Biết tôi có thói quen thức khuya nên chưa đến 21 giờ, sau khi gọi điện, Đại tá Đào Quang Minh, Phó chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện TƯQĐ 108 còn cẩn thận nhắn tin nhắc tôi đi ngủ và nhớ để báo thức 5 giờ hôm sau sẽ cùng đoàn công tác hành quân lên xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Quen nhau đã lâu, tôi biết tính anh cẩn trọng, tỉ mỉ, chu đáo và cũng rất sâu sắc. Hai năm trước, khi theo đoàn của Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, chuyển giao kỹ thuật ở một xã vùng sâu của tỉnh Hà Giang, anh Minh đã cho tôi một bài học về tính cẩn thận. Lúc chương trình khai mạc, tôi mở máy và chụp vài kiểu ảnh mới phát hiện chưa lắp thẻ nhớ SD. Chắc là do thấy tôi loay hoay, hết nắn túi quần lại sờ túi áo rồi đứng ngẩn tò te giây lát, anh Minh đến bên vỗ vai:

- Có phải tìm cái này không?

- Dạ, em làm rơi ở chỗ nào vậy anh?

Tôi hỏi như là để bao biện cho sự đãng trí hay quên của mình, đồng thời tặng anh một nụ cười chống ngượng.

Anh nhoẻn miệng cười thân thiện rồi nhanh chóng trở về bàn đại biểu.

leftcenterrightdel

Các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho thương binh nặng ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. 

Sáng hôm sau, đúng giờ hẹn, tôi có mặt. Gần 40 cán bộ, y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện TƯQĐ 108 lục tục đưa đồ đạc, phương tiện khám bệnh và thuốc lên xe. Hơn mười phút sau, xe khởi hành, rời Bệnh viện trong ánh điện. Lúc này, thành phố đã bắt đầu thức giấc. Trên hè phố, người đi bộ tập thể dục khá đông. Trong xe, anh Minh kể với tôi, năm nay tuyến khám bệnh, tặng quà, cấp thuốc miễn phí dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ của Bệnh viện tập trung chủ yếu ở các xã, phường của TP Hà Nội. Phòng Chính trị của Bệnh viện đã phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng ban CHQS các quận, huyện, xây dựng kế hoạch hiệp đồng rất chi tiết từ vài tuần trước với kinh phí trị giá khoảng 300 triệu đồng. Theo anh Minh, việc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân các xã, phường của Hà Nội thường diễn ra trong một ngày. Đoàn công tác của Bệnh viện mang theo các dụng cụ, thiết bị khám gọn nhẹ, trong đó có máy siêu âm, điện tim.

Tiếp câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Chu Trọng Như, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết:

- Do khám bệnh cơ động tại các địa phương nên không thể làm được những xét nghiệm lâm sàng có tính chuyên sâu. Vì vậy, các y sĩ, bác sĩ thường tư vấn cho người bệnh nên dành thời gian đi khám tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế khi xuất hiện những triệu chứng.

Gần như năm nào anh Như cũng đi khám bệnh cho nhân dân trên các tuyến, nhất là tại những địa phương vùng sâu, vùng xa nên rất am tường công việc chuyên môn và xu hướng gia tăng các loại bệnh của bà con. Anh kể, hiện nay, qua thăm khám, các y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện thống kê được nhiều loại bệnh, nhưng tỷ lệ các bệnh về tim mạch, huyết áp, đục thủy tinh thể tăng mạnh. Trong thăm khám, các y sĩ, bác sĩ cũng phát hiện một số người bị những triệu chứng về gan, thận, điều trị không đúng cách, rất nguy hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, không ít sự việc khiến anh Như rất lo ngại chẳng hạn như người dân mua phải thuốc giả. Hôm trước, trong khám bệnh cho đối tượng chính sách, hộ nghèo ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, một bà cụ đã đưa gói thuốc ra "trách" anh là uống thuốc mua của Bệnh viện TƯQĐ 108 mà mãi không khỏi bệnh sỏi thận. Quan sát kỹ, anh Như phát hiện gói thuốc bị làm giả nhãn mác, bao bì của Bệnh viện. Hỏi ra thì được biết, bà cụ nhờ con dâu mua gói thuốc này tại một cửa hàng tân dược.

Từ nhiều năm nay, Bệnh viện TƯQĐ 108 luôn chú trọng xây dựng hình ảnh “Lương y như từ mẫu” gắn với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Thấm nhuần quan điểm ấy, cán bộ, y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện luôn nêu cao ý thức kỷ luật, khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân với tất cả tấm lòng và tình yêu thương. Đại tá Đào Quang Minh nhấn mạnh, nếu phát hiện trường hợp có biểu hiện vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, làm xấu hình ảnh, uy tín của Bệnh viện thì đều bị xử lý nghiêm khắc. Thế nên, hình ảnh, y đức, thương hiệu trong khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân của Bệnh viện luôn được khẳng định. Gần đây xuất hiện những đối tượng ở ngoài xã hội lợi dụng thương hiệu của Bệnh viện TƯQĐ 108 để bán thuốc giả kiếm lời. Tình trạng lợi dụng internet, mạng xã hội, lợi dụng uy tín bệnh viện để bán thuốc không còn là hiếm.

Cách đây vài tháng, Đại tá Đào Quang Minh đã cung cấp một số thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về việc này. Anh Minh kể, có một người đàn ông trung niên trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội xem được quảng cáo trên YouTube, thấy có người giới thiệu thuốc chữa bệnh cao huyết áp của “bác sĩ Trần Văn Chiển, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108” rất hiệu quả. Chỉ với một liều là khỏi vĩnh viễn không cần thuốc Tây". Thương vợ bị tăng huyết áp chữa trị nhiều năm không khỏi, anh này đặt mua thuốc với giá 2,5 triệu đồng (quảng cáo là đã được giảm 50%). Khi nhận sản phẩm, thấy vỏ thuốc ghi điều trị bệnh tiểu đường nên anh liên hệ với Khoa Y học cổ truyền để hỏi thì phát hiện mình đã bị lừa, mua phải thuốc giả.

Buổi trưa, sau bữa cơm cùng cán bộ, y sĩ, bác sĩ của đoàn, tôi được Trung tá QNCN Lê Uyên kể lại câu chuyện đậm tình quân dân. Hôm ấy, khi chị và các y sĩ, bác sĩ đang sắp dụng cụ, chuẩn bị khám bệnh, cấp thuốc miễn phí ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội thì được lệnh khẩn trương lên đường đến khám cho một thương binh tại gia đình. Lên xe, chị Uyên mới biết đi khám cho thương binh nặng Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1963, người đã mất 81% sức khỏe sau khi giám định. Bác Thịnh đang trong tình trạng sức khỏe yếu, vết thương tái phát. Tới nơi, đến bên giường bác Thịnh nằm, chị Uyên nắm chặt tay bác Thịnh ân cần hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình. Đôi mắt bác Thịnh ngấn lệ, giọng run run hỏi:

- Cháu Uyên đấy à?

Hơi bất ngờ nhưng chị Uyên nhanh nhảu trả lời:

- Vâng, cháu đây ạ. Bác nằm yên, thở đều để cháu đo huyết áp và khám nhé.

Bác Thịnh xúc động:

- Cháu đến đây giúp bác thế này quý hóa quá. Bác cảm ơn các thầy thuốc quân y nhiều lắm!

Sau khi khám, tư vấn và dặn dò bác Thịnh uống thuốc đúng liều, đúng giờ quy định, chị Uyên được vợ bác Thịnh kể lại rằng, sau lần đoàn cán bộ, y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện TƯQĐ 108 về khám bệnh tại đây mấy năm trước, bác Thịnh nhớ như in và cứ nhắc mãi về những nghĩa cử cao đẹp của các đồng chí quân y, trong đó có chị Uyên.

Cuối câu chuyện, chị Uyên trải lòng với tôi, 7 năm qua, chị đã đi hơn 40 xã, phường của TP Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân. Người dân ở đâu cũng để lại trong lòng chị và những cán bộ, y sĩ, bác sĩ nhiều cảm xúc, tình cảm thật đặc biệt. Chứng kiến nhiều thương binh, bệnh binh mất một phần thân thể, đau đớn vì vết thương tái phát, nhiều lần chị và các đồng đội không cầm được nước mắt... Câu chuyện của chị Uyên và các thầy thuốc quân y Bệnh viện TƯQĐ 108 giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về nghĩa tình của những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, trong đó có các đối tượng chính sách và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn...

Bài và ảnh: ĐỨC THUẦN