Ngày còn học sinh, Lê Thị Hằng học chuyên toán. Cô mong ước cháy bỏng là học ngành gì đó để làm ra chiếc điện thoại di động. Khi biết Hằng thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều người đã khuyên can, cho rằng con gái theo nghề kỹ thuật sẽ vất vả. Hằng kiên quyết đưa ra lý luận từ chối lời khuyên, không từ bỏ ước mơ...

Sau cuộc điện thoại của Chủ nhiệm Chính trị Viện Hàng không vũ trụ Viettel ít phút, một phụ nữ ào vào phòng với bước chân vội vã. Sau câu chào, chị hỏi đồng chí Chủ nhiệm Chính trị:

- Làm việc có lâu không anh, em còn phải về có cuộc họp?

- Thì cứ vào đã, chắc chỉ 15 phút thôi!

- Vâng!

Cô gái mặc quần Jean, tóc buông hai vai và cười rất tươi ngồi xuống chiếc đôn cùng chúng tôi hết sức tự nhiên. Điểm gây chú ý là cô gái có đôi mắt to tròn này là cô không hề trang điểm, khác với nhiều phụ nữ làm việc trong các công sở hiện đại chúng tôi từng gặp.

Sau khi nghe đồng chí Chủ nhiệm Chính trị giới thiệu, Lê Thị Hằng trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở, có lúc rất cao hứng. Trong chất giọng sắc ngọt của Hằng, chúng tôi để ý, âm chữ "S" được phát ra khá chuẩn và nhiều hơn những người bình thường. Đó là đặc điểm ở những người thường xuyên sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành.

Nữ sĩ quan sinh năm 1985, nhỏ nhắn, nhiều năng lượng, quê ở Bắc Ninh đã thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi nhiều thông tin về công việc, cuộc sống, các mối quan hệ, trong đó có cả những thông tin về tính cách, những khác biệt khá riêng tư trong đời sống. Khi nhận được sự cởi mở, thân thiện của Lê Thị Hằng, mới thấy thoải mái tinh thần

Ấy là bởi sau khi Bộ Quốc phòng đăng tải thông tin lấy ý kiến dân chủ về việc phong tặng danh Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới cho các tập thể, cá nhân trong đó có Thiếu tá Lê Thị Hằng thì nhiều người rất quan tâm. Chúng tôi đã phải chạy đua với thời gian liên hệ với các bên để có cuộc gặp với Lê Thị Hằng, người phụ nữ đặc biệt được dư luận quan tâm, nhiều người ngưỡng mộ.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Lê Thị Hằng cùng đồng đội trong buổi nghiệm thu sản phẩm cấp Bộ Quốc phòng. 

Hằng nói rằng, ước mơ lớn nhất và cũng là đam mê của Hằng từ ngày bé là được tìm hiểu và sản xuất ra điện thoại giống chiếc Nokia. Lớn lên, để thực hiện ước mơ ấy, cô nữ sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh quyết định thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bất chấp sự ngăn cản của gia đình.

Hằng kể, bố mẹ cô nói làm nghề kỹ thuật sẽ vất vả. Đã thế, bố mẹ Hằng còn lấy một trường hợp ở cạnh nhà ra hù dọa, thanh niên ấy học trường Bách khoa, bị áp lực phải học nhiều quá nên không theo được và phải nghỉ học giữa chừng.

Bất chấp tất cả, Hằng vẫn ương ngạnh thi vào ngành điện tử-viễn thông của ngôi trường đại học có bề dày truyền thống và nổi tiếng học tập khắc nghiệt để thực hiện ước mơ. Hằng nói với chúng tôi:

- Mọi người ngăn cản vì lo lắng tương lai của tôi sẽ vất vả, nhưng thực sự thì vất vả chỉ là cách nói ước lệ, không có định tính, định lượng. Điều đó khiến tôi càng quyết tâm và cũng để muốn xem cái vất vả mà mọi người đưa ra có hình dạng méo tròn thế nào. Năm 2003, tốt nghiệp THPT, tôi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tâm thế như thế.

Sau khi đã ổn định một chân chắc chắn để hướng tới ước mơ chế tạo điện thoại di động, ngoài học tập, cô gái mang tên vầng trăng mà thích các hoạt động ngoại khóa do đoàn thanh niên nhà trường tổ chức. Cô tham gia các hoạt động hè tình nguyện, đến với các địa phương vùng sâu, vùng xa để trải nghiệm.

Trời phú cho Lê Thị Hằng trí nhớ tốt và khả năng tư duy nên cô học chuyên toán từ khi còn nhỏ. Đến khi học đại học, sinh viên Lê Thị Hằng cũng không phải đầu tư thời gian học nhiều mà vẫn đứng trong top đầu. Và ước mơ làm điện thoại di động của cô cũng không bao giờ thay đổi, mặc dù có lúc sinh viên Lê Thị Hằng được mời gọi đi theo một hướng khác.

Hằng chia sẻ, hồi học trong trường có môn Cơ học rất khó, nhiều bạn phải đầu hàng. Một hôm, trong giờ học, giảng viên gọi Hằng lên làm bài tập. Hằng đã giải bài theo hướng của mình và ra đáp số chính xác chỉ mất có ½ trang A4 thay vì cách giải trong giáo trình rất dài, khiến giảng viên ngạc nhiên. Sau đó, Hằng được giảng viên mời vào đội thi Olympic cơ học quốc tế, nhưng cô dứt khoát từ chối, cho dù cả nước có 5 người được chọn và Hằng là một thành viên xuất sắc. Hằng cười, đôi mắt lấp lánh đầy tự tin và nói:

- Nếu tôi nghe theo lời giảng viên thì có lẽ cũng sẽ giành giải và bây giờ tương lai sẽ ở chỗ khác.   

- Cơ duyên nào chị đến với Viettel? 

- Trước khi tốt nghiệp vào năm 2008, tôi đã đến thực tập ở Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel và nhận thấy môi trường công tác này rất thú vị. Các anh chị làm việc ở đây rất "khét", nhưng cũng rất nhiệt tình hướng dẫn, dìu dắt.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, Lê Thị Hằng đầu quân vào Viettel. Ở thời điểm đó, Hằng là cô gái duy nhất trong cơ quan tham gia leo cột để nghiên cứu chế tạo, phát triển mạng 3G. Trước đó, trong cơ quan đã có một chị làm việc ở đây, nhưng chỉ phụ trách công việc bàn giấy ở văn phòng chứ không đi hiện trường đua cùng nắng gió như Hằng.

Ở Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel, Hằng không nổi tiếng về sự hiền thục, nết na và thùy mị vốn là thế mạnh của phụ nữ mà lại nổi tiếng là hay tranh luận và rất thẳng thắn. Đến nỗi, các đồng nghiệp còn nhiều lần nói với Hằng: "Mày như con trai". Hằng thật thà và xởi lởi:

- Tôi chỉ cười khi nghe câu ấy. Vì nghĩ lại, tôi cũng giống con trai thật. Ngày nào cũng leo cột, đo sóng rồi hiệu chỉnh thiết bị, viết báo cáo, viết giải pháp kỹ thuật đến 3 giờ sáng, rồi lại thức dậy vào 6 giờ sáng để đi làm. Triền miên làm việc nên tôi cũng chẳng có tâm trí đâu mà nghĩ đến váy vóc, son phấn như chị em...

Hằng cười rất tươi rồi kể rằng, cô cũng chẳng có thời gian để nghĩ xem mọi người nghĩ gì về mình. Ngay cả hôm ra mắt mẹ chồng tương lai, Hằng cũng vô tư mà quên đi ý tứ, lễ nghĩa của con gái vùng Kinh Bắc. Sau này, ông xã mới cho Hằng biết, lúc ấy mẹ chồng tương lai rất bực, rất không hài lòng vì Hằng không trang điểm, không là quần áo.

- Anh ấy có giận chị không?

- Không, chúng tôi học cùng lớp đại học. Lúc đầu anh ấy là tâm điểm cho những trò quậy phá khiến các giảng viên không hài lòng. Mình là cán bộ lớp nên buộc phải nhận trách nhiệm kèm cặp. Sau này, anh ấy vươn lên top đầu. Tình yêu đến với chúng tôi tự nhiên.

Chuyện chung, chuyện riêng cứ rôm rả như thế, nhưng đặc biệt, cứ nói đến công việc, Lê Thị Hằng lại hào hứng, khuôn mặt tự tin và ánh mắt như lấp lánh hơn. Những giãi bày, chia sẻ của Thiếu tá Lê Thị Hằng, cô gái không có trong đầu khái niệm khó khăn, vất vả mà cứ miệt mài vượt qua mọi thử thách đã giúp chúng tôi phần nào lý giải cho hàng loạt thành tựu trong nghiên cứu của chị sau này, trong đó có những điều “lần đầu tiên” tưởng chừng như bất khả thi nhưng nữ quân nhân nhỏ nhắn ấy đều chinh phục được.

 (còn nữa)

MẠNH THẮNG - THU HÒA