Từ dự án chế bản điện tử và viễn ấn cho Báo Quân đội nhân dân, rồi phần mềm Vietkey, bộ gõ tiếng Việt từng có nhiều năm là phần mềm phổ biến nhất, TS Đặng Minh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Trung tâm An toàn thông tin, Cục Công nghệ thông tin (CNTT), nay thuộc Bộ tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng) đã bước qua từng ngã rẽ để đến với công nghệ, tạo nên cuộc cách mạng trong cách người Việt sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trên các nền tảng số.
Từ giấc mơ điện tử đến ngành học ngoài ý muốn
Có những giấc mơ như một làn gió mát len vào tâm trí những người trẻ tuổi và với Đặng Minh Tuấn, giấc mơ ấy mang tên điện tử. Nếu phải tìm mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí bền bỉ của TS Đặng Minh Tuấn, có lẽ phải ngược thời gian về Nhà máy Z181-Công ty TNHH MTV Điện tử Sao Mai (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), nơi cha anh từng công tác.
Cậu bé Đặng Minh Tuấn lớn lên giữa những chiếc bóng bán dẫn, dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử mà ai cũng tin rằng đó là con đường để Việt Nam không bị phụ thuộc. Những lần lắp ráp mạch điện như: Đài, máy đuổi muỗi, pin muối là niềm vui giản dị, vừa tò mò vừa say mê của cậu học sinh thích kỹ thuật và mong muốn trở thành kỹ sư điện tử thực thụ. Năm 1983, Đặng Minh Tuấn tự tin đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào Học viện Kỹ thuật Quân sự với tâm thế: Điện tử chính là tương lai. Là một trong số ít thí sinh đạt điểm cao năm đó, Đặng Minh Tuấn được Quân đội cử đi du học tại Tiệp Khắc. Nhưng thay vì nhận được giấy báo trúng tuyển ngành điện tử như mơ ước, Minh Tuấn bất ngờ khi nhìn thấy tên "ngành công trình" ghi trên quyết định. Với Tuấn khi ấy, cái tên “công trình” như cánh cửa bất đắc dĩ khép lại giấc mơ điện tử bao năm theo đuổi. “Lúc ấy tôi có chút thất vọng bởi mọi dự định và niềm say mê đột nhiên vuột mất. Không điện tử, không vô tuyến, những thứ tôi tưởng đã nắm chắc trong tay bỗng hóa xa xôi”, TS Đặng Minh Tuấn hồi tưởng.
    |
 |
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm trao hoa chúc mừng Đặng Minh Tuấn và nhóm Vietkey trong Lễ ra mắt Hệ điều hành máy tính Việt Nam Vietkey Linux năm 2003. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Nhưng rồi sau những phút hụt hẫng ban đầu ấy, Minh Tuấn chợt nghĩ: Biết đâu đây lại là thử thách đầy thú vị, một cánh cửa mở ra chân trời mới? Và chính quyết định bước qua cánh cửa ấy lại mở ra cuộc hành trình mà sau này người ta sẽ nhắc đến tên anh với niềm tự hào về những cuộc cách mạng công nghệ, về phần mềm Vietkey và về hàng loạt dấu ấn đậm nét trong ngành CNTT nước nhà.
Dấu chân đầu tiên trên "vùng đất" chế bản điện tử
Sau 6 năm miệt mài học tập ở trời Âu, Đặng Minh Tuấn trở về nước khi xã hội Đông Âu có nhiều đổi thay, mang theo trong mình những tri thức mới về Toán học và máy tính. Năm 1990, anh nhận nhiệm vụ tại Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự thuộc viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Tổng Tham mưu), nơi có vẻ chẳng mấy liên quan đến chuyên ngành anh học ở nước ngoài.
Thời điểm đó, CNTT ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, đất nước mới xóa bỏ bao cấp, chưa có internet. Mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn, những thiết bị máy tính là thứ quý giá vô cùng. Các tòa soạn báo lớn khi ấy vẫn dùng kỹ thuật in ấn lạc hậu, thủ công, dựa hoàn toàn vào những bộ chữ chì, sắp xếp ngược trên khuôn in. Cách làm ấy vừa chậm vừa thiếu hiệu quả khiến những người làm báo phải vật lộn ngày đêm, chạy đua với thời gian, vật vã với từng con chữ trên giấy.
Trong hoàn cảnh ấy, Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự được giao nhiệm vụ mà sau này, nhiều người vẫn ví von đó là một “cuộc cách mạng chì”: Lần đầu tiên tại Việt Nam, những bản báo được dàn trang và in ấn trực tiếp bằng máy tính. Đặng Minh Tuấn chưa kịp quen với môi trường mới đã nhận nhiệm vụ, đặt bước chân đầu tiên lên "vùng đất" còn hoang sơ này. “Khi nhận nhiệm vụ, tôi gần như phải học lại từ đầu”, TS Đặng Minh Tuấn kể. Máy tính khi đó còn thô sơ, thiếu thốn đủ thứ, mỗi thao tác là cả hành trình tìm tòi, thử nghiệm, tự học và tự sáng tạo những giải pháp đầu tiên cho ngành chế bản điện tử non trẻ của Việt Nam. Để phục vụ cho đề tài Chế bản điện tử và viễn ấn, Đặng Minh Tuấn còn xây dựng hơn 200 font chữ tiếng Việt và viết phần mềm ModemVT truyền số liệu không dây bằng máy vô tuyến và 2 phần mềm diệt virus (năm 1991), là một trong những tác giả đầu tiên viết phần mềm diệt virus ở Việt Nam.
Cuộc cách mạng trên bàn phím
Giữa khó khăn trùng điệp đó, sáng tạo lớn nhất, dấu ấn sâu đậm nhất mà TS Đặng Minh Tuấn để lại chính là bộ gõ tiếng Việt đầu tiên-Vietkey. Thứ ban đầu được tạo ra đơn giản để giải quyết nhu cầu thiết yếu của tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Nhưng rồi vượt ra khỏi giới hạn ban đầu, bộ gõ này nhanh chóng trở thành công cụ không thể thiếu trên mọi chiếc máy tính tại Việt Nam trong khoảng 5-7 năm sau đó. TS Đặng Minh Tuấn bộc bạch: “Lúc đầu, chỉ đơn giản là tôi cần giải quyết bài toán nhỏ cho các phóng viên. Tôi không ngờ Vietkey sẽ phổ biến và mở ra chương mới của chữ Việt trên máy tính”.
Ngày đó, công việc chế bản điện tử mới manh nha, mọi thứ dường như đều bắt đầu từ con số không. Những người làm báo lúc ấy hầu như phải viết tiếng Việt bằng phông chữ tiếng Anh, sau đó dùng tay tỉ mỉ thêm từng dấu sắc, huyền, hỏi, ngã. Việc này vừa tốn thời gian vừa thiếu chính xác, chưa kể còn gây nên sự mệt mỏi cho những người thợ chế bản. Chàng kỹ sư Đặng Minh Tuấn quyết định phải làm gì đó thực sự hữu ích để giúp những con chữ tiếng Việt có thể xuất hiện dễ dàng và mượt mà trên màn hình máy tính. Trong hoàn cảnh đó, Vietkey ra đời.
Những ngày tháng ấy, Đặng Minh Tuấn ở tại đơn vị nhiều hơn ở nhà. Đêm đêm, chỉ còn tiếng gõ bàn phím lách cách, ánh nhìn suy tư. Anh tự hỏi bản thân: Làm sao để chữ tiếng Việt có thể hiển thị rõ ràng, đúng với bản sắc và vẻ đẹp vốn có của nó?
Những đêm thức trắng, những dòng code dày đặc, những thử nghiệm thất bại nối tiếp thất bại. Đến một ngày, bộ gõ Vietkey phiên bản đầu tiên cũng hoạt động hoàn chỉnh. Với tính năng “chữ nào viết chữ đó”, Vietkey đã trở thành một cuộc cách mạng thực sự, thay đổi tận gốc cách soạn thảo và chế bản tại Việt Nam. Từ đây, người Việt không còn phải vất vả với những dấu câu thủ công, không còn lo lắng khi chuyển file giữa các môi trường máy tính khác nhau. Mọi thứ trở nên đơn giản, rõ ràng và chính xác.
Khi những tòa soạn lớn như Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân lần đầu ứng dụng công nghệ chế bản điện tử bằng máy vi tính, không ít người đã gọi đó là phép màu. Nhưng với Đặng Minh Tuấn, đó là sự bền bỉ của say mê và trách nhiệm. “Thực ra, nó không hẳn là một phép màu”, anh trầm ngâm, “Đó là thứ mà người Việt Nam xứng đáng có, một công cụ giúp ngôn ngữ mẹ đẻ dễ dàng hơn, đẹp đẽ hơn trên nền tảng công nghệ”.
Không dừng lại ở đó, nhóm Vietkey do Đặng Minh Tuấn dẫn dắt đã đoạt giải nhất Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam năm 2002 (cuộc thi về CNTT lớn nhất thời điểm đó) với sản phẩm Hệ điều hành Vietkey Linux (một sản phẩm dựa trên mã nguồn mở có tính năng tương đương Hệ điều hành Microsoft Windows).
Cũng chính từ Vietkey, những bước tiến về tiêu chuẩn hóa tiếng Việt sau này ra đời. Những "cuộc đấu" khốc liệt để bảo vệ tiếng Việt, để người Việt không bị lệ thuộc vào những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng bắt đầu từ đây. Trên bàn phím máy tính của hàng triệu người Việt Nam, những thành quả mà phần mềm Vietkey và cống hiến của TS Đặng Minh Tuấn vẫn âm thầm chảy mãi. Vietkey không chỉ là công cụ. Tuy nó đã không còn được sử dụng phổ biến nhưng đó là dấu mốc, là niềm tự hào thầm lặng về sự sáng tạo của người Việt Nam, dám mơ ước và hành động để giấc mơ ấy trở thành hiện thực.
(còn nữa)
HẢI ANH