Theo dòng nhật ký ở làng chiến đấu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làng cát cổ Bình Dương (nay là xã Bình Dương) là một ngôi làng chiến đấu nổi tiếng anh hùng nhưng cũng phải gánh chịu biết bao mất mát, đau thương dưới bom đạn của giặc. Năm 1969, nhà văn Chu Cẩm Phong đến ngôi làng này và ghi lại những dòng nhật ký như sau:

 “Ngày 4 tháng 1 năm 69: Bây chừ dân Bình Dương không biết làm chi ngoài làm cách mạng”...

“Ngày 7 tháng 1 năm 69: “... Trưa nay mình về ở nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ. Đây là một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, bà ở nhà vẫn nuôi cán bộ, sau ngày giải phóng tham gia công tác kháng chiến tích cực, mình nghe bà con làng xóm thương tiếc: Nhà đó mới là nhà cách mạng toàn gia”... “Trong nhà chỉ có Nhạn là con trai, nên tuy còn nhỏ tuổi cũng đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình. Cậu bé mang khẩu súng trường, báng súng chạm đất, nòng súng cao vượt đầu, hiếu động, hỏi nhiều câu ngồ ngộ, lanh lợi và thuộc nhiều thơ hay của Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt, rất ham học, cứ ước mơ học đến đại học”...

Trong những ngày cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), chúng tôi đến ngôi làng cách mạng mà nhà văn Chu Cẩm Phong đã viết trong cuốn nhật ký nói trên. Ngôi nhà của “chị Lạng” mà nhà văn nhắc đến đó là gia đình của ông Phan Đức Nhạn, ở xã Bình Dương. Chị Lạng là chị gái của ông Nhạn. Cậu bé Nhạn mang khẩu súng trường, báng súng chạm đất, nòng súng cao vượt đầu, hiếu động... năm ấy nay đã ngoài 70 tuổi...

leftcenterrightdel
Ông Phan Đức Nhạn. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Trong cuốn “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong, cậu bé Nhạn xuất hiện như bao người dân bình thường khác trong chiến tranh, với đau thương, mất mát đến tột cùng, nhưng luôn vững vàng ý chí quyết tâm đánh giặc, giữ làng, giữ nước, nỗ lực cống hiến cho quê hương.

Ông Nhạn kể: "Liên tục trong 4 năm (từ 1967 đến 1970) của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi mất đi 4 người thân trong gia đình, đó là mẹ, anh trai và hai chị gái. Năm 1967, anh Ba (tức anh Phan Đức Bảng) hy sinh trong một trận đánh chỉ cách nhà 500m. Ngày anh hy sinh, mẹ tôi trải chiếc chiếu trên đế rương để anh nằm trước khi khâm liệm, khi đưa tang anh, nhà chỉ đốt đi chiếc chiếu. Tôi lại thay anh ngủ trên chiếc đế rương"...

Cuối năm 1968, người mẹ Vương Thị Cận của ông Nhạn hy sinh. Cho đến bây giờ, ông vẫn xót xa khi nhớ đến hình ảnh của mẹ: “Mẹ trúng đạn, nằm sõng soài, gập chân trên mặt ruộng xấp nước, máu chảy loang quanh người. Trên tay mẹ vẫn giữ chặt nắm mạ như không thể nào buông bỏ”... Năm 1969, chị Bốn của ông (nữ du kích Phan Thị Lạng) bị địch đi càn bắt. “Chị tôi cắn răng chịu đòn, không nhận, không khai Việt cộng. Chúng lồng lộn điên cuồng, nổ súng giết chị. Chị Bốn Lạng hy sinh. Hai mươi tuổi, sáu tháng tang mẹ. Mối tình đầu của chị với anh Bốn Lụa dừng lại ở lễ dạm hỏi...”.

Năm 1970, khi đang học tập ở miền Bắc thì ông Nhạn lại được tin chị Năm (chiến sĩ trinh sát Phan Thị Mỹ Hàng của Tỉnh đội Quảng Nam) hy sinh trong một trận đánh ở Tiên Cảnh. Chị hy sinh một năm rồi thì cha ông tập kết ở miền Bắc mới nhận được thư của chị. Trong thư chị viết lời lẽ rất mộc mạc, thân thiết: “Cha ơi! Nhạn đi miền Bắc rồi. Cha đã gặp em chưa? Con nhớ em... Con cứ mong nước nhà thống nhất để được gặp cha và em”... "Vậy mà, mong ước ấy của chị tôi mãi mãi không thành hiện thực"-ông Nhạn xúc động nói.

Trong suốt quãng thời gian niên thiếu, cậu bé Nhạn đã sống và chiến đấu, giáp trận với giặc Mỹ. Cả tuổi niên thiếu chịu đựng 4 cái tang lớn là những người thân yêu cùng sự mất mát biết bao nhiêu đồng đội, bạn bè. Mất mẹ, mất anh, mất chị, không còn nơi nương tựa, phải gửi gạo ăn chung với bà con trong xóm, song cậu bé Nhạn vẫn trụ lại cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày rời quê hương ra miền Bắc...

Năm 1969, Phan Đức Nhạn rời quê hương để ra miền Bắc học tập, thực hiện ước mơ mà cậu từng hỏi khi gặp nhà văn Chu Cẩm Phong rằng: "Em không biết ra sao-người học lớp 4 có người lớp 7 dạy, người học lớp 7 có người lớp 10 dạy, người học lớp 10 có người đại học dạy. Người dạy đại học là ai mà giỏi rứa. Ước chi... được biết “ai dạy đại học”...

leftcenterrightdel

Một số cuốn sách của nhiều tác giả được ông Phan Đức Nhạn hỗ trợ in ấn và phát hành. 

"Ước chi"... đã thành hiện thực

Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Đức Nhạn từ miền Bắc trở về quê hương tiếp tục sự nghiệp học hành, vừa học vừa làm và có nhiều đóng góp cho quê hương. Niềm mơ ước được học đến đại học của cậu bé du kích năm xưa đã thành hiện thực. Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, Trường Đại học Xây dựng, ông về địa phương công tác rồi trở thành Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam; nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XI, đặc biệt ông đóng góp quan trọng vào việc gây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai. 

Vốn sinh ra lớn lên từ vùng cát cháy, cùng với truyền thống cách mạng của gia đình, dòng tộc không chỉ trau rèn nên một Phan Đức Nhạn đầy bản lĩnh, năng động trong quản lý, kinh doanh trên thương trường mà còn có một tâm hồn giàu cảm xúc, nặng lòng trắc ẩn... Nhiều năm qua, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông không ngừng làm việc. Ông thường xuyên đi lại giữa Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội rồi xuống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để tham gia triển khai những dự án về các cây cầu giúp người dân đi lại và hỗ trợ nhiều tác giả in sách về đề tài chiến tranh cách mạng... Ông còn làm thơ, viết văn và đã ra mắt bạn đọc một số cuốn tự truyện, bút ký viết về gia đình, quê hương ông, như: “Ong rừng” (tự truyện); “Xa và gần” (tập bút ký)... Những tác phẩm của ông mang đến cho người đọc ngồn ngộn tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng, sống động, chân thực. Trong đó, ông luôn tâm niệm những điều mà thầy cô đã dạy mình rằng: “Hãy nhìn về quá khứ để tiến tới tương lai, ứng xử với lịch sử trên nền tảng văn hóa thì con cháu sẽ phát triển, hạnh phúc muôn đời”...

leftcenterrightdel

Bà Huỳnh Thị Phương Liên trao thư-kỷ vật của nhà văn Chu Cẩm Phong cho ông Phan Đức Nhạn. 

Mảnh đất Bình Dương nơi ông sinh ra và lớn lên đã thấm mồ hôi, nước mắt và máu xương, người trước người sau lần lượt ngã xuống để bám đất giữ làng, trong đó có sự hy sinh vô cùng to lớn của gia đình ông. Bởi thế mà thời gian qua, ông Nhạn dành bao tâm huyết, miệt mài thực hiện dự án “Vườn Mẹ” và mong dự án trở thành hiện thực tại quê hương. Đó là không gian sinh tồn có cây cỏ, chim muông, làng nghề truyền thống, nhà văn hóa, trường học, bệnh xá... với quy hoạch giữ không gian cho người dân cùng tham gia chỉnh trang làng quê, truyền đời cho con cháu. Một công trình khắc ghi lịch sử-văn hóa của một vùng đất anh hùng, không phải chỉ riêng Bình Dương mà còn cả huyện Thăng Bình, với ý nghĩa tâm linh, nhân văn được kiến tạo để nhắc nhở con cháu hôm nay và mai sau không quên quá khứ, tri ân những người đã ngã xuống, trong đó có những người dân bình thường hy sinh trên mảnh đất này.  

Ông Phan Đức Nhạn cho biết, ông luôn tự hứa với lòng mình rằng: Phải “sống xứng đáng” như những con người trong nhật ký của nhà văn, Anh hùng LLVT nhân dân Chu Cẩm Phong: Nhà văn-liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý; Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Huỳnh Thị Phương Liên-người yêu của nhà văn Chu Cẩm Phong; Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Phi Phi; Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Cúc... và đặc biệt là với biết bao người đã ngã xuống để bảo vệ quê hương, đất nước hòa bình hôm nay.

Bài và ảnh: QUẾ HÀ