Tâm tình sau những loạt bom  

Sau những đợt bắn, ném bom của các loại máy bay Su30-MK2, Su27, Su 22... thành công, tạm biệt những tiếng nổ rung chuyển mặt đất, từ đài chỉ huy, chúng tôi trở về khu nhà ở của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân. Tại đây, dưới bóng mát của vườn nhãn gần như không có ánh mặt trời lọt qua, chúng tôi gặp và trò chuyện với Trung tá, phi công Đỗ Toàn Thịnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 923. Trước đó, sau khi thực hiện nhiệm vụ đánh bom mục tiêu cách sân bay Sao Vàng khoảng 60km, anh Thịnh cùng đồng đội đã đưa máy bay về sân bay và hạ cánh an toàn. Trong đợt diễn tập Hội thao dẫn đường cho lực lượng Không quân toàn quân và diễn tập bắn, ném bom đạn thật lần này, phi công Đỗ Toàn Thịnh cùng đồng đội tham gia ở tất cả nội dung, từ chặn kích, đánh mục tiêu bay trung không, thấp không bằng máy và không có máy, bảo vệ mục tiêu đến bay khí tượng và ném bom.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (thứ ba, từ trái sang) kiểm tra kết quả bắn, ném bom đạn thật tại Đài chỉ huy Trường bắn Như Xuân. Ảnh: BÌNH CA

Anh Thịnh có khuôn mặt tròn, đôi mắt to, thân thiện và rất hoạt bát, lanh lẹ trong ứng xử. Trước những câu hỏi từ dân ngoại đạo chúng tôi, người phi công có hơn 1.000 giờ bay tích lũy quê ở Hòa Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội)-nơi nổi tiếng với sự ra đời của chiếc gậy Trường Sơn, không đi thẳng vào vấn đề mà thường liên hệ với một hiện tượng nào đó xảy ra trong đời sống. Anh tâm tình, các bác lái xe thường gọi chiếc xế hộp của mình là “vợ hai”. Ở đây, các phi công lái máy bay quân sự cũng gọi máy bay như thế. Họ gắn bó với “vợ hai” hơn cả vợ chính ở nhà vì yêu cầu nhiệm vụ. Muốn làm chủ được "cô vợ" thiện chiến và kiêu căng này phải tốn nhiều thời gian và đặc biệt là phải yêu thực sự, yêu hết mình.

- Anh yêu Su30-MK2 có giống với mấy bác tài không?

- Khó có thể lột tả, lượng hóa chính xác được yêu nó như thế nào cho đúng nghĩa. Về phương pháp, đa phần các phi công yêu bằng cách học và nắm chắc lý thuyết, cấu tạo, nguyên lý hoạt động và tính năng kỹ, chiến thuật của máy bay để tiến tới làm chủ nó.

- Rồi sao nữa?

- À, nếu trước đây, các thế hệ máy bay cũ thường chỉ làm một nhiệm vụ mang tính chuyên môn hóa cao, hoặc là chặn kích, hoặc là công kích bom. Nhưng nay, dòng tiêm kích đa năng Su30-MK2 cho phép đảm đương nhiều nhiệm vụ, cả đánh bom và bắn pháo, rocket. Thế nên, yêu cô nàng này thì các phi công cũng phải học không ngừng, từ bay trong các điều kiện thời tiết giản đơn cho đến phức tạp, cả ban đêm và ban ngày. Việc ném bom trong điều kiện thời tiết bình thường, trời quang, ít mây, ít gió cũng không hề đơn giản. Các phi công phải thực hiện tổng hợp các kỹ năng từ lái, phát hiện mục tiêu, ngắm ném cho đến thoát ly. Rồi còn nhiều kỹ năng khác, mà kỹ năng nào cũng quan trọng.

- Chắc là các anh phải luyện tập nhiều lắm. Thế có khi nào chán bay không anh?

- Chán bay à, tôi nghĩ chẳng có đâu. Chúng tôi thường tếu với nhau, khi bay là như đại bàng tung cánh, được vờn gió, đùa mây, được “đi săn” từ trên cao thì còn gì thú vị hơn. Nếu vì một lý do nào đó mà không được bay thì chẳng khác nào như "ông lão vật thuốc lào". Còn về chuyện luyện tập trên không trong buồng lái thì muôn hình muôn vẻ. Bởi chẳng có bài tập, chẳng có lần bay, chẳng có tình huống nào giống nhau. Khi lên buồng lái, khi chiến đấu, phi công và máy bay là tri kỷ. Trong thời khắc đó, tập trung tư tưởng là nguyên tắc số một, chẳng có cơ hội mà hờn gió, trách mây.

Nghe phi công Thịnh trải lòng, chúng tôi chợt nhớ đến tâm tình của Thượng tá Nguyễn Thế Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 371, nguyên Chính ủy Trung đoàn 923 trong bữa ăn trưa. Anh kể, mùa hè hằng năm, các con vào đơn vị thăm bố, nhưng đôi mắt cứ buồn thiu vì chưa được thỏa ước mong chơi cùng bố, trò chuyện nhiều với bố. Việc trực, việc bay cứ liên miên chẳng theo giờ giấc nào. Có khi, hết ban bay trở về nhà thì đã là 12 giờ đêm, con đã ngủ. Có ban bay thì đi từ 3 giờ sáng, lúc mặt trời chưa thức dậy. Có cậu con trai lấy áo của bố mặc để ôm khi ngủ cho đỡ nhớ. Nhà anh Dũng ở Hà Nội, cách đơn vị hơn 200km. Với anh, sau những ngày trực căng thẳng, mỗi lần về nhà cũng rất vất vả bởi quãng đường dài đằng đẵng.

Từ những câu chuyện của hai đồng chí Không quân, chúng tôi mới hiểu, hoạt động của các phi công quân sự trên bầu trời không chỉ được nuôi dưỡng bằng sở thích, tình yêu, sự say mê mà cao hơn nữa đó là trách nhiệm, là lòng trung thành và sự tận tụy với nhiệm vụ. Có họ, bầu trời Tổ quốc bình yên, xanh mãi!

Đáp số của sĩ quan dẫn đường

Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu một cách cơ bản về vị trí, vai trò, công việc thầm lặng của các sĩ quan dẫn đường. Ngay cả chúng tôi, dù đã gặp và trò chuyện với không ít sĩ quan dẫn đường kỳ cựu trong lực lượng Không quân, cũng còn mù mờ về công việc của họ. Thế nên, được tìm hiểu về sĩ quan dẫn đường và công việc cần sự tập trung cao độ, cùng óc hình dung tốt của họ là hết sức thú vị.

Thông thường, để hoàn thành nhiệm vụ trên không, các phi công quân sự được hỗ trợ từ rất nhiều lực lượng, không chỉ là các thợ kỹ thuật bảo đảm hàng không dưới mặt đất mà còn có một lực lượng luôn theo sát phi công từ khi cất đến khi hạ cánh giống như “răng với môi”. Họ là các sĩ quan dẫn đường làm việc tại sở chỉ huy và các đài K4, K6, K7, K8 của sân bay quân sự. Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với Thiếu tá Lê Đình Thức, Chủ nhiệm dẫn đường của Trung đoàn 923 sau khi anh và đồng đội vừa hoàn thành phần thi giúp phi công đánh chặn kích. Anh Thức có dáng người nhỏ nhắn, thư sinh, khuôn mặt trắng hồng và đôi lông mày đen đậm. Nếu không mang bộ quân phục màu xanh da trời, với giọng nói nhẹ nhàng, nhiều người sẽ lầm tưởng anh Thức là một giảng viên hơn là một sĩ quan dẫn đường.

Thiếu tá Lê Đình Thức trải lòng, dẫn đường và phi công gần như là một. Nếu như vũ khí của phi công là bom, đạn có sức hủy diệt lớn thì vũ khí của sĩ quan dẫn đường chỉ là thước tam giác, bút chì và không thể thiếu là bản đồ tác chiến. Họ lấy số liệu, tham số mục tiêu từ lực lượng radar, sau đó tính toán và hướng dẫn phi công “đi đến nơi về đến chốn”. Việc hướng dẫn phi công tác chiến trên không cũng phải căn cứ vào sở trường của họ. Có phi công mạnh bạo, xuất phát nhanh, có thể đạt tốc độ cao ngay tắp lự, nhưng cũng có phi công xuất phát chậm hơn một chút. Thế nên, sĩ quan dẫn đường phải hiểu tính cách trong hành động của phi công, thuộc thói quen của của họ để đưa ra các chỉ dẫn chính xác. Anh Thức nói với chúng tôi rằng, trong bất kỳ tình huống nào, đáp số của sĩ quan dẫn đường là phải luôn luôn đưa phi công vào thế có lợi. Và cái thế có lợi ở trên không thì khó lột tả, phải căn cứ vào từng tình huống cụ thể mới nói chi tiết và rành rẽ để người khác hiểu được.

leftcenterrightdel

 Biên đội Su-27 cất cánh thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: HUY HOÀNG

Theo anh Thức, việc đánh chặn kích của phi công là một bài toán rất khó đòi hỏi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dẫn đường và phi công. Trước khi xâm nhập vào bầu trời Tổ quốc để đánh phá, đối phương tìm hiểu rất kỹ tình hình, hệ thống phòng ngự trên không, mặt đất của quân ta. Một trong những thủ đoạn mà đối phương hay áp dụng đó là tổ chức “bay lén”, dưới tầm phát hiện của các loại radar để đánh bất ngờ. Ở tầm trung không, chúng sử dụng tác chiến điện tử để chế áp, gây nhiễu, "bịt mắt" radar. Thế nên, nhiệm vụ của sĩ quan dẫn đường là giúp các phi công quan sát, phát hiện và tạo ra thời cơ để kịp thời công kích, tiêu diệt mục tiêu.

Với những vũ khí trong tay như đã nói ở trên, sau khi đoán được ý đồ của đối phương, chỉ trong vài giây tính toán, sĩ quan dẫn đường đã cho ra các tham số. Họ thường thông báo các tham số về hướng bay, tốc độ bay, độ nghiêng... cho phi công. Nhưng cũng có lúc, sĩ quan dẫn đường đưa phi công lòng vòng trên không để mật phục, đón đợi thời cơ, bất ngờ giáng những đòn sấm sét vào đối phương.

Được tham gia Hội thao dẫn đường cho lực lượng Không quân toàn quân và diễn tập bắn, ném bom đạn thật cho lực lượng Không quân diễn ra vào trung tuần tháng 7 năm 2023, điều thú vị và đọng lại trong chúng tôi là những chớp lửa ở vùng rừng núi xứ Thanh. Những chớp lửa ấy chứa đựng rất nhiều câu chuyện và sự tâm huyết của người lính Không quân làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Ở đó, các phi công quân sự đã thể hiện bản lĩnh, tài năng, trình độ hiệp đồng tác chiến ngoạn mục.

Chứng kiến sự hiệp đồng tác chiến của họ, chúng tôi được mở mang tầm hiểu biết và càng thêm tin tưởng vào một trong những lực lượng chủ chốt chiến đấu hiện đại, tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

MẠNH THẮNG - LIÊN VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.