Phóng viên (PV): Xin chúc mừng đạo diễn đã có thêm một thành công nữa với bộ phim “Đào, phở và piano” khi được cử đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar lần thứ 97. Anh có cảm nhận như thế nào về một bộ phim đặt hàng của Nhà nước, lấy cảm hứng từ lịch sử chiến tranh của dân tộc, lại vượt lên trên những bộ phim tư nhân để tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar danh giá?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Dĩ nhiên là tôi cảm thấy vui, bởi tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar là một bảo chứng cho chất lượng nghệ thuật của bộ phim “Đào, phở và piano”. Đồng thời tính khách quan khi đánh giá chất lượng phim cũng rất cao. Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) có khoảng 10.000 thành viên với những quan điểm nghệ thuật đa dạng, phong phú và mới mẻ luôn tạo cho tôi cảm giác về sự công tâm. Tôi cho rằng từ năm 2006 trở lại đây, khi bắt đầu gửi phim đi tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar thì đây là sự cố gắng lớn của điện ảnh Việt Nam để gia nhập, giao lưu với cộng đồng điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, để có một bộ phim của đạo diễn Việt Nam, quốc tịch Việt Nam được vinh danh ở giải Oscar là rất khó khăn. Tôi cũng không hy vọng “Đào, phở và piano” sẽ làm nên chuyện. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam nếu muốn đi xa hơn ở giải Oscar.
PV: Theo đạo diễn, thực trạng điện ảnh Việt Nam liệu có phải là nguyên nhân khiến chúng ta khó có những giải thưởng điện ảnh lớn, uy tín của quốc tế?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Tuy điện ảnh Việt Nam đã ra đời và phát triển gần 100 năm nay, song chúng ta thiếu những bộ phim lớn, những phát hiện lớn, những đột phá về nghệ thuật. Nên chuyện chúng ta chưa có những giải thưởng điện ảnh danh giá cũng là điều dễ hiểu. Những nghệ sĩ làm phim thường tập trung miêu tả thân phận người Việt Nam, đặt trong bối cảnh hiện thực của đất nước. Như vậy thì tính địa phương, tính dân tộc được bảo đảm. Nhưng mặt khác, chúng ta ít khi hay hiếm khi quan tâm đến việc làm phim đề cập, mở rộng ra những vấn đề mang tầm mức nhân loại, ví dụ những vấn đề tự do, bảo vệ môi trường, phản chiến... Ngay kể cả khi làm phim chiến tranh, độ bao quát, khung cảnh, sự hoành tráng khi làm phim của chúng ta cũng không rộng như phim của nhiều nước. Cho nên điện ảnh Việt Nam vẫn có độ chênh lệch lớn so với những nước có nền điện ảnh phát triển.
PV: Gần đây, điện ảnh và cả văn học Hàn Quốc liên tiếp gặt hái được nhiều thành công danh giá. Liệu đấy có phải là bài học cho Việt Nam để sáng tạo những tác phẩm kết hợp giữa tính dân tộc và tính nhân loại, nhất là khi Hàn Quốc được xem là quốc gia mới nổi trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Tôi rất thích thú với bộ phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho. Năm 2019, bộ phim này đoạt cả giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes của Pháp và giải Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không làm được như thế? Bối cảnh quay đơn giản, kinh phí làm phim không cao, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Sau đó thì tôi nhận ra rằng sự sáng tạo và cách nhìn độc đáo của nghệ sĩ là rất quan trọng. Bộ phim nói về một đề tài kinh điển là sự giàu nghèo trong xã hội. Nhưng trái với cảm quan thông thường của khán giả, bộ phim cho thấy rằng nghèo cũng là một tội lỗi, nghèo có thể gây nguy hại. Đây là một cách nhìn rất mới mẻ, nhìn thẳng vào thực tại xã hội hiện nay của con người. Hay bộ phim “Phía Tây không có gì lạ” do Edward Berger đạo diễn, sản xuất năm 2022, có cách miêu tả chiến tranh khá lạnh lùng, không dẫn đến sự thương cảm, không làm cho khán giả sụt sùi ở trong rạp. Và như vậy thì hóa ra chiến tranh có thể được diễn tả rất vô cảm. Nhưng đó là sự vô cảm đánh động con người.
Vậy vấn đề ở đây là tầm nhìn của nghệ sĩ. Điện ảnh Việt Nam không thiếu những đề tài làm phim, nhưng sự triển khai đề tài lại thường rất kém, đi vào những lối mòn quen thuộc, thiếu sự sáng tạo. Cho nên dù là học hỏi Hàn Quốc hay quốc gia nào đi nữa, tư chất sáng tạo của nghệ sĩ vẫn là điều quan trọng nhất để có những bộ phim hay.
PV: Hiện nay, công chúng Việt Nam đến rạp xem phim chủ yếu là giới trẻ. Hầu như các bộ phim của Việt Nam được sản xuất cũng hướng đến đối tượng công chúng trẻ. Nhưng có một điều thú vị là bộ phim “Đào, phở và piano” thì khán giả đến rạp khá đa dạng về lứa tuổi. Vậy khi làm phim “Đào, phở và piano”, anh có sự định vị trước, hướng tới đối tượng công chúng nào cho phim không?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: “Đào, phở và piano” là phim do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí. Do vậy sẽ có những tiêu chí phải tuân thủ của dòng phim này. Tuy lấy cảm hứng từ chiến tranh cách mạng, với sự kiện xảy ra cách đây khoảng 70 năm, song khi làm phim, tôi nghĩ không thể làm theo lối minh họa thông thường. Tôi muốn khơi gợi cảm xúc cho khán giả và làm một chút gì mới mẻ. Tôi muốn coi sự kiện lịch sử mùa đông năm 1946 chỉ là cái cớ để diễn tả về hình ảnh người Hà Nội một thời. Do vậy, tôi không chú ý việc khán giả ở lứa tuổi nào. Tôi chỉ quan tâm đến việc diễn tả chân thực để tạo cảm xúc cho bất kỳ công chúng nào đi xem phim của tôi. Còn nếu không tạo cảm xúc thì khán giả không cần đến rạp xem phim, chỉ cần ngồi nhà tìm đọc tư liệu. Tôi muốn kể một câu chuyện, tạo ra những khoảnh khắc trong phim.
PV: Ngay cả nhan đề của bộ phim “Đào, phở và piano” cũng đã rất gợi chất Hà Nội. Vậy đạo diễn đã làm thế nào để toát lên chất ấy cũng như hình ảnh người Hà Nội trong phim?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Hà Nội thời mùa đông năm 1946 so với ngày nay đã khác đi nhiều lắm và con người Hà Nội cũng vậy. Hà Nội ngày nay đã mở rộng hơn xưa, đông đúc hơn xưa. Vì thế, tôi muốn có một bộ phim phục dựng lại chân dung Hà Nội một thời. Nhưng tôi không muốn sa vào làm phim tuyên truyền quảng cáo. Tôi chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang và tiếng đàn piano trong nhiều bài hát của anh đã gợi ý tưởng cho tôi khi làm phim. Tôi chọn hình ảnh cành đào và bát phở bởi vì chỉ cần nhắc đến là người ta hình dung ngay ra tính chất đặc trưng tinh tế, hào hoa của Hà Nội. Tôi muốn công chúng nhớ về một thế hệ người Hà Nội sống như thế, chiến đấu như thế, mà nay đã không còn. Khi làm phim “Đào, phở và piano”, tôi đặc biệt còn muốn nhấn mạnh về sự lương thiện, về tính tự trọng của người Hà Nội.
PV: Tôi vốn không cho rằng phim “Đào, phở và piano” là một phim về đề tài lịch sử, mà là một bộ phim lấy cảm hứng từ lịch sử. Anh nghĩ gì về lối làm phim này?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Đây cũng là cách tôi “lách qua cửa” để thoải mái sáng tạo. Lấy cảm hứng trên nền một sự kiện có thật, tôi thỏa sức sáng tạo nhân vật, thêm chi tiết, tình tiết. Còn nếu làm phim theo lối cũ, tôi cho rằng rất khó kéo công chúng đến rạp.
PV: Từ việc tạo ra cơn sốt phòng vé đến chiếu lại rộng rãi dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô vừa qua cho thấy khán giả rất yêu thích phim về đề tài có tính chất dân tộc, đất nước. Phim Nhà nước vốn không có kinh phí cho truyền thông, quảng bá như phim tư nhân... Vậy để quảng bá rộng rãi, lan tỏa giá trị các bộ phim đặt hàng thì về phía Nhà nước cần làm gì?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Bộ phim thật ra cũng là một sản phẩm nghệ thuật. Tôi nghĩ nên coi bộ phim là một mặt hàng và công chúng càng có nhu cầu xem nhiều càng tốt. Do vậy cần có cơ chế hoàn thiện, đặc biệt trong trường hợp món hàng điện ảnh đó có doanh thu tốt. Cần có những văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về kinh phí quảng bá cho phim và sử dụng doanh thu từ việc bán vé, tỷ lệ phân chia như thế nào... Và cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, chẳng hạn như liên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính để đưa ra những văn bản mang tính khả thi nhất, không trái với luật!
PV: Sau thành công của bộ phim “Đào, phở và piano”, anh có ý định làm một bộ phim khác với cảm hứng sáng tạo như thế?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Tôi vừa viết xong một kịch bản phim cách đây hai ngày, cũng lấy cảm hứng từ lịch sử, trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến lớn về mặt kỹ thuật và việc làm bộ phim ấy theo tôi là có thể thực hiện được. Bộ phim sắp tới của tôi nếu được thực hiện thì đó là một bộ phim về biển, đảo Việt Nam, trong bối cảnh của thế kỷ 19. Sẽ có hải đội Hoàng Sa xuất hiện trong bộ phim này. Cụ thể như thế nào, tôi xin phép giữ bí mật.
PV: Trân trọng cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện!
DƯƠNG HÒA - THANH VÂN (thực hiện)