Từ tuổi thơ thiếu sách đến mô hình gieo tri thức

Trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1976, Viện trưởng Viện Học tập suốt đời, ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, tôi cảm nhận ở đôi mắt sáng và luôn cháy lên niềm đam mê đối với mục tiêu mà mình xác định theo đuổi. Có lẽ vì thế, khi còn là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng lớn, anh rẽ ngang để dành nhiều thời gian, tâm huyết gây dựng các mô hình mới mang lại giá trị hữu ích cho cộng đồng. Anh kể: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống hiếu học thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tuổi thơ gắn với những năm tháng vất vả ngoài đồng mò cua, bắt cá để đổi lấy tiền mua sách giáo khoa cũ từ các anh chị khóa trước. Năm học lớp 9, tôi mới có cuốn truyện cổ tích "Thỏ và rùa" được cha mua tặng sau học kỳ có kết quả học tốt. Tuổi thơ cơ cực với khao khát đọc sách đã luôn thôi thúc tôi làm gì đó để các em học sinh ở vùng quê nghèo tiếp cận nhiều hơn nguồn tri thức từ những trang sách".  

Niềm đam mê đọc sách và mong muốn mang tri thức đến cộng đồng đã giúp Nguyễn Anh Tuấn quyết tâm sáng lập, điều phối mô hình hướng đến cộng đồng, lan tỏa văn hóa đọc. Thời gian đầu, anh cất công đến nhiều vùng, miền tìm hiểu nhu cầu, thực tế về sự thiếu thốn, niềm khát khao đọc sách của học sinh. Năm 2017, anh thiết lập thử nghiệm tủ sách nhân ái đầu tiên ở quê nhà huyện Thanh Chương, nơi miền quê nghèo giàu truyền thống hiếu học còn có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường học chưa có thư viện, học sinh ít được tiếp cận các loại sách chất lượng ngoài sách giáo khoa...

Tủ sách nhân ái đầu tiên đã tạo được tiếng vang lớn ở vùng quê nghèo, thu hút nhiều học sinh tham gia. Những ngày cuối tuần, nơi đây vang lên tiếng giảng bài của cô giáo, tiếng vui đùa của các trẻ nhỏ. Không gian ăm ắp tình người và sự lan tỏa của tri thức. Các thầy giáo là những sinh viên giỏi, thợ lành nghề, vận động viên tình nguyện dạy, hướng dẫn các em nhỏ học tiếng Anh, giải đáp những bài học khó, kỹ thuật điện, may mặc, chơi các môn thể thao, cùng đọc những cuốn sách về mọi lĩnh vực...

Hình ảnh học sinh vui mừng, nâng niu những cuốn sách mới, lật từng trang sách, những lá thư cảm ơn từ những lớp học vùng cao, vùng xa gửi về như được tiếp thêm động lực, niềm tin giúp anh mở rộng mô hình. Với quan niệm “Muốn đi đường dài phải đi cùng nhau”, Nguyễn Anh Tuấn chi hàng tỷ đồng mua thêm sách, vận động bạn bè lập chương trình tủ sách nhân ái nhằm thu hút nhiều nguồn, tạo “quỹ sách” trao tặng học sinh.

leftcenterrightdel

Anh Nguyễn Anh Tuấn cùng các em học sinh trong Chương trình tủ sách nhân ái ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Anh cùng các cộng sự gặp gỡ, thuyết phục 32 nhà xuất bản để mua sách với mức giá giảm hơn so với thị trường. Mỗi cuốn sách đều được lựa chọn, đánh giá, tư vấn của thầy, cô giáo và các nhà xuất bản sao cho phù hợp từng độ tuổi, lớp học. Sách có đủ loại, theo nhiều chủ đề như: Khoa học, nghệ thuật, lịch sử, văn học, thiên văn, địa lý, sách ngoại ngữ, song ngữ, kỹ năng sống, sách STEM... Tùy theo từng cấp học, mỗi lớp học được chương trình trao tặng 50 cuốn sách. Mỗi lớp học đều có ban thư viện để tự quản việc đọc và cho mượn sách...

Từ thành công của tủ sách nhân ái, anh Tuấn tiếp tục sáng lập mô hình ngôi nhà trí tuệ. Đó là những xóm nghèo, khu dân cư, khu phố ở nông thôn hay thành thị có nhiều em nhỏ, người dân không có điều kiện tiếp cận sách và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp. Mô hình ngôi nhà trí tuệ cũng đa dạng với nhiều nội dung khác nhau, gắn với yêu cầu, điều kiện ở mỗi nơi. Ngôi nhà trí tuệ được bố trí ở nhà dân, điểm văn hóa xã, thôn, nhà thờ... và được quản lý, điều phối bởi ban điều hành ngôi nhà trí tuệ của cấp xã, thôn, khu dân cư. Chẳng hạn như UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ban điều hành ngôi nhà trí tuệ để đưa mô hình này thành một trong những thiết chế văn hóa ở khu dân cư, làng xã.

Ngôi nhà trí tuệ giúp thiết lập không gian học tập cộng đồng, ở đó, mọi đối tượng có thể tham gia tự học, chia sẻ, tiếp nhận các kiến thức, kinh nghiệm ở mọi lĩnh vực, được học tập suốt đời và vận dụng vào cuộc sống, công việc hằng ngày.

Nhờ những hoạt động ý nghĩa, các mô hình ngày càng thu hút nhiều tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ, đồng hành, đóng góp kinh phí, sách, dụng cụ học tập. Chương trình đã tạo sân chơi mà ai cũng có thể đóng góp sức mình cho cộng đồng bằng những cuốn sách hay. Nhiều cá nhân đã âm thầm mỗi tháng trích ra một vài triệu đồng để mua sách gửi cho chương trình, trao gửi giá trị văn hóa, tri thức.

Giá trị cho đi là vô giá nhất

Tại sao anh lại dồn hết sức, từ bỏ nhiều cơ hội nghề nghiệp, tiền bạc, hưởng thụ cuộc sống để làm công việc “vác tù và hàng tổng”, không mang lại giá trị kinh tế cụ thể nào?-tôi hỏi Nguyễn Anh Tuấn.

- Không có giá trị nào cho đi là vô ích. Dù không nhận lại giá trị kinh tế nhưng tôi nhận lại được rất nhiều thứ. Đó là tâm hồn mình luôn cảm thấy hạnh phúc, tự hào về những điều có ích cho cộng đồng; nhận được mạng lưới bạn bè cùng chí hướng, gắn kết bằng niềm tin, tình nhân ái, tấm lòng thiện nguyện và cống hiến. Trong mạng lưới ấy, mọi người đều luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đoàn kết hướng đến những việc có ích khác. Không chỉ riêng tôi, những người đồng hành cũng nhận được những giá trị rất lớn, không thể đo đếm được. Một sinh viên giỏi tiếng Anh tham gia giảng dạy miễn phí ở ngôi nhà trí tuệ, em ấy nhận được nụ cười trìu mến mỗi ngày của trẻ thơ, được trau dồi kiến thức, kỹ năng cho chính mình. Họ có môi trường cống hiến và làm việc có ích, được học trò trong xóm nghèo hay nơi đô thị nhớ mãi nghĩa cử, nghĩa tình cao đẹp về những việc làm thiện nguyện-Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, không con đường nào có mức giá rẻ nhất nhưng lại tác động đến nhận thức của con người nhanh nhất ngoài sách. Thói quen đọc sách, tự học từ sách... sẽ mang lại rất nhiều giá trị theo mỗi người đọc đến suốt đời. Tri thức lan tỏa, văn hóa đọc được duy trì, phát triển thì dân trí được nâng lên, sẽ tạo một đất nước hùng cường, vững chắc ở nền tảng tri thức, trí tuệ và luôn đổi mới.

Chương trình tủ sách nhân ái, ngôi nhà trí tuệ vẫn đang được mở rộng, phát triển ngày càng nhiều cơ sở mới ở nhiều tỉnh, thành phố; ở nhiều nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống như: Newzeland, Australia, Singapore, Lào... Với vai trò điều hành mạng lưới với hàng nghìn thành viên, các nhóm: Cộng sự, người thụ hưởng, nhà tài trợ, tình nguyện viên, thầy, cô giáo, lãnh đạo các địa phương..., anh gần như luôn thường trực để kết nối, chia sẻ, xử lý các vấn đề mỗi ngày để chương trình vận hành hiệu quả nhất.

Hành trình lan tỏa, gieo nguồn tri thức của anh Nguyễn Anh Tuấn vẫn đang được tiếp tục. Anh chia sẻ tâm huyết: Cùng với niềm tự hào về số lượng tủ sách nhân ái và ngôi nhà trí tuệ thì điều ý nghĩa hơn là đã lan tỏa trách nhiệm đến mọi người đồng lòng, chung sức để gây dựng mạng lưới. Chương trình tạo sức hút mạnh mẽ, sự chung tay, đồng hành của nhiều lãnh đạo địa phương, thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh và mạnh thường quân tham gia, lan tỏa tình nhân ái, phát triển cộng đồng học tập suốt đời. Đó là nền tảng vững chắc để các mô hình phát huy tối đa hiệu quả trong cuộc sống, tạo nên những giá trị bền vững cho sự phát triển của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới.

Từ năm 2017 đến nay, anh Nguyễn Anh Tuấn đã cùng các cộng sự, mạng lưới thiết lập hơn 25.000 tủ sách nhân ái ở hơn 3.200 điểm trường và hơn 300 ngôi nhà trí tuệ trên cả nước và ở nước ngoài.

Sự nỗ lực, nhiệt huyết, sáng tạo trong các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, dự án tủ sách nhân ái, ngôi nhà trí tuệ do Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và phát triển đã nhận được hai giải thưởng lớn: Giải “Imap Choice” vinh danh doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong lĩnh vực giáo dục năm 2020 và giải Phát triển văn hóa đọc năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Năm 2023, Chương trình tủ sách nhân ái và ngôi nhà trí tuệ được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh ở hạng mục Thực hành xuất sắc, giải thưởng Xóa mù chữ-Phổ biến tri thức vì đã có nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái đọc sách và học tập suốt đời ở nhiều quốc gia

 

BẢO MINH