“Nếu có thể đo xương máu tiền nhân/ Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được/ Bao người mẹ, người vợ, người em-nước mắt/ Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng/ Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm...”. Do đó, việc khám phá, thể hiện con người, đất nước Việt Nam trong và sau chiến tranh, nhất là đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng (CTCM) luôn luôn và mãi mãi là đề tài lớn, quan trọng, khơi gợi nguồn cảm hứng cao đẹp, dồi dào cho văn học, nghệ thuật (VHNT).
Nguồn cảm hứng cao đẹp và vô tận
Đề tài LLVT và CTCM là nguồn cảm hứng cao đẹp và vô tận cho các văn nghệ sĩ Việt Nam; là đề tài có chiều sâu về văn hóa, tầm cao về tư tưởng, có sức lan tỏa mạnh mẽ về nhân văn; luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ và công chúng yêu mến VHNT. Phản ánh hiện thực chiến tranh yêu nước và cách mạng; xây dựng hình tượng người lính yêu nước và cách mạng-người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của VHNT dân tộc. Dù trong thực tế, các tác phẩm VHNT có thể viết nhiều hơn về những cuộc chiến trong quá khứ, xây dựng hình tượng người lính từ những góc nhìn khác nhau, với cách lý giải khác nhau thì trong sự đa thanh, đa diện ấy, vẫn nổi lên tính kế thừa, sáng tạo, phát triển đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; sự nhận thức đa chiều vừa có chiều sâu của lý trí, vừa có độ sâu đằm của tình cảm.
Gần 50 năm qua, chúng ta được sống trong hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đề tài LLVT và CTCM vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thao thiết, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm VHNT ra mắt công chúng trong những năm qua; chất lượng, sức lan tỏa của các tác phẩm, công trình, nhất là các giải thưởng VHNT có uy tín cho thấy, đề tài LLVT và CTCM vẫn là mảnh đất thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng.
Được định hướng, khích lệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, những năm tháng đội ngũ văn nghệ sĩ cùng cả dân tộc hào hùng đi vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp mới thấy rõ những đổi thay to lớn, mang tính bước ngoặt của nền văn hóa, văn nghệ cách mạng với hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Những câu hỏi lớn được đặt ra, người nghệ sĩ viết, sáng tác cho ai? Về điều gì? Sáng tác, biểu đạt như thế nào? Đây là vấn đề lớn và rất quan trọng của nhận thức, tư duy, tài năng, bút pháp, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước hiện thực đất nước. Đã xuất hiện những trăn trở, tìm tòi, cả những cuộc bàn thảo, kể cả tranh luận về nhận thức, quan điểm, bút pháp văn nghệ.
Đây cũng là giai đoạn các giải thưởng, triển lãm, giao lưu văn nghệ được tổ chức và tiến hành bình xét, trao giải: Giải thưởng văn nghệ 1951-1952; Triển lãm hội họa Việt Bắc 1951, Giải thưởng văn nghệ 1954-1955; Giải thưởng văn nghệ Phạm Văn Đồng 1952 (do Liên khu 5 tổ chức); Giải thưởng văn nghệ Cửu Long Giang (Nam Bộ 1949-1950); Giải thưởng văn nghệ Cửu Long Giang (Nam Bộ 1951-1952)...
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến với nhiều hy sinh, gian khổ, dân tộc ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Đất nước ta bước vào một giai đoạn cách mạng mới, miền Bắc xây dựng nền móng ban đầu của chủ nghĩa xã hội, cùng miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, tiến tới thống nhất đất nước. Đó là những năm tháng cả dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nền VHNT của nước ta có bước phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, không gian, cảm hứng, điều kiện sáng tạo, hiện thực đời sống và công chúng của chính nền văn nghệ đó. Hình ảnh, hình tượng nhân dân anh hùng, Quân đội anh hùng, Bộ đội Cụ Hồ anh hùng tiếp tục được VHNT tập trung ca ngợi, là nhân vật trung tâm của mọi sáng tạo văn nghệ.
Son sắt với đề tài LLVT và CTCM
VHNT sau năm 1975, nhất là thời kỳ đổi mới, mảng đề tài LLVT và CTCM tiếp tục được quan tâm, có những đổi mới và thành công.
Sáng tạo các tác phẩm VHNT về đề tài LLVT và CTCM, đội ngũ văn nghệ sĩ đã vượt lên trên mức độ của những ghi chép, phản ánh lịch sử thông thường để khắc họa hiện thực lịch sử và đời sống xã hội bằng cảm nhận, cảm xúc, tài năng và lòng yêu nước của mình. Đây vẫn là một địa hạt nhiều tiềm năng trong việc ghi chép, khắc họa, lưu giữ lịch sử qua cái nhìn, qua trải nghiệm và cảm xúc của người sáng tạo. Điều này giúp thế hệ sau có thể hiểu rõ hơn về quá khứ, về những gì mà cha ông chúng ta đã phải trải qua để có được độc lập, tự do hôm nay. Từ đó, góp phần nuôi dưỡng, nhân lên tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, yêu Bộ đội Cụ Hồ trong mỗi con người. Hơn thế, các giá trị đạo đức, nhân văn như lòng dũng cảm, nghĩa tình, vị tha, sự hy sinh, tinh thần đoàn kết và lòng trung thành với Tổ quốc được thể hiện trong các tác phẩm VHNT này còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Vẫn viết về đề tài LLVT và CTCM nhưng các tác phẩm VHNT sau năm 1975 mang cách nhìn mới, bút pháp mới, phản ánh sự thay đổi về tư tưởng và thẩm mỹ của văn nghệ sĩ. Bối cảnh xã hội và bầu không khí dân chủ, nhân văn được mở rộng, văn nghệ sĩ tự do sáng tạo về hiện thực đời sống, về chiến tranh theo cách riêng của mình. Quan niệm về hiện thực chiến tranh của người nghệ sĩ thời hậu chiến có sự đổi mới rõ rệt. Bên cạnh mạch cảm hứng chủ đạo là ngợi ca cuộc kháng chiến anh hùng, những chiến công oanh liệt đậm chất sử thi, lãng mạn, nhiều tác phẩm sau năm 1975 có sự đa dạng hơn nguồn cảm hứng về hiện thực: Cảm hứng bi tráng, cảm hứng thế sự mang đầy tính nhân bản. Biên độ miêu tả hiện thực cũng được văn nghệ sĩ hậu chiến có ý thức mở rộng; những mặt khuất lấp của thực tại được nhà văn và nghệ sĩ miêu tả bằng tinh thần đối thoại và cái nhìn phản tư; thân phận con người với những trăn trở được-mất trở thành mối quan tâm lớn của không ít tác phẩm viết về chiến tranh thời kỳ này.
Việc khắc họa nhân vật thuộc LLVT (bộ đội, công an) trong VHNT thời hậu chiến cũng có sự vận động rõ rệt. Con người lý tưởng hóa đã nhường chỗ cho con người đầy nhân văn, nhân bản với những trăn trở, suy tư, khát vọng và cả những toan tính, sai sót, lỗi lầm của đời thường. Nếu như trong VHNT thời chiến, chiến tranh là đối tượng phản ánh chủ yếu thì trong VHNT thời hậu chiến, nó như là phương tiện để nhà văn, nghệ sĩ thể hiện những vấn đề của con người thế sự; vấn đề hàn gắn vết thương, hóa giải hận thù, hòa hợp dân tộc được VHNT thời kỳ này quan tâm giải quyết. Và một vấn đề đặt ra là xây dựng những anh hùng trong thời đại mới-những người lính thời bình vẫn cần những khám phá mới, trở thành cảm hứng, trách nhiệm của văn nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật.
Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu quan trọng, vẫn có một thực tế không vui vì “một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống”, “có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước” như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra và nhắc nhở.
Do đó, việc tiếp tục nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc thực trạng phát triển, vai trò và những đóng góp quan trọng của mảng VHNT về đề tài LLVT và CTCM là rất cần thiết, rất cấp thiết. Thực hiện công việc này, chúng ta góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, hình thành nhận thức và thái độ tích cực, đúng đắn cho đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ đối với lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc Việt Nam.
Bằng cảm hứng, thái độ, tài năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ, công chúng thêm nhiều lần được hòa mình trong những tác phẩm VHNT lôi cuốn; được đắm chìm trong những trang văn, câu thơ, thước phim, màn kịch, bản nhạc, bức tranh, bức ảnh, điệu múa, không gian kiến trúc... phản ánh sinh động mọi mặt của cuộc sống, tìm về quá khứ, trải nghiệm thực tại, hướng tới tương lai. Để mỗi chúng ta cảm nhận, trân quý giá trị của máu xương, mồ hôi, nước mắt mà lớp lớp cha anh đã dâng hiến, góp phần xây dựng, vun đắp nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, dân chủ, chủ nghĩa xã hội.
PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ