Phóng viên (PV): Thưa ông, là người con của mảnh đất miền Trung, chắc hẳn bão lũ không còn xa lạ với ông?

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Vâng, nhắc đến dải đất hẹp này của đất nước, người ta không bao giờ quên đây là nơi thiên tai khắc nghiệt. Trong bài thơ “Miền Trung” tôi đã mở đầu: Lũ tràn qua mặt/ Bão giật ngang đầu/ Miền Trung sống như không thể mất... Tôi không ít lần chứng kiến cảnh bão lũ ở vùng đất mình sinh sống; có năm bão nối bão, lũ chồng lũ. Ám ảnh mãi trong tôi là trận bão cấp 12 đổ bộ vào Quảng Trị năm 1985 (khi đơn vị tôi đóng quân ở thị xã Đông Hà) và trận lũ năm 2020 (lúc tôi và gia đình mới từ Hà Nội trở về sống ở Cam Lộ, Quảng Trị). Trận lũ lịch sử này gây ra các vụ sạt lở núi ở Rào Trăng, Hướng Phùng làm một số cán bộ, chiến sĩ Quân đội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đi cứu trợ, giúp đỡ nhân dân giữa lúc hoạn nạn. Sức tàn phá của bão lũ thật dữ dội, ai đã một lần trải qua thì rất khó nguôi quên.  

leftcenterrightdel
                 

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2 giúp nhân dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: PHÚ SƠN 

PV: Người Việt Nam giàu tình nghĩa và tinh thần "tương thân tương ái", đoàn kết, đồng lòng. Điều đó đã được thể hiện như thế nào mỗi khi có thiên tai, thưa ông?

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam giàu lòng nhân ái. Trong chiến tranh hay hòa bình, khi trời yên biển lặng hoặc lúc thiên tai xảy ra, phẩm chất, tính cách Việt ấy luôn được thể hiện đậm nét. Ông cha ta từ bao đời nay đã đề cao nhân nghĩa: “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”... Trong hoạn nạn, lòng nhân nghĩa ấy càng tỏa sáng. Thế mới có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Mỗi khi có vùng miền nào bị thiên tai như: Hạn hán, bão lũ thì cả nước đều hướng về nơi đó. Hoạn nạn của một vùng miền là nỗi đau, nỗi lo của cả nước. Không mấy người dửng dưng, thờ ơ hay quay lưng lại với đồng bào mình đang lâm nạn. Hai tiếng “đồng bào” càng thấm thía, thiêng liêng và thực sự lay động lòng người trong những lúc như thế. Và, tình thương cao cả ấy trở thành sự tương thân tương ái, chia sẻ, cứu trợ, giúp đỡ rất cụ thể và có hiệu quả. Không chỉ của riêng ai, của một người mà của nhân dân cả nước. Nhân dân vùng bị thiên tai cảm thấy ấm lòng hơn trước sự đồng cảm, chia sẻ của đồng bào mình. Tôi nhận thấy rằng, chia sẻ, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai đã trở thành tình cảm, hành động rất tự nhiên, tự nguyện của nhiều người. Có thể nói rằng nó đã trở thành minh triết sống của người dân Việt Nam như tổ tiên ta từng đúc kết truyền lưu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Tôi từng chứng kiến nhiều hình ảnh “thương nhau cùng” ấy của nhân dân, chiến sĩ ta. Họ cứ lặng lẽ giúp đỡ, chia sẻ với đồng bào của mình như một việc cần làm, nên làm. Và tinh thần ấy, phẩm chất cao đẹp ấy đã trở thành căn tính của người Việt; đó cũng là sức mạnh lớn lao của dân tộc chúng ta.

PV: Vừa qua, bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương miền Bắc, chúng ta đã chứng kiến người dân cả nước có những hành động giúp đỡ, ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Nhưng thực tế cũng có tình trạng ủng hộ chưa phù hợp. Là người trực tiếp trải qua bão lụt, theo ông, người làm thiện nguyện nên làm gì để việc từ thiện hiệu quả, ý nghĩa?

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Bão số 3 là siêu bão, là cơn bão lịch sử với sức tàn phá ghê gớm. Báo chí, mạng xã hội đã nói nhiều về điều đó, tôi xin không nhắc lại. Tuy nhiên, cái ta không lường hết được chính là hoàn lưu bão số 3 đã gây ra hậu quả kinh hoàng. Đau thương, mất mát làm sao nói hết được.

Tuy nhiên, trong cái màu tang tóc, ảm đạm ấy là những khoảng sáng, rất nhiều khoảng sáng từ tâm, ân nghĩa mà đồng bào, chiến sĩ ta dành cho nhân dân vùng lũ. Có một dòng chảy khác, cuồn cuộn đổ về vùng lũ lụt, đó là những đoàn xe cứu trợ mang hàng hóa đến với đồng bào đang lâm nạn. Đó là những đồng tiền ủng hộ nhân dân vùng bão lũ đã đạt đến con số hàng nghìn tỷ đồng. Thực sự xúc động và ấm áp trước tình cảm đồng bào ta dành cho nhau.

Tuy vậy, theo tôi công việc cứu trợ, ủng hộ nhân dân vùng bão lũ cũng đang bộc lộ những cái chưa hợp lý cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Trước hết, cần nói rằng, cứu trợ và ủng hộ đồng bào vùng bão lũ là việc thiện tâm, tự nguyện. Do đó, ủng hộ cái gì, ủng hộ thế nào ta nên cân nhắc. Không thể lấy cớ ủng hộ bà con vùng bão lũ để “thanh toán” số áo quần, dụng cụ tồn kho của ta bấy lâu nay, càng không được coi đây là dịp tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng hoặc sắp hết hạn sử dụng. Yêu thương phải thực lòng và giữ đúng lương tâm người tử tế. Điều nữa, không nên đưa đến cho đồng bào đang lâm nạn những thức ăn, đồ uống dễ ôi thiu. Và, hàng hóa, tiền cứu trợ, ủng hộ phải được đưa đến đúng địa chỉ, cần ưu tiên cho nơi xa, nơi bị ngập lụt nặng trước. Tình trạng nơi có nơi không, nơi thừa nơi thiếu vẫn xảy ra không ít trong mấy ngày qua. Miếng khi đói cũng phải là miếng sạch, ít hay nhiều đều quý cả nhưng phải thể hiện được tấm lòng yêu thương chân thực của mình.

PV: Trong thiên tai bão lũ, bên cạnh những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, cũng không ít người lợi dụng lúc này để trục lợi, đánh bóng tên tuổi khiến dư luận xã hội bức xúc. Chúng ta nên nhìn nhận và ứng xử với những điều này ra sao?

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Rất nhiều hình ảnh, nghĩa cử đẹp tỏa sáng trên đất nước yêu dấu của chúng ta trong những ngày qua. Trong đó có hình ảnh rất cảm động của những người lính Cụ Hồ đến với nhân dân trong bão lũ. Đồng đội chúng ta có người đã lặng lẽ ngã xuống khi cứu dân. Tôi không cầm được nước mắt khi xem hình ảnh các chiến sĩ ta lội bùn lầy, dò từng tấc đất tìm kiếm người dân bị vùi lấp bởi lũ quét ở Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai). Có chỗ nước bùn ngập đến ngang ngực. Họ lặng lẽ làm nhiệm vụ, không cao giọng khoe khoang... Thế mà, vẫn có những kẻ mượn dịp này để trục lợi, đánh bóng tên tuổi mình. Hiện tượng xấu đó đã được mạng xã hội đưa lên khá nhiều. Có người kêu gọi ủng hộ đồng bào bị bão lũ để bớt xén, chiếm đoạt hay khai khống lên số tiền ủng hộ của mình. Lại có người cố công dựng cảnh tô vẽ hình ảnh cá nhân “xông pha” vào nơi gian khó, hiểm nguy để cứu dân, giúp dân. Không thể không nhắc tới số người xấu đưa tin giả, tin thất thiệt hòng gây nhiễu loạn trong xã hội...

Cái tốt vẫn chiếm lĩnh xã hội ta và tôi tin nó sẽ mãi mãi tỏa sáng. Sức truyền cảm của người tốt, việc tốt rất lớn, nó đủ năng lượng để vun đắp thêm truyền thống nhân ái của dân tộc. Và, nhân dân ta đủ tâm trí, đủ kinh nghiệm để phân biệt cái thật-cái giả, cái tốt-cái xấu. Từ đó sẽ có cách ửng xử đúng đắn, tôi tin là như thế. Còn cái xấu, nó cũng là sự tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống thôi. Kẻ hám lợi, hám danh chưa bao giờ hết trên đời này. Tuy nhiên, không thể không gạn đục khơi trong. Không thể không cảnh giác với thói hư tật xấu của con người, để ngăn ngừa, đề phòng, chống lại cái tiêu cực có thể xảy ra. Xã hội cũng rất cần phải nghiêm khắc với những phát ngôn và hành vi xấu; tùy theo mức độ sai phạm nặng nhẹ mà xử lý cho đúng lý, hợp tình. Sao cho cái tốt đẹp được nhân lên nhiều hơn và sự xấu xa cũng dần dần bị thu hẹp lại. Xã hội chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn khi có nhiều con người bình dị mà cao cả.  

PV: Để từ thiện thể hiện được đúng ý nghĩa tốt đẹp vốn có, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của con người, dân tộc Việt Nam, chúng ta cần quan tâm tới những điều gì, thưa ông?

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Đấy là vấn đề lớn, vấn đề rất quan trọng mà chúng ta đang quan tâm là chấn hưng văn hóa. Chấn hưng văn hóa nước nhà trước hết, trên hết và mặc nhiên nó phải xuyên suốt là xây dựng con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân và biết cống hiến cho đất nước. Muốn được thế phải vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa biết bồi đắp những tình cảm và tri thức mới. Có những cái cũ cần được gìn giữ, phục hồi, phát huy cộng thêm những cái mới tiến bộ cần bổ sung.

Biến đổi khí hậu dẫn tới những tác động tiêu cực không mong muốn từ thiên nhiên đang ngày càng rõ nét và trầm trọng hơn khiến con người càng thấy rõ hơn gánh nặng của mình. Dù thế nào thì cái đẹp sẽ đồng hành với nhân loại và dân tộc ta mãi mãi. Tôi nghĩ rằng, hạt nhân của cái đẹp, không gì khác chính là lòng yêu thương. Giản dị như câu ông cha ta gửi lại: “Thương người như thế thương thân”; hay đẹp như vần thơ này: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau...” (Tố Hữu).

Hiểu và thực hành về yêu thương, đó chính là điều tôi từng nói và muốn nói nhất lúc này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)