Mùa đông năm 1944 là mùa đông chứa chất nhiều dự cảm trên hành tinh chúng ta. Thảm họa phát xít gây ra chiến tranh thế giới mấy năm liền đã dần bị Liên Xô và quân đồng minh đưa vào hồi kết. Câu sấm Trạng Trình ứng với những năm này thường được các thầy đồ Việt Nam nhấm nháp: “Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh/ Can qua xứ xứ khổ đao binh/ Mã đề dương cước anh hùng tận/ Thân Dậu niên lai kiến thái bình”. Mùa đông đó ở Việt Nam cũng nhiều dự cảm không kém.

Sau khi Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh được lập ra mấy năm và phong trào phát triển ngày càng lan rộng, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, một đội quân chính thức của Việt Minh đã ra đời ngày 22-12-1944 gồm 34 chiến sĩ tuyên thệ dưới cờ đỏ sao vàng. Đội quân có tên là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Một đội quân ra đời như thế, rất cần có một bản hành khúc về chính nó, cho chính nó. Điều này cũng đã được chỉ đạo về Hà Nội-một trung tâm hoạt động ngầm của Việt Minh. Một trong những cán bộ xuất sắc ở đây là đồng chí Vũ Quý. Từ khi Mặt trận thành lập, đồng chí Vũ Quý đã bám sát và giác ngộ nhiều thanh niên trẻ của Hải Phòng và Hà Nội. Đồng chí Vũ Quý đã đưa Văn Cao và Nguyễn Đình Thi vào hoạt động Việt Minh ở Hà Nội trong đội trừ gian. Nhưng vì biết Văn Cao là nhạc sĩ rất nổi tiếng thời ấy tuy tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Vũ Quý đã yêu cầu cả Văn Cao và Nguyễn Đình Thi viết bản hành khúc cho đội quân này. Văn Cao viết “Tiến quân ca”, còn Nguyễn Đình Thi viết “Diệt phát xít”. Cả hai hành khúc đều hay, song “Tiến quân ca” thì đúng là viết cho đội quân này với câu mở đầu: “Đoàn quân Việt Minh đi”. Bởi thế, khi nghe Văn Cao hát nhỏ trên căn gác số 171 phố Mongsant (nay là số 45 Nguyễn Thượng Hiền), Hà Nội, đồng chí Vũ Quý đã chọn “Tiến quân ca” và lấy một bản chép tay của Văn Cao. Do bản hành khúc được viết trên căn gác nhà một người bạn mà Văn Cao tá túc khi từ Hải Phòng lên Hà Nội nên ông đã thêm tên bạn vào phần làm lời cho bản hành khúc nhưng lấy bí danh là: Anh Thọ-Anh Dũng. 

Cho đến bây giờ, 80 mùa đông đã qua, chiến công của đội ZT (giao thông liên lạc) Hà Nội khi đưa được bản hành khúc “Tiến quân ca” của Văn Cao từ Hà Nội lên chiến khu cho đội quân cách mạng vẫn là một chiến công bí mật. Bí mật là vì người của ZT cũng chỉ biết chuyển tài liệu đi chứ đâu biết mình chuyển tài liệu gì. Nhưng việc đưa “Tiến quân ca” từ Hà Nội lên đến Thái Nguyên thì được bỏ vào ống nứa bọc ni lông trao cho liên lạc viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã bí mật từ chiến khu về Thái Nguyên để tiếp nhận là chuyện có thật mà trong một lần gặp gỡ tại nhà riêng nhạc sĩ Văn Cao ở số 108 Yết Kiêu, Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ với nhạc sĩ Văn Cao. Đại tướng kể cái đêm mà liên lạc viên mang ống nứa đựng bản hành khúc “Tiến quân ca” lên cũng là lúc mọi người đang ngồi quanh đống lửa trong một góc rừng Việt Bắc hẻo lánh. Văn bản từ từ được lấy ra từ ống nứa. Người tiếp nhận văn bản này và nhẩm hát theo ngay là đồng chí Hoàng Văn Thái. Sở dĩ ông có thể làm được điều này là vì ông từng học nhạc lý. Và chính đồng chí Hoàng Văn Thái đã dạy cho toàn Đội hát “Tiến quân ca”. Sau đó không lâu, cảm hứng cách mạng đã thôi thúc Hoàng Văn Thái viết một hành khúc mang tên “Phất cờ Nam tiến”. Theo Đại tướng kể, “Trận dạ tập Đồng Mu trước ngày Tổng khởi nghĩa, giữa giờ phút khó khăn thì tiếng hát của Quân giải phóng bật lên”. Tiếng hát bật lên ấy chính là giai điệu bản hành khúc “Tiến quân ca”. Và “Tiến quân ca” đã trở thành hành khúc của chiến thắng cho Quân đội ta từ ngày đó. 

Song có một điều phải hiểu rằng, từ “Tiến quân ca” đến khi trở thành Quốc ca Việt Nam, lời ca đã có sự chỉnh sửa nhiều. Khi còn là “Tiến quân ca”, về nhạc, Văn Cao cho chữ “Đoàn” mở đầu ngân lên như một tiếng cồng với trường độ một nốt trắng nối sang một nốt đen đẳng âm. Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Tiến quân ca” đã trở thành Quốc ca của Chính phủ cách mạng lâm thời thì cần được chơi bằng dàn kèn Quân đội để là “Quốc thiều” tấu lên trong nghi lễ chào cờ, chỉ huy quân nhạc Đinh Ngọc Liên đã đề nghị bỏ cái nốt trắng chấm dôi này và thay bằng một nốt móc đơn đẳng âm. Thay như thế thì quân nhạc mới có nốt lấy đà để vào nhịp được. 

Khi còn là “Tiến quân ca”, lời cuối đoạn đầu là: “Tiến lên! Cùng thét lên, chí trai là đây nơi ước nguyền”. Còn lời ca cuối đoạn là: “Hỡi ai! Lòng chớ quên! Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên”. Đây là 3 địa danh diễn ra 3 cuộc khởi nghĩa trước khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Còn thời điểm thay đổi lời nữa là sau Quốc dân đại hội Tân Trào. Lúc ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn “Tiến quân ca” là bài ca chính thức của Mặt trận Việt Minh cho cao trào Tổng khởi nghĩa diễn ra mấy ngày sau ở Hà Nội và cả nước đến cuối tháng 8. Lại qua đồng chí Vũ Quý, Văn Cao đã sửa lời cuối đoạn đầu và cho cả đoạn hai là: “Núi sông Việt Nam ta vững bền”. Nhưng đúng vào chiều 2-9-1945, sau khi “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng mở đầu Lễ Tuyên ngôn độc lập lịch sử, Văn Cao được Tố Hữu đưa đến gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh để giới thiệu tác giả. Văn Cao đem đến một bản “Tiến quân ca” đã chỉnh lời thì Tố Hữu đề nghị nên thay chữ “núi sông” bằng chữ “nước non”. Văn Cao đồng ý và đây là thời điểm thứ hai thay đổi lời Quốc ca.

leftcenterrightdel

Niềm vui sau giờ huấn luyện của bộ đội Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4.  Ảnh: NSNA HÀ QUỐC THÁI 

Văn Cao kể, để viết được “Tiến quân ca”, Vũ Quý đã đưa cho Văn Cao lá cờ đỏ sao vàng nhỏ. Đây là lá cờ nền hỏa tương sinh với ngôi sao hướng thiện màu thổ do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ vẽ ra dành cho Nam Kỳ khởi nghĩa và sau đó được Mặt trận Việt Minh chọn làm cờ của Mặt trận. Bên cạnh đó là vài mẩu tin thắng trận của Cứu quốc quân ở Võ Nhai, Bắc Sơn... Ông bắt đầu tưởng tượng rằng mình đang sống đâu đó trong một góc rừng Việt Bắc. Có nhiều mây và hy vọng. “Tiến quân ca” dường như là sự tiếp nối những hành khúc yêu nước Văn Cao viết cho đoàn hướng đạo sinh của mình như “Thăng Long hành khúc ca”, “Đống Đa” có câu: “Tiến quân hành khúc ca-thét vang rừng núi xa...”. “Tiến quân ca” là kết đọng lại và phát triển.

Đúng như những gì Văn Cao khi viết xong “Tiến quân ca” đã tưởng tượng ra mà sự thực của câu chuyện thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể ở trên. Còn ở Hà Nội, ngay từ tháng 11-1945, chính tay Văn Cao đã kẻ nhạc bài “Tiến quân ca” để đưa in trên trang văn nghệ đầu tiên của Báo Độc Lập còn lưu giữ nét chữ của anh thợ mới vào nghề. Tờ báo do một người thợ in tên là Đông đã bí mật ấn loát ở Bát Tràng. “Tiến quân ca” bắt đầu nhập vào đời sống từ khi ấy để đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 6-1-1946 chính thức chọn làm Quốc ca Việt Nam. Từ đó, bản hành khúc đã đi cùng dân tộc, vượt qua bao thử thách từ chiến thắng này đến chiến thắng khác qua hai cuộc chiến tranh thần thánh của chúng ta, thân thương đến mức thấm vào từng con người để rồi biết đớn đau như da thịt, biết chảy ra như máu. Nhà thơ Phùng Quán đã làm bài thơ rất độc đáo về “Tiến quân ca”. Bài thơ làm về một tiểu đội bị sốt rét. Và để chống lại cơn sốt rét ấy, cả tiểu đội đã đồng ca bằng tiếng rên sốt rét giai điệu “Tiến quân ca”. Ông từng đọc cho Văn Cao nghe. Văn Cao đã ứa nước mắt. 

Kể từ năm 1946, “Tiến quân ca” trở thành Quốc ca Việt Nam, qua 35 năm đến năm 1981, khi Nhà nước đưa ra cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới giao Bộ Văn hóa chủ trì. Một ban vận động sáng tác Quốc ca được thành lập do nhà thơ Cù Huy Cận phụ trách. Một ban thường trực tiếp nhận những sáng tác hưởng ứng có trụ sở ngay tại Cục Âm nhạc và Múa do nhạc sĩ Quốc Anh phụ trách. Ở vòng sơ tuyển đã chọn được 17 tác phẩm. Ban thường trực chuyển cho Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và phát liên tục trên làn sóng để tham khảo ý kiến của nhân dân. Dự định sẽ chọn trong 17 bài ra 5 bài và từ 5 bài chọn ra một bài làm Quốc ca thay cho “Tiến quân ca” của Văn Cao. Nhưng dù bài bản là thế cũng không thể nào khuất phục được lòng dân. Tại kỳ họp Quốc hội năm ấy, chính những đại biểu Quân đội đã có ý kiến nghiêm túc, đề nghị không thay Quốc ca bởi nhờ có Quốc ca, cách mạng đã đi tới thắng lợi hôm nay. Những người lính đã dâng hiến dưới một ngọn cờ, một bài Quốc ca. Và bao người đã ngã xuống, máu thắm cờ miệng vẫn hát Quốc ca. Lòng dân đã chiến thắng. Bản thân giai điệu “Tiến quân ca” đã có đủ sức mạnh để tự tồn tại, để “trơ gan cùng tuế nguyệt”, để bất tử.

Ý thức về sự bất tử đó, sang thế kỷ mới ở một kỳ họp Quốc hội, có đại biểu lại muốn đổi lời Quốc ca bởi theo ý họ, lời ca hiện hành là lời ca dành cho công cuộc giải phóng dân tộc, còn công cuộc xây dựng đất nước hôm nay thì cần có một lời ca khác phù hợp hơn. Họ nói vậy mà quên rằng quốc ca Pháp (năm 1879) với lời ca đậm mùi thuốc súng, nước Pháp vẫn hát như thế. Đấy là sự tôn trọng lịch sử. Các đại biểu Quân đội thì lại đưa ra một giải pháp dung hòa rất nhân văn là, vậy thì không hát lời một mà hát lời hai. Nghe rất có lý. “Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than/ Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới/ Đứng đều lên gông xích ta đập tan/ Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn/ Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên, cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

80 năm qua, “Tiến quân ca”-hành khúc của chiến thắng-đã dẫn dắt đội quân Bộ đội Cụ Hồ đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, làm chói lọi những trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Một bản hành khúc cho một đội quân trở thành Quốc ca cho một dân tộc. Bản hành khúc của chiến thắng xứng đáng có một vị trí vàng son trong lịch sử dân tộc.

Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA