Phóng viên (PV): Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội ngày càng khẳng định vai trò vị trí là cánh chim đầu đàn của văn hóa, nghệ thuật Quân đội. Điều gì đã tạo nên những dấu ấn đó, thưa chị?
Đại tá, NSND Hồng Hạnh: Xuyên suốt những trang sử vàng hình thành và phát triển của Nhà hát, tiền thân là Tổng đội Văn công ra đời ngày 15-3-1951, đến nay, các chiến sĩ-nghệ sĩ của Nhà hát luôn đồng hành với bộ đội và nhân dân từ chiến trường khói lửa tới những sự kiện chính trị lớn của Quân đội và đất nước trong hơn 7 thập kỷ qua. Là một thiết chế văn hóa lớn của Quân đội, Nhà hát không chỉ là một đơn vị mang chức năng sáng tác, tổ chức, biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân; mà sâu xa hơn, đây chính là tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
    |
 |
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Hạnh.
|
Với nhận thức chính trị sâu sắc, ý thức trách nhiệm cùng trái tim nồng nàn tình yêu Quân đội, yêu Tổ quốc; được sự quan tâm, chỉ đạo của thủ trưởng Tổng cục Chính trị và dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà hát, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà hát luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp thu và học hỏi nhằm nâng cao khả năng chuyên môn, chất lượng chương trình biểu diễn. Và thành quả là sự yêu mến của khán giả trong toàn quân, nhân dân đến bạn bè quốc tế. Mỗi bước chân hành quân của những người chiến sĩ-nghệ sĩ đều để lại ấn tượng khó phai mờ.
Dân tộc ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, điều đó cũng đặt ra cho văn hóa, nghệ thuật những trọng trách mới. Chúng tôi lại càng ý thức được trách nhiệm của mình, không ngừng khơi dậy nhiệt huyết, tài năng của mỗi người để luôn đổi mới, sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
PV: Thưa chị, làm sao để khơi dậy nhiệt huyết, tài năng của mỗi thành viên trong Nhà hát?
Đại tá, NSND Hồng Hạnh: Là những người nghệ sĩ được vinh dự mang trên mình màu xanh áo lính, chúng tôi nhận thức sâu sắc được sứ mệnh của mình. Mỗi chiến sĩ-nghệ sĩ của Nhà hát qua dòng lịch sử phát triển hơn 7 thập kỷ qua đã tạo nên, khẳng định được thương hiệu đặc biệt và nét riêng không đâu có được, mang đậm bản sắc Bộ đội Cụ Hồ. Và đó chính là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành trong môi trường Quân đội. Hôm nay, chúng tôi đang có một thế hệ nghệ sĩ trẻ đầy tài năng. Cùng nhau, chúng tôi tiếp bước truyền thống vẻ vang và tiến vào thời đại mới với lòng biết ơn sâu sắc.
Để có thể tạo động lực sáng tạo, lòng nhiệt huyết và cống hiến tài năng của các nghệ sĩ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Nhà hát trước hết phải luôn sát sao, nắm được khả năng, thế mạnh trong chuyên môn của từng người. Sau đó mới xây dựng các chương trình nghệ thuật có các tiết mục phù hợp với thế mạnh của mỗi người, vừa tạo “sân diễn” vừa tạo cảm hứng sáng tạo cho các tài năng được thăng hoa hết mình. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn không ngừng nghiên cứu các chính sách nhằm quan tâm và nâng cao đời sống của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Nhà hát.
PV: Là nữ giám đốc đầu tiên của đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống như Nhà hát, điều đó có khiến chị áp lực?
Đại tá, NSND Hồng Hạnh: Dù ở vị trí quản lý nhưng có điều rất thuận lợi là tôi vẫn đi diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Chính vì thế, tôi có nhiều cơ hội ở gần các nghệ sĩ, diễn viên. Điều đó rất quan trọng. Đi cùng diễn viên, đồng hành, trải nghiệm, thấu hiểu nhau và đó cũng là hành trình để người chỉ huy nói đi đôi với làm; là thực tiễn giúp tư duy về quản lý sâu sát, kỹ hơn, tốt hơn. Qua đó cũng tạo được tình cảm đoàn kết, gắn bó hơn.
Theo tôi, dù là ai, ở bất kỳ vị trí nào, từ diễn viên tới cán bộ hay người đứng đầu đơn vị như chúng tôi thì “áp lực” chính là đòn bẩy tạo ra “động lực” phát triển; chính là ngọn lửa tốt nhất để rèn được vàng, kim cương. Chúng tôi tự hào có những tài năng nghệ thuật đầy nhiệt huyết cống hiến. Chính vì vậy, tôi luôn không ngừng cố gắng để có thể giúp các bạn tỏa sáng, truyền lửa cho các bạn và quan trọng hơn cả là tạo ra sức mạnh đại đoàn kết-sức mạnh quan trọng nhất để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó.
PV: Theo chị, đâu là yếu tố quan trọng nhất với người làm chỉ huy, quản lý?
Đại tá, NSND Hồng Hạnh: Chính là sự thấu hiểu. Tôi thấu hiểu cán bộ, diễn viên của tôi bằng trái tim để nhìn ra được quá trình cố gắng, sự nỗ lực, tài năng của từng người và quan trọng nhất là từ trong tâm tôi mong cảm nhận được trái tim của mọi người.
    |
 |
Đại tá, NSND Hồng Hạnh giao lưu cùng bộ đội. Ảnh: QUỐC HÙNG
|
Khi trên sân khấu, mỗi nghệ sĩ đều là một ngôi sao sáng, mang tài năng của mình cống hiến giúp cổ động, tiếp thêm sức mạnh cho khán giả. Nhưng khi dưới sân khấu, họ cũng là những con người có niềm vui, có nỗi buồn, có suy tư và trăn trở như bao người khác. Trong công việc, tôi mang vai trò của một người chỉ huy, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, tôi cũng là một người đồng đội, người bạn, người em, người chị, người cô của họ, tại nơi chúng tôi đang coi như mái nhà thứ hai của mình. Và tôi cảm thấy hạnh phúc, trân trọng khi với anh chị em nghệ sĩ, tôi không chỉ là lãnh đạo mà là người thân, như một điểm tựa, thủ lĩnh về tinh thần.
PV: Thưa chị, hiện nay, khi môi trường nghệ thuật ngoài Quân đội cởi mở, nhiều cơ hội phát triển thì trong việc quản lý một đơn vị nghệ thuật Quân đội, đâu là yếu tố cần quan tâm?
Đại tá, NSND Hồng Hạnh: Dù nhiều người cho rằng thị trường nghệ thuật ngoài Quân đội nhiều cơ hội nhưng tôi tin nghệ sĩ Quân đội nói chung, của Nhà hát nói riêng vẫn sẽ có con đường đi riêng. Học tập bạn bè trong nước, quốc tế và cho dù có đổi mới, sáng tạo thế nào vẫn phải đúng định hướng, đáp ứng sự mong mỏi của bộ đội và nhân dân. Tôi nghĩ, nghệ thuật chân chính vẫn luôn đầy dung dị, gần gũi và phải được xuất phát từ trái tim đến trái tim bằng sự nồng nàn, ấm áp của nghệ sĩ.
Môi trường quản lý nghệ sĩ khá đặc thù. Với người làm nghệ thuật, động lực về tinh thần rất quan trọng. Tôi cho rằng, con chim hót hay không thể nhốt trong lồng được, nó phải được sải cánh tung bay. Nhưng làm sao để con chim dù bay cao, bay xa đến đâu vẫn nhớ đến tổ, đến gốc của mình. Nhà hát luôn tạo điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên tham gia các chương trình lớn, nhỏ trong và ngoài Quân đội. Qua các hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ được bay cao, bay xa hơn, phát huy được tài năng, trí tuệ của mình; cũng là để lan tỏa hình ảnh nghệ sĩ Quân đội. Đương nhiên, dù ở đâu, làm gì, các nghệ sĩ vẫn luôn giữ tác phong, chấp hành nghiêm kỷ luật, định hướng tư tưởng tốt nên đi đến đâu cũng được yêu mến, tạo được hình ảnh, phong cách của người chiến sĩ-nghệ sĩ. Với vai trò người đứng đầu đơn vị, tôi thực sự thấy tự hào về điều đó.
PV: Lúc này, đâu là điều chị mong muốn thực hiện với vai trò hiện tại?
Đại tá, NSND Hồng Hạnh: Trong các hội thi, liên hoan nghệ thuật, các phần thi của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội bao giờ cũng rất đông khán giả, thậm chí không còn chỗ ngồi. Khán giả yêu mến, quan tâm muốn xem các nghệ sĩ Quân đội biểu diễn, muốn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đậm chất bộ đội. Nhưng họ cũng rất mong chờ ở chất lượng, sự sáng tạo, đổi mới của Nhà hát với tư cách là cánh chim đầu đàn của văn hóa, nghệ thuật Quân đội. Đó là áp lực lớn nhưng cũng là động lực tạo cho tôi tư duy, sáng tạo mới để đáp ứng yêu cầu của khán giả và sự tin tưởng, quan tâm của thủ trưởng các cấp.
Từ những ngày đầu về công tác tại Nhà hát khi mới 18 tuổi, đến thời điểm này, tôi luôn hát bằng cả trái tim mình-trái tim dào dạt tình yêu dành cho khán giả thương mến. Tôi biết ơn Quân đội vì đã cho tôi môi trường tốt nhất để học tập, rèn luyện và trưởng thành. Là một chiến sĩ-nghệ sĩ, đồng thời cũng mang cương vị là Giám đốc Nhà hát, tôi cảm thấy trách nhiệm lớn nhất của mình chính là tiếp tục truyền ngọn lửa yêu nghề, cống hiến từ trái tim mình tới những trái tim của thế hệ nghệ sĩ trẻ, để họ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, xứng danh chiến sĩ-nghệ sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn chị!
DƯƠNG THU (thực hiện)