Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, điều gì thôi thúc sự ra đời của Báo QĐND Cuối tuần cách đây 35 năm?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Phải khẳng định rằng, Báo QĐND Cuối tuần ra đời là sự kế tục, phát triển mong muốn, tâm huyết của những vị tiền bối trước tôi, nhất là của nguyên Tổng biên tập, cố Thiếu tướng Trần Công Mân và lớp cán bộ, phóng viên háo hức để cho ra một ấn phẩm báo cuối tuần hay báo thứ bảy. Nhưng thời điểm trước đó, do điều kiện chưa chín muồi nên chưa thực hiện được.
Khi được giao nhiệm vụ Tổng biên tập Báo QĐND, tôi đã tiếp thu ý định, mong muốn đó của cán bộ, phóng viên. Khi đó, công cuộc đổi mới của đất nước ta với sự thay đổi của xã hội tác động rất lớn đến đổi mới báo chí và báo chí cần phải thể hiện tinh thần đó trên những ấn phẩm của mình cả về hình thức, nội dung và chất lượng. Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực mở thêm chuyên mục, đặc biệt là bắt đầu ra các số báo, ấn phẩm cuối tuần. Báo QĐND cũng không nằm ngoài đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và để phục vụ sự nghiệp đổi mới trên lĩnh vực báo chí với cách thể hiện, hình thức mới.
    |
 |
Thiếu tướng Phan Khắc Hải.
|
Trước tình hình và yêu cầu đó, Đảng ủy, Ban biên tập đã nhiều lần họp, trao đổi, mời các đồng chí cán bộ, phóng viên từng tham gia làm thử nghiệm báo cuối tuần trước kia cho ý kiến. Một số đồng chí ở các lĩnh vực từ các phòng, ban được lấy làm nòng cốt cho Báo QĐND thứ bảy. Về mặt chính trị, quân sự, thông tin thời sự đã có báo hằng ngày phản ánh, vì thế, tờ QĐND Cuối tuần được xác định tập trung vào vấn đề văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, đời sống văn hóa, tinh thần, giải trí cho bộ đội, nhất là cán bộ, chiến sĩ ở cấp phân đội sau những giờ huấn luyện vất vả.
Để tờ QĐND Cuối tuần ra đời, cùng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, phóng viên, Báo đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng. Đến giờ, khi nhớ lại những điều đó, tôi vẫn luôn cảm thấy trân trọng, biết ơn và xúc động.
PV: Trong giai đoạn có rất nhiều tờ báo cũng ra những ấn phẩm cuối tuần thì đâu là bản sắc, nét độc đáo mà chỉ có ở riêng tờ QĐND thứ bảy, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Giai đoạn đó có thể gọi là thời kỳ báo chí đua nở, các báo Nhân Dân, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Lao động... đều có các số phụ hay ấn phẩm cuối tuần. Theo thời gian, sau đó tờ cuối tuần của một số báo không trụ lại được. Nhưng tờ QĐND Cuối tuần từ khi ra đời đến nay vẫn được bạn đọc yêu thích là bởi, thứ nhất, nó phản ánh được một cách sinh động về đời sống văn hóa, tinh thần và giải trí của không chỉ bộ đội mà cả bạn đọc ngoài Quân đội. Hai là, cách viết của Báo QĐND Cuối tuần uyển chuyển, chuyên sâu nhưng rất gần gũi. Rồi những trang văn học-nghệ thuật, câu lạc bộ chiến sĩ... không những hấp dẫn bộ đội ở cấp phân đội mà thanh niên, học sinh phổ thông cũng rất thích. Đến nay, Báo QĐND Cuối tuần vẫn giữ được không khí đó, cho nên vẫn có uy tín đối với bạn đọc.
PV: Đâu là thách thức lớn nhất để ra đời Báo QĐND Cuối tuần, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Khi quyết tâm cho ra đời tờ QĐND Cuối tuần, nhiều người khuyên can tôi, rằng những tiền bối rất giỏi mà vẫn chưa thực hiện được, trong khi tôi vừa về Báo nhận nhiệm vụ thì sao có thể làm được. Không chỉ vấn đề chất lượng nội dung mà kinh phí để làm một ấn phẩm ngoài ngân sách, với yêu cầu chất lượng giấy tốt, in màu đẹp, nhuận bút cao... cũng là một thách thức rất lớn. Và thông thường, áp lực sẽ không làm cho người ta bị thui chột mà còn buộc người ta phải đi lên để thể hiện được tinh thần trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ mới. Làm tờ QĐND Cuối tuần là một nhiệm vụ hết sức mới đối với Báo QĐND nói chung và Tổng biên tập nói riêng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và tòa soạn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn. Tôi cho rằng nỗ lực ấy chính là phải biết dựa vào đội ngũ cán bộ, phóng viên của mình để tất cả cùng dốc sức làm thật tốt, cải tiến cả về hình thức lẫn cách thể hiện làm sao đậm chất văn hóa, dễ hiểu, phổ thông, hấp dẫn. Thời kỳ đầu chúng ta cũng chưa thực sự thể hiện được sự cải tiến. Rồi qua thực tiễn, chúng ta rút ra được cần bớt chuyên mục nào, nên thêm chuyên mục nào, làm đậm nội dung nào... dần dần mà tốt hơn.
PV: Đến nay, khi nhìn lại hành trình 35 năm ra đời và phát triển của ấn phẩm QĐND Cuối tuần, đồng chí có suy nghĩ như thế nào?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Đến giờ, Báo QĐND Cuối tuần vẫn giữ nguyên ý nghĩa, mục đích đề ra từ khi ra đời, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài Quân đội. Tờ báo vẫn giữ được những chuyên mục hay, ấn tượng, trở thành “thương hiệu” riêng, như là “Nhìn từ Hà Nội” chẳng hạn. Bài viết bây giờ có cách thể hiện đa dạng, hấp dẫn..., trình bày đẹp hơn. Tôi thấy đó là những điều rất tốt.
Báo chí và nhu cầu bạn đọc hiện nay đòi hỏi cách thể hiện của người viết cũng khác, không còn là sự áp đặt một chiều mà buộc phóng viên của Báo QĐND Cuối tuần phải tìm cách thể hiện vừa tương tác vừa hướng dẫn, định hướng bạn đọc. Trong ngập tràn thông tin như hiện nay, phóng viên phải có khả năng nhìn nhận, chọn được thông tin nào là chính xác, là tốt nhất, phù hợp để phản ánh, đưa đến bạn đọc. Với Báo QĐND Cuối tuần-vốn không có ưu thế thời sự-lại càng phải có khả năng chọn vấn đề và thể hiện sự tươi mới, phù hợp với những yêu cầu cung cấp thông tin, tri thức cho bạn đọc, đồng thời, cũng là nơi mà họ muốn, cần tìm hiểu. Soi chiếu vào Báo QĐND Cuối tuần, tôi nghĩ ấn phẩm vẫn làm tốt được việc này.
    |
 |
Bộ đội Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân đọc Báo QĐND Cuối tuần vào giờ nghỉ. Ảnh: THU HÒA
|
PV: Trong giai đoạn hiện nay, khi thách thức đối với báo chí nói chung là rất lớn, theo đồng chí làm thế nào để Báo QĐND Cuối tuần đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của độc giả trong và ngoài Quân đội?
Thiếu tướng Phan Khắc Hải: Trước hết, Báo QĐND là một tờ báo chính trị, phải bám sát định hướng, chỉ đạo của cấp trên. Bây giờ là thời đại công nghệ thông tin và chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể cập nhật thông tin nhanh chóng. Giữa thế giới thông tin đa chiều, báo chí cần góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ xã hội, đó là điều tôi cho rằng Báo QĐND Cuối tuần nói riêng, Báo QĐND nói chung đã và đang làm rất tốt chức năng đó.
Vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta đã nói rất nhiều và đầy đủ về nhiệm vụ của báo chí cũng như người làm báo trong giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng, dù công nghệ hiện đại, phát triển đến đâu thì yếu tố quyết định vẫn là vấn đề con người. Cho nên, người làm báo phải giữ cái tâm sáng, tức là có trí tuệ rồi, phải có lòng trong sáng, đừng chạy theo những điều xô bồ hay để bị tác động đến chính kiến của mình. Và đã làm báo, đặc biệt là phóng viên phải thật chuyên nghiệp để tạo nên những tác phẩm sinh động hơn, mới mẻ hơn đối với độc giả.
Nhìn lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ làm báo khởi đầu, rất ít người được học làm báo. Phóng viên Báo QĐND trước kia hầu hết là những cán bộ chính trị ở đơn vị phát triển lên. Có thể là được học hành một chút, nhiều người là nhà thơ, nhà văn nhưng cơ bản là không được đào tạo làm báo. Bản thân tôi đi bộ đội, vào chiến trường rồi được giao làm báo, chứ trước đó không biết làm báo thế nào. Chúng tôi đọc và học ngay từ các bài báo. Từ bài của đồng nghiệp, từ bài của chính mình. Tôi nghĩ học ở nhà trường rất cần, rất quý để trang bị kiến thức cơ bản cần phải có, nhưng quan trọng là phải học tập trong cuộc sống thực tế. Ông cha ta đã nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đi để biết, đi để viết, đi để mà nhặt nhạnh, tích lũy tri thức, vốn sống cho mình... Chỉ với một tinh thần học hỏi, lao động không ngừng nghỉ, người làm báo cách mạng mới có thể phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
DƯƠNG HÒA - HỒNG NHUNG (thực hiện)