thi công hợp lý, làm việc liên tục, không để thời gian chết, đã hoàn thành trong chưa đầy 18 ngày. Lúc đầu, nhiệm vụ này được gọi tên là “chiến dịch 20”, sau đổi tên thành “chiến dịch 18”.
Đại tá Trần Văn Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249 đưa cho tôi một tờ giấy A4, trong đó có những dòng thông tin ít ỏi mà tôi chú ý: Xây rãnh đá hộc lên xuống bên bờ Lâm Thao với 55m3 đá hộc cộng với đổ 85m3 bê tông; thi công 700m dầm khung, đổ 180m3 bê tông; đặt rãnh, lắp đặt 865m tấm đan đường ra vào bến; lu lèn 500m3 đất; trải thảm bê tông nhựa đường ra vào bến dài 581m... Nhìn vào những số liệu này không ai có thể biết được cuộc chạy đua với thời gian, với tiến độ và chất lượng công trình của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 trong 18 ngày của chiến dịch căng thẳng, vất vả như thế nào.
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh vớt rác trong đêm. Ảnh: HỮU NGỌC |
Những thú vị xung quanh chiến dịch này vô tình được bác Nguyễn Văn Được, Trưởng khu 5 và bác Bùi Ngọc Sang, Trưởng khu 4, xã Tam Nông kể lại. Trước đây, con đường ra vào bến bằng bê tông rất nhỏ hẹp, ô tô 4-5 chỗ phải đi rất chậm để tránh nhau, nay thì hai xe đã thoải mái chạy hai chiều với tốc độ cho phép. Khi có chủ trương, bộ đội đến nhà là các hộ dân nhất trí ngay với mức đền bù đã tính toán để bàn giao mặt bằng cho bộ đội Lữ đoàn 249 làm đường. Các bác còn kể, đây là dự án có thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng mang tốc độ “tên lửa” vì sự đồng thuận cao, chỉ diễn ra có 3 ngày. Hơn nữa, trong 18 ngày đêm thi công, nhiều người dân đã mang tặng bộ đội trái cây, nước uống ngay trên công trình.
Những thú vị xung quanh chiến dịch tổ chức thi công các hạng mục công trình của Lữ đoàn 249 tại bến Phong Châu còn rất nhiều và khó có thể kể hết trong một bài báo nhỏ. Tôi nhẩm tính, sau 8 tháng duy trì cầu phao Phong Châu hoạt động, ngoại trừ thời gian ít ỏi khi lưu tốc dòng chảy lớn phải chuyên chở bằng phà PMP thì Lữ đoàn 249 đã giúp nhân dân địa phương, du khách tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Theo ước tính của Thượng tá Nguyễn Văn Tú, bình quân mỗi ngày có khoảng 7.000-8.000 lượt ô tô 5-9 chỗ và 6.000 lượt xe máy qua cầu phao.
Với những gì đã làm cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 nhận được sự tin yêu, đùm bọc từ chính quyền và nhân dân nơi đây. Cái được lớn nhất và ý nghĩa bao trùm hơn cả là tình nghĩa quân dân cá nước được vun đắp và ngày càng bền chặt hơn.
Sáng sớm hôm sau, tôi rời bến Phong Châu về Hà Nội thì cũng là lúc những người lính công binh Lữ đoàn 249 thay ca, trở về doanh trại nghỉ ngơi. Họ lặng lẽ chuẩn bị cho giấc ngủ để lấy lại sức sau một đêm vật lộn với công tác kỹ thuật cho cầu phao trên mặt sông cuộn chảy. Trên con đường dài mấy trăm mét mới được lính thợ Lữ đoàn 249 thi công xong, người xe vun vút, hối hả. Tôi hiểu, ngày mới hạnh phúc ở hai bên bờ sông lại bắt đầu. Và ở đó, nhịp cầu quân-dân vẫn âm thầm được đắp bồi.
Bút ký của MẠNH THẮNG