Phóng viên (PV): Thường xuyên tham gia các hoạt động và nhiệt tình chia sẻ kiến thức, câu chuyện về nghệ thuật chèo trên mạng xã hội, điều gì khiến bà dành sự quan tâm đặc biệt cho chèo đến vậy?
PGS, TS Hà Hoa: Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật ở làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi được coi là một cái nôi của chèo. Trong nhà tôi có nhiều người theo nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương). Ông nội tôi-cố Nghệ nhân Hà Quang Bổng là nhạc công giỏi, có rất nhiều học trò thành danh. Từ nhỏ, tôi được ông dạy đàn và hát chèo, 9 tuổi đã được bố mua cho cây đàn tranh để học. Ngày ấy, bố tôi công tác ở Đoàn chèo Bắc Thái, cứ đến hè là tôi được lên chơi với bố, xem các cô chú diễn chèo. Ở làng thì có dịp gì cũng diễn chèo...
Nhà tôi lại ngay cạnh sân đình, cũng thường xuyên được gặp gỡ những nghệ sĩ về làng biểu diễn, nghiên cứu. Không gian, truyền thống gia đình, làng quê đã ngấm dần vào tôi, nuôi dưỡng tình yêu với chèo từ rất sớm. Trước khi lên Hà Nội học, tôi đã thuộc khoảng 30 làn điệu chèo, nhiều bài có thể vừa đàn vừa hát. Càng học càng say mê chèo. Càng nghiên cứu, tìm hiểu, tôi càng thấy văn hóa dân gian, truyền thống của dân tộc ta to đẹp như một tòa tháp nguy nga lộng lẫy, bao la trời biển mà chúng ta mới chỉ khám phá được rất ít.
Sau này tốt nghiệp khóa I, nhạc công chèo Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, tôi về công tác ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình, rồi Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau đó là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hiện tại là Trường Đại học Đại Nam, tôi vẫn luôn đau đáu với nghệ thuật chèo. Có lần mấy chị em tôi ngẫu hứng đàn, hát chèo và phát trực tiếp trên Facebook, rất nhiều người xem và hỏi những câu rất hay, sâu sắc, trí tuệ... Tôi bất ngờ, hóa ra vẫn có rất nhiều người yêu, ham tìm hiểu về chèo. Chèo vẫn đang sống trong dân gian, chỉ là hiện giờ vai trò của nghệ sĩ chưa đáp ứng được khát vọng của người dân. Tôi lập kênh YouTube “Bay bổng” - tên điệu chèo do ông nội tôi sáng tạo mà đến nay người làng Khuốc vẫn tự hào hát. Trên đó đăng tải các video chia sẻ về chèo với mong muốn đóng góp chút sức lực của mình để lan tỏa những cái hay, đẹp của chèo đến với nhiều người hơn.
PV: Qua nghiên cứu và thực tiễn, bà thấy chèo đang có vị trí như thế nào trong đời sống người Việt?
PGS, TS Hà Hoa: Mới đây, tôi có chuyến đi Bắc Ninh nói chuyện về chèo cho hơn 100 người. Họ rất ham thích và suốt hơn 3 tiếng liên tục chăm chú lắng nghe tôi chia sẻ về các nhân vật tiêu biểu trong chèo, rồi hào hứng vào vai, hát minh họa - trải nghiệm, giao lưu.
Ở miền Bắc hiện nay, các câu lạc bộ chèo, người yêu thích dân ca có thể thống kê lên tới vài trăm. Đa số là người trung tuổi, lớn tuổi nhưng cũng có những bạn rất trẻ không chỉ yêu thích hát mà còn sáng tác đặt lời mới cho làn điệu cổ. Nhiều người rất hiểu biết còn liên hệ, nhắn tin với tôi mong muốn được học thêm về chèo. Có những buổi sinh hoạt, giao lưu chèo tới mấy trăm người tham dự, họ xếp hàng để lên hát cho nhau nghe... Vài câu chuyện để thấy rằng, không phải nhân dân không thích chèo mà là do chúng ta chưa biết cách truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu với chèo thôi. Có thể nói, với chèo không chuyên hiện nay, phong trào phát triển mạnh, nhu cầu được học hát, được cảm nhận những cái hay, đẹp của chèo đang rất cao, nhất là ở lứa tuổi trung niên.
Còn với chèo chuyên nghiệp, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, có hiện tượng một vài đơn vị mang danh đoàn chèo nhưng diễn vẫn có vở chưa phải là chèo, mà người ta hay nói là "kịch cắm hát chèo". Hiện tượng này có thời gian dường như áp đảo, phần do kịch bản chèo khan hiếm, đạo diễn của ngành sân khấu truyền thống cũng còn hạn chế, chưa bứt phá sáng tạo, đâu đó còn thiếu đạo diễn sâu sắc về văn hóa dân tộc. Kể cả ban giám khảo trong một số liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp cũng có người ủng hộ "kịch cắm hát chèo", vô hình chung định hướng sai, khiến nhiều đơn vị chạy theo. Cộng với người làm quản lý đôi khi chưa thật hiểu sâu, chưa có những quy định chặt chẽ về tác phẩm mang đến hội diễn phải đạt những tiêu chí quan trọng trên cơ sở phương pháp nghệ thuật của bản sắc chèo.
PV: Chèo là nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân gian, nhưng rõ ràng là hiện nay, chèo mới đã ngày càng xa rời đặc trưng dân gian. Chúng ta nên nhìn nhận điều này ra sao, thưa bà?
PGS, TS Hà Hoa: Phải nói rằng văn hóa có sự biến đổi, nhất là trong thời hội nhập, văn hóa luôn được giao thoa, tiếp biến chứ không đứng im. Nền móng chèo hội tụ văn hóa, phong cách, tâm thức dân tộc, mang tính dân gian, nhất là tính ngẫu hứng rất cao. Nhờ có tính ngẫu hứng, sự sáng tạo tại chỗ không mệt mỏi của các thế hệ bồi đắp lại tạo nên bản sắc dân gian rất đặc trưng của chèo, nhưng đến nay lại di biến có nguy cơ mất hẳn tính ứng diễn. Sáng tạo thì mỗi người một cách nhưng người làm chèo hôm nay phải nghiên cứu kỹ bản sắc của chèo để phát huy, phát triển cái hay, cái đẹp của chèo và học phương pháp sáng tạo của các cụ xưa.
Thật mừng khi nhiều đơn vị hiện nay đã trở lại quan tâm hơn tới chèo truyền thống, dàn dựng những tác phẩm mới có những mảng miếng rất chèo, rất bản sắc. Phần lớn các dàn nhạc chèo vẫn giữ được tính ngẫu hứng, nhạc tòng được coi trọng và phát huy rất tốt. Song song với chèo chuyên nghiệp, rất mong các làng chèo cổ tiêu biểu phục dựng lại chèo sân đình để tạo cuộc chơi giữa khán giả với diễn viên, cho thế hệ sau biết về chèo của các cụ xưa là như thế, từ đó thưởng thức, đúc rút để học tập và tự hào.
|
|
Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn vở "Chu Văn An - người thầy của muôn đời" phục vụ nhân dân huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ảnh: THU HÒA |
PV: Trong nỗ lực gìn giữ, phát huy và đưa nghệ thuật chèo đến gần công chúng, người làm chèo đang có những thử nghiệm, cải tiến chèo. Theo bà, đâu là điều chúng ta cần quan tâm trong việc này?
PGS, TS Hà Hoa: Như tôi đã nói, hiện nay sân khấu chèo ảnh hưởng khá nhiều bởi phong cách kịch nói, trong khi bản chất của sân khấu dân tộc cũng như văn hóa phương Đông là tả ý, nghệ thuật truyền thống phải nằm trong văn hóa đó mới tồn tại được. Làm mới chèo phải trên cơ sở giữ bản sắc và nghiên cứu rất kỹ tâm thức văn hóa dân tộc. Không phải chỉ nhìn vào chèo, mà còn phải nhìn rất kỹ vào cuộc sống, con người Việt Nam. Làm mới chèo cũng không phải đơn thuần là thay đổi hình thức thể hiện trên sân khấu chèo với thiết bị, công cụ hiện đại, trang trí công kềnh mới có thể thành công. Công cụ hiện đại rất tốt, song nó sẽ thành công khi sử dụng sự bổ trợ một cách hợp lý. Sân khấu phải làm sao vừa đẹp, vừa kích thích sáng tạo của chính diễn viên và khán giả. Tất cả những điều đó đòi hỏi nghệ sĩ có đủ tầm, nghiên cứu sâu sắc về văn hóa dân tộc.
PV: Nghệ thuật chèo đã được Việt Nam hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ góc nhìn của người làm giáo dục, theo bà, trong câu chuyện gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa, phát huy giá trị di sản chèo, chúng ta cần làm gì?
PGS, TS Hà Hoa: Ở tầm chiến lược, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định các trường phổ thông đưa văn hóa địa phương vào giảng dạy. Tôi cũng đã tham gia xây dựng chương trình dạy chèo cho TP Hải Phòng dành cho học sinh lớp 8. Với các địa phương có nghệ thuật chèo nói riêng, các môn nghệ thuật truyền thống khác nói chung, bằng cách lựa chọn xây dựng chương trình, kiến thức vừa sức với học sinh, đây sẽ là cách gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương rất hữu ích, hiệu quả cho lớp trẻ.
Với các trường nghệ thuật ở các địa phương nên tập trung vào đào tạo bộ môn nghệ thuật đặc trưng của địa phương mình. Đội ngũ giảng viên cho nghệ thuật truyền thống cũng phải linh hoạt, có cơ chế phù hợp để thu hút người giỏi. Hướng tới mỗi địa phương, vùng miền phải có nơi đào tạo có định hướng, đậm bản sắc.
Các trường nghệ thuật chuyên nghiệp cần được điều chỉnh, cải cách chương trình, rồi đến đội ngũ nhà giáo, phương pháp giảng dạy. Lối dạy truyền nghề rất tốt, tuy nhiên cũng phần nào đã cũ, cần đúc rút kỹ thuật hát chèo một cách khoa học, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, xây dựng giáo trình, sách chuyên ngành riêng để đưa vào giảng dạy. Cùng với đó, đào tạo sân khấu dân tộc hiện nay đang hổng, thiếu và yếu những môn học rất quan trọng như: Phương pháp sân khấu dân tộc, giá trị/bản sắc sân khấu dân tộc trong văn hóa Việt Nam. Chưa kể, giảng viên dạy những môn này đòi hỏi rất cao cả về lý thuyết và thực hành minh chứng.
Đào tạo đã vậy, chính sách của Nhà nước phải làm cho đội ngũ nghệ sĩ yên tâm, tập trung sáng tạo làm nghề. Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho nghệ thuật truyền thống nhưng phải kiểm soát chặt chẽ tính tư tưởng, tính nghệ thuật, trong các khâu, quá trình thực hiện và nghiệm thu chặt chẽ về chất lượng vở diễn như một đề tài khoa học đích thực. Theo tôi, chúng ta không nên chạy theo số lượng, có thể chỉ cần mỗi năm, một đoàn chèo ra được một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, vừa bảo đảm tính hiện đại, vừa đạt được các phương pháp nghệ thuật của chèo - đó chính là tác phẩm tiếp thu tinh hoa nhân loại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, như vậy đã là rất tốt rồi.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
DƯƠNG THU (thực hiện)