Nâng cao chất lượng tuyển sinh
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Điều này đặt ra những yêu cầu gì đối với công tác tuyển sinh và đào tạo tại các trường Quân đội, đặc biệt là công tác tuyển sinh năm 2024 và định hướng cho năm 2025?
Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Công tác tuyển sinh quân sự (TSQS) giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hệ thống GD-ĐT của các trường Quân đội. Đây là quá trình chọn lọc những thí sinh không chỉ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, văn hóa, sức khỏe mà còn phải đáp ứng yêu cầu về tuổi tác để tham gia quá trình đào tạo, trở thành đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật bổ sung cho Quân đội.
Với mục tiêu đến năm 2025, Quân đội sẽ cơ bản trở thành lực lượng "tinh, gọn, mạnh", tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 trở thành Quân đội hiện đại, công tác TSQS phải không ngừng được nâng cao để đáp ứng những yêu cầu khắt khe về chất lượng. Những trường Quân đội cần thực hiện các yêu cầu chính trong công tác tuyển sinh.
|
|
Trung tướng Nguyễn Văn Oanh (thứ hai, từ phải sang) tham quan khu trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học tại Hội nghị “Tuổi trẻ sáng tạo khoa học” lần thứ 45. Ảnh: THANH NHÀN
|
Đầu tiên, TSQS phải được thực hiện đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định về tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ về phương thức tuyển sinh, đặc biệt chú trọng vào công tác tuyên truyền, hướng nghiệp và xây dựng chính sách hỗ trợ. Quá trình tuyển sinh phải được tổ chức theo lộ trình hợp lý, bảo đảm số lượng và chất lượng thí sinh, đồng thời thu hút được những nhân tố ưu tú vào các trường Quân đội. Công tác TSQS cũng phải kế thừa, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, sức mạnh truyền thông, chính sách ưu đãi và môi trường giáo dục lành mạnh trong các trường Quân đội; ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay.
Thời gian qua, thực hiện theo Quyết định số 3686/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các trường Quân đội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuyển sinh, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh một cách minh bạch. Đặc biệt, năm 2024, các nhà trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng quân sự đạt trên 23.000 hồ sơ, tăng 61% so với năm 2023. Kết quả đợt 1 xét tuyển cho thấy, các trường Quân đội đã tuyển đủ chỉ tiêu, với nhiều trường có điểm chuẩn ngang bằng với các trường đại học tốp đầu trong cả nước.
PV: Vậy định hướng cho công tác TSQS năm 2025 sẽ như thế nào khi có những thay đổi lớn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thưa đồng chí?
Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Năm tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, dẫn đến nhiều điều chỉnh về quy chế tuyển sinh. Bộ Quốc phòng sẽ dựa vào quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT để chỉ đạo các trường Quân đội điều chỉnh phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế.
Đặc biệt, Ban TSQS tiếp tục tập trung vào việc đổi mới phương thức tuyển sinh. Ngoài các phương thức đã được triển khai từ năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính, nhằm chọn lọc thí sinh chất lượng cao. Nội dung chi tiết về kỳ thi này sẽ được công bố trong thời gian tới, nhưng có thể thấy đây là một bước đột phá trong công tác tuyển sinh của các trường Quân đội, giúp tuyển chọn được những nhân tố phù hợp nhất, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện đại hóa Quân đội.
PV: Cùng với việc đổi mới phương thức tuyển sinh, các học viện, trường Quân đội cần tập trung vào những giải pháp gì để thực hiện đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng GD-ĐT?
Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Đổi mới quy trình, chương trình và phương pháp đào tạo là trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT tại các trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng nhiều đề án quan trọng. Các đề án này đề ra những giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT trong các trường Quân đội. Các nhiệm vụ và giải pháp chính để nâng cao chất lượng GD-ĐT tập trung vào 3 nhóm chính.
Thứ nhất, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy và chỉ huy các cấp; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, giữ vững định hướng chính trị và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh cần kết hợp chặt chẽ với việc phát triển các nhà trường và cơ quan giáo dục.
Thứ hai, quy trình và chương trình đào tạo cần được đổi mới theo hướng rút ngắn thời gian học tập, tăng cường thực hành và tự học của học viên. Việc chuẩn hóa chương trình đào tạo và cập nhật nội dung thường xuyên là cần thiết để nâng cao chất lượng. Cùng với đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra và đánh giá nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất, năng lực toàn diện, bảo đảm thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch và sử dụng nguồn nhân lực giáo dục. Đồng thời, việc luân chuyển, nghiên cứu thực tế và phát triển đội ngũ giáo viên có danh hiệu cao trong ngành là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Coi trọng yếu tố con người
PV: Con người là yếu tố then chốt, vậy các trường Quân đội cần thực hiện những giải pháp gì để xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, thưa đồng chí?
Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn là nhiệm vụ then chốt, không chỉ giúp nâng cao chất lượng GD-ĐT trong các trường Quân đội mà còn góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tình hình mới. Trong môi trường Quân đội, nhà giáo không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà còn là những người đồng chí, đồng đội, người thầy hướng dẫn về lý tưởng, tư tưởng chính trị cho học viên. Do đó, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo không chỉ tập trung vào chuyên môn mà còn phải bồi dưỡng phẩm chất chính trị và đạo đức.
Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT trong các trường Quân đội, cần tập trung vào một số giải pháp chính. Trước hết, cần nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức của đội ngũ nhà giáo Quân đội, để họ trở thành những tấm gương về lối sống và đạo đức, giữ vững bản lĩnh chính trị và tinh thần cách mạng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm việc xây dựng khung năng lực giảng dạy, khuyến khích nghiên cứu khoa học và tổ chức các chương trình luân chuyển thực tế tại các đơn vị Quân đội. Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý và cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý nhằm tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.
PV: Phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội. Vậy, để đáp ứng chuẩn đầu ra và sát thực tiễn huấn luyện, các trường Quân đội cần có những giải pháp đột phá nào, thưa đồng chí?
Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” phản ánh đúng thực tiễn GD-ĐT trong Quân đội và đòi hỏi các nhà trường phải bảo đảm học viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay những yêu cầu nhiệm vụ. Điều này đặt ra trọng trách lớn trong việc xây dựng và bảo đảm chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo tại các trường Quân đội.
Quá trình xây dựng chuẩn đầu ra phải phù hợp với yêu cầu thực tế của Quân đội, phản ánh đầy đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và kỹ năng thực tiễn. Bên cạnh đó, các trường cần liên tục khảo sát, đánh giá và điều chỉnh chuẩn đầu ra dựa trên phản hồi từ các đơn vị sử dụng nhân lực để bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao. Đồng thời, tăng cường huấn luyện thực tiễn và rèn luyện kỹ năng cho học viên là rất quan trọng, giúp họ nắm vững lý thuyết, nâng cao kỹ năng chỉ huy và sẵn sàng chiến đấu ngay sau khi tốt nghiệp.
Những giải pháp cụ thể nêu trên không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là cơ sở quan trọng để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây là cam kết vững chắc của các trường Quân đội trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
VĂN TUẤN - LIÊN VIỆT (thực hiện)