Đầu năm 1945, tại ngục Sơn La, nghe tin về đội quân cách mạng đang hoạt động trên chiến khu Việt Bắc, Đỗ Nhuận đã viết hành khúc “Du kích ca” cũng rất hùng hồn. Đến khi ra tù cùng một số đồng chí, Đỗ Nhuận về Hà Nội và giao “Du kích ca” cho Văn Cao để in trên báo bí mật lúc bấy giờ. Cũng sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay) ra đời không lâu, đồng chí Hoàng Văn Thái đã viết hành khúc “Phất cờ Nam Tiến”. 5 hành khúc này cùng “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước, “Cờ Việt Minh” của Vương Gia Khương và hành khúc "Mười chín tháng Tám" của Xuân Oanh viết ngay trên đường cùng đoàn biểu tình từ Văn Điển về Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành chất nhựa liên kết các đoàn biểu tình trong ngày khởi nghĩa 19-8-1945 ở Thủ đô. 8 hành khúc ấy cũng chính là 8 "quả bom" công phá vào dinh lũy thực dân ngày thiêng liêng đó khiến nó sụp đổ.

Từ đó đến nay đã có biết bao hành khúc, bài hát viết về lực lượng vũ trang chúng ta qua các cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh biên giới, bảo vệ Tổ quốc đi vào lòng người, trở thành nguồn năng lượng thúc giục người lính trong hành trình dâng hiến và hy sinh cho đất nước.

Chiến tranh đã thực sự lùi xa, đất nước ta từ năm 1989 đến nay đã tròn 35 năm. Vậy trong suốt thời gian ấy, người lính thời bình đã có thêm những nhạc phẩm nào viết về họ ấn tượng và “nằm lòng” như bao tác phẩm thời chiến? Điểm lại có thể còn sơ sót nhưng ta vẫn nhắc đến những nhạc phẩm đáng trân trọng như: “Cỏ non Thành cổ” của Tân Huyền; “Hà Nội đêm trở gió” của Trọng Đài (lời Chu Lai); “Cây đàn guitar một dây của Minh Quang; “Màu hoa đỏ” của Thuận Yến (lời thơ Nguyễn Đức Mậu); “Đồng Lộc thông ru” của Nguyễn Trọng Tạo...

Nhạc phẩm thì mới nhưng đề tài thì vẫn không thoát nổi đề tài chiến tranh. Người lính thời bình vẫn cần có những bài hát của thời mình, của chính mình.

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ Quân đội biểu diễn liên khúc "Tổ quốc bốn mùa hoa" và "Hát mãi khúc quân hành" trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm "Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022). Ảnh: MINH THÀNH 

Ngược về quá khứ, trong 80 năm ra đời và phát triển, Quân đội ta có những khoảng thời bình thật quý báu. Đầu tiên là 10 năm xây dựng chính quy hiện đại ở miền Bắc (10-10-1954 / 5-8-1964). Trong 10 năm quý báu này, người lính thời bình miền Bắc thật tự hào là họ đã có được những nhạc phẩm của chính thời đại của mình. Đến nay, tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác của một đứa trẻ con khi nghe đơn vị bộ đội hành quân qua nhà mình ở Hải Phòng vừa đi vừa hát vang: “Này đây súng ta không rời. Kia bên búa đe vang trời. Lời ca kết chung thành một khối...”. Họ đang hát “Lời ca thống nhất” của Trần Quý rất nổi tiếng thời ấy.

Ngày ấy, nói về bộ đội nông trường là lính hát “Con trâu sắt” của Trần Chương, “Tiếng hát người chăn bò” của Thanh Phúc (thơ Hoàng Hưng). Với Bộ đội Biên phòng là lính hát “Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc” của Thái Quý, thậm chí còn nhẩm được cả tổ khúc hợp xướng “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” của Tô Hải. Một bài quân ca thời bình đã ra đời năm 1958. Đó là “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho: “Giữ vững hòa bình, dựng xây tương lai chân trời mới sáng ngời quân ta đi”...

Có vẻ như cảm xúc thời bình thuở ấy vẫn còn nguyên tính thời sự với thời bình hôm nay. Bởi thế mà “Tiến bước dưới quân kỳ” vẫn còn được lính trẻ hát đến tận bây giờ. Còn có một nhạc phẩm ca từ rất hay về bộ đội nông trường Tây Bắc trở thành một nhạc phẩm cho cả nước hát, hát trong cả đám cưới thì mới thấy sức sống những bài hát của lính thời bình lúc ấy. Đó là “Trên đường ta đi tới” của Bửu Huyền. Mỗi sáng thức dậy là lính hát, người dân hát hằng ngày như cơm bữa: “Anh đi khai phá miền Tây. Rừng núi bao la bừng giấc say. Anh khai đất hoang thành luống cày. Mai kia mừng ngô lúa nặng tay...”. 

Phải nói là không khí âm nhạc của lính thời bình khi ấy thật sung sức. Đến ca sĩ Tường Vy (sau này là NSND Tường Vy) mà còn viết hay và độc đáo về hải quân qua ca khúc “Quê hương anh là biển cả”. Tân binh nhập ngũ thì dù xuôi ngược đều mê mẩn hát “Chiếc đàn môi” của Nguyên Nhung với âm hưởng dân ca Tây Bắc. Đến khi chuyển sang thời chiến thì lính có ngay bài hát “Sẵn sàng chiến đấu” của Lưu Hữu Phước; “Anh vẫn hành quân” của Huy Du (thơ Trần Hữu Thung”...

Khoảng thời bình thứ hai tuy ngắn ngủi (1975-1979) nhưng cũng đủ cho lính thời bình khi ấy có những nhạc phẩm ấn tượng. Đó là “Gửi nắng cho em” của Phạm Tuyên (thơ Bùi Văn Dung); “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao. Người chiến sĩ làm đường tàu Thống Nhất thì có “Đường tàu mùa xuân” của Phạm Minh Tuấn. Bộ đội nông trường thì có “Màu xanh yêu thương” của Lê Anh và “Tình ca Tây Nguyên” của Hoàng Vân...

Vẫn là mùa xuân trở về của người lính nhưng trẻ trung hơn “Mùa xuân đầu tiên" của Văn Cao là “Mùa xuân gọi” của Trần Tiến. Trần Tiến còn có bài “thương binh ca” mới mẻ và lay động biết bao trái tim người nghe là “Vết chân tròn trên cát”. Tiếp sau đó Trần Tiến còn viết "Tạm biệt chim én" và "Chiếc vòng cầu hôn", cũng là những tình khúc viết về người lính.

Có lẽ trong không khí chiến tranh biên giới mà người lính còn có thêm “Cây đàn guitar của đại đội Ba” của Xuân Hồng. Bài quân ca tiếp nối “Tiến bước dưới quân kỳ” là “Hát mãi khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền và những nhạc phẩm cho lính tình nguyện như: “Mùa xuân bên cửa sổ” của Xuân Hồng (thơ Song Hảo); “Nhánh lan rừng”; “Hát về anh” của Thế Hiển; “Đồng đội” của Hoàng Hiệp...

leftcenterrightdel

Tiết mục "Chiến thắng Điện Biên" trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm "Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022). Ảnh: MINH THÀNH

Vậy âm nhạc về người lính thời bình hôm nay thì thế nào?

Sang thế kỷ mới đã được 24 năm. Người lính thời bình hôm nay vẫn luôn chờ đợi những bài hát ấn tượng của mình nhưng hình như họ chỉ có thêm một trong số rất ít tuyệt phẩm dành cho Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) đó là “Miền xa thẳm” của Đức Trịnh. Hay, nhưng vẫn là đề tài chiến tranh được diễn tả bằng giai điệu hàn lâm hôm nay. Vậy vấn đề đặt ra là phải chờ đợi tiếp hay là mãi mãi không có, không xứng tầm với những nhạc phẩm từ hai khoảnh khắc thời bình nói trên?

Theo chủ quan riêng tôi thì vẫn phải chờ đợi. Có lẽ đó là cái khó của thời cuộc và bản lĩnh. Từ khi thành lập cho đến khi 55 tuổi (1999), Quân đội ta đã thực sự đón nhận sự thăng hoa tài năng của các nhạc sĩ thế hệ chống Pháp và chống Mỹ và những năm đầu hậu chiến. Họ luôn luôn dồi dào trong nguồn năng lượng tinh thần của mình bao nhiêu nhạc phẩm hay về người lính thời chiến cũng như trong những khoảng thời bình nói trên. Nhưng tài năng sau hơn nửa thế kỷ tuôn trào thì đang tích tụ dần dà trở lại để chờ đợi thời điểm tuôn trào trong tương lai chăng?

Còn điểm nữa cũng rất cần lưu ý tới, chính là tâm thức chủ đạo trong thăng hoa. Cái tâm thức chủ đạo này cũng không phải dễ hình thành, nhất là trong thời đại hôm nay, khi cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, vật chất có lúc lấn lướt lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ. Nhưng chờ đợi và hy vọng bao giờ cũng là phương thức hữu hiệu cho ta lạc quan.

Tháng 6-2023, tôi có vinh dự được mời cùng các nhạc sĩ Đức Trịnh, Xuân Thủy, An Hiếu tham gia giảng dạy cho trại sáng tác toàn quân chuẩn bị các nhạc phẩm cho dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Một tín hiệu tích cực và đầy lạc quan là khi nghe các nhạc phẩm của các trại viên báo cáo trong lễ tổng kết trại sáng tác thì tôi nhận thấy ở họ chất tươi mới trong cách nhìn về người lính thời bình hôm nay và trong bút pháp thể hiện nhạc phẩm của mình. Tôi hy vọng đây sẽ là những đốm lửa đỏ được thắp lên để rồi đến một ngày sẽ là rực rỡ của trời sao giống như những gì nhiều năm trước Quân đội ta đã từng được hân hoan thụ hưởng. Tôi tin chắc rằng, những người lính hôm nay sẽ được nghe những nhạc phẩm viết về mình trong dịp kỷ niệm 80 năm thành lập. Nghe và lưu giữ lại những gì mình cho là đáng lưu giữ theo tâm hồn tuổi trẻ hôm nay. Những gì cần nữa thì hãy chờ đợi ở tương lai mà mình sẽ được nhận cảm.

Qua bài viết này, tôi cũng muốn thực lòng chia sẻ với các nhạc sĩ hôm nay nỗi trăn trở mong ước có những nhạc phẩm ấn tượng cho người lính hôm nay như họ đã từng thụ hưởng dồi dào trong quá khứ hào hùng qua thời gian. Vấn đề là ở đâu? Chúng ta cùng nghiêm túc tìm kiếm câu trả lời. Tìm được càng nhanh thì những người lính hôm nay càng có cơ hội được sớm thụ hưởng những nhạc phẩm ấn tượng viết về mình sau thời gian chờ đợi đã đủ lâu.

Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA