Phóng viên (PV): Là môn học quan trọng nhưng Lịch sử lâu nay vẫn được cho là môn học khô khan, kém hấp dẫn học sinh. Gần đây việc đổi mới cách dạy và học Lịch sử đang được quan tâm, anh/chị đánh giá thế nào về điều này?

TS Trương Thị Bích Hạnh: Môn Lịch sử thường bị đánh giá là môn học khô khan, kém hấp dẫn học sinh. Tuy nhiên, tôi cho rằng định kiến đó không hoàn toàn đúng. Những năm gần đây, đổi mới dạy và học Lịch sử đã và đang được quan tâm chú trọng, từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy và học cũng như công tác kiểm tra, đánh giá. Theo dõi đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử có thể thấy không có những câu hỏi kiểm tra ngày tháng, số liệu mà thay vào đó là nhiều câu hỏi tư duy. Đặc biệt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai gần đây còn một số khó khăn, vướng mắc nhưng cũng tạo ra những thay đổi bước đầu. Giáo dục định hướng kiến thức đã được thay thế bằng giáo dục định hướng phát triển năng lực. Đặc biệt, chương trình giáo dục môn Lịch sử bậc THPT có thay đổi khi không dạy theo thông sử mà đã khái quát thành các chủ đề, yêu cầu học sinh nắm được những vấn đề lớn, có tính quy luật xuyên suốt lịch sử nhân loại và dân tộc. Tôi tin rằng, dạy và học Lịch sử trong thời gian tới sẽ có bước tiến nhiều hơn nữa.

leftcenterrightdel
TS Trương Thị Bích Hạnh. 

TS Nguyễn Đình Quỳnh: Trước đây, dạy học Lịch sử là nhằm trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, tiếp cận nhiều nội dung thuộc tri thức lịch sử thì nay học sinh vận dụng được kiến thức lịch sử vào trong thực tiễn cuộc sống. Từ đó giúp học sinh phát huy năng lực, phẩm chất, phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển toàn diện con người Việt Nam. Trong việc này, công tác đào tạo giáo viên cần được nâng tầm, phát triển và đổi mới hơn nữa để có được đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, áp dụng được phương pháp dạy học hiện đại, hiệu quả vào quá trình dạy học Lịch sử.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, dạy lịch sử quan trọng là tư duy chứ không phải thuộc lòng. Theo anh/chị đâu là điều quan trọng nhất trong quá trình dạy và học môn Lịch sử cho học sinh?

TS Trương Thị Bích Hạnh: Lịch sử là một khoa học, và để tiếp cận nó cần tư duy. Trong 20 năm làm giảng dạy, tôi chưa từng thấy một sinh viên hay một học sinh nào giỏi Lịch sử chỉ bằng học thuộc lòng. Theo tôi, chương trình mới, sách giáo khoa mới theo cách tiếp cận mới đã có. Điều quan trọng cần làm là người giáo viên truyền cảm hứng và hướng dẫn học sinh học Lịch sử bằng tư duy. Thông qua những bài học Lịch sử sinh động, có ví dụ cụ thể, hướng dẫn học sinh khai thác tài liệu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống thì học sinh sẽ học được cách tư duy. Công tác kiểm tra đánh giá cũng rất quan trọng. Nếu đề thi đòi hỏi đánh giá tư duy thì việc dạy và học sẽ đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của việc thi cử. Lớp trẻ ngày nay rất giỏi giang, năng động, có tư duy tốt, nếu được dẫn dắt tốt các em sẽ có phương pháp học tập tốt.

TS Nguyễn Đình Quỳnh: Lịch sử là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ liệu để tham chiếu kinh nghiệm cha ông vào sự phát triển hôm nay. Đó là hồn cốt, truyền tải những giá trị truyền thống, mà nếu không có lịch sử không thể hiểu được vị trí của hiện tại, với ý nghĩa đó thì nếu lịch sử còn thì văn hóa còn và văn hóa còn thì dân tộc còn. Chính vì vậy, trong quá trình dạy và học môn Lịch sử tư duy rất quan trọng. Nhưng có một vấn đề quan trọng nữa đó là đánh giá đúng thực chất vai trò của môn Lịch sử, điều này phải đến từ cả giáo viên và học sinh. Giáo viên hiểu đúng thì sẽ truyền cảm hứng vào môn học, các bài giảng sẽ trở nên có hồn, sinh động, hấp dẫn. Học sinh hiểu đúng sẽ có hứng thú hơn với môn học, qua đó sẽ được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Đình Quỳnh. 

PV: Bác Hồ từng nói “Dân ta phải biết sử ta”. Rộng hơn, làm sao để tăng cường tình yêu, sự hiểu biết của giới trẻ với môn Lịch sử nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung?

TS Nguyễn Đình Quỳnh: Hiện nay, dù đã có rất nhiều đổi mới trong dạy và học nhưng cần triển khai sâu rộng hơn nữa để có thể thổi hồn vào môn Lịch sử, giúp người học bồi đắp thêm tình yêu với môn học này. Giáo viên cần phải quan tâm, tìm hiểu, xây dựng nguồn học liệu hay, hấp dẫn với học sinh. Bên cạnh đó, mỗi nhà giáo cần một trái tim tâm huyết, một tinh thần trách nhiệm với nghề và tấm lòng tận tụy với học sinh, chắc chắn sẽ tạo nên sự tương tác tốt với học trò qua mạng xã hội để phục vụ việc học môn Lịch sử tốt hơn, hiệu quả hơn.

TS Trương Thị Bích Hạnh: Lịch sử là môn học có thế mạnh đặc biệt trong bồi đắp tình yêu Tổ quốc, ý thức tự hào dân tộc. Tuy nhiên, không nên quan niệm học Lịch sử trong nhà trường mới là học. Ngoài những đổi mới dạy và học trong nhà trường, có rất nhiều cách giúp người trẻ tiếp cận lịch sử như sách báo, phim ảnh, di tích, bảo tàng, thậm chí mạng xã hội. Bộ phim “Đào, phở và piano” gây sốt gần đây hay việc ê kíp truyền thông của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò giành được Giải thưởng Wechoice Adward là những minh chứng cho thấy có rất nhiều cách tốt để tìm hiểu lịch sử. Ngoài ra, theo tôi, lịch sử dân tộc không phải chỉ là những thứ cao siêu, vĩ mô. Nhà văn Nga Ilya G.Ehrenburg (I-li-a Ê-ren-bua) đã nói về quá trình hình thành lòng yêu nước một cách sinh động: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Hãy bắt đầu dạy cho các em tìm hiểu về quê hương mình, bố mẹ, ông bà mình đến từ đâu, lịch sử dòng họ của mình có ai nổi tiếng chẳng hạn... Đó chính là những hạt giống đầu tiên để tình yêu nước được nảy mầm.

leftcenterrightdel

Học sinh tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (Thái Nguyên). Ảnh: LÊ HỒNG

PV: Khi khuyến khích tính chủ động, tự tìm hiểu của học sinh, làm thế nào để các em không bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc trong thời đại thế giới phẳng, thưa anh/chị?

TS Trương Thị Bích Hạnh: Trong thế giới hiện nay, thách thức với chúng ta nói chung chứ không riêng học sinh là đối diện với biển thông tin. Ai cũng phải xây dựng các bộ lọc cho mình để loại bỏ thông tin xấu, độc. Gia đình, thầy, cô giáo nên trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận diện những thông tin xấu, độc như các thông tin có nội dung phản cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; xuyên tạc sự thật lịch sử, chống phá đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để các em có ý thức phòng tránh. Việc trang bị tri thức tổng hợp tốt, trong đó có tri thức Lịch sử sẽ góp phần giúp các bạn trẻ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thông tin xấu, độc.

TS Nguyễn Đình Quỳnh: Trong thời đại hiện nay, cần khuyến khích tính chủ động, tự học và tự chịu trách nhiệm cho học sinh, bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức cũng như bản lĩnh chính trị cho giới trẻ. Cùng với giáo dục chính khóa trong nhà trường, vai trò của các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội cũng được phát huy, nhất là tổ chức đoàn thanh niên trong các nhà trường cần có thêm nhiều phong trào, hành động thiết thực góp phần nâng cao ý thức chính trị cho học sinh; thực hiện mục tiêu của các nhà trường là đào tạo ra những thế hệ học sinh không chỉ chắc về kiến thức mà còn có lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng yêu nước nồng nàn, có năng lực sáng tạo, có khả năng tiếp thu tri thức mới, hăng hái đi đầu trong các phong trào hành động của tuổi trẻ.

PV: Trân trọng cảm ơn anh/chị!

DƯƠNG THU (thực hiện)