Ít tác phẩm nổi trội, nhiều hoạt động ý nghĩa

Phóng viên (PV): Thưa chị, năm 2024 liệu có phải là một năm trầm lắng của văn học Việt, khi mà dường như chưa thấy có tác phẩm nào thật sự gây xôn xao văn đàn?

TS Hà Thanh Vân: Tôi muốn đưa ra một nhận định chung về văn học Việt năm vừa qua, đó là tuy có ít tác phẩm nổi trội nhưng bù lại, văn học Việt Nam lại có nhiều hoạt động có ý nghĩa. Tôi muốn nhắc đến Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức.

Hội nghị đưa ra được những kết luận có tính tổng kết về văn học Việt Nam 50 năm qua, cũng như dự đoán diện mạo văn học Việt Nam trong một vài thập niên tới. Cũng nằm trong xu thế hướng tới đón nhận tương lai của văn học Việt, Hội nghị những người viết trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ V-2024 lần đầu tiên có đại biểu chính thức là những tác giả gen Z, sáng tác bằng cả tiếng Việt và ngoại ngữ, với thành tích rất đáng kể. Chúng ta không chỉ tổng kết 50 năm văn học mà còn có những bước chuẩn bị, vun trồng cho văn học Việt Nam phát triển những năm tới.

leftcenterrightdel

Tiến sĩ Hà Thanh Vân. 

Ngoài ra, theo tôi, năm 2024 là năm có những dịp kỷ niệm lớn và cũng là năm bản lề hướng đến năm 2025 có những ngày lễ trọng đại của đất nước. Văn học Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế chung của đất nước. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều hoạt động văn học được triển khai. Tôi được biết, đã có ít nhất 3 hội thảo cùng chủ đề về việc sáng tác tác phẩm văn học-nghệ thuật về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng trong giai đoạn hiện nay; cùng với những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học phong phú, đa dạng về đề tài này. Điều này chứng tỏ cùng với những đề tài sáng tác mang tính xu thế, thời sự, đương đại thì những đề tài mang tính kinh điển của văn chương Việt vẫn được tôn vinh và khuyến khích sáng tạo. 

PVTheo chị đánh giá là có ít tác phẩm nổi trội, song dịp cuối năm 2024 vẫn có những tác phẩm văn học tiêu biểu, ấn tượng được một số tờ báo bình chọn. Chị có theo dõi và có ý kiến gì về điều đó?

TS Hà Thanh Vân: Tôi đã đọc khá kỹ danh sách tác phẩm văn học Việt nổi bật năm 2024 mà một số tờ báo đưa ra. Từ quan điểm cá nhân, tôi có nhiều điều chưa đồng tình với những danh sách đó. Có những tác phẩm tôi đồng ý là nổi bật. Song cũng có những tác phẩm lẽ ra nên đưa vào danh sách tôn vinh, thay cho những tác phẩm khác. Ngoài ra, tôi cũng đặt câu hỏi rằng ai là người bình chọn, bình chọn với tư cách, cương vị nào, với chuyên môn gì? Chẳng hạn như tôi có đọc danh sách 10 tác phẩm văn học thiếu nhi trên một tờ báo. Với tôi, danh sách đó vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa một số tác phẩm không thật sự ấn tượng và thiếu những tác phẩm xứng đáng.

Tôi nghĩ phải kể thêm ít nhất 3 tác phẩm viết cho các em nhỏ. Tôi muốn nói đến bộ đôi tác phẩm “Chuyện kể trước giờ đi ngủ” của nhà văn Gia Bảo được giải C giải thưởng Sách quốc gia 2024. Hay cuốn sách “Đại náo nhà ông ngoại” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã tạo thành xu hướng “về nhà ông ngoại” trên mạng và được tặng giải Sách hay 2024. Cũng cần nhắc đến tác phẩm ‘‘Chiếc xe buýt bay”, truyện của hai tác giả Võ Thị Mai Chi và Huỳnh Bá Long được tặng giải thưởng Văn học thiếu nhi 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tương tự như vậy, với danh sách tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu năm 2024 của một vài tờ báo đưa ra, tôi cũng thấy vừa thừa lại vừa thiếu. Nếu mà nói đến một bộ sách mang tính đại thành, tổng kết lại một giai đoạn văn học, tôi cho rằng bộ sách “Tổng tập Nhà văn Quân đội” là bộ sách đồ sộ khoảng 5.000 trang với 5 tập, bao gồm tác phẩm của 366 tác giả là đáng phải kể đến, được nhận giải A giải thưởng Sách quốc gia. Bên cạnh đó có những tác phẩm mang tính chất phi thể loại, xóa nhòa lằn ranh giữa các thể loại văn xuôi, hay tác phẩm ăn khách của một số tác giả trẻ nắm bắt nhanh nhạy thời sự và vấn đề mang tính nhân loại, cũng rất đáng đọc.

PVVậy thơ và các thể loại khác, đặc biệt là tình hình lý luận phê bình năm 2024 vừa qua thì sao, thưa chị?

TS Hà Thanh Vân: Tôi cho rằng thơ hay cả lý luận phê bình trong năm qua không thực sự nổi bật. Tuy nhiên, lý luận phê bình thì còn có hội nghị mang tính tổng kết như tôi vừa nói ở trên. Có lẽ vì văn học không có nhiều tác phẩm gây tiếng vang nên lý luận phê bình cũng chưa khởi sắc. Riêng về thơ thì cũng có một số tác phẩm được vinh danh ở các giải thưởng, bởi lẽ so với mặt bằng chung thì những tác phẩm ấy có chất lượng tốt hơn cả.

Động lực cho văn học Việt

PVNăm qua cũng là năm ồn ào về câu chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) liệu có thể thay thế con người viết văn hay không? Chị nghĩ gì về điều này?

TS Hà Thanh Vân: AI có thể hỗ trợ nhà văn trong nhiều khía cạnh của công việc sáng tạo. AI tạo ra bản nháp, viết các đoạn văn ngắn hoặc đề cương tác phẩm dựa trên yêu cầu cụ thể, giúp nhà văn tiết kiệm thời gian. Các công cụ AI có thể đề xuất ý tưởng mới. AI cũng có thể hỗ trợ chỉnh sửa, kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp... Nhưng AI hoạt động dựa trên dữ liệu và thuật toán, vì vậy khó có thể tạo ra những tác phẩm có chiều sâu cảm xúc, có phong cách sáng tạo riêng biệt. AI cũng có những hạn chế về sự hiểu biết xã hội và văn hóa, thiếu sự nhạy bén về bối cảnh văn hóa, xã hội và đạo đức. Đặc biệt, AI không thể tạo ra những ý tưởng hoàn toàn mới mà chỉ tái cấu trúc hoặc kết hợp thông tin từ những dữ liệu đã có. Trong khi đó, tác phẩm văn học thường là kết quả của trải nghiệm sống, cảm xúc sâu sắc, niềm vui, nỗi buồn và góc nhìn riêng biệt của con người, điều mà AI với tư cách máy móc thì không thể có được và việc thay thế hoàn toàn sự sáng tạo của nhà văn là điều khó có thể xảy ra.

leftcenterrightdel

Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là đề tài lớn được văn học tập trung khai thác hiệu quả trong năm qua. 

PVVừa qua, với việc nữ nhà văn người Hàn Quốc Han Kang đoạt giải Nobel văn học, có nhiều ý kiến đề cập đến việc cần đẩy mạnh việc giới thiệu văn học Việt Nam ra với thế giới. Cách nhìn của chị về vấn đề này như thế nào?

TS Hà Thanh Vân: Việc nhà văn Han Kang có giải Nobel văn học đã trở thành một động lực cho văn học Việt Nam trên hành trình tìm ra thế giới. Từ nhiều năm nay, việc giới thiệu và dịch văn học Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung vào những tác phẩm kinh điển và một số tác phẩm nổi bật của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Con đường ra thế giới cho văn chương Việt Nam thật ra có nhiều cách.

Vấn đề quan trọng nằm ở chất lượng. Những tên tuổi văn chương đương đại có thể giới thiệu ra với thế giới phải đáp ứng những tiêu chí vừa mang tính dân tộc rõ nét, vừa đề cập đến những vấn đề chung mà nhân loại đều quan tâm. Còn về đề tài tác phẩm thì viết cho thiếu nhi, viết có nội dung tình cảm, tâm lý xã hội, viết mang màu sắc văn hóa lịch sử dân tộc là 3 khuynh hướng nên được giới thiệu bởi đó là những điểm mạnh của văn học Việt Nam đương đại. Vì văn học Việt Nam, nhất là văn học đương đại, vẫn còn là một khoảng trắng đối với độc giả thế giới, chưa được độc giả biết đến nhiều, cho nên, việc giới thiệu văn chương đương đại Việt Nam đang là điều cấp thiết hiện nay.

Nhưng bản thân văn học đương đại Việt Nam vẫn đi theo xu hướng nghệ thuật viết văn truyền thống, ít có những cách tân, đổi mới, sáng tạo để hòa nhập với thế giới. Thế nên làm sao để thoát ra khỏi sự “nguyên sơ” cũng là điều mà các tác giả Việt Nam nên tự vấn mình, tự tìm tòi và thử nghiệm trong tác phẩm. Mặt khác, văn học Việt Nam đương đại cũng ít được quan tâm giới thiệu từ hai phía, cả phía Việt Nam và thế giới, cho nên, việc tổ chức thực hiện những hoạt động, những trao đổi, giao lưu là việc cũng rất cần làm trong thời gian tới. 

Còn về mục tiêu Nobel văn học thì tôi lại nghĩ khác. Việc giới thiệu văn học Việt Nam đương đại ra với thế giới chỉ là bước khởi đầu cho một chiến lược quảng bá lâu dài và còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều nỗ lực tự thân của các nhà văn Việt Nam nếu muốn vươn tầm thế giới. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất mà các nhà văn Việt Nam cần làm lúc này là đáp ứng được kỳ vọng của công chúng Việt Nam trước đã, sau đó mới hướng đến những mục tiêu cao hơn và đây sẽ là cả một quá trình, một chặng đường dài.

Trước mắt, năm 2025 với nhiều ngày lễ lớn, với nhiều thay đổi sâu sắc và tích cực của tình hình đời sống, xã hội Việt Nam, tôi nghĩ chắc hẳn sẽ tạo ra những nguồn cảm hứng cho công việc sáng tạo của các nhà văn. Ngoài ra phải kể đến những hoạt động văn chương phong phú, đa dạng, với Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030 và các đại hội nhà văn địa phương; với nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác. Như vậy thì công chúng có quyền hy vọng vào năm 2025 với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm hay và gương mặt mới.

PVTrân trọng cảm ơn chị! 

DƯƠNG THU (thực hiện)