Pháo phản lực BM-21 Grad (BM-21)-một loại pháo chiến dịch trong biên chế của Quân đội ta. Là cơn "mưa lửa" trút xuống mặt đất, uy lực của loại pháo này chúng tôi đã được đọc, được xem nhiều qua sách vở, phim ảnh, còn thực tế người lính triển khai như thế nào thì đây là lần đầu tiên được chứng kiến.

Trong cái nắng vùng núi trung du táp vào mặt bỏng rát trên thao trường, chúng tôi chợt nghe thấy tiếng xe ô tô rì rì từ xa vọng lại. Tiếng máy nổ ngày càng gần. Hướng mắt về phía con đường nội bộ của Lữ đoàn Pháo phản lực 204, phải nhìn thật kỹ tất cả mới phát hiện ra, lẫn vào bóng cây xanh mát hai bên đường, một đoàn xe phủ lưới ngụy trang đang di chuyển. Thượng úy Trần Văn Giang, Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 đứng cạnh thông báo: BM-21 chiếm lĩnh trận địa.

- Trận địa ở đâu? - Chúng tôi ngơ ngác.

- Đấy, chính chỗ trống kia!

Hướng mặt theo cánh tay Phó đại đội trưởng Giang chỉ là một bãi đất trống khá rộng, cách chỗ chúng tôi đứng khoảng 800m đường chim bay. Sao trận địa pháo mà lại đơn giản thế? Chẳng cây cối, chẳng hầm hào công sự. Thật lạ!

Như hiểu được băn khoăn của chúng tôi, Thượng úy Trần Văn Giang giải thích sơ bộ: Huấn luyện pháo phản lực có nhiều nội dung khác nhau. Căn cứ vào đối tượng và thời gian để phân ra các bài huấn luyện phù hợp. Hôm nay, các phân đội pháo tiến hành luyện tập nội dung cơ động, chiếm lĩnh trận địa và thu hồi pháo. Nội dung này hết sức cơ bản, là trụ cột của tác chiến pháo chiến dịch.

leftcenterrightdel
Pháo thủ thao tác phần tử trên kính ngắm. 

Những chiếc pháo phản lực BM-21 được anh Giang giới thiệu cao hơn 3m, dài gần 8m, nặng gần 14 tấn vừa dừng, cánh cửa cabin bật mở. Các pháo thủ ào tới. Hai người nhanh chóng trèo lên thùng xe. Chưa đầy một phút, tấm lưới ngụy trang màu xanh bao phủ thân xe đã được tháo, lộ ra giàn pháo phản lực 4 tầng, mỗi tầng có 10 ống phóng màu xanh bóng loáng.

- Phân đội đã triển khai xong khí tài - Thượng úy Trần Văn Giang thông báo với chúng tôi, mặt vẫn hướng về phía trận địa.

- Thế bao giờ bộ đội mới bắn?

- À, muốn bắn thì phải nạp đạn. Khi pháo “no bụng” thì phải chờ lệnh chỉ huy chứ không được tùy tiện bắn theo ý thích. Có thể các anh chưa biết, nạp đạn vất vả và mất thời gian lắm!

Không khỏi tò mò, chúng tôi đề xuất luôn với anh Giang được di chuyển đến vị trí các xe pháo đang nằm trực chiến. Vừa đi, Thượng úy Trần Văn Giang vừa giới thiệu một vài thông tin hữu ích. Pháo đến trận địa, các pháo thủ phải thực hiện rất nhiều công việc, không chỉ hiệu chỉnh tầm, hướng và các tham số mà còn phải xây dựng công sự trú ẩn và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, chống địch oanh kích bằng không quân và đề phòng chúng phản pháo.

- Cũng nhiều khâu phức tạp và vất vả nhỉ!

- Vâng! Là pháo chiến dịch, chúng tôi đánh địch cách xa hàng chục cây số, mắt thường không nhìn thấy chúng.

- Thế thì làm sao bắn trúng được?

- À, cái này cũng dễ hiểu thôi. Pháo phản lực BM-21 chỉ tác chiến khi có yêu cầu của trên và đánh vào các mục tiêu quan trọng của đối phương. Một đại đội BM-21 khi phát hỏa sẽ hủy diệt diện tích khoảng 1,2 cây số vuông. Trên lý thuyết, BM-21 thường được áp dụng để tấn công từ khi địch ở xa, lúc chúng làm công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cơ động.

- Thế thì lính pháo chiến dịch BM-21 nhàn lắm, không như cánh bộ binh, luôn luôn giáp mặt với đối phương?

- Không nhàn đâu anh, rồi các anh sẽ thấy chúng tôi gian khổ thế nào!

Câu chuyện với Thượng úy Trần Văn Giang vừa dứt thì cũng là lúc chúng tôi "chạm trán" với các pháo thủ của Trung đội trưởng Phùng Quang Tú. Sau khi nhận lệnh của Phó đại đội trưởng Trần Văn Giang, Trung đội trưởng Phùng Quang Tú lệnh cho các pháo thủ tiến hành nạp đạn.

Nghe lệnh, Binh nhất Trần Tuấn Hùng, pháo thủ số 2 và Binh nhất Phùng Văn Tỉnh, pháo thủ số 3 đứng trên xe, gần các ống phóng để nạp đạn vào nòng pháo. Trước khi nạp đạn, họ phải tiến hành hiệu chỉnh ngòi nổ, vòng cản, rồi lắp ngòi nổ vào vòng cản.

Ở phía dưới, Trung sĩ Hà Văn Lực, khẩu đội trưởng và Binh nhất Nguyễn Văn Thành, pháo thủ số 1 mau lẹ vận chuyển các hòm đạn tới rồi phối hợp lấy đạn đưa lên cho pháo thủ số 2 và 3. Hành động nạp đạn của họ nhanh, dứt khoát, không có động tác thừa. Mồ hôi bắt đầu tứa ra, ướt đầm lưng áo dã chiến của các pháo thủ.

Sau khi hoàn thành việc nạp đạn, khi có lệnh chuẩn bị của trên, khẩu đội trưởng tiến hành lấy phần tử mục tiêu đầu tiên lên pháo, tính toán lượng sửa, cộng vào độ tà, độ hướng...

Chúng tôi kéo Trung đội trưởng Phùng Quang Tú ra một góc để trò chuyện. Tú cho hay, với các pháo thủ mới, việc nạp đạn phải tập đi tập lại nhiều lần cho đến khi thuần thục. Không chỉ tập nạp đạn ban ngày mà các pháo thủ còn phải tập trong điều kiện đêm tối hoặc hạn chế ánh sáng. Lúc đầu tập với đạn học cụ, kiểm tra đã thuần thục và đủ trình độ, bản lĩnh thì mới được đưa vào phục vụ tác chiến.

Nhìn "gấu lửa" sừng sững, chúng tôi nhẩm tính, mỗi lần nạp đạn, khẩu đội 4 người phải kết hợp vận chuyển hòm và đạn nặng gần 4 tấn, nhiều lúc phải hợp lực, rướn người đưa đạn lên cao gần 2m. Đây là công việc không dành cho những ai thiếu ý chí, nghị lực. Bởi tính ra, mỗi hòm chứa một quả đạn hỏa tiễn nặng tới 100 cân, riêng quả hỏa tiễn nặng 66 cân.

leftcenterrightdel
Khẩu đội trưởng thực hành bắn bằng cuộn dây bắn ngoài. 

Chia tay các pháo thủ, chúng tôi trở về sở chỉ huy của Lữ đoàn Pháo phản lực 204 khi ánh nắng đã nhạt dần. Tại đây, chúng tôi được Đại tá Nguyễn Đình Du, Lữ đoàn trưởng “khai mở” thêm về nghề chỉ huy pháo chiến dịch mà anh đã theo đuổi hơn 30 năm qua.

Đại tá Nguyễn Đình Du chia sẻ, tác chiến với pháo chiến dịch là một nghệ thuật, trong đó phải lấy kỹ thuật phục vụ chiến thuật. Tóm lại là xe chở khí tài phải tốt, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao. Có lệnh, “nghiêng chìa” là nổ máy và cơ động đến mọi địa điểm theo yêu cầu của chỉ lệnh. Hệ thống kỹ thuật trong cơ cấu hoạt động của pháo cũng phải trơn tru, hoàn hảo, không thể có bất cứ một sai sót nào, dù là nhỏ nhất. Bởi thế, công tác bảo dưỡng kỹ thuật ở Lữ đoàn là mục tiêu quan trọng nhất để bảo đảm huấn luyện, SSCĐ.

Người lữ đoàn trưởng dày dặn kinh nghiệm kể, công tác bảo dưỡng vừa phải khẩn trương, nhưng cũng phải cực kỳ tỉ mỉ và chắc chắn. Mỗi lần bắn xong, các pháo thủ mất khoảng 30 phút để bảo quản sơ qua nòng pháo. Sau khi hành quân về đơn vị, họ tiến hành bảo quản kỹ. Những khối ống phóng được tháo ra toàn bộ, bảo quản từng chiếc rất công phu. Các pháo thủ phải ngâm rồi lau, rửa bằng xà phòng ấm và các dung dịch kỹ thuật. Sau đó dùng dầu thông nòng, rồi tiến hành sơn lại. Những công việc ấy phải được khẩu đội tiến hành trong hai ngày mới hoàn thành.

Được biết, để rèn luyện cho bộ đội pháo binh “mắt thêm tinh, chân thêm vững”, những năm qua, chỉ huy Lữ đoàn Pháo phản lực 204 đã tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động dịch chuyển, huấn luyện báo động SSCĐ. Việc rèn luyện sức khỏe, thể lực, sức bền cho bộ đội pháo binh là tối quan trọng và được thực hiện hết sức gắt gao.

Sau một ngày theo chân cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phản lực 204, được chứng kiến các pháo thủ huấn luyện, tác chiến trong điều kiện nắng nóng ở miền trung du Bắc Bộ, chúng tôi mới thấy sự gian khổ của người lính pháo chiến dịch trong thời bình chẳng kém cạnh bất cứ quân binh chủng nào thuộc biên chế của Quân đội ta. Nghĩ đến đây, chúng tôi lại càng thấm thía lời ca và giai điệu trầm hùng đầy khí phách mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết về pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi/... Dù lửa nóng trong bom đạn bốc cháy xung quanh ta rồi/ Nắm chắc tay không buông rời quyết tâm bảo vệ pháo...”. 

Thật tự hào trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phản lực 204 luôn chủ động, sáng tạo vượt qua muôn vàn khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây đắp nên truyền thống "Trưởng thành nhanh, xây dựng mạnh, tiến bộ toàn diện, từng bước vững chắc", góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang "Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng" của Binh chủng Pháo binh anh hùng. Có pháo binh, các đơn vị bộ binh ở phía trước càng vững tin, chắc tay súng, anh dũng chiến đấu và giành chiến thắng. Chiến công của những người lính pháo binh chẳng hề nhỏ, cho dù pháo chiến dịch thường ở xa tiền tuyến... 

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT