Đó là những lời ca được cất lên bởi các nữ nghệ sĩ đã qua tuổi lục tuần trong một chương trình kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tại Hội trường Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội mới đây khiến tôi rất xúc động. Bởi đây chính là lời mở đầu bài hát “Tiếng hát mở đường” mà tôi sáng tác và từng dàn dựng cho các chiến sĩ văn nghệ biểu diễn từ năm 1972, phục vụ các đơn vị công binh bám trụ ngày đêm trên tuyến lửa tiền phương. Nhìn các đồng đội vui tươi, say sưa trong tiết mục văn nghệ giữa thời bình hôm nay lại khiến tôi nhớ những tháng ngày chính các em cùng Đội Văn nghệ Sư đoàn 471 chúng tôi trải qua bao thử thách gian nan, ác liệt trên cung đường Trường Sơn lửa cháy.

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 5-1971. Khi đó, Cục Chính trị Đoàn 559 về Nam Định và Ninh Bình tuyển chọn 68 cô gái trẻ có năng khiếu nghệ thuật để cấp tốc đưa vào Bố Trạch, Quảng Bình. Họ mời các thầy của Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), Trường Sân khấu-Điện ảnh (nay là Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) đến giảng dạy. Sau 3 tháng học tập, một số em trong đội hát được chuyển sang bổ sung cho các đội điện ảnh. Còn lại hơn 50 em được đưa về đội văn nghệ các sư đoàn: 471, 472, 473, 571, 968 được thành lập từ giữa tháng 7-1971 và Sư đoàn 470 được thành lập thí điểm trước đó một năm.

Tháng 9-1971, đang là nhân viên Ban Tuyên huấn Binh trạm 35, tôi được điều về làm cán bộ sáng tác và dàn dựng kiêm nhạc công Đội Văn nghệ Sư đoàn 471. Ban đầu, Đội có 19 người, gồm 11 nam và 8 nữ, đều cùng độ tuổi 17, 18. Trong số nữ thì có My Linh, Minh Đức ở Nam Định và Thanh Hiên ở Kim Sơn, Ninh Bình là 3 cô có ngoại hình "ăn" sân khấu và có phần nổi trội hơn. Đó chính là 3 cô trong số các nữ cựu chiến binh tham gia biểu diễn trên sân khấu mà tôi mới được gặp lại như đã nói trên đây.

Sau hơn nửa năm tập huấn rồi dàn dựng chương trình, ngày 15-12-1971, Đội được lệnh hành quân vào chiến trường, về với Sư đoàn của mình. Sư đoàn 471 nằm cách cửa khẩu biên giới Quảng Bình hơn 500km. 19 người bắt đầu cuộc hành quân vất vả, gian nan đúng kiểu: "Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn".

leftcenterrightdel
 

Đội Văn nghệ Sư đoàn 471 tại Trường Sơn năm 1973. 

Hành quân vượt Trường Sơn, với 11 chàng trai đã từng nhiều năm rèn luyện ở tuyến đường này, tuy vẫn mệt nhưng không quá nhiều khó khăn. Song với 8 cô gái, tuổi đời 17-18, vừa rời quê hương hậu phương miền Bắc, lần đầu tiên trong đời phải đeo ba lô, bao gạo, đồ hộp thực phẩm, bình tông, túi thuốc, đồ dùng cá nhân, trang phục biểu diễn... trèo đèo, lội suối, leo thang, vượt dốc, ăn núi, ngủ rừng... thì quả là những thử thách đầy gian nan.

Hành quân bộ vượt Trường Sơn, mỗi điểm dừng chân tại các trạm giao liên đều phải tự nấu ăn (trừ một số nơi được mời biểu diễn). Do đó, khi đến trạm, nam thì lo kiếm củi, xách nước, bắc bếp; nữ vo gạo nấu cơm, kiếm rau rừng, măng rừng, chế biến thức ăn. Vào mùa khô, có những bãi trú quân, lòng suối cạn kiệt, chỉ có nước tù đọng thành vũng rải rác ở các hốc đá ngả màu xám đen, bốc mùi khăm khẳm vì trộn lẫn lá cây mục, quả rừng thối, thậm chí lẫn cả phân thú rừng. Chúng tôi phải lựa múc từng bát vào chậu nhôm, vớt bỏ những con nòng nọc, thả vào mấy viên thuốc lọc, chờ dăm phút rồi chắt lấy phần nước trong để thổi cơm, đun nước. Do đó, khi nấu lên, cơm và nước vẫn còn mùi thuốc lọc hăng hắc, rất dễ buồn nôn. Đã thế, khẩu phần ăn cứ cách dăm ngày lại giảm đi một ít. Đến ngày thứ 35, 36, gần vào tới Sư đoàn bộ, định lượng tiêu chuẩn mỗi người một ngày chỉ còn 1 lạng gạo, phải đi kiếm củ mài, măng, rau rừng độn vào ăn cho đỡ đói và lấy sức hành quân.

Vào đến Sư đoàn, nghỉ vài ngày lại tiếp tục hành quân đi biểu diễn. Sân khấu biểu diễn cũng khác hẳn ở hậu phương. Khi thuận lợi thì căng đủ phông hậu, làn sóng, cánh gà, nhưng có khi chỉ căng được phông hậu. Thậm chí chẳng có phông màn, biểu diễn ngay trên khoảng đất trống dưới tán cây rừng đại ngàn cạnh bãi trú quân. Các chiến sĩ khán giả ngồi xung quanh, người diễn với người xem cách nhau chỉ vài bước chân. Có buổi, diễn viên đứng giữa vòng vây các chiến sĩ lái xe mà đàn, mà hát. Khán giả xem xong lập tức lên xe nổ máy, cả đoàn xe lại rầm rập tiến vào tiền phương. Đó là biểu diễn trên sân khấu ngoài trời, chủ yếu ở các trạm giao liên, các điểm trú quân tạm thời.

Còn tại nơi đóng quân của Sư đoàn bộ, binh trạm bộ hay cơ quan trung đoàn, tiểu đoàn thường có hội trường kiểu nhà thùng nửa nổi nửa chìm để tránh bom. Việc chiếu sáng trong hội trường do máy nổ đảm nhiệm. Gặp khi máy nổ hỏng hóc hoặc hết dầu, đơn vị có thể thay thế thắp sáng bằng mấy bóng đèn ô tô 12V nối với ắc quy. Chẳng may ắc quy yếu hoặc hết điện thì đành chiếu sáng bằng đèn ống bơ. Đèn được chế tạo bằng cách đổ dầu mazut vào ống bơ đựng tro bếp để dầu không gây cháy loang khi chẳng may ống bơ bị hất đổ. Xé vải cũ làm bấc đèn. Đèn ống bơ mazut vô cùng nhiều muội. Vì thế, khi diễn xong, lót khăn tay ngoáy hai lỗ mũi, muội bám vào khăn đen sì như nhuộm than....

leftcenterrightdel

Các nữ nghệ sĩ của Câu lạc bộ Văn nghệ Trường Sơn sau một lần biểu diễn tại Hà Nội. Từ trái sang: Thanh Hiên (thứ hai), Minh Đức (thứ ba) và My Linh (thứ tư). Ảnh: MINH VŨ

Tuy là đội văn nghệ sư đoàn nhưng chúng tôi hoạt động không khác gì văn công chuyên nghiệp. Tên gọi là đội tuyên văn, nhưng đến các đơn vị, họ thường quý mến, trân trọng gọi là đoàn văn công.

Đi biểu diễn phục vụ các đơn vị đóng quân bên Tây Trường Sơn trên đất Lào thì luôn bị đe dọa mạng sống từ đạn bom máy bay Mỹ trên trời, biệt kích địch lùng sục dưới đất. Hành quân leo dốc, vượt qua những lối mòn hoang vu, hàng trăm con vắt bám trên lá mục, vươn cái vòi như con đỉa bé bằng đầu chiếc tăm nhọn ngoe nguẩy đánh hơi theo bước chân người, bám vào người hút máu no căng lúc nào không biết. Rồi lũ cuốn, cây rừng đổ, rắn rết, bọ cạp, mìn lá, bom bi vướng nổ chực chờ. Sang bên Đông Trường Sơn biểu diễn thì gặp nạn ruồi vàng đốt ban ngày. Có em đang diễn bị ruồi vàng đốt, máu chảy ròng ròng đỏ thắm trên má. Đêm thì mất ngủ vì bọ chó quấy phá, chỉ cần một, hai con bọ chó chui vào trong quần áo là nó ra sức đốt chỗ này, chỗ khác, khắp người ngứa ngáy râm ran. Lại còn một thứ côn trùng khủng khiếp nữa là ve rừng. Chúng nhỏ, đen như con rệp, nhưng có cánh cứng, bay được. Gặp người, có lẽ chúng lầm tưởng là thú rừng, nhảy vào làm ổ trên da ở những chỗ quần áo che lấp. Chỉ vài ngày sau, chỗ chúng làm ổ sẽ sưng tấy, mưng mủ, vô cùng ngứa ngáy, đau buốt, phải lấy kim khêu mới dứt được thủ phạm ra khỏi cái ổ nhiễm trùng ấy.

Một gian khổ nữa mà bất cứ người lính Trường Sơn nào cũng phải trải qua, đó là bệnh sốt rét. Cuối tháng Tư, qua được hơn trăm ngày trải nghiệm Trường Sơn thì 8 cô gái của Đội Văn nghệ lần lượt bị sốt rét. Sốt rét là cảm thấy rét run cầm cập, nhưng đo thân nhiệt lại nóng, có khi đến hơn 40oC, mồm miệng đắng ngắt, chẳng muốn ăn gì. Song hầu hết các em đều xác định phải cố gắng tự cứu mình trước khi quân y cứu. Em Linh lần đầu tiên bị sốt rét, cứ ăn vào là nôn ra. Nghỉ một lát, bạn bè động viên, nhắm mắt nghiến răng ăn tiếp, lại nôn ra, có đến 4, 5 lần như thế mỗi bữa. Riêng em Thắm, diễn viên hát chèo, bị sốt rét ác tính, nhưng lại là ác tính thể lạnh, không sốt cao như mọi người. Đo thân nhiệt chỉ trên dưới 35oC, nhiều người tưởng là bệnh khác. Qua một tuần, khi sức khỏe của em đã suy kiệt, khiêng cáng ra viện của Sư đoàn thì không cứu chữa được nữa. Vậy là em đã để lại tuổi thanh xuân nơi núi rừng Trường Sơn. Thay mặt cho cả Đội, tôi đã viết và đọc bản truy điệu ngắn gọn cùng một bài thơ viết vội khi toàn Đội tới vĩnh biệt em, trong đó có những câu:

        "Từ đây trên đường đi đánh Mỹ

        Anh sẽ nghe có bao người đồng chí

       Nhắc đến tên em trong mỗi điệu “Đường trường”

       Tên em thành nỗi nhớ, niềm thương". 

       Tất cả mọi người tham dự, nhất là các cô gái của Đội Văn nghệ, đều òa khóc nức nở khi bài thơ kết thúc.

Sau khi đất nước thống nhất, Đội Văn nghệ mỗi người rẽ một ngả đường khác nhau. Trong 7 cô gái trở về, có 3 cô gái là Minh Đức, My Linh, Thanh Hiên sinh sống ở Thủ đô. Minh Đức trở thành kế toán trưởng một công ty truyền hình. My Linh là cô giáo mầm non của nhà máy dệt. Thanh Hiên vẫn ở trong quân ngũ. Và khi về hưu, họ lại cùng tham gia Câu lạc bộ Văn nghệ Trường Sơn, tiếp tục cất cao tiếng hát ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi đường Trường Sơn huyền thoại anh hùng.

 Nhà giáo Ưu tú, nhạc sĩ VŨ MINH VỸ