Con đường triền đê sông Lam từ thành Vinh về Nam Đàn là con đường đi giữa nước biếc (sông Lam, non xanh núi Vạn Rú, núi Đại Huệ), là con đường đi từ di tích, danh thắng này đến di tích, danh thắng khác của một miền quê xứ Nghệ. Chưa đầy 20km mà có hơn 30 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh nằm kề bên nhau. Bên những trầm tích văn hóa nghìn năm, trăm năm ấy, Bến đò Cố Xin được người dân địa phương nhắc nhớ như một bến đò huyền thoại trên dòng sông Lam. Bởi nơi đây, gia đình cố (cụ) Xin bền bỉ suốt hàng nghìn ngày đêm, từ đời bố mẹ sang đời con, bất chấp đạn, bom chèo đò đưa bộ đội cùng các lực lượng khác và nhân dân qua sông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo sách “Địa chí văn hóa huyện Hưng Nguyên” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2009) và sách “Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Xuân” (Nhà xuất bản Nghệ An, năm 2000) ghi lại: Từ năm 1965, không quân Mỹ đã dựng những tọa độ lửa ở Bến Thủy (Quốc lộ 1A), bến phà Nam Đàn, bến phà Linh Cảm (Quốc lộ 15A) để ngăn chặn con đường vào Nam của quân dân miền Bắc. Một con đường giao liên xuyên qua những làng quê Hưng Nguyên đêm đêm nườm nượp bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vượt bến đò ở Xuân Lam để vào Nam. Làm tốt công tác ngụy trang nên Bến đò Cố Xin dẫu cách trọng điểm đánh phá Bến Thủy 5km đường chim bay nhưng vẫn giữ được bí mật. Hàng trăm lần địch thả pháo sáng, ném bom vào bến đò nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho những đoàn quân đêm đêm vượt sông Lam vào Nam đánh giặc.
Cố Xin tên khai sinh là cụ Lưu Văn Khuồi, sinh năm 1910, quê ở Hưng Long, Hưng Nguyên. Vợ là cụ Phan Thị Diện sinh năm 1915. Trong ngôi nhà tranh vách đất nho nhỏ ven sông Lam, hai cụ sinh hạ được 5 người con, đặt tên các con là Lưu Thị Hồng, Lưu Văn Tín, Lưu Văn Tâm, Lưu Văn Thành và Lưu Thị Vinh. Sinh thời, cụ Xin và vợ sống hiền lành, giản dị, chất phác, lương thiện, hay giúp đỡ mọi người.
    |
 |
Khu vực Bến đò Cố Xin (tỉnh Nghệ An) hiện nay.
|
Những năm chiến tranh, máy bay Mỹ đã nhiều lần ném bom vào hai đầu Bến đò Cố Xin, khiến nhiều người dân địa phương thiệt mạng, nhiều nhà cửa bị hư hỏng. Từ cuối năm 1966, không quân Mỹ còn dùng thủy lôi phong tỏa sông Lam từ Cửa Hội lên tận Nam Đàn để chia cắt dòng sông. Ông Lê Mạnh Hải (Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 320 ở Nghệ An, Hà Tĩnh), người nhiều lần cùng đồng đội qua Bến đò Cố Xin kể lại: "Ngày 20-5-1967, một chiếc ca nô kéo 2 sà lan trúng thủy lôi Mỹ ở ngay Bến đò Cố Xin. Khoảng 800 tấn đạn pháo chìm xuống sông. Hàng chục đêm liền, Đảng ủy xã Hưng Xuân (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) khi đó đã huy động dân quân bơi ra sông lặn tìm từng thùng đạn bị chìm, đưa lên bờ lau chùi, bảo quản để bộ đội về chở đi. Những lúc không có quân sang, cụ Xin lại tranh thủ lặn để tìm đạn. Chứng kiến cụ ngụp sâu hàng sải nước để vớt đạn mới thấy hết tài bơi lội, sức khỏe và ý chí của cụ".
Bà Hoàng Thị Dung (sinh năm 1944), nguyên Xã đội trưởng xã Hưng Xuân (huyện Hưng Nguyên) kể lại: Bến đò này khi mới hình thành chỉ có cụ Xin và cụ Diện chèo đò, các con của hai cụ cũng phụ giúp khi cần thiết. Khi con đường giao liên qua địa bàn phát triển, quân ra chiến trường qua đò ngày càng đông, Đảng ủy xã điều thêm 2-3 chiếc thuyền đến hỗ trợ và giao cho cụ Xin phụ trách. Xã còn cử thêm ông Trịnh Xuân Nuôi là một dân quân trẻ, khỏe, thạo sông nước đến hỗ trợ cụ. Mỗi chuyến đò có 25-30 cán bộ, chiến sĩ qua sông nên phải sắp xếp rất khéo. Không biết bao lần đò vừa rời bến thì pháo sáng của địch tỏa trên đầu, cụ Xin bình tĩnh nhắc nhở mọi người chỉnh lại ngụy trang rồi cùng nhau bình tĩnh chờ hết pháo sáng lại khua mái chèo rẽ nước sang ngang...
Ngày ấy, các phương tiện vận tải phục vụ dân sinh ở địa phương còn rất đơn sơ nên đò của cụ Xin ngoài chuyển quân qua sông còn tham gia vận chuyển lương thực, hàng hóa giúp nhân dân hoàn thành các nghĩa vụ góp phần bảo đảm lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến của toàn dân tộc.
Bà Đào Thị Anh, nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên) kể lại: Năm 1968, một lần bom Mỹ ném vào các làng phía Nam bến đò. Hàng trăm quả bom rơi vào một lớp mẫu giáo đang học. Nghe tiếng kẻng báo động, cụ Xin chèo đò dưới mưa bom bão đạn kịp cùng bà con đưa cô giáo và các cháu bị thương đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ cấp cứu kịp thời nên các cháu đã được cứu sống.
Ngày 19-3-1968, trong một chuyến đò chở 4 quân nhân vượt sông, khi đò quay về gần bờ thì máy bay Mỹ ập đến ném bom, một quả nổ gần đò khiến cụ Xin hy sinh, thuyền vỡ nát ra nhiều mảnh trôi trên sông Lam. Đại tá, cựu chiến binh Võ Văn Hòa (quê ở xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An) là một trong 4 quân nhân đi chuyến đò cuối cùng của cụ Xin kể lại: Con đò cập bến phía Nam lúc trời tảng sáng. Một tay cụ cầm mái chèo, một tay vẫy chúng tôi: "Các chú đi mạnh khỏe! Lập công". Miệng cụ nở nụ cười thật đôn hậu! Nụ cười của cụ đã truyền lại cho tôi bao niềm tin, sức mạnh. Suốt hàng chục năm từ chiến trường trở về đến nay, mỗi khi gặp gian khổ, thử thách thì nụ cười ấy luôn giúp tôi cố gắng vượt qua".
Theo tư liệu ghi trong cuốn sách “Vùng quê Chín Nam” (Địa chí Văn hóa-Lê Đình Cúc chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2019) thì trong trận bom ngày 19-3-1968, không chỉ có cụ Xin hy sinh mà một quả trúng căn hầm cạnh bến Bắc, khiến 7 người đang trú trong đó thiệt mạng. Một quả rơi cạnh nhà cụ Xin làm căn nhà lá của hai cụ bị sập, cụ Phan Thi Diện bị thương nặng, vì điều kiện cấp cứu, chữa trị vết thương quá khó khăn nên cuối năm đó qua đời.
Sau khi cụ Xin hy sinh, cụ bà qua đời, cán bộ xã Hưng Xuân khi ấy lại trao nhiệm vụ cho các con trai của hai cụ là: Lưu Văn Tín, Lưu Văn Tâm, Lưu Văn Thành tiếp tục công việc chèo đò giữ vững sự thông suốt con đường giao liên qua bến vượt sông Lam vào chiến trường miền Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhịp cầu Yên Xuân được nối đôi bờ sông Lam. Bến đò xưa không còn con đò sang ngang nhưng mảnh đất ấy-nơi cụ Xin ngã xuống đã được nhân dân đặt tên "Bến đò Cố Xin", như một sự tri ân, ghi nhớ công lao đóng góp của cụ.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và các ban, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cùng gia đình và nhiều cựu chiến binh từng qua Bến đò Cố Xin vào Nam chiến đấu trong những năm chiến tranh đã rất cố gắng sưu tầm tư liệu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho cụ Lưu Văn Khuồi. Thế nhưng, đến tận đầu năm 2025, theo ông Thái Huy Bích, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, một nhà nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ, người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để góp phần hoàn thành bộ hồ sơ Di tích lịch sử Bến đò Cố Xin chia sẻ, thì một số công việc liên quan đến hồ sơ công nhận liệt sĩ vẫn chưa hoàn tất. Vì thời gian đã lùi xa, việc lưu trữ hạn chế nên rất khó tìm lại được quyết định phân công cụ Xin lái đò trên trạm giao liên, giấy báo tử của chính quyền xã... Mặc dù vậy, con cháu, họ hàng, người thân của cụ và nhân dân địa phương vẫn luôn tự hào bởi cái tên "Bến đò Cố Xin" đã đi vào lịch sử, trở thành di tích được công nhận trên vùng đất quê hương.
Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN