Dự án Đoàn Xuân Tiếp ôm ấp bấy lâu nay, làm anh mất ăn mất ngủ không phải là kinh doanh theo nghĩa đơn thuần mà cao hơn, đó là lòng nhân đạo, tình thương, sự chia sẻ với những cảnh ngộ éo le, mà trước hết, dành cho các hộ chính sách, gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội xuất ngũ, đặc biệt là những người khuyết tật. Anh muốn dành cho người khuyết tật sự tôn trọng thực sự, tạo điều kiện cho họ được học nghề, làm việc, sống bình đẳng và hạnh phúc trong hoàn cảnh của mình.
Đầu năm 1996, Đoàn Xuân Tiếp tìm đến UBND huyện Chí Linh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương để trình bày đề án. Lúc đầu, mọi người có vẻ hơi bất ngờ, nhưng sau diễn giải khúc chiết và mạch lạc của Đoàn Xuân Tiếp, cả hai cấp có thẩm quyền ấy đã ủng hộ anh. Đoàn Xuân Tiếp mừng rơn, anh tưởng mình vừa lái xe vượt qua trọng điểm ở Trường Sơn. Anh không giấu nổi cõi lòng, sau nụ cười hiền lành là những giọt nước mắt tự nhiên ứa ra.
Tháng 6-1996, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc được thành lập tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh (nay là phường Sao Đỏ, TP Chí Linh), tỉnh Hải Dương. Trung tâm được xây dựng trong khuôn viên rộng 0,6ha, nằm cạnh Quốc lộ 38 Hà Nội-Quảng Ninh. Vào thời kỳ đó, đây là nơi sớm nhất trong tỉnh Hải Dương và cả nước có một cơ sở dạy nghề và sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ dành cho thương binh và người khuyết tật. Vạn sự khởi đầu nan. Mới ra đời, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc hết sức thiếu thốn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đấy không phải là thách thức lớn nhất mà Trung tâm phải vượt qua. Thử thách lớn nhất với Trung tâm và Giám đốc Đoàn Xuân Tiếp không gì khác chính là việc dạy nghề cho những người khuyết tật. Phần đông họ còn trẻ, tay chân cóng quéo, đi lại khập khiễng hoặc bị câm điếc bẩm sinh hay do bệnh tật gây ra. Cái khó nữa là phần đông các em, các cháu đều có trình độ văn hóa rất thấp, thậm chí có người chưa được một ngày cắp sách tới trường do nhà nghèo, trường lớp ở xa, do sự không lành lặn của cơ thể. Mù chữ hoặc không được học hành nhiều cộng với những thiếu hụt, khiếm khuyết về cơ thể dễ khiến con người ta mặc cảm, tự ti...
    |
 |
Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp (ngoài cùng, bên trái) tại lớp học nghề dành cho người khuyết tật. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Đoàn Xuân Tiếp nghĩ rằng, trước khi dạy nghề cho người khuyết tật, phải tháo gỡ tâm lý mặc cảm đang bám víu trong họ. Anh chủ động gần gũi, thủ thỉ trò chuyện với các em, các cháu. Đoàn Xuân Tiếp vốn kiệm lời, anh chỉ nói những gì cần nói, không dông dài, không dạy dỗ mà thật ân cần. Các em, các cháu khuyết tật đã tìm thấy ở Đoàn Xuân Tiếp một điểm tựa tinh thần vững chãi để hóa giải dần những băn khoăn, lo lắng hay bi quan của mình. Họ nhận ra ở con người không lấy gì làm cao lớn, vạm vỡ này là sự hiền lành, đôn hậu và thực lòng mến phục, tin cậy. Có lẽ, cũng cần nói một chút xíu về chuyện này nữa, dạy nghề cho người bình thường khó một thì với người khuyết tật phải khó gấp năm, gấp mười. Giáo viên phải bỏ công sức rất nhiều, nhất là với các bạn bị khuyết tật về nghe và nói. Thời gian đào tạo nghề cho người khuyết tật vì thế phải kéo dài hơn người bình thường.
Đoàn Xuân Tiếp và các cộng sự đã không phụ lòng tin của xã hội, của các gia đình, bạn bè, đồng đội. Với sự cầm lái vững vàng của “thuyền trưởng” Đoàn Xuân Tiếp, con tàu nhân đạo mang tên Hồng Ngọc đã vượt qua mọi sóng gió để băng băng tiến về phía trước. Nói một cách cụ thể thì như thế này: Gần 30 năm qua, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc đã đào tạo dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm con em nhân dân trên địa bàn. Với con em của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; những người bị khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam thì Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc tổ chức dạy nghề miễn phí, khi học xong được bố trí việc làm ổn định tại các phân xưởng sản xuất. Các em, các cháu học xong không phải bươn bả tìm kiếm công việc mà công việc đã chờ đón các cháu, các em ngay tại đây. Và những người thợ may, thợ thêu, thợ chế tác đá, thợ chạm khắc, thợ kim hoàn khuyết tật cùng với đồng nghiệp lành lặn khác bình đẳng sống và làm việc trong ngôi nhà ấm áp mang tên Hồng Ngọc. Họ làm ra những sản phẩm mỹ nghệ đẹp được khách hàng và thị trường trong nước, ngoài nước ghi nhận. Họ là những công dân có ích cho xã hội, cho gia đình, cho đất nước. Đoàn Xuân Tiếp luôn xem đó là phần thưởng lớn nhất mà cuộc đời dành cho mình.
Lớp dạy nghề đầu tiên ở Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc có 46 học viên là người khuyết tật và các đối tượng chính sách. Con số học viên được đào tạo, được học nghề để trở thành thợ thủ công mỹ nghệ cứ tăng dần lên từ 40 đến 120, 140, 250 rồi vượt 400 người. Năm 2004, Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự chủ sau 8 năm thành lập. Đoàn Xuân Tiếp quyết định nâng cấp thành Công ty Mỹ nghệ Hồng Ngọc. Đó được xem là bước ngoặt quan trọng trong hành trình dựng nghiệp của anh. Công ty được mở rộng trên khuôn viên rộng tới 5,7ha tại phường Hoàng Tân, TP Chí Linh, có 500 công nhân làm việc tại 4 phân xưởng sản xuất và hệ thống cửa hàng kinh doanh. Con số 57% lao động ở Công ty là người khuyết tật và thuộc các đối tượng chính sách xã hội nói lên tính chất “đặc biệt” của một doanh nghiệp tư nhân. Những người khuyết tật đến học nghề và làm việc ở đây có mức thu nhập ổn định và điều đáng nói hơn là họ sống vui vẻ, lạc quan trong tình thương của mọi người.
Trong số những người thợ thủ công tỉ mỉ và khéo léo làm ra những bức tranh thêu, tranh sơn mài phong cảnh, chân dung, các bức tượng linh vật và nhiều mặt hàng mỹ nghệ rất đẹp khác nữa có nhiều người khuyết tật. Họ ngồi trên xe lăn để thực hiện công việc của mình. Hay bên cạnh còn xếp những chiếc nạng bằng gỗ hoặc kim loại. Nét mặt họ chăm chú nhưng gương mặt và ánh mắt, cả nụ cười nữa toát ra sự thanh thản, bằng lòng. Đến tham quan Công ty Mỹ nghệ Hồng Ngọc, tôi đọc được trong ánh nhìn của họ sự yêu kính, biết ơn khi ông Đoàn Xuân Tiếp đứng bên cạnh.
Môi trường làm việc ở Công ty là một không gian hết sức ấm áp và thân thiện. Các bước chân đi lại cũng nhẹ nhàng, không ai nói to và nụ cười nở ra tự nhiên khi gặp khách. Cuộc sống như một dòng chảy lơ thơ, chậm rãi nhưng không có vẻ gì là uể oải, buồn tẻ. Sinh khí tràn ra từ những bức tranh thêu, tranh sơn mài rất đẹp treo trên vách hay từ các mặt hàng mỹ nghệ tinh xảo bày trong tủ kính, trên kệ. Vẻ đẹp cuộc sống lại được làm ra từ những con người không lành lặn, từ những số phận thiếu may mắn đã được bù đắp và nâng dìu. Từ đó, các em, các cháu đã làm chủ được cuộc đời mình, tìm thấy niềm vui bởi công việc mỗi ngày và tại đây, chính nơi này, yêu thương quá đỗi ngọt ngào tìm đến với mọi người. Như một lập trình đúng cho cuộc đời mỗi người để ai cũng coi Hồng Ngọc là ngôi nhà thứ hai của mình và Đoàn Xuân Tiếp là người thân không thể thiếu. Từ đây, tôi đã được nghe những câu chuyện chân thật do chính những người khuyết tật kể về những chặng đời của mình như Trần Thị Mến, Nguyễn Hồng Hoa, Vũ Thị Loan, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Văn Lưu, Đỗ Văn Dũng... Được biết, sau Công ty Mỹ nghệ Hồng Ngọc (Hải Dương), năm 2005, Đoàn Xuân Tiếp mở thêm Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ (Bắc Ninh) và năm 2012, thành lập Trường Đại học Kinh Bắc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà tỷ lệ dành cho người khuyết tật không ít.
Có những đời người gắn liền với cái tên Đoàn Xuân Tiếp, Anh hùng Lao động của thời kỳ đổi mới (năm 2007), người đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETNAM BOOK OF RECORDS) trao bằng xác lập kỷ lục người Anh hùng Lao động tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật nhất vào năm 2018. Đó chính là kỷ lục đẹp của lòng nhân ái mang đậm phẩm tính thương người như thể thương thân của người Việt Nam.
Ghi chép của NGUYỄN HỮU QUÝ