Kết thúc việc quản lý tại Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội với cương vị Giám đốc hơn 8 năm (2005-2013), ông Phạm Quang Long đã đủ tuổi được nghỉ hưu với tâm trạng thảnh thơi, khấp khởi của lão hiệp sĩ già gác kiếm tìm nơi ẩn dật, mài mực viết văn. Nhưng bạn bè “thèm ông”, không cho ông về hưu. Vậy là kéo ông trở lại trường cũ-Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội dạy thêm 5 năm nữa. Năm 2018, ông chính thức nghỉ hưu tại ngôi trường này. Những năm đó, vừa lên lớp giảng say mê, trách nhiệm, ông vẫn tranh thủ ra được hai cuốn sách chuyên luận và hướng dẫn hơn chục thạc sĩ, tiến sĩ. Đặc biệt, ông cho in tuyển tập kịch "Nợ non sông" (gồm 8 vở) và tiểu thuyết đầu tay "Lạc giữa cõi người".
"Lạc giữa cõi người" như “tiếng bom Sa Diện” làm giật mình những người vẫn quen nghĩ ông là nhà giáo hiền lành. GS, NGND Nguyễn Kim Đính đọc một mạch, gọi ông đến nhà chơi, “hỏi tội”. Thầy Đính "kết tội" vì thầy đọc nhiều lần và phát hiện, thống kê được trong tiểu thuyết có tới 15 lần “văng tục”. Người kể "văng tục" hay nhân vật "văng tục" thì cũng như nhau, cũng từ cái đầu tác giả Phạm Quang Long. Cái tội ấy thật đáng yêu. Bởi dẫu tác giả có mượn mồm nhân vật "văng tục", cuốn sách vẫn tràn trề tình yêu con người, tình yêu cuộc sống.
"Lạc giữa cõi người" là cuốn sách có tính tự thuật, bộc lộ những bức xúc khó giải tỏa mà ông phải nếm trải trong gần chục năm làm quan đất kinh kỳ-kẻ chợ. Quan hàng tỉnh nhưng mà là quan văn. Gần chục năm làm quan thì ít, làm văn thì nhiều. Văn ở đây không phải là văn chương mà là văn kiện lẫn các thứ thư từ, “chiếu, biểu” nhằm bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô...
Từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ông chính thức xin nghỉ hưu (vào năm 2018) với lý do tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có đủ giờ dạy theo định mức. Nhưng ngoài lý do “nhường manh áo cộc cho măng” ấy, bạn bè ông đều hiểu: Ông muốn về trông cháu và để có nhiều thời giờ sống hết mình với văn chương. Giả thuyết đó hoàn toàn chính xác. Và thực tế, liên tục những năm sau khi về hưu, quân bình một năm ông viết và tái bản hai cuốn sách. Sách ông tặng chưa đọc xong cuốn này đã được ông tặng cuốn khác. Sau 8 vở kịch trong tuyển tập kịch "Nợ non sông" là "Lạc giữa cõi người", đến "Chuyện mình, chuyện đời", nối tiếp là "Lốc xoáy".
Sau "Lốc xoáy", ông bắt bút ngay vào "Bạn bè một thuở"-cuốn sách viết về những người lính xuyên qua thời trận mạc bước vào vật lộn với cuộc sống thời bình. Cuốn sách này được Bộ Quốc phòng đầu tư theo chương trình "đầu tư sáng tác văn học". Sau “Bạn bè một thuở” là "Cuộc cờ", một tiểu thuyết trĩu nặng ưu tư và nỗi đau nhân tình thế thái, vì sự tác quái của đồng tiền và sự đam mê quyền lực.
Ngay khi bạn bè ông còn đang lần giở trước đèn "Chuyện Làng", chưa kịp viết phê bình, giới thiệu sách của ông, ông đã thông báo sẽ tặng "Chuyện Phố" và đã in sắp xong "Đối mặt". Ông viết, đọc không kịp. Nhà văn viết nhanh hơn người đọc. Đã có mấy luận văn cao học viết về đề tài “tiểu thuyết Phạm Quang Long”. Tác giả luận văn do dự rất nhiều, vì thấy gọi ông là nhà văn già hay tác giả trẻ đều rất khó...
Như một cái duyên chung cho cả khóa 15 Khoa Ngữ Văn ông học ngày xưa, mùa thu luôn là mùa gặt hái những thành quả, và cũng là mùa gặp gỡ, hội hè. "Chuyện Làng" ông thai nghén từ mùa thu năm trước, mùa thu năm sau (2020) đã chào đời. "Chuyện Làng" ra đời khiến nhiều người kinh ngạc vì không ai nghĩ bút pháp tiểu thuyết của ông lại cứng cỏi, lão luyện đến vậy.
Mấy bà bạn đồng môn của ông về hưu vẫn to nhỏ kể rằng, vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, vào trường nhập học, Phạm Quang Long là chàng trai nhỏ nhắn thư sinh, có phần bẽn lẽn. Trong lớp, ông thích mấy “em” nhưng không dám ngỏ lời. Lúc đào sông Tô Lịch, xây Lăng Bác, hay lao động cộng sản gì đó, ông chỉ cặm cụi gánh đất hộ các bạn gái. Không nói được thì ông làm. Chị em cảm động lắm, biết gánh đất là cách tỏ tình của riêng ông. Một cách ngỏ lời siêu ngôn ngữ. Nhưng chỉ một năm sau, ông đã được cả lớp mến yêu, tôn vinh lên làm lớp trưởng.
Từ một lớp trưởng nổi tiếng, ra trường, ông tiếp tục làm cán bộ lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực. Riêng chuyện yêu đương, ông không cần tỏ tình, chị em phải chủ động ngỏ. Vậy mà trước những lời tỏ tình tha thiết của chị em, ông vẫn mần thinh. Mãi đến khi đi nghiên cứu sinh Liên Xô (trước đây) ông mới nhận lời một cô sinh viên năm cuối, cưới tận bên Tây. Thế mới biết mái trường xã hội chủ nghĩa đào luyện con người thật tuyệt.
Vốn là người kín tiếng trong những chuyện riêng tư, ông không mấy khi thổ lộ cho đồng nghiệp và học trò của mình trong Đại học Quốc gia Hà Nội (nơi ông từng làm Phó giám đốc), nhưng tôi biết rằng ông mồ côi cha khi mới hơn 1 tuổi, người mẹ của ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và con trai đầu hy sinh sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
    |
 |
Một số cuốn tiểu thuyết của tác giả Phạm Quang Long. Ảnh: MINH THÀNH
|
Đọc "Chuyện Làng", nhiều bạn cùng lớp ông thời học đại học đoán rằng: Ông viết tiểu thuyết này như một sự truy lĩnh ngôn từ thời trai trẻ, rằng ngày xưa, thời trai trẻ, ông kiệm lời là để dành cho bây giờ vung bút. Người Việt Nam ai cũng nhớ chuyện làng mình, ai cũng có một “làng tôi”, ai cũng thấy kể chuyện làng thì có gì là khó. Chính tác giả Phạm Quang Long cũng thổ lộ: Bạn ông đọc xong "Chuyện Làng" ông tặng đã khẳng định rằng, “chuyện làng tôi còn hay hơn chuyện làng anh”. Bạn ông nói có lý. Thậm chí còn có hàng trăm ngôi làng nhiều chuyện hay hơn, lý thú hơn chuyện hai ngôi làng của hai ông. Nhưng từ cái hay trong đời trở thành cái hay trong tiểu thuyết là một khoảng cách xa vời, từ sự thật đời sống tới chân lý nghệ thuật. Cái khó ở đây là nghệ thuật tự sự, là cách kể, là cái tài năng đưa gánh nặng cuộc đời vào trong trang sách. Điều này ông đã làm được, không phải cặm cụi quang gánh như xưa, mà bằng một bút pháp tinh tế, khéo léo, điêu luyện, tạo nên vẻ mộc mạc, tự nhiên trong cách kể.
Đọc "Chuyện Làng", độc giả có cảm giác tác giả không cần tưởng tượng, chỉ ghi lại theo trí nhớ. Nhìn tiểu thuyết như một văn bản nghệ thuật phi hư cấu chính là một bằng chứng ghi nhận sự thành công. Ngôi làng của tác giả Phạm Quang Long hiện ra như một ngôi làng bình dị với biết bao số phận, cuộc đời, trải dài quá nửa thế kỷ, xuyên suốt qua mấy cuộc chiến tranh, sang cả thời bình, ngôi làng mà ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất Việt Nam này.
Viết đến trang cuối cùng, chắc ông cũng cảm thấy thảnh thơi, giải tỏa nỗi niềm nhớ thương quá khứ, đặc biệt là nhớ thương người mẹ. Điều này ông đã từng bộc bạch rằng: “Xin cảm ơn làng đã tạo cảm hứng để tôi trả món nợ ân tình với bao người nuôi dưỡng, cưu mang tôi. Lời đề từ “Xin dâng những người con của làng” chỉ nói ra được một phần nhỏ lòng biết ơn của tôi với những người bà con, láng giềng đã chia sẻ, động viên tôi từ khi biết làm người. Không có họ, sẽ không có tôi hôm nay. Xin dâng mẹ tôi cuốn sách nhỏ tôi ấp ủ từ lâu: Người mẹ tần tảo đã phải vắt kiệt sức mình nuôi dạy anh em tôi, đã khuyên lúc tôi tuyệt vọng nhất “nếu không học được nữa thì nghỉ. Còn thấy khổ mà buông xuôi thì tao chết từ lâu rồi. Đừng nghĩ học để làm vương tướng gì, mà để sau này ấm thân mày”...
Tiểu thuyết “Chuyện Làng” đã được trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV (giai đoạn 2017-2020) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Nhiều nhà phê bình văn học giải thích hiện tượng trao giải này bằng lý thuyết tính đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật nói chung, cũng như chiều sâu khái quát của hình tượng ngôi làng trong tiểu thuyết của tác giả.
Tiểu thuyết “Chuyện Làng” không chỉ là sách đọc mà còn là “sách nghe”. Độc giả cao tuổi, mắt kém có thể nghe “Chuyện Làng” nhiều kỳ qua YouTube. Nhóm độc giả nghễnh ngãng U.70 chúng tôi nghe ông kể chuyện làng qua giọng của một phát thanh viên rất trẻ, mới đầu thì không thật yên tâm vì người đọc quá trẻ. Nhưng chỉ sau hai buổi, chúng tôi đã nhận ra sự nhập thân, đồng cảm của người đọc với nhà văn. Chúng tôi nhận ra đúng cái giọng điệu quen thuộc: Giọng kể thâm trầm của một ông quan văn, và hơn nữa, giọng ông giáo già của Đại học Quốc gia Hà Nội kể chuyện.
PGS, TS Phạm Quang Long sinh năm 1952 tại Thái Bình. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp năm 1975 và tốt nghiệp Tiến sĩ văn học tại Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad năm 1984; nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn, Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2001-2005), Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội (2005-2013).
|
PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG