Quả là văn chương đích thực bắt nguồn từ đời sống, gần với đời sống, sẽ là một món ăn tinh thần quý giá. Là sĩ quan trẻ, lại gốc sư phạm Văn, cứ sau giờ huấn luyện, tôi “thủ” tờ “thứ bảy” “lẩn” vào đồi sim mải mê đọc, nhập hồn vào từng con chữ, thả trí tưởng tượng vào những không gian trong truyện ngắn, tản văn, bút ký, cứ băn khoăn làm sao người ta lại viết hay được như vậy. Có những cảnh thật giống phong cảnh nơi này...
    |
 |
Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy, số 181, năm 1993 (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần). Ảnh tư liệu do Ban Ảnh Báo QĐND cung cấp
|
Mấy chục năm trước, ai đã từng mơ mộng vào những buổi chiều vùng biên giữa mùa xuân, khi nắng vàng rót mật xuống các đồi sim bên kia thung đang nở hoa, lúc ấy cảnh đẹp nhất, cũng bồn chồn nhất. Cả triền sim tím da diết, thiết tha, bập bùng trước nắng và gió, thấp thoáng bóng các sơn nữ... Tiếng lục lạc gọi trâu về bản. Tiếng khèn bản nơi lưng chừng núi vọng lại, bồi hồi. Vẳng từ xa lắm hoang hoải, thảng thốt tiếng nai tác...
Tôi quyết sau này phải trở thành nhà văn, với một tư duy rất “lý luận” là có hai mạch nguồn văn học, cũng là vốn liếng: Đời sống thực phong phú của người lính và những áng văn chương tinh tế từ Tạp chí VNQĐ và Báo QĐND thứ bảy. Ai ngờ, đúng thật. Mấy chục năm sau, tôi về công tác ở Tạp chí VNQĐ và trở thành cộng tác viên của Báo QĐND cuối tuần. Nhưng thuộc “ngạch” lý luận phê bình. Có bài in trên báo, còn được thêm hai chữ “nhà văn” trước tên tác giả. Không nói ra nhưng trong người cứ “âm ỉ”, “râm ran” sướng.
Tôi cảm ơn rất nhiều cán bộ, phóng viên của Báo QĐND qua các thời kỳ thường xuyên khích lệ, động viên đội ngũ cộng tác viên thật tận tình, chu đáo, trong đó có tôi. Có gần 42 năm quân ngũ, hơn 30 năm đọc Báo QĐND Cuối tuần, hầu như tôi không bỏ sót số nào. Thời nơi biên giới, khi cắm chốt hay hành quân, người bạn tinh thần của chúng tôi hầu như chỉ là tờ báo QĐND và Tạp chí VNQĐ. Mà làm gì có báo mới, báo đã cũ hàng mấy tháng, chuyền tay nhau đọc. Chúng tôi trưởng thành, có phần đóng góp của những tờ báo ấy.
2. Là người làm công tác nghiên cứu, phê bình về văn hóa, văn học, đi sâu vào văn chương Hồ Chí Minh, tôi coi Báo QĐND Cuối tuần là nguồn tư liệu tin cậy, là tài liệu tham khảo quan trọng, cần thiết, hữu ích. Nhiều bài viết hay, thông tin mới, lập luận khúc chiết, mềm mại, uyển chuyển của các nhà khoa học như: Phong Lê, Đinh Xuân Dũng, Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Nguyễn Chí Bền... Tôi học được về nghề báo với bản lĩnh, cách lập luận, ngôn từ... qua các bài viết của/về các cây đại thụ báo chí Nguyễn Khắc Tiếp, Phan Quang, Hà Đăng... Về đề tài chiến tranh cách mạng, ngoài các tác phẩm nguồn (thơ, truyện ngắn) phải lưu lại làm tư liệu, tôi học hỏi thêm về lý thuyết, cách triển khai... từ những bài viết của các chuyên gia đăng trên Báo QĐND Cuối tuần. Gần đây, tôi thích đọc trang phỏng vấn, thời sự, mới mẻ, cập nhật mà sâu; trả lời (là các chuyên gia) thẳng thắn, ngắn gọn, trúng vấn đề.
Định hướng của Báo QĐND Cuối tuần là "định hướng, chuyên sâu, giải trí", hầu hết tác phẩm văn chương được in đều chuẩn mực, trong sáng, luôn hướng đến những giá trị mỹ học căn bản “chân, thiện, mỹ”, khơi gợi tình yêu nước, nghĩa đồng bào, tinh thần nhân văn, bác ái, sẻ chia, nâng cao dân trí, bồi dưỡng khát vọng cao đẹp nhưng cũng rất mở. Báo dành “đất” cho các nhà văn, nhà thơ trẻ trong và ngoài nước, có tác phẩm, đúng với tôn chỉ, mục đích xây dựng, thiên về biểu dương cái tốt đẹp, yêu nước, vì Đảng, vì dân. Có những tác giả như Trương Anh Tú, hơn 30 năm sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, nhưng thơ vẫn đậm hồn Việt. Bài "Nhớ bà" có những câu truyền thống mà hiện đại, tình cảm phổ quát, hình ảnh người bà được nâng tầm vũ trụ mà vẫn thân quen, gần gũi, tự nhiên: “Ngỡ bà trong trời đất/ thầm lặng như đất trời/ ngỡ bà trong dáng núi/ ngỡ bà trong mưa rơi...”.
3. Ấn tượng về Báo QĐND Cuối tuần vẫn là chất lính. Trong số báo kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, có in truyện "Thư về tòa soạn" của nhà văn cựu chiến binh Nguyễn Trọng Văn tái hiện không gian thời chống Mỹ, cứu nước với thế hệ bộ đội tràn đầy lý tưởng cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhân vật chính là một phóng viên chiến trường, sẵn sàng đi sâu vào đời sống thực tế, nơi ác liệt nhất của chiến tranh để phản ánh, ca ngợi những tấm gương anh hùng. Nhờ vậy, những bài viết có lay động. Kể chuyện hôm qua để nói với hôm nay. Văn chương mà đậm chính trị. Những truyện ngắn, thơ, tùy bút, tản văn, nhất là những trang phóng sự nóng hổi chất đời sống đang diễn ra được chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị...
Người lính hôm nay yêu nước, có ý chí, quyết tâm, tinh thần dân tộc cao, đã và đang học tập miệt mài làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại. Họ cũng suy tư về cuộc sống gia đình, cá nhân không bắt kịp với tư duy, bước tiến và bước nhảy của kinh tế thị trường. Cũng trăn trở ở trong quân ngũ phục vụ suốt đời thì cuộc sống của họ và gia đình sẽ ra sao? Hết thời gian tại ngũ, xuất ngũ sẽ làm gì?... Họ băn khoăn trước các giá trị văn hóa bị đảo lộn, xuống cấp... Đó là những vấn đề Báo QĐND Cuối tuần quan tâm đề cập. Là người theo đuổi hướng nghiên cứu liên văn hóa (intercultural)-có hạt nhân là đối thoại văn hóa, với yếu tố cơ sở: Hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe, tôi hiểu những điều ấy, Báo QĐND Cuối tuần đang đi đúng hướng và gặt hái những thành quả đáng khích lệ.
    |
 |
Minh họa truyện ngắn "Thư về tòa soạn" đăng trên trang 8, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần số 1538, ra ngày 22-6-2025. Tranh của LÊ ANH
|
4. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử làm nên bản sắc Báo QĐND là tính chính trị, thể hiện ở việc giữ vững định hướng của tờ báo Đảng trong lực lượng vũ trang, đúng đường lối, sâu sắc, thuyết phục. Nhiều bài viết trên Báo QĐND xứng đáng là những tiếng nói phản biện giàu tính chiến đấu, sắc sảo, hấp dẫn. Ấn phẩm Báo QĐND Cuối tuần góp phần làm nên bản sắc ấy ở phương diện văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Trong thời đại chuyển đổi số, báo chí thế giới quan niệm 3 yếu tố nền móng quan hệ hữu cơ, nương tựa, chi phối lẫn nhau trong cấu trúc nhân cách nhà báo là bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo chiến sĩ càng thế, phải luôn ý thức là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, lấy cây bút và cuốn sổ làm vũ khí viết nên những tác phẩm phục vụ nhân dân, đấu tranh loại bỏ cái lỗi thời, phản động, tiêu cực. Là một thuộc tính tư duy, càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người, càng giàu ý thức phản biện. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của báo chí cách mạng nói chung là đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong thời buổi công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển, giữ gìn bản sắc còn khó hơn kiến tạo bản sắc. Nhưng ở thời nào thì tư tưởng, lời nói của Bác Hồ vẫn là nguyên lý hành động và chân lý phổ quát: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Với nhà báo-chiến sĩ Báo QĐND, cái “bất biến” là tính Đảng, là cầu nối trung thực của Đảng với bộ đội, với nhân dân, với thế giới sẽ tạo nên những trang viết sâu đằm chất sống, thấu hiểu lẽ đời, thấu cảm lẽ người, cộng cảm nhân tình, truyền cảm tới bạn đọc những vẻ đẹp nhân văn tươi mới, sống mãi.
Đại tá, PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THANH TÚ