Bệ tốt, đạn sẵn sàng

8 giờ 10 phút, dưới sườn đồi thấp, chúng tôi có mặt tại bệ phóng tên lửa, ẩn dưới màu xanh thẫm của keo. Nắng thu trải trên thảm cỏ thành trận địa khiến những hạt sương ít ỏi chưa kịp tan thêm long lanh. Tiếng máy ô tô ầm ì từ xa vọng lại, rồi chiếc xe TZM kéo đạn tên lửa do Đại úy QNCN Đinh Văn Dũng điều khiển xuất hiện. Đầu xe trườn lên dốc, nhanh chóng lệch trái khoảng 40 độ để vào vị trí nạp đạn. Anh Dũng nhấn bàn đạp ga, tiếng máy réo vang, bánh của chiếc xe cồng kềnh dài gần 15m chồm qua gờ giảm tốc cao gần 20cm rồi dừng đúng vị trí.

leftcenterrightdel

Nạp đạn tên lửa.

Ngay lập tức, 4 pháo thủ cơ động như tên bắn vào các vị trí được phân công. Họ thao tác rất nhanh những phần việc của mình, phối hợp di chuyển tên lửa nặng hơn 2 tấn từ giàn xe kéo sang bệ bằng phương pháp cơ khí. Pháo thủ số 3 bất ngờ nhảy lên cao, hai tay anh bám chặn vào quai sắt của giá đỡ tên lửa trên xe kéo, hai chân anh tỳ mạnh vào thân giá đỡ của bệ tên lửa. Anh dùng lực toàn thân níu nó xuống, để giá đỡ tên lửa trên xe TZM và bệ được thăng bằng, thẳng hàng. Ngay lúc này, pháo thủ số 1 dùng cả 2 tay, với toàn bộ sức lực vận hành chiếc tay quay. Tên lửa di chuyển từ từ sang bệ trong tiếng “tiếp”, “tiếp”, “tiếp”... liên hồi của Khẩu đội trưởng, Trung sĩ Phạm Văn Anh.

Khi tên lửa di chuyển và được cố định vào bệ, các thiết bị trên giá tên lửa của xe TZM được thu gọn là lúc lái xe Đinh Văn Dũng tăng ga. Bánh xe căng tròn, đen bóng, to như cái thùng phi vượt qua gờ giảm tốc, vù ra khỏi trận địa. Chúng tôi liếc đồng hồ, toàn bộ quá trình nạp đạn tên lửa tính từ bước chân đầu tiên của pháo thủ đến khi kết thúc hết 1 phút 5 giây.

leftcenterrightdel
 Tấm lưng của pháo thủ chính là “áo giáp”, tinh thần của pháo thủ là sức mạnh nghìn cân để đưa tên lửa lên bệ.

Dừng tập, khi mũi và miệng còn tranh nhau thở, mồ hôi đang lấm tấm trên trán, Trung sĩ Phạm Văn Anh, Khẩu đội trưởng nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi kiến thức, kinh nghiệm và cả tinh thần dũng cảm cùng khó khăn mà các pháo thủ nạp đạn phải đối mặt trong chiến đấu. Anh nói, việc nạp tên lửa như vừa rồi quá đơn giản vì nó diễn ra trong điều kiện lý tưởng. Nạp tên lửa trong đêm, trong điều kiện ánh sáng hạn chế, trong điều kiện bị địch oanh kích bom mới là điều đáng nói. Trong hoàn cảnh như thế, nếu không có hệ thống phòng không bảo vệ, đánh bật lũ máy bay chiến thuật lên trên không thì tấm lưng của pháo thủ chính là “áo giáp”, tinh thần của pháo thủ là sức mạnh nghìn cân để đưa tên lửa lên bệ.

“Cặp đôi” hoàn hảo

Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Tiệp quê ở Đông Hưng, Thái Bình có nước da ngăm đen, dáng người thấp đậm, chắc nịch, năm nay 34 tuổi. Phạm Văn Tiệp đảm nhận chức danh Tiểu đoàn trưởng hơn một năm nay, đã trải qua các đợt diễn tập nên có khá nhiều kinh nghiệm.

Ngồi chắc chắn trên ghế xe điều khiển chật hẹp, ngột ngạt để chỉ huy kíp chiến đấu của Tiểu đoàn, Thiếu tá Phạm Văn Tiệp căng mắt quan sát, tiếp nhận báo cáo của các thành phần trong kíp chiến đấu... Quả thực, dù có căng tai lắng nghe nhưng chúng tôi vẫn không biết các trắc thủ và chỉ huy đang nói gì với nhau. Những khẩu lệnh liên tiếp được Tiểu đoàn trưởng Tiệp lệnh đi trong tích tắc, át cả tiếng các khối máy hoạt động rì rì và tiếng máy nổ ầm ầm từ hầm bên cạnh dội sang. Sau khẩu lệnh phóng đạn không lâu, quan sát trên màn hiện sóng, sĩ quan điều khiển và kíp trắc thủ báo cáo, mục tiêu đã bị tiêu diệt. Nội dung phần luyện tập kết thúc. Cả kíp chiến đấu xuống xe điều khiển cơ động ra bên ngoài rút kinh nghiệm.

leftcenterrightdel
 Đại úy Lê Trung Hiếu, Kíp trưởng xe AKKOPD cơ động lên xe thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi đã vãn việc, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Tiệp chia sẻ với chúng tôi những bí mật và góc khuất nghề nghiệp. Để nâng cao chất lượng huấn luyện kíp chiến đấu và sát với điều kiện chiến đấu thực tế, chỉ huy Trung đoàn cho tăng cường hai đồng chí tạo mục tiêu giả trên xe AKKOPD (xe tạo tình huống giả) từ Ban Tham mưu Trung đoàn về đơn vị. Ngoài đời, Đại úy Lê Trung Hiếu, Kíp trưởng xe AKKOPD và một nhân viên nữa là bạn của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Tiệp. Nhưng khi vào tập bài, họ thực sự là đối thủ của nhau. Chúng tôi vẫn gọi họ là “cặp đôi” hoàn hảo.

Đại úy Lê Trung Hiếu kể với chúng tôi, anh tạo ra những mục tiêu bay có các tham số giống như mục tiêu thật. Những mục tiêu ấy cũng có các thủ đoạn kỹ chiến thuật như máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc vào tháng 12-1972.

- Khi mục tiêu xuất hiện từ xa thì Tiểu đoàn trưởng xử lý thế nào?-chúng tôi hỏi.

- Đơn giản lắm anh. Tiểu đoàn trưởng nhanh chóng lệnh cho kíp chiến đấu đặt phần tử, sục sạo, phát hiện, bám sát mục tiêu, xác định thủ đoạn, ý đồ của mục tiêu, kịp thời báo cáo Sở chỉ huy Trung đoàn. Khi thời cơ thuận lợi, mục tiêu vào đến cự ly cho phép, Tiểu đoàn trưởng hạ quyết tâm tiêu diệt mục tiêu, phóng đạn ở cự ly phù hợp và quan sát đánh giá kết quả bắn. Khi mục tiêu bị tiêu diệt thì nhanh chóng chuyển sang sục sạo phát hiện các tốp mục tiêu khác.

 Ôi, cái quy trình "ngắn" và "đơn giản" của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Tiệp khiến chúng tôi phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới ghi chép được chính xác.

leftcenterrightdel

Bên trong xe AKKOPD, Đại úy Lê Trung Hiếu (phía sau), Kíp trưởng cùng người đồng đội đang tạo mục tiêu giả cho buổi huấn luyện. 

Đại úy Lê Trung Hiếu xen vào câu chuyện, anh nói: "Khi tạo mục tiêu giả, chúng tôi phải đọc rất nhiều tài liệu của địch. Vì biết cách ta đánh nên có lúc chúng tôi đột ngột chuyển hướng mục tiêu, thay đổi thủ đoạn. Thế là quân của ông Tiệp rối hết. Lúc đi ăn cơm, liên tục gặp những cú liếc mắt gườm gườm của “địch thủ”. Có lần, Hiếu bị một “cú vỗ” vào lưng khi vừa ngồi xuống ghế trong nhà ăn. Anh nhận câu trách yêu: “Hôm nay các anh chơi khó thế, em chịu!”.

Thật là thiếu sót với bạn đọc nếu không nhắc đến "nhân vật" xem như "mắt" của Tiểu đoàn trưởng Tiệp-đó là lực lượng Tiêu đồ 55, Đài điều khiển sử dụng anten xe thu phát. Trung úy Đinh Công Tuấn là Trưởng xe phụ trách lực lượng ở đây. Các thiết bị trên chiếc xe cồng kềnh này có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu ngoài không gian để cho kíp chiến đấu bắt, bám sát mục tiêu.

leftcenterrightdel
Trung úy Đinh Công Tuấn (bên trái), Trưởng xe, phụ trách Đài điều khiển sử dụng anten xe thu phát, có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu ngoài không gian để cho kíp chiến đấu bắt, bám sát mục tiêu. 

Anh Tuấn chia sẻ, việc thu hồi, triển khai thiết bị này rất vất vả, nguy cơ mất an toàn cao. Gần đây, khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền với cường độ gió lớn, các anh đã nhận lệnh thu hồi. Thế là trong điều kiện trời tối, mưa bão, 12 chàng trai trẻ trong kíp chiến đấu phải tháo rời các mã khí tài xuống, trong đó mã nặng nhất là hơn 4 tấn, nhẹ nhất cũng hơn 100 cân. Sáng hôm sau, khi bão chưa kịp tan hết, các anh lại tắm trong mưa để lắp đặt, hiệu chỉnh thiết bị, bảo đảm chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trung úy Đinh Công Tuấn cho biết thêm, trong trực chiến, nhất là mùa hè, nhiệt kế buồng máy có lúc báo 47-48oC. Nhưng điều này cũng không ảnh hưởng đến việc bảo đảm khí tài cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện.

leftcenterrightdel
 Đại diện Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân kiểm tra công tác huấn luyện tại Tiểu đoàn Tên lửa 83.

Yêu cầu tác chiến của bộ đội tên lửa rất khẩn trương, đòi hỏi độ nhanh và chính xác. Việc tập trung tinh thần trong chiến đấu với họ gần như là yêu cầu số một. Thế nên, luyện nhiều, hiệp đồng ăn khớp giúp họ có được sự nhịp nhàng, chuẩn xác. Đây chính là câu trả lời cho lời ví von họ nhanh như điện mà bạn tôi đã khen ngợi. Chia tay những chiến sĩ tên lửa Tiểu đoàn 83, chúng tôi tin, đợt diễn tập bắn đạn thật lần này, họ sẽ tiêu diệt mục tiêu nhanh nhất.

Bài và ảnh: MẠNH THẮNG - HOÀNG VIỆT