Ước mơ thành hiện thực

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng cảm xúc về ngày toàn thắng trong lòng cựu chiến binh (CCB) từng lái xe tăng từ Bắc vào Nam, tham gia chiến đấu tại Mặt trận Trị-Thiên, Huế, Đà Nẵng, tới dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 vẫn vẹn nguyên như 50 năm trước. Đó là những xúc cảm nhiều chiều trong lòng một người lính trẻ: “Hạnh phúc vô biên-vinh dự, tự hào khi chứng kiến niềm hân hoan của quân và dân ta trong ngày chiến thắng, nước nhà thống nhất. Nhưng, trong lòng tôi cũng trào lên niềm thương tiếc vô hạn những người bạn thân thiết của mình như pháo thủ số 2 Nguyễn Kim Duyệt hy sinh chỉ hai ngày trước giải phóng cùng bao đồng đội đã ngã xuống dọc đường để hôm nay mình còn sống và có mặt tại đây”...

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt sinh năm 1954 ở Hải Dương. Từ nhỏ, ông học giỏi các môn tự nhiên và thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng ông cũng ham đọc sách nên tâm hồn khá bay bổng, nhiều ước mơ. Ông từng khát khao được ngao du đây đó kiểu “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”, rồi mơ ước trở thành nhà khoa học, phát minh ra định lý gì đó góp phần làm rạng danh đất nước. Tuy nhiên, khi con đường vào đại học phải tạm gác để nhập ngũ, ông Nguyệt lại ước mơ trở thành người chiến sĩ lái xe tăng vì ông từng bị mê hoặc bởi người chiến sĩ lái xe tăng Pha-khát trong phim “Chiến công Pha-khát” của Liên Xô. Anh ta điều khiển chiếc xe tăng “Con báo châu Á” tung hoành trên mặt trận, diệt bao nhiêu địch. Hình ảnh ấy in sâu vào tâm trí nên ông luôn thầm mong mình được như anh hùng ấy.

Và ước mơ của Nguyễn Khắc Nguyệt đã thành hiện thực khi ông nhập ngũ tháng 12-1971 vào Trung đoàn Bộ binh cơ giới 202. Nhờ sức khỏe tốt, ông được chọn đi học lái xe tăng. Năm 1972, khóa học của ông Nguyệt được tốt nghiệp sớm để vào thẳng chiến trường Quảng Trị. Từ đó, cuộc đời người chiến sĩ cầm tinh con ngựa gắn bó với chiếc xe tăng và những câu chuyện vui buồn, gian nan, thử thách hằng ngày. Ông gọi đó là chuyến “phượt” xuyên Việt đặc biệt vì nó trải qua hàng nghìn ngày, dài hàng nghìn cây số, bản thân hai lần bị thương và chứng kiến biết bao đau thương, mất mát của đồng đội cho tới ngày giải phóng dân tộc.

leftcenterrightdel

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt.  

Viết để trả ơn đồng đội

Đến thăm Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt tại nhà riêng ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội vào một ngày giữa tháng 4 lịch sử, tôi thấy CCB đã ngoài 70 tuổi ấy đang miệt mài làm việc bên chiếc máy tính. Dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông khá bận với các cuộc giao lưu, gặp mặt đồng đội, kể chuyện truyền thống tại các đơn vị, trường học và nhiều địa phương...

Trong căn phòng xếp đầy sách, ông giới thiệu với tôi cuốn tự truyện “Lái tăng xuyên Việt” dày hơn 500 trang vừa in xong. Một số cuốn khác cũng mới được tái bản phục vụ bạn đọc nhân dịp 30-4 này như: “Bút ký lính tăng-Hành trình đến dinh Độc Lập”; “Xe tăng trong chiến tranh iệt Nam-Lịch sử nhìn từ tháp pháo”; “1 chọi 10 trận đấu tăng bi tráng”. Trước đó, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông ra mắt cuốn tiểu thuyết “Chỉ tình yêu gửi lại” viết về liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Văn Nhỡ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, đơn vị đi đầu đánh chiếm Sài Gòn ngày 30-4-1975. Dự kiến vào tháng 5 tới, ông sẽ ra tiếp một cuốn sách về Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Tấu, người anh hùng đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp.

Suốt 17 năm qua, kể từ khi nghỉ hưu (năm 2008) đến nay, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt đã in 17 cuốn sách về xe tăng và Bộ đội Tăng thiết giáp với các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, tự truyện, bút ký. Trung bình mỗi năm, ông viết xong một cuốn sách. Ông chia sẻ, ông đến với văn chương không phải do đam mê từ trước. Mà qua thời gian, khi được hưởng niềm vui của hòa bình, ông càng hay nghĩ về ngày gian khổ, ác liệt trong chiến tranh, đặc biệt sự hy sinh của những người đồng đội, biết ơn sự hy sinh của họ mà mình được sống đến hôm nay. Chính món nợ tinh thần ấy thôi thúc ông phải viết cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào, để trân trọng những hoa thơm, trái ngọt mà họ đang được hưởng.

Với suy nghĩ ấy, ông từ chối hết những lời mời về làm việc sau khi nghỉ hưu để dành thời gian viết về đồng đội, về đơn vị, binh chủng của mình. Mà "Binh chủng Tăng thiết giáp là một binh chủng “nhỏ nhưng có võ”, “trẻ tuổi mà nhiều chiến công” như lời Bác Tôn khen tặng. "Từ câu chuyện những chiếc xe tăng 843 và 390 của Đại đội 4, đơn vị húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập; Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận là người cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 nhiều người đã biết, còn rất nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Việc tổ chức đưa hàng trăm xe tăng vượt hàng nghìn ki-lô-mét vào các chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu cũng là một kỳ tích của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam... Đó chính là mỏ “vàng mười” để tôi khai thác, đưa vào tác phẩm của mình”, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ.

Mỗi trang văn, mỗi cuốn sách ông coi như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món quà tặng những đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường. Hầu như trong các cuốn sách đã xuất bản, tác giả đều ghi dòng chữ: “Thân yêu tặng những người đồng đội của tôi, cả những người đang sống và những người đã chết”; hay “Kính tặng hương hồn liệt sĩ...”... Điều đặc biệt trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt các nhân vật đều là người thật, việc thật. Có những câu chuyện thấm đẫm nước mắt như khi ông kể về sự hy sinh anh dũng của 4 thành viên kíp xe 377, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297 trong trận Đắk Tô-Tân Cảnh ngày 24-4-1972. Các anh đã đi vào huyền thoại như thiên anh hùng ca bất tử. Ông cho biết, khi thu gom di cốt các anh để mai táng, tổ công tác còn phát hiện một nắm cơm cháy đen nằm trên vành tháp pháo. Nắm cơm tiêu chuẩn sáng hôm đó mà kíp xe vẫn chưa kịp ăn vì còn phải gấp gáp cơ động lên chi viện bộ binh. Qua hơn nghìn độ lửa, những hạt cơm đã cháy thành than, đen ngời rắn chắc như một tảng than nguyên khối...

leftcenterrightdel

Một số tác phẩm về Bộ đội Tăng thiết giáp của nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt. 

Cầu nối thông tin hỗ trợ cựu chiến binh

Không chỉ tranh thủ từng ngày hối hả viết vì sợ sức khỏe không đủ để thực hiện những việc cần làm cho đồng đội, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cũng luôn trăn trở, cố gắng kết nối thông tin liên lạc giữa các CCB và thân nhân của những người không trở về. Ông lập trang Facebook Lính Xe Tăng để các thành viên thông tin về các CCB và những thân nhân liệt sĩ của đơn vị đang gặp hoàn cảnh khó khăn nhằm huy động sự sẻ chia, thăm hỏi, hỗ trợ, động viên của anh em giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Trên cương vị Trưởng ban liên lạc của Đại đội 4 và Lữ đoàn Xe tăng 203 (sau này là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203), thời gian qua, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt và một số CCB nhiều lần trở lại A Lưới (TP Huế) để tìm mộ của kíp xe tăng 388 hy sinh đang nằm lại trên mảnh đất này. Khi biết không thể tìm được thi thể các anh do bom Mỹ cày xới quá nhiều, ông Nguyệt bàn bạc với các thân nhân của họ rồi lên kế hoạch xây dựng một ngôi miếu thờ các liệt sĩ tại đây. Với sự giúp đỡ của nhân dân, hương linh các liệt sĩ được gửi gắm vào nhà thờ của xóm 2, thôn Vinh Lợi, xã Sơn Thủy, huyện A Lưới. Mới đây, nhờ kết nối thông tin của CCB Đào Quang Trung và người dân, Ban liên lạc truyền thống của Lữ đoàn Xe tăng 203 tìm được 12 ngôi mộ liệt sĩ trong vườn nhà dân ở Cam Lộ, Quảng Trị. Ông Nguyệt và đồng đội lại lên đường vào đó cùng chính quyền địa phương quy tập, đưa các anh về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nghĩ rằng, mình được sống sót trở về thật là quá may mắn hơn những đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường. Việc tri ân, trả nghĩa cho các đồng chí, đồng đội hy sinh xương máu trong cuộc chiến sẽ không bao giờ hết được. Do đó, khi còn sức, ông sẽ cố gắng viết thêm nhiều tác phẩm để hậu thế hiểu về chiến sĩ tăng thiết giáp nói riêng, Bộ đội Cụ Hồ nói chung trong các cuộc kháng chiến đem lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Bài, ảnh: HÀ THANH MINH