Những thách thức mới

Phóng viên (PV): Thưa ông, sau 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, văn học đề tài LLVT và CTCM bên cạnh những thành tựu nhất định đã đạt được, đâu là yêu cầu đặt ra cho đề tài lớn này trong giai đoạn hiện nay?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Đây là câu hỏi hay, thiết thực. Thành tựu của văn học đề tài LLVT và CTCM sau 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất đã được khẳng định và nhiều người nói tới. Vấn đề đặt ra cho giai đoạn hiện nay, theo tôi, mới là câu hỏi khó nhưng cần phải trả lời. Xin được nhìn vấn đề này từ góc độ cá nhân.

Về đội ngũ. Hiểu đội ngũ là sự tập hợp những người cùng ngành nghề, cùng chí hướng, chung nhiệm vụ, thì giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến sau này, tạm lấy mốc năm 2000, văn học có một đội ngũ hùng hậu. Được coi là một “binh chủng đặc biệt”, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng, vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế và tư cách một anh hùng. Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lý tưởng cách mạng, như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng. Bước ra từ chiến tranh, vẹn nguyên một “chất lính”, đội ngũ ấy vẫn tiếp tục cầm bút sáng tạo nhiều tác phẩm hay. Nhưng sau năm 2000, đội ngũ ấy theo thời gian dần thưa mỏng. Thế hệ kế tiếp rõ ràng ít hơn nhiều so với lứa nhà văn chống Mỹ, khó có thể nói có một “đội ngũ” nhà văn viết về đề tài này.

leftcenterrightdel
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú. 

Về cách tiếp cận và cách viết. Nếu trước năm 1975, văn học viết trực diện về chiến tranh, thì thời đổi mới, bình diện con người được quan tâm hơn. Nhưng phải hiểu bối cảnh chiến tranh mới hiểu sâu về con người trong chiến tranh. Các nhà văn sinh sau 1975 không có sự trải nghiệm trực tiếp mà gián tiếp qua sách báo, phim ảnh... Hẳn nhiên, không phải cứ có trải nghiệm thực tế mới viết hay được, nhưng qua trải nghiệm thực tế thì thuận lợi hơn. L.Tolstoy viết “Chiến tranh và hòa bình” sau chiến tranh 50 năm nhưng vẫn hay. Như vậy, vấn đề ở chỗ “nhập thân”, tức sống chết với đề tài, đọc nhiều ngẫm kỹ, đặt mình vào tình huống, sự kiện, nhân vật thời chiến tranh... Nhưng nhà văn cũng phải có cuộc sống riêng tư, có vợ con... liệu có thể toàn tâm toàn ý, phải có thời gian, sách vở... Đấy mới chỉ là những cái “nhìn thấy” về chủ thể viết.

PV: Điều đó đặt ra thách thức thế nào cho văn học đương đại, nhất là khi những tác giả có trải nghiệm thực tế về chiến tranh đã dần thưa vắng?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Như đã nói, ngoài vấn đề cơ bản là đội ngũ, thách thức với đề tài này còn thể hiện ở cả chủ thể sáng tạo và đối tượng tiếp nhận. Đó là cách viết. Trước năm 1975, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị nên văn học chủ yếu là miêu tả, tái hiện. Đấy không phải là hạn chế mà là đặc điểm. Hiện nay không thể viết theo lối cũ. Theo quan sát của tôi, đang có sự chuyển dần từ bình diện chiến tranh (miêu tả) sang bình diện con người (phân tích tâm lý). Một số người vận dụng các yếu tố hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền luận... là những lý thuyết mới của thế giới. Đó là điều đáng hoan nghênh nhưng cần thận trọng vì sự không tương hợp giữa lý thuyết (ngoại lai) và đối tượng miêu tả (con người Việt Nam)... Vả lại, đã là tác phẩm về chiến tranh phải có những đặc trưng cơ bản về chiến tranh. Do vậy không hiểu về chiến tranh thì cũng không phân tích sâu được con người sống trong thời đó. Tôi và chắc có nhiều độc giả khác vẫn thích đọc những tác phẩm vừa truyền thống, tức miêu tả, tái hiện vừa phân tích.  

Vấn đề tiếp nhận còn phức tạp hơn. Viết sao để lôi kéo bạn đọc trong thời buổi văn hóa giải trí lên ngôi? Đây là vấn đề của thời đại nên cần cả xã hội chung tay. Trước hết là giáo dục cần hướng trẻ em về truyền thống lịch sử sâu, kỹ hơn nữa, tăng cường hơn nữa các tác phẩm về chiến tranh vệ quốc trong chương trình. Thứ nữa là tạo các cơ chế khuyến khích tiếp nhận qua các diễn đàn, lồng ghép trong các cuộc thi...

Vấn đề thiết cốt nhất vẫn là tác phẩm hay. Điều này do chủ thể nhà văn quyết định, xin bàn sâu vào một dịp khác!

Viết về bộ đội phải hiểu bộ đội

PV: Theo ông, làm thế nào để giữ mạch nguồn sáng tạo về đề tài LLVT và CTCM trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi khai thác hình tượng người lính trong thời bình?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Cây tác phẩm nghệ thuật luôn mọc từ mảnh đất cuộc sống nào đó. Viết về bộ đội phải hiểu bộ đội. Không ngẫu nhiên thời đánh Mỹ hầu hết các tác giả vừa cầm súng vừa cầm bút, nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Viết về bộ đội hôm nay, phải hiểu họ. Người lính hôm nay yêu nước, có ý chí, quyết tâm, tinh thần dân tộc cao. Họ đã và đang học tập miệt mài làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại. Họ cũng suy tư về cuộc sống gia đình, cá nhân không bắt kịp với tư duy, bước tiến và bước nhảy của kinh tế thị trường. Họ trăn trở ở trong quân ngũ phục vụ suốt đời thì cuộc sống của họ và gia đình sẽ ra sao? Hết thời gian tại ngũ, xuất ngũ sẽ làm gì?... Họ băn khoăn trước các giá trị văn hóa bị đảo lộn, xuống cấp... Phải hiểu họ là sự kết tinh từ truyền thống, là hình tượng người lính trong lịch sử giữ nước theo con đường “liên văn hóa” được thể hiện sinh động trong văn học-nghệ thuật (người lính thời Lý, Trần, Lê, thời chống Pháp, chống Mỹ).

Cần tạo ra các cuộc thi sáng tác xung quanh cuộc sống người lính hôm nay dưới nhiều hình thức (báo tường, hò vè, thơ, truyện, kịch, tiểu phẩm...) ở nhiều môi trường sinh hoạt (cả chuyên lẫn không chuyên). Với giới chuyên nghiệp, nên khuyến khích lối tiếp cận mới mẻ, giản dị, phù hợp văn hóa và tâm lý tiếp nhận lứa tuổi, nghề nghiệp.

Tạo ra diễn đàn tranh luận, trao đổi trên báo chí... để người lính được nói lên những suy nghĩ thật nhất, tươi mới nhất. Tâm lý học hiện đại thời toàn cầu hóa rất đề cao tiếng nói đối thoại ở khía cạnh chia sẻ, nói ra được những băn khoăn cũng là một cách giải tỏa những băn khoăn! Con người của thời đại 4.0 là con người liên văn hóa. Hẳn nhiên chủ thể độc giả tiếp nhận văn chương ở tư cách liên văn hóa. Do vậy, hình tượng anh bộ đội cũng nên được xây dựng theo xu hướng này. Với người lính trước 1975 là sự kết tinh văn hóa truyền thống và văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Với người lính hôm nay phải là vừa “liên văn hóa” chiều dọc truyền thống và chiều ngang với thế giới. Con người độc giả thời nay là độc giả trí tuệ, có xu hướng tìm đọc sự phân tích, cắt nghĩa, lý giải hơn là miêu tả. Nhà văn hôm nay đồng thời cũng là nhà triết học, tâm lý học, sử học... để gia tăng hàm lượng triết lý, tâm lý cho trang viết.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Lữ đoàn 242, Quân khu 3 hành quân ra thao trường huấn luyện. Ảnh: PHÚ SƠN

PV: Bởi những hạn chế về trải nghiệm, nhiều tác giả trẻ hiện nay khi viết về chiến tranh đã chọn những cách tiếp cận mới, có thể là không đi vào trực diện cuộc chiến. Ông nghĩ sao về điều đó?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Văn học là cuộc đời, mà cuộc đời luôn đa dạng nên văn học cũng vậy. Chiến tranh cũng có “muôn mặt”. Thế nên viết về chiến tranh cần đa dạng cách tiếp cận, phong phú về thi pháp, nhiều vẻ về giọng... Một vài tác giả trẻ hiện nay khi viết về chiến tranh đã chọn cách không đi vào trực diện, mà thông qua những lớp chuyện thứ hai, thứ ba... là điều đáng mừng, đáng khuyến khích. Vấn đề là phải hiểu bản chất của chiến tranh và trung thực với sự kiện, chi tiết chỉ có trong chiến tranh. Đem hình ảnh, ngôn ngữ, tư duy... ở ngày hôm nay “gán” vào thời chiến là ngô nghê...

PV: Một trong những vấn đề quan trọng của văn học đề tài LLVT và CTCM hiện nay là xây dựng đội ngũ tác giả, đâu là điều chúng ta cần quan tâm trong việc này, thưa ông?

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Văn chương cần nhất là vốn sống. Đại thi hào Nguyễn Du viết: “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”. Không “ngổn ngang trăm mối” không thể có “câu tuyệt diệu”. Người nghệ sĩ phải “đau đớn lòng” (rung động) trước “những điều trông thấy” (trải nghiệm) mới có thể làm người khác “đau đớn” được. Cần có kế hoạch phát hiện năng khiếu văn học ở bộ đội trẻ, các bạn viết trẻ, tập hợp lại thành lớp học, như các năm trước đã có ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Xây dựng kế hoạch đưa nhà văn đi thâm nhập thực tế... Tôi hiểu, chúng ta hiện đang “ăn đong” bị động, phụ thuộc vào sự xuất hiện một vài năng khiếu nào đó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)