Phóng viên (PV): Thưa ông, là chiến sĩ-nghệ sĩ tham gia trực tiếp trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ký ức của ông về những năm tháng ấy thế nào?
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh: Tôi tham gia Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên từ năm 1969 đến 1974, sau đó về Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Kịch nói Quân đội), biểu diễn cho bộ đội theo các chiến dịch. Chúng tôi đến các ngã ba rừng đón từng đơn vị đi qua, biểu diễn cho từng tiểu đoàn, xong đơn vị này lại đi biểu diễn cho đơn vị khác, không quản mưa nắng. Tôi đóng kịch nói, rồi hát dân ca Trị Thiên, hát chèo... Nhớ ngày 30-4-1975, đoàn chúng tôi đang tập vở “Tọa độ lửa” nói về chuyện máy bay B-52 của địch đánh phá Hà Nội thì nghe thấy tin giải phóng miền Nam. Thế là bỏ tập, lập tức tập trung vào xây dựng, tập luyện các vở diễn như: “Chị Nhàn”, “Đôi mắt”, “Đại đội trưởng của tôi” rồi từ tháng 6 biểu diễn từ Huế vào tận Nam Bộ.
Những năm tháng ở chiến trường biểu diễn cho bộ đội, chúng tôi được chứng kiến biết bao sự hy sinh, mất mát. Đến giờ, tôi vẫn đau đáu thương các chiến sĩ đã hy sinh trong những năm tháng chiến tranh. Có hôm, đoàn chúng tôi biểu diễn cho đơn vị bộ đội mới ở Bắc vào, người Hà Nội. Cậu chiến sĩ 18 tuổi, giở tung ba lô ra, nói: “Anh Vịnh ơi anh lấy cái gì cũng được, anh lấy đi”. Thế mà chỉ mấy tiếng sau cậu ấy hy sinh. Rồi có lần biểu diễn tại Viện 94 nghe kể, có cậu Sang mới 17 tuổi, khai man tuổi để đi bộ đội, bị thương ở cột sống rất nặng. Hôm ấy, cả đoàn tôi biểu diễn phục vụ một mình cậu ấy. Hai ngày sau, cậu ấy cũng ra đi. Tôi cũng nhớ hình ảnh những chiến sĩ bị địch bắt giam, sau khi được trao trả về, có người rút từ trong họng ra một lá cờ đỏ sao vàng bé xíu, có người tay chân băng bó, khi tháo ra là những mẩu giấy ghi khẩu hiệu yêu nước... Trong lòng tôi cứ đau đáu mãi không thôi những hình ảnh ấy.
PV: Có phải vì thế mà ông đã làm rất nhiều phim về đề tài chiến tranh cách mạng?
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh: Giai đoạn ở Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị, có lần tôi than phiền về đời sống với Đoàn trưởng Đào Hồng Cẩm, ông mới nói một câu mà đau xót: “Người hy sinh nhiều nhất là những người đã nằm xuống, người ta có đòi hỏi gì đâu mà bây giờ cháu lại đòi hỏi. Mình phải thông cảm với mọi người”. Tôi thấm thía và cứ nhớ mãi những lời ấy.
Đúng là đã trải qua, chứng kiến những hy sinh, mất mát to lớn của dân tộc để giành được độc lập, thống nhất đất nước, thật sự rất xót xa. Nên tôi muốn làm gì đó để ghi nhớ, tôn vinh những hy sinh đó. Nhưng làm phim cũng là một bước chuyển bất ngờ với tôi. Giai đoạn công tác ở Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị, tôi có tham gia đóng phim. Sau vai Lũy trong phim “Về nơi gió cát”, tôi hay đi nói chuyện ở các địa phương. Sau này tôi chuyển ngành sang điện ảnh. Cuối thập niên 1980, các xưởng phim gặp khó khăn để sản xuất phim, chiếu bóng cũng vắng người xem, trong khi đó video tràn ngập khắp nơi. Trong một liên hoan phim năm 1987 ở Đà Nẵng, tôi có tham luận phát biểu về vấn đề này và sau đó để chứng minh, tôi mượn máy đi các tỉnh miền Tây quay lại thực tế ấy để gửi lãnh đạo ngành văn hóa xem. Khi về, tôi thấy những thước phim ấy hay quá và dựng thành phim luôn, sau đó phim được lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), Ban Nội chính Trung ương xem và đánh giá cao. Tôi bắt đầu muốn làm phim từ đó. Đến giờ tôi có khoảng 40 bộ phim về đề tài chiến tranh.
Sau phim “Huế mùa mai đỏ”, trong một phóng sự, có phóng viên hỏi tôi rằng: “Bác lớn tuổi thế này rồi sao vẫn miệt mài làm phim chiến tranh?”. Tôi trả lời lá tôi làm phim chiến tranh để kể lại những câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu chúng ta hiểu rằng, biết bao xương máu đã đổ xuống mới có ngày hôm nay, để cho những người đương thời chiêm nghiệm lại mình xem có chọn đi theo con đường ấy hay không. Để cho thế hệ hôm nay hiểu rằng lá cờ còn bay trên bầu trời Tổ quốc là biết bao xương máu đã đổ xuống, phải biết gìn giữ và trân trọng.
PV: Ông có cho rằng, chiến tranh cách mạng cũng là một đề tài khó với người làm phim hiện nay nên chúng ta đang thiếu những bộ phim như thế?
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh: Thực sự là những năm gần đây, tôi thấy điện ảnh quá nhiều phim khai thác chuyện vụn vặt mà thiếu những bộ phim về chiến tranh, lịch sử. Tôi nghĩ, nếu không tăng cường làm phim về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng, không tăng cường giáo dục truyền thống, giáo dục lòng biết ơn về những hy sinh, gian khổ của cha ông ta thì lớp trẻ rất dễ nhận thức không đủ về lịch sử dân tộc.
PV: Theo ông, dù thời chiến hay thời bình thì đâu là điều quan trọng nhất khi làm phim về hình ảnh người chiến sĩ để có thể chạm tới trái tim người xem?
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh: Thứ nhất là người làm phim phải có hiểu biết, phải có tâm, có tầm. Anh phải hiểu người lính trong chiến tranh thế nào, đừng bịa đặt. Nói thế này, tôi làm phim, yếu tố “thật” là quan trọng nhất. Thời xưa, không được đi bộ đội là một cái tội, không được vào Nam chiến đấu là một cái lỗi, sẵn sàng khai tăng tuổi, viết đơn bằng máu để xin đi chiến trường và coi cái chết nhẹ như lông hồng... Thực sự mình phải hiểu người lính, không bịa được đâu vì người lính trong sáng lắm. Cũng vì thế mà tất cả những phim tôi làm đều đầu tư kịch bản rất kỹ. Thứ hai nữa là muốn phim hấp dẫn thì phải tìm những gương mặt mới. Tức là chọn diễn viên thì việc hợp vai là quan trọng nhất chứ không phải là việc diễn viên nổi tiếng.
PV: Ông có nghĩ thị hiếu của khán giả bây giờ, nhất là giới trẻ có nhiều thay đổi so với trước đây?
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh: Tôi không nghĩ thế, vì phim của tôi khi chiếu vẫn được thế hệ trẻ rất thích. Trong một chương trình “Giai điệu tự hào”, có người nói là các bài hát cách mạng phải được biến tấu cho phù hợp với khán giả hiện nay, nhưng tôi đã nói rằng, ngày xưa chúng tôi chỉ hát với mỗi đàn guitar mà có lửa hơn các bạn trẻ bây giờ nhiều. Đôi khi làm mới lại là làm hỏng, bởi có những giá trị lịch sử không bao giờ thay đổi được.
Cho nên là gần đây tôi nghĩ, chúng ta đang có ít phim về chiến tranh cách mạng, về bộ đội quá và bỗng muốn thực hiện bộ phim “Ngày về” mà tôi ấp ủ từ lâu. Hơn chục năm trước, sau khi nhà văn Đỗ Kim Cuông ra mắt tiểu thuyết “Phòng tuyến sông Bồ”, tôi thấy hay quá nên đã mua lại kịch bản văn học và gặp nhà văn Xuân Đức. 3 tháng sau, ông hoàn thành kịch bản. Từ đó đến nay đã 14 năm nhưng tôi vẫn chưa có điều kiện để làm bộ phim này.
Thời gian này, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đi đến nhiều địa phương, đơn vị nói chuyện truyền thống. Tôi cũng đã đến Huế và Quảng Trị với mong muốn được hỗ trợ để cùng thực hiện bộ phim này nhưng chưa có kết quả.
Nhưng cũng trong những chuyến đi này, được nói chuyện, tiếp xúc, nghe nhiều câu chuyện của nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ, tôi phát hiện nhiều điều hấp dẫn để có thể tái hiện trên phim về bộ đội thời bình. Vì thế tôi cũng ấp ủ mong muốn làm bộ phim cuối đời về bộ đội thời bình với những câu chuyện rất đời của người lính hôm nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!