PGS, TS BÙI HOÀI SƠN (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):
Nâng cao chất lượng con người Việt Nam
Từ góc nhìn của tôi, việc một số trường đại học có thông báo dừng tuyển sinh khối C00 với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý không chỉ là một hiện tượng học thuật mà còn là tín hiệu cần suy ngẫm sâu sắc về cách chúng ta nhìn nhận vai trò của các ngành KHXH&NV trong chiến lược phát triển quốc gia.
Khối C00 không chỉ là 3 môn học cụ thể mà là đại diện cho nền tảng tư duy nhân văn, đạo đức, lịch sử và bản sắc văn hóa của một dân tộc. Đây chính là những môn học nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan và lòng yêu nước của mỗi con người. Một đất nước muốn phát triển bền vững thì không thể chỉ có những con người giỏi kỹ thuật, công nghệ mà còn cần những con người hiểu biết văn hóa, thấm đẫm lịch sử, có trách nhiệm xã hội và năng lực phản biện. Đó chính là sứ mệnh của khối C00.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới với những yêu cầu cao về hội nhập, sáng tạo và gìn giữ bản sắc, các ngành KHXH&NV càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là lĩnh vực góp phần hoạch định chính sách, giải quyết những vấn đề xã hội, giáo dục đạo đức công dân, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc, từ đó nâng cao chất lượng con người Việt Nam-trung tâm của mọi chiến lược phát triển.
Vì thế, chúng ta cần nhìn nhận lại cách quy hoạch ngành nghề trong giáo dục đại học một cách cân bằng, hài hòa, lâu dài, thay vì chạy theo nhu cầu ngắn hạn. Việc đầu tư cho các ngành KHXH&NV, bảo vệ không gian học thuật của khối C00 không chỉ là đầu tư cho giáo dục mà là đầu tư cho tương lai đất nước-nơi con người không chỉ biết làm giàu mà còn biết sống tử tế, nhân văn và có trách nhiệm với cộng đồng, Tổ quốc.
---------------------------
TS NGUYỄN THÀNH NAM (Công ty CP Hanel; giảng viên Trường Đại học Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh):
Nuôi dưỡng tâm hồn, chiều sâu văn hóa
Nếu như khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ giúp cho xã hội như một cơ thể phát triển mạnh mẽ thì KHXH&NV giúp cho sự phát triển phần hồn, chiều sâu văn hóa, cũng phải được nuôi dưỡng và phát triển song song. Trong lịch sử, khi lựa người tài thường đưa ra tiêu chí: “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ở rất nhiều quốc gia phát triển, khi phỏng vấn để cấp thị thực thì những câu hỏi về lịch sử, địa lý là rất quan trọng.
Trước đây, khi tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh, marketing tại một số trường đại học, tôi luôn đề xuất cần bổ sung một số môn học như: Tâm lý học, Cơ sở văn hóa Việt Nam... vào trong chương trình đào tạo vì đối với những người làm kinh doanh, marketing khi phân tích, tìm hiểu thị trường, khách hàng, hành vi tiêu dùng thì việc phải am hiểu văn hóa-xã hội, nhân khẩu học và phát triển các kỹ năng mềm là vô cùng cần thiết
Vì thế, theo tôi, các cơ quan chức năng và quản lý giáo dục cần đánh giá đúng tầm quan trọng của cả khoa học tự nhiên và KHXH&NV khi ra các quyết sách; có cơ chế, chính sách duy trì một số trường đại học theo định hướng nghiên cứu, đặc biệt là những nhóm ngành khoa học cơ bản. Các cơ sở giáo dục đại học cần đánh giá đúng vai trò của các môn KHXH&NV khi xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch tuyển sinh phù hợp với định hướng phát triển lâu dài, tránh chạy theo thành tích và những chỉ tiêu mang nặng tính lợi nhuận trước mắt. Phụ huynh và các em học sinh khi lựa chọn ngành học, nghề nghiệp sau này cần có phân tích xu hướng, hoàn cảnh xã hội, tự đánh giá để hiểu được thế mạnh, sở trường của bản thân và chọn cho mình một ngành học phù hợp trên nguyên tắc kết hợp của cái mình thích, cái mình có thể làm giỏi và cái tạo ra được giá trị, thu nhập, thì chắc chắn sẽ thành công.
---------------------------
Nhà thiết kế NGUYỄN ĐỨC LỘC (Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên):
Nền tảng cho sự phát triển
Từ khi học phổ thông, cách đây gần 20 năm, tôi theo học khối khoa học xã hội bởi rất thích tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cũng có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, nhưng gia đình tôi đều cho rằng con trai phải học những chuyên ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên thì mới có nhiều cơ hội việc làm sau này.
Công việc của tôi đòi hỏi kiến thức lịch sử, xã hội sâu rộng để tạo ra những sản phẩm có hiệu quả đóng góp và lan tỏa nhất định trong xã hội. Sau nhiều năm học tập, ra trường đi làm, trải qua nhiều biến cố và đến nay cũng đã có một số thành tựu trong cuộc sống, công việc thì tôi có thể tự tin cho gia đình thấy rằng, tất cả những kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội mà tôi được học, được bồi đắp suốt nhiều năm qua đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong sự nghiệp và cuộc sống. Tôi nghĩ đó có thể là một trong những minh chứng rõ nét nhất, ví dụ nhỏ điển hình về việc theo học ngành KHXH&NV để làm gì và có ích gì cho xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại.
    |
 |
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc.
|
Bất cứ một ngành khoa học nào đều có những giá trị, vị trí riêng. Khi xã hội càng phát triển, người ta lại càng quan tâm đến những giá trị cốt lõi, giá trị văn hóa, dân tộc và những bộ môn KHXH&NV càng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Bản thân tôi khi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa càng thấy rõ điều đó. Nhiều người đã hỏi tôi rằng: Tại sao chúng ta không có những tác phẩm văn học, điện ảnh, sản phẩm văn hóa được xuất khẩu, hay tại sao chưa xây dựng được nền công nghiệp văn hóa vững mạnh? Chính sự nghiên cứu của KHXH&NV cơ bản và những thành tựu của nó sẽ giúp ích, thúc đẩy rất lớn cho văn hóa ứng dụng, lịch sử ứng dụng... Ngày nay, nếu biết cách khai thác, chúng ta có thể biến các giá trị văn hóa, lịch sử trở thành sản phẩm kinh tế, phát triển ngành công nghiệp không khói có giá trị hàng tỷ đô la. Nền tảng, thành tựu của các ngành học KHXH&NV đã, đang và sẽ có tác động rất to lớn trong việc này. Bởi vậy, chúng ta càng cần nhận thức rõ vai trò cũng như những giá trị của KHXH&NV đem lại cho sự phát triển xã hội và đất nước.
---------------------------
Sinh viên LÊ THỊ QUYÊN (Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Hành trình vun bồi giá trị nhân văn bền vững
Khối KHXH&NV không tạo ra sản phẩm hữu hình nhưng lại góp phần định hình tư duy xã hội và hướng đi của một nền văn minh. Đó không phải như sự lập trình máy móc mà là “lập trình” cách con người nghĩ, cảm và ứng xử với nhau. Khi thế giới càng số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) càng phát triển thì việc giữ được cảm xúc và năng lực tư duy lại càng quan trọng. Là sinh viên ngành văn học, tôi không chỉ học về tác phẩm mà học cách “đọc” thế giới qua lăng kính ngôn từ và trải nghiệm. Bởi sau cùng, mọi mô hình phát triển đều sẽ trở nên rủi ro nếu con người không còn hiểu chính mình, và xã hội không biết cách tự soi lại mình bằng những câu hỏi của KHXH&NV.
Tôi cho rằng, việc đánh giá thấp khối ngành xã hội bắt nguồn từ quan niệm sai lầm rằng chỉ công nghệ, kỹ thuật hay kinh tế mới tạo ra giá trị, làm giàu cho mình và cho đất nước. Nhưng nếu nhìn rộng ra, một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi nền tảng văn hóa và tư tưởng. KHXH&NV chính là gốc rễ tạo nên chiều sâu văn hóa và bản sắc riêng biệt của dân tộc-những thứ mà AI không thể thay thế, công nghệ không thể sao chép, không thể hiểu được như con người. Với tôi, theo đuổi KHXH&NV là hành trình dấn thân để gìn giữ căn tính, khơi nguồn bản sắc và vun bồi những giá trị nhân văn bền vững cho cộng đồng. Đặc biệt, khi đặt trong bối cảnh hội nhập và biến động nhanh chóng như hiện nay, vai trò của khối ngành này càng rõ nét hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, ngoại trừ những ngành mang tính đặc thù cao thì xuất phát điểm từ tổ hợp môn gì không quan trọng bằng việc bạn sẽ phấn đấu như thế nào khi ngồi trên giảng đường và vận dụng những kiến thức tích lũy được ra sao. Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cần có khả năng học hỏi liên tục và thích nghi với thị trường lao động mới là yếu tố then chốt. Do đó, việc trang bị kỹ năng toàn diện và vận dụng kiến thức một cách sáng tạo cả trong công việc lẫn cuộc sống mới là điều thực sự quan trọng để đạt được thành công.
DƯƠNG THU - HỒNG NHUNG (ghi)