Mới đầu giờ sáng, khu điều hành của Nhà máy A31 đã ngập vàng nắng hè oi ả. Trong gian phòng rộng khoảng 60m2 ở tầng 1 của Trung tâm chỉ huy điều hành, 4 màn hình 50 inch đã hoạt động, hiển thị sắc nét hình ảnh các phân xưởng sửa chữa tên lửa, bãi hiệu chỉnh khí tài trên từng ô nhỏ. Phải rất thính tai tôi mới nghe được tiếng rè rè phát ra từ góc trái căn phòng, nơi đặt máy chủ.

Lúc này, Thiếu tá Nguyễn Đình Sự, người vừa nhận chức Phó trưởng Phòng Kế hoạch cách đây không lâu ngồi trên chiếc ghế xoay quan sát màn hình, điều khiển hệ thống. Gần đây, tôi nghe nói, trung tâm chỉ huy này là sáng kiến do Đại tá Phạm Đức Giang chủ nhiệm và đạt giải Nhất Hội thi “Đề tài, sáng kiến trong công đoàn Quân đội lần thứ IV, giai đoạn 2016-2021".

leftcenterrightdel

Đại tá Phạm Đức Giang (đứng giữa) kiểm tra Trung tâm chỉ huy điều hành của Nhà máy A31. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG 

Tôi kéo anh Sự ra khỏi công việc thường nhật. Sau khi vò đầu, bứt tai, anh Sự nói, sẽ trình diễn cho tôi xem một chức năng nhỏ của hệ thống. Anh Sự đưa tập tài liệu vào máy scan HP nhỏ như máy đếm tiền tự động. Sau vài cái kích chuột và bấm phím, anh Sự lên tiếng:

- Xong rồi anh ạ.

- Cái gì xong hả em?

- Thì em vừa đóng vai một nhân viên văn thư chuyển công văn đến các cơ quan, phân xưởng theo bút phê của giám đốc!

- Chuyện ấy thì có gì đặc biệt đâu?

- Có đấy ạ. Thưa anh, thực hiện bút phê của giám đốc, văn bản điện tử này đã được chuyển đến các phó giám đốc, các phòng ban, phân xưởng để triển khai thực hiện. Ai lơ là không đọc, không triển khai hay thực hiện chậm cũng nắm được ngay. Với phương thức cũ, việc này mất cả ngày, vừa tốn thời gian, tốn công sức, tốn giấy, tốn mực, tốn điện và không kịp thời.

Bỗng phía sau có tiếng bước chân rất nhẹ ở hành lang. Tôi quay lại và thấy một vị Đại tá dáng người dong dỏng ở cửa. Qua lời anh Sự, tôi biết được người có đôi mắt đẹp ấy là Phó giám đốc Nhà máy A31, Đại tá Phạm Đức Giang. Anh ngồi xuống ghế và hỏi tôi giống như đã quen từ lâu.

- Anh đã đi tàu biển chưa?

- Tôi đi rồi. Đi nhiều ấy chứ. Nhưng nó có liên quan gì đến hệ thống Trung tâm chỉ huy của anh?

- Có chứ! Trên ca-bin chỉ huy tàu biển hoặc tàu chiến có tích hợp rất nhiều chức năng để thuyền trưởng chỉ huy con tàu trong điều kiện khác nhau. Trung tâm chỉ huy này cũng vậy. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống chỉ huy điều hành điện tử trên các nội dung: Hệ thống camera giám sát, điện thoại nội bộ, báo cháy từ xa, chấm công bằng vân tay và các phần mềm chuyên dụng, như: Quản lý, truyền nhận văn bản nội bộ; báo cáo quân số hằng ngày; đăng ký nghỉ phép tranh thủ; thư viện điện tử và đặc biệt là phần mềm quản lý sản xuất. Do vậy, chỉ cần ngồi ở đây, người chỉ huy sẽ có mọi thông tin cần thiết để điều hành cơ quan, đơn vị.

- Anh có thể cho một ví dụ sinh động, dễ hiểu được không?

- À, ví dụ, phân xưởng A cần một IC để phục vụ sửa chữa khí tài tên lửa phòng không (TLPK) S-125-2TM chẳng hạn. Theo phương thức truyền thống thì phải làm rất nhiều thủ tục để có lệnh xuất kho, nhưng xuống kho đôi khi vẫn phải về tay trắng vì hết vật tư. Nay thì khác, chỉ cần vài cái kích chuột trên phần mềm là phân xưởng có thể đăng ký vật tư cần thiết, sau khi được phê duyệt trên hệ thống thì lập tức có lệnh xuất kho vật tư đó. Và Phòng Vật tư cũng chỉ cần vài cái kích chuột là biết tình trạng của vật tư đó còn hay hết, nếu còn thì số lượng bao nhiêu, đang ở kho nào. Nếu hết sẽ ngay lập tức đưa sang bộ phận tiếp liệu để tổng hợp mua vật tư kịp thời. Hoặc một ví dụ khác, chỉ cần truy cập vào phần mềm chấm vân tay là có thể biết người nào đến muộn, đến muộn bao nhiêu phút? Hoặc vào phần mềm báo cáo quân số là biết ai có mặt, ai vắng mặt với các lý do khác nhau.

- Hình như người lao động bị giám sát chặt quá. Họ có phản hồi gì không? - Tôi cắt ngang sự hào hứng của anh Giang.

- Có đấy, lúc đầu thì anh em cũng xì xào, lời ra tiếng vào, cho rằng khắc nghiệt quá. Khu gia đình ở cạnh Nhà máy. Khi chưa có Trung tâm chỉ huy, dù trong giờ hành chính, anh em vẫn có thể tụt tạt. Nay thì không còn chuyện ấy, hệ thống giám sát chặt chẽ từ con người đến công việc, cho ra kết quả công bằng, khách quan, chính xác.

- Trung tâm chỉ huy của các anh chính là phương tiện để thúc đẩy con người làm việc tự giác, làm thật và hạn chế thấp nhất thời gian, công sức vô ích.

Đại tá Phạm Đức Giang cười đắc ý: “Đấy, đó là cái đích sâu xa mà chúng tôi hướng tới”.

Thấy niềm vui trên khuôn mặt anh Giang hiện hữu, anh Sự tranh thủ “tố” với tôi: "Hơn một năm trời chúng em phải bò ra để tìm lời giải cho ý tưởng của anh Giang. Có lúc mệt đứt hơi mà anh ấy vẫn chưa hài lòng".

Anh Giang nheo mắt, trách yêu cộng sự: "Có việc, chất xám của cậu biến thành vàng. Lẽ ra tôi được cảm ơn mới đúng!".

Rồi anh kéo tay tôi và bảo, ra “vườn thượng uyển” của Nhà máy uống nước.

Qua những vườn hoa, cây xanh đủ loại ngập nắng, chúng tôi vào nhà kính vốn là phòng ăn của cán bộ. Xung quanh là cây cảnh, hoa rực rỡ, có hòn non bộ và cá koi đủ màu sắc bơi lội tung tăng. Anh rót cốc trà tươi và chậm rãi kể, đầu năm 2019, lúc ấy Quân chủng giao Nhà máy làm điểm xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, khiến Ban giám đốc trăn trở vô cùng. Làm gì để có sản phẩm hữu hiệu, thúc đẩy sản xuất cứ bám riết lấy anh Giang. Rồi một sáng, cũng tại phòng ăn này, khi trò chuyện với Ban giám đốc, anh đề xuất ý tưởng số hóa công tác quản lý, chỉ huy điều hành.

Lập tức ý tưởng ấy được đưa lên bàn nghị sự của Đảng ủy. Cuối cùng, nhiệm vụ số hóa hoạt động chỉ huy, điều hành sản xuất thành chủ trương và giao anh Giang phụ trách. Các bước chuẩn bị được tiến hành, hệ thống quản lý, chỉ huy điều hành của Nhà máy và quy trình làm việc của các cơ quan, các phân xưởng được viết ra giấy và gửi về tổ thực hiện sáng kiến. Anh Giang chọn ra các gương mặt tiêu biểu và lựa chọn phương án để xây dựng hệ thống phần mềm. Anh trải lòng: “Lúc nghĩ thì khí thế, nhưng khi bắt tay vào làm thì rất lo lắng vì áp lực hiệu quả”.

Hơn một năm ròng đánh vật với công việc, hệ thống chương trình phần mềm hoàn thành. Sau khi thử nghiệm thành công vào cuối năm 2019, anh Giang thở phào như vượt qua cửa tử. Niềm vui của anh trong việc này là chọn kỹ sư giỏi từ Nhà máy để viết phần mềm nên có thể sửa chữa, nâng cấp, mở rộng bất cứ lúc nào thay vì mua ngoài thị trường như các đơn vị khác. Nhưng người vui nhất lại là Đại tá Trương Xuân Bách, Giám đốc Nhà máy, bởi anh chính là người ký quyết định đầu tư hơn một tỷ đồng từ quỹ phúc lợi để thực hiện sáng kiến này. Số tiền đầu tư không lớn nhưng hiệu quả của sáng kiến rất cao. Bây giờ, khi muốn tìm một công văn nào đó, Đại tá Trương Xuân Bách không phải cau mày chờ đợi nhân viên lục tung các tủ tài liệu mất cả ngày trời như trước kia. Máy vi tính đã giải quyết việc đó trong vài giây sau những thao tác tìm kiếm rất đơn giản.

Đại tá Phạm Đức Giang, sinh năm 1973, quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Anh tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự vào năm 1996 chuyên ngành vô tuyến điện tử. Năm 2009, anh tốt nghiệp thạc sĩ tổ chức chỉ huy kỹ thuật. Hiện anh là một trong số ít kỹ sư cao cấp của Quân chủng PK-KQ có bề dày kinh nghiệm công tác. Những năm qua, ngoài sáng kiến kể trên, ở cương vị Phó giám đốc kỹ thuật, anh cùng lực lượng kỹ thuật của Nhà máy cho ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu sửa chữa các bộ khí tài TLPK thế hệ mới. Hiện anh đang là thành viên chính của Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước.

Trò chuyện với Đại tá Phạm Đức Giang, tôi thấy được tâm huyết cũng như mong ước và cả lo lắng của anh. Anh mong đào tạo kỹ hơn để có được những kỹ sư tài năng, nghiên cứu, cho ra nhiều sản phẩm khoa học hữu ích, góp phần nâng cao năng lực công nghệ, tiến tới sửa chữa các khí tài TLPK thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Anh cũng mong Nhà nước có chế độ đãi ngộ xứng đáng giữ chân được các kỹ sư, để họ không phải lo lắng, không xin chuyển sang cơ quan, đơn vị khác vì chuyện cơm áo, gạo tiền...

Rời “bệnh viện của tên lửa” A31 khi nắng đã nhạt, nhưng câu chuyện về sáng kiến do Đại tá Phạm Đức Giang làm chủ nhiệm mà tôi được trải nghiệm thì chẳng hề nhạt. Anh đã không chấp nhận đi theo lối mòn có sẵn, không đi theo phương thức quản lý, điều hành sản xuất cũ với những nhiêu khê, mất thời gian và đầy công vô ích cùng những bất hợp lý. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, anh và cộng sự đã tìm ra một hướng đi mới, tối ưu hóa quá trình quản lý, chỉ huy sản xuất bằng công nghệ, bằng nội lực, nguồn chất xám Nhà máy đang có. Tôi nghĩ, thời nào thì những người khát khao cống hiến như anh Giang cũng đáng quý, đáng trân trọng, rất cần cho xã hội. Nếu tinh thần ấy lan tỏa, được nhiều người làm theo, tôi tin đất nước chúng ta sẽ phát triển nhanh và bền vững.

MẠNH THẮNG