QĐND - Sau khi báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), các bệ phóng tên lửa S300 đã sẵn sàng xạ kích. Màn hình ra-đa mở quét 360 độbám bắt đồng thời hơn 100 mục tiêu. Tại sở chỉ huy trên không, sĩ quan bám sát cùng hai trắc thủ quản lý chặt các mục tiêu trong cự ly 300km. “Rồng lửa” S300 đã sẵn sàng “phun lửa”...

Huấn luyện với "rồng lửa" nặng hơn 2 tấn

 “Keng... keng... keng...”, lệnh báo động chuyển trạng thái SSCĐ vang lên. Từ khắp các ngả đường của Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân, cán bộ, chiến sĩ ào lên trận địa. Tiếng bước chân rầm rập hòa vào tiếng kẻng giục giã. Thiếu tá Trương Mạnh Cường, Phó chính ủy Trung đoàn giới thiệu: “Trận địa tên lửa S300 gồm 4 phân đội là: Điều khiển vô tuyến, bệ phóng, kỹ thuật và ra-đa. Các bộ phận bố trí cách xa nhau. Để các anh nắm toàn cảnh hoạt động của trận địa, sự phối hợp, hiệp đồng của các bộ phận, tôi sẽ dẫn đi “mục sở thị” tận nơi. Phải cơ động nhiều, chắc sẽ mệt đấy!”.

Chúng tôi lên trận địa vừa kịp lúc phân đội bệ phóng và phân đội kỹ thuật đang phối hợp nạp đạn cho tổ hợp tên lửa. Khẩu lệnh của Trung úy Trần Văn Đức, Trạm trưởng Bệ phóng vang lên to, rõ, át cả tiếng nổ của động cơ: “Các số đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị. Triển khai khí tài!”. Mọi người chạy tỏa về các hướng, tên lửa được đưa ra khỏi nhà kho, cẩu lắp vào thành xe. Đức di chuyển như con thoi, kết hợp khẩu lệnh và dùng tay ra hiệu: “Sang phải... tiến... Được!”. Thoáng trong chốc lát, lần lượt các quả tên lửa được lắp đặt gọn gàng lên bệ. Trung tá Đỗ Xuân Khôi, Phân đội trưởng Phân đội Kỹ thuật cho biết: “Mỗi xe có bốn quả tên lửa. Mỗi quả nặng 2,5 tấn, để thực hiện nhuần nhuyễn, đạt đến trình độ kỹ năng, kỹ xảo thao tác nạp một quả đạn đòi hỏi các thành viên trong kíp phải trải qua quá trình khổ luyện hàng nghìn lần, “trăm hay không bằng tay quen”. Bất kể ban ngày hay đêm tối, trong mọi điều kiện thời tiết, khi có yêu cầu nhiệm vụ, kíp chiến đấu phải triển khai vũ khí nhanh chóng, chuẩn xác”.

Tên lửa S300 được đặt trong ống bảo quản suốt quá trình sử dụng nên yêu cầu khi vận chuyển, tháo lắp phải hết sức cẩn thận, không được để va đập mạnh gây bẹp méo, biến dạng. Quan sát bộ đội thao tác kỹ thuật, anh Cường nói nhỏ với chúng tôi: “Mỗi quả đạn có giá thành lên tới gần 1 triệu đô-la, nên trong suốt quá trình huấn luyện, công tác an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Đồng chí kíp trưởng phải được lựa chọn và luyện tập rất kỹ, ngoài bản lĩnh tâm lý, cần bao quát tất cả hoạt động của các số”. Khi tên lửa đã được đặt lên bệ phóng, sẵn sàng khai hỏa tiêu diệt mục tiêu, mồ hôi cũng đã ướt đẫm trên khuôn mặt các chiến sĩ.

Phân đội Bệ phóng và Phân đội Kỹ thuật phối hợp tháo lắp tên lửa S300. Ảnh: Trương Cường

Tổ hợp tên lửa S300 mới được đưa vào sử dụng trong Quân đội ta, nhưng tính năng ưu việt về thời gian triển khai, thu hồi, thời gian bắn, khả năng tiêu diệt mục tiêu đã được các chiến sĩ Trung đoàn 64 vận hành thành thục.

Vạch nhiễu, bắt mục tiêu lộ diện

Sở chỉ huy trên không (Trung tâm điều khiển) được ví như trái tim của Tổ hợp tên lửa S300. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được khi bước chân vào nơi đây là không khí làm việc tập trung cao độ. Tiếng “tút... tút... tít... tít...” của các loại máy vô tuyến điện với tần sóng cao làm người nghe chói tai. Trong không gian nhỏ, hẹp trên thùng xe, hệ thống máy móc được bố trí gọn gàng. 6 sĩ quan đang căng mắt, căng tai theo dõi tín hiệu xuất hiện trên màn hình. Đại úy Trần Anh Phương, Phân đội trưởng Phân đội Điều khiển chỉ tay vào một điểm sáng trên màn hình, cho biết: “Để bám sát và quản lý tốt mục tiêu, các sĩ quan phải ngày đêm luyện tập, dù có một chấm sáng nhỏ trên màn hình cũng phải đánh giá và phân biệt được. Qua các đợt kiểm tra thực tế, kíp chiến đấu có thể phát hiện được tất cả các mục tiêu dân sự, quân sự xuất hiện”. “Báo cáo có mục tiêu” - Tiếng của Thượng úy Nguyễn Văn Đạt, sĩ quan Bám sát kéo chúng tôi ra khỏi câu chuyện. Khi đó bắt đầu tính thời gian đưa chỉ thị vào mục tiêu và bắt bám. Được biết các sĩ quan ở đây thực hiện thao tác này “vượt chỉ tiêu”, đạt loại giỏi.

Trò chuyện với các đồng chí tại trung tâm, chúng tôi hiểu thêm, “lý thuyết một thì thực tế hàng trăm, hàng nghìn” nên chỉ học và thực hành đúng tính năng theo lý thuyết là chưa đủ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi chiến sĩ phải không ngừng “ôn cũ, học mới”. Anh Phương giải thích, lịch sử đã chứng minh, khi lực lượng không quân địch tấn công, “con át chủ bài” luôn được giấu kín bằng nhiều cách để đánh lừa bộ đội tên lửa của ta. Năm 1972, khi địch sử dụng máy bay B-52 oanh tạc các mục tiêu ở miền Bắc, chúng được hộ tống rất chặt chẽ. B-52 thường bay theo đội hình chữ A, có 4 đến 6 chiếc F-4 bay trước-sau-trái-phải bảo vệ. Ngoài ra, bay trước đội hình B-52 10 phút có một tốp 12 đến 16 chiếc F-4 bay cùng độ cao, cùng loại nhiễu vào trước “giả B-52”. Đội hình bay kèm B-52 còn có các máy bay gây nhiễu điện tử EB-66, EC-121 thiết lập màn nhiễu bảo vệ B-52. Bản thân B-52 cũng là “máy gây nhiễu khổng lồ”, được trang bị 15 máy gây nhiễu loại thụ động và chủ động. “Khó khăn trăm bề, trong khi cả thế giới nhìn vào Việt Nam với con mắt e ngại, lo lắng thì với kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm, bộ đội ta vẫn lập nên kỳ tích xé toang được màn nhiễu, bắt B-52 đền tội”, Thượng úy Đạt tươi cười góp thêm câu chuyện. Trong quá trình chiến đấu, khi có những vướng mắc, bộ đội tên lửa đều đề xuất rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp chiến đấu. Ngày nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 cũng đang phát huy tốt truyền thống này... 

Nhiều ý kiến sôi nổi đóng góp thêm, điểm quan trọng không kém để làm nên chiến thắng chính là lòng dũng cảm, quyết tâm tiêu diệt địch đến cùng của bộ đội. Là chiến sĩ tên lửa, ai cũng nhớ “nằm lòng” những câu chuyện về các trận đánh trong 12 ngày đêm của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Trong trận chiến đấu ác liệt rạng sáng 21-12-1972, trên bệ phóng trận địa chỉ còn duy nhất một quả đạn, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 vẫn hạ quyết tâm tiêu diệt máy bay địch. Bất chấp những đợt oanh kích dữ dội xung quanh, họ vẫn kiên trì đợi máy bay địch vào cự ly tiêu diệt hiệu quả mới lệnh phóng đạn. Đạn nổ ở cự ly 24km làm một B-52 rơi tại chỗ...  

Câu chuyện sôi nổi tiếp diễn, chúng tôi cảm nhận được tình yêu đất nước, khát vọng cháy bỏng được cống hiến đang là động lực để các cán bộ, chiến sĩ nơi đây không ngừng phấn đấu, rèn luyện. 

“Mắt thần” không để Tổ quốc bị bất ngờ

Tổng kết lịch sử, nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, công đầu trong chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" thuộc về bộ đội ra-đa phòng không. Dẫn chứng được đưa ra, vào đêm 18-12-1972, đài ra-đa P35, thuộc Đại đội 45, Trung đoàn 291-đơn vị đầu tiên phát hiện, thông báo sớm 35 phút trước khi Mỹ dùng B-52 tấn công Hà Nội tạo điều kiện cho sở chỉ huy nắm chắc tình hình, sử dụng lực lượng chiến đấu. Đem câu chuyện đó trao đổi với Đại úy Nguyễn Tiến Hiệp, Phân đội trưởng ra-đa, anh hào hứng cho chúng tôi biết: “Đúng như vậy. Trong hệ thống phòng không nói chung và Tổ hợp tên lửa S300 nói riêng, ngành ra-đa luôn được coi là “con mắt thần” xuyên không gian. Hiện tại, chúng tôi cũng đang rất nỗ lực để đạt được điều đó”.

Sau 3 vòng quét, trên màn hình ra-đa xuất hiện mục tiêu có quỹ đạo liên tiếp và điểm dấu trắng. Chỉ vào một mục tiêu, anh Hiệp giải thích thêm: “Hệ thống ra-đa của tổ hợp S300 hiện đại hơn các tổ hợp tên lửa trước đó ở chỗ, nhìn trên màn hình trắc thủ có thể đọc được phương vị, cự ly, độ cao, vận tốc của mục tiêu, đồng thời xác định được mục tiêu là trực thăng, máy bay hay thiết bị không người lái, tên lửa... Ví dụ, màn hình hiện chữ C là máy bay, chữ P là tên lửa... Tuy nhiên, ưu điểm đó chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi được sử dụng trong chiến thuật hợp lý, hiệp đồng chặt chẽ, sáng tạo của các bộ phận”.

Khi tấn công, không quân của địch sử dụng nhiều biện pháp gây nhiễu ghê gớm; gây nhiễu từ các hạm tàu, máy bay chuyên dụng, máy bay chiến thuật, máy gây nhiễu tạo thành nhiễu dày đặc, đan xen, công suất lớn, phạm vi rất rộng. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm “bịt mắt” đài ra-đa cảnh giới, dẫn đường, điều khiển tên lửa, ngắm bắn của ta. “Do vậy, ngay trong thời bình, ra-đa của tổ hợp S300 được nghiên cứu, tập luyện các phương án, bố trí trong đội hình mạng ra-đa tạo thành trường ra-đa khép kín, vừa có khả năng chống nhiễu tốt, vừa bảo đảm phát hiện liên tục mục tiêu trên các tầng không. Đội hình chiến đấu này được bố trí kết hợp chặt chẽ giữa tuyến và cụm", anh Hiệp cho biết thêm.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, để rèn luyện kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn 64 thường xuyên tổ chức bài tập tổng hợp các động tác chống nhiễu về kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm cụ thể của từng phiên ban, kíp chiến đấu và của từng đài trưởng, sĩ quan điều khiển, trắc thủ, các chiến sĩ thông tin vô tuyến.

Sau một buổi luyện tập với cường độ cao, có vẻ như ai cũng đã thấm mệt, nhưng trong mắt bộ đội S300 đều ánh lên nét tươi vui, tự tin. Sự tự tin khi làm chủ được vũ khí, trang thiết bị hiện đại, làm chủ bầu trời, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống...

VĂN TUẤN