Nơi ấy có 3 hòn là Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, như chóp đảo độc lập giữa một vùng đồng bằng ven biển, mênh mông, gần như tách biệt với khu vườn tược dân cư, nhưng bên trong có nhiều hang sâu thông với nhau tạo thành thế liên hoàn, ngoằn ngoèo rất thuận tiện cho chiến đấu. Vậy nên hồi xưa, nơi đây được chọn làm căn cứ của Huyện ủy Châu Thành và Tỉnh ủy Rạch Giá; là đầu mối giao thông 3 tuyến đường chính từ Trung ương Cục miền Đông về miền Tây Nam Bộ.

Vợ chồng anh mướn xe ô tô vượt hơn trăm cây số đến TP Rạch Giá, theo Quốc lộ 80 hướng về Hà Tiên khoảng 40km, gần đến thị trấn Hòn Đất thì rẽ trái vào xứ Hòn. Đứa con gái út 20 tuổi theo nghề ba đang học năm thứ hai ngành du lịch, ngồi cạnh anh chỉ tay về phía trước thốt lên: “Trời đất khéo sắp bày, tự dưng giữa đồng bằng có núi”.

Anh xoa đầu con gái, hướng mắt về phía trước giải thích: “Ở đây còn nhiều điều thú vị lắm con. Dưới chân Hòn Đất là cụm tượng đài và mộ liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thị Ràng; trong núi có nhiều hang với cái tên như: Quân y, Ông Cọp, Ô Sâu, Cà Rem, suối Lươn... Trên đỉnh Hòn Me có tháp anten cao chót vót tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam, phiên bản cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, Trạm cứu hộ động vật hoang dã. Còn trên đỉnh Hòn Quéo có chùa Tam Bảo Kỳ Viên. Khi con đứng trên đỉnh các hòn này sẽ thấy ruộng liền núi, núi giáp biển. Đặc biệt, từng tảng đá núi cứ xếp chồng lên nhau như có bàn tay sắp đặt”.

Trên con đường nhựa dẫn vào xứ Hòn dài khoảng mười cây số nhẵn mịn, xe chạy êm ru. Hai bên là những ruộng lúa vàng ươm chờ thu hoạch xen lẫn vườn xoài sum suê trái. Anh kêu tài xế tắt máy lạnh, kéo kính xe xuống để tận hưởng không khí buổi sáng trong lành thoang thoảng vị ngọt lúa chín.

Ngắm phong cảnh 3 Hòn, anh nghe trong thẳm sâu ký ức tuổi thơ ùa về. Năm đó mới 4 tuổi, anh theo má rời xứ Hòn trong nỗi đau căm hờn quân Mỹ, ngụy khiến gia đình anh ly tán. Sau này, ba anh-một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đóng quân ở hang Hòn, thường kể rằng, sau Tết Mậu Thân 1968, địch cay cú tập trung bao vây phong tỏa xứ Hòn nhiều tháng dài với dã tâm tiêu diệt Quân y viện, bóp nghẹt tuyến 1C hòng cắt đứt đường tiếp tế qua cửa ngõ biên giới Hà Tiên. Có ngày chúng bắn hàng nghìn quả đạn pháo, kể cả “dàn nhạc Tân Tây Lan” của pháo hạm Mỹ từ biển khơi giội vào xứ Hòn. Trên không, chúng cho B-52 rải bom như trút, phun chất độc hóa học làm cây cối trụi sạch, màu xanh trên đất Hòn bị lột từng mảng rộng lớn... Khi ấy, những cánh đồng bao la vàng rực ngày mùa loang lổ hố bom, mùi rơm rạ thơm nồng tan biến bởi khói súng đạn bom mịt mù khỏa lấp, ngay cả ánh nắng chiều tà nghiêng nghiêng bên triền núi cũng u ám, thẫm đen.

Ba anh cũng kể về ngày 2-9-1969, địch sử dụng 1 trung đoàn bộ binh; 8 tiểu đoàn biệt động, thủy quân lục chiến, công binh; 3 đại đội bảo an; 3 đoàn chiến tranh tâm lý cùng quân hỗn hợp địa phương; hàng trăm xe bọc thép và xe quân sự, rồi hàng chục khẩu pháo 105mm và 155mm, hàng chục máy bay, tàu cùng nhiều phương tiện khác bao vây xứ Hòn.

Giọng ba anh xót xa: “Chao ôi, xứ Hòn có rộng lớn bao nhiêu mà phải hứng chịu khối lượng vũ khí, trang bị khổng lồ và quân số lớn đến vậy? Chúng ném lựu đạn, bắn các loại trái nổ, xịt khói cay, hơi ngạt vào hang hòng lấp miệng hang. Bộ đội xứ Hòn được bà con đùm bọc, che chở, lén chạy từng lon gạo, ca nước ngọt để nuôi thương binh. Suốt 40 ngày đầu, thương binh và bệnh binh ăn cháo loãng, hết các thứ ấy thì ăn rau rừng, củ chuối, rau trai, đu đủ...”.

Cũng theo lời kể của ba, anh luôn nhớ và tự hào về người cậu-y sĩ Trương Thanh Sơn, một quân nhân rất kiên cường. Có đợt, sau 6 ngày đêm liên tục đứng để cấp cứu thương binh, cậu đã ngất xỉu. Tỉnh dậy, cậu nằm cạnh bàn mổ hướng dẫn y tá thực hiện những kỹ thuật thay mình. Lúc cuộc chiến lên cao, cậu chỉ huy cuộc hành quân di chuyển 80 thương binh bằng đường biển về núi Mo So xa hàng chục cây số trong một đêm vô cùng nguy hiểm vì phải vượt qua vòng vây bắn phá của tàu "Foca” hải quân và máy bay địch. Bác Bảy Giang chọn đầu đạn pháo 105mm cùng với pháo lép của địch cải tiến thành loại mìn châm ngòi bằng pin điện diệt chết một trung đội địch khi chúng mon men tới miệng hang...

leftcenterrightdel

 Cụm tượng đài và mộ liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thị Ràng tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

 

Xe dừng lại dưới chân Hòn Đất. Anh đứng tần ngần nhìn bao quát, nhớ lần đầu anh trở lại xứ Hòn khi hơn nửa đời người, khi nỗi đau xưa trong anh dường như ngủ yên. Lúc đó, anh đứng nhìn những ngọn núi mờ xa xanh thẫm xen lẫn màu ngọc bích; rồi chạy lên đỉnh núi ngó bao quát để tìm nơi Anh hùng thiếu niên Nguyễn Văn Kiến ngã xuống trong tư thế đứng bắn. Anh hiểu rằng, trước mặt anh là mồ hôi và máu của lớp lớp người xưa quyện lại trên những bờ kênh biêng biếc, những cánh đồng xanh um rau quả, màu vàng rộm của lúa hè thu đã phủ lấp những hố bom một thời tranh đấu. Còn sau lưng anh là biển xanh ngàn đời sóng vỗ. Từ đó, xứ Hòn trở thành miền nhớ tha thiết trong anh. Nhớ những con đường đèo dốc lưu dấu chiến công. Nhớ những ngọn núi, lò ảng ghi biết bao sự tích oai hùng. Nhớ cả những thung lũng sum suê cây trái...

Anh dẫn vợ và con gái hòa vào dòng người lặng lẽ thành kính dâng hương viếng mộ chị Sứ (Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng). Anh lẩm nhẩm một đoạn trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức mà anh thuộc lòng từ thời học cấp hai: “Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái say đã thắm hồng da dẻ chị. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru cho con những câu hát ngày xưa... Chính tại nơi đây, chị đã giơ nắm tay nhỏ nhắn lên chào lá cờ Đảng...”. Chị Sứ-nguyên mẫu là nữ Anh hùng, liệt sĩ Phan Thị Ràng, quê ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đã hy sinh anh dũng khi còn rất trẻ.

Thắp hương xong, người con gái nắm tay anh chỉ về phía tấm bia đá hoa cương ghi danh hơn 960 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, hỏi: “Ba ơi, chỗ đó có hoa gì lạ và đẹp quá vậy? Con đi nhiều nơi mà chưa thấy bao giờ!”. Anh đưa mắt nhìn, phía trên tấm bia cao hai mét có vài chùm bông vàng nhạt, cánh hoa tròn. “Đó là hoa rumdul đấy con! Hoa rumdul tượng trưng cho sự phồn thịnh. Loài hoa này còn được ví như thiếu nữ Khmer hồn hậu, trẻ trung, tràn đầy sức sống; từ lâu trở thành đề tài thi ca, hội họa và âm nhạc. Lúc hoa nở bung tỏa mùi hương ngọt ngào thoang thoảng, nhất là ban đêm; hoa này cũng chưng cất dầu thơm, dầu trị bệnh; trái rumdul khi chín màu đỏ-đen, là món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng. Người dân ở đây gọi hoa rumdul là “chùm đuông” để ca ngợi người phụ nữ Khmer Nam Bộ duyên dáng và kiên cường”.

Bỗng nhiên giọng anh như lạc đi. Anh không nhớ mình đã đi tới biết bao địa danh trên khắp cả nước này rồi thế nhưng lại ít có dịp được trở về quê hương. Tự dưng anh cảm thấy mình mắc nợ xứ Hòn vô cùng. Anh quay sang nói với vợ: “Năm sau nghỉ hưu, anh tính về đây mua miếng đất cất nhà, trồng cây ăn trái, cũng là để chăm sóc mồ mả, nhang khói người thân. Anh muốn làm “chiếc cầu nối” giữa hôm qua và hôm nay để mọi người tìm về xứ Hòn-mảnh đất này thấm máu họ hàng của anh cùng thế hệ vàng son của dân tộc, mà trong cuộc thiên di không biết vô tình hay hữu ý anh đã lãng quên... Nhà cửa ở thành phố giao cho em và hai con, lúc rảnh rỗi thì kéo về đây cho khuây khỏa”. Chị nói không chút do dự: “Em dạy học hơn ba mươi năm rồi, em sẽ xin nghỉ hưu sớm về đây hủ hỉ với anh!”. Đứa con gái nắm tay anh: “Chừng nào con tốt nghiệp cũng theo ba má về đây làm hướng dẫn viên du lịch nghen”.

Anh ngước nhìn hoa rumdul thấy những cánh màu vàng ngọt ngào dần chuyển sang tim tím. Anh mỉm cười, lòng trào dâng cảm giác an yên nghĩ về ngôi nhà lúc nào cũng ngập sắc hoa tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ dưới chân một trong 3 ngọn núi của xứ Hòn.

Bút ký của HỒ KIÊN GIANG