Trước hết, rất dễ nhận ra ngòi bút của Nguyễn Mạnh Đẩu là tính trung thực. Tính trung thực ấy được bảo đảm bởi một trí nhớ rất tốt. Sự kiện đã xảy ra mấy chục năm về trước, có những sự kiện chỉ diễn ra trong hoàn cảnh “chớp nhoáng” của chiến tranh, có những con người bắt gặp có khi chỉ một lần, rất tình cờ trên mặt trận, anh cũng nhớ đến ngọn ngành, như thể vừa mới xảy ra, vừa mới bắt gặp. Không chỉ hình dáng, gương mặt, giọng nói, tấm lòng mà còn cả quê quán-thôn làng, xã, huyện, tỉnh của họ. Có nhiều người, sau chiến tranh Nguyễn Mạnh Đẩu có ý thức đi tìm gặp lại, tác giả hình như không quên một ai. Không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu miền quê, chắc phải đến con số gần một nghìn, đều hiện lên rất cụ thể, rất dễ kiểm chứng.
Tính trung thực của ngòi bút Nguyễn Mạnh Đẩu còn thể hiện ở thái độ đối với cuộc chiến tranh. Một thanh niên 16 tuổi tràn đầy lý tưởng, khai thêm một tuổi để nhập ngũ, điều này không lạ ở thời kỳ chống Mỹ. Anh tham gia vào cuộc chiến tranh từ một binh nhất, một chiến sĩ liên lạc, một chiến sĩ đặc công can đảm, gan dạ, mưu trí... cũng không có gì thật lạ. Nhưng có đôi lúc, nhất là những ngày đầu trên mặt trận, trận đầu tiên giáp mặt kẻ thù, Nguyễn Mạnh Đẩu không giấu sự hoảng sợ trước bom đạn. Anh kể lại: "Với tôi, đây là trận chiến đấu đầu tiên trong đời. Tôi hồi hộp lắm. Nghe tiếng đạn bắn ra tới tấp, ràn rạt, tôi cũng hoảng"... "Từ dưới nhìn lên, các hỏa điểm của địch bắn ra đỏ rực, đạn bay chíu chíu, cày xới xung quanh chúng tôi. Thực sự lúc đó tôi cũng hoảng. Nói không sợ là tự dối lòng mình"... (trích hồi ký "Những nẻo đường thời gian").
Nhưng Nguyễn Mạnh Đẩu cũng rất rạch ròi: Một khi đã ý thức được chết cho ai, vì cái gì, đem lại cái gì, thì con người ta lại sẵn sàng đón nhận về mình cái chết một cách thanh thản. Tình huống “hoảng sợ” này, cũng như tình huống có lần vì uất ức quá, khi bị xúc phạm, tác giả đã không kìm nén được sự bồng bột của mình. Anh lao vào sống mái với người đồng đội vốn khá thân trước đó.
Trong hồi ký "Những nẻo đường thời gian", Nguyễn Mạnh Đẩu có đôi ba lần nói về những tình huống “dở khóc dở cười” của chiến tranh. Có lần anh và một đồng đội vừa leo lên trên cành cây to, cao để quan sát thì một tốp lính thám báo Mỹ bất ngờ kéo đến vây kín gốc cây nhưng chúng không phát hiện ra các anh. Để thoát vòng vây, họ rút chốt lựu đạn thả xuống tốp lính Mỹ rồi tụt nhanh xuống chạy về khu vực tập kết. Có trường hợp một đồng đội nhỏ con (Nguyễn Viết Hiền, Tổ trưởng tổ chiến đấu) bị tên lính Mỹ to cao “bế xốc” và “quật xuống” không sao gượng lại được. Loay hoay gần một phút, Hiền rút được một quả thủ pháo rồi đưa tay ra phía sau lưng tên lính Mỹ, giật nụ xòe. Tên lính hoảng quá buông Hiền bỏ chạy. Ngay tức khắc Hiền ném thủ pháo, tên lính Mỹ chết tại chỗ.
Có lần chính tác giả được phân công mang theo hai chiếc nồi quân dụng vào mặt trận, gặp địch bắn, mảnh đạn găm thủng hai chiếc nồi kia mà anh không hề hấn gì. Và rất nhiều lần nói về sự hy sinh thương tâm của đồng đội, có mấy lần nói về những trận đánh thất bại với những tổn thất nặng nề của ta: Trận Huội Mua và trận Ta Tách... Nhưng trong hồi ký cũng viết rất nhiều trận thắng lớn, giết nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí. Theo anh, thắng thua trên chiến trường là chuyện dễ hiểu, dễ xảy ra. Đừng ai nghĩ rằng đánh giặc bao giờ cũng thắng. Chiến tranh là tình thế bắt buộc. Muôn đời chiến tranh đều tồi tệ, mang đến những chết chóc, đau thương. Nhưng chiến tranh cũng mang trong mình nó những khoảnh khắc cao cả của lòng dũng cảm, của sự hy sinh, của cảm xúc lãng mạn trên những chặng đường chinh chiến.
Từ khi còn là một chiến sĩ trẻ trên mặt trận, Nguyễn Mạnh Đẩu lập luận để chứng minh “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” rất rõ ràng, có sức thuyết phục, cho đến sau này khi anh trên cương vị cán bộ Cục Chính sách, anh cũng hết sức rạch ròi khi trả lời các chính khách nước ngoài đâu là chiến tranh phi nghĩa và chính nghĩa, không khoan nhượng nói thẳng đâu là những kẻ làm vật hy sinh cho bộ máy chiến tranh xâm lược và đâu là những chiến sĩ tự nguyện với mục tiêu rõ ràng là chống xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước, giành và giữ độc lập cho Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Có thể nhận ra một nhận thức nhất quán, kiên định thường trực trong anh, qua thời gian từ khi còn là một chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ đến khi trưởng thành là một cán bộ cấp cao của Quân đội.
Thứ hai là tinh thần học hỏi. Có thể thấy trong hồi ký "Những nẻo đường thời gian" cũng như trong ký chân dung "Những vị tướng tôi từng được biết" là tinh thần ham học hỏi đáng khâm phục của tác giả. Nguyễn Mạnh Đẩu rời ghế nhà trường rất sớm. Cho nên việc học hỏi của anh phần lớn là học ở trường đời. Với anh, học hỏi dường như là việc thường trực mọi lúc, mọi nơi.
Từ khi mới nhập ngũ, những người đi trước, những đồng đội, những cán bộ cấp cơ sở, với Nguyễn Mạnh Đẩu, ai cũng là người thầy. Họ có thể là tiểu đội trưởng dạy anh biết hạ lưỡi lê xuống khi lần đầu xuất kích; là Đại đội trưởng Dương với một việc cụ thể nhưng với anh là bài học lớn về sự chu toàn trong cuộc sống. Họ là tập thể Khoa B5 đã tận tâm cứu mạng anh những ngày bị trọng thương.
Và họ là những vị tướng: Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, Văn Tiến Dũng, Đặng Vũ Hiệp rất uyên bác... dìu dắt anh, chỉ bảo cho anh nguyên tắc lãnh đạo, tác phong quần chúng... Đấy là những người thầy để lại những ấn tượng sâu sắc, những kiến thức nhiều mặt, những tình cảm quý trọng, góp phần làm nên nhân cách của anh.
|
|
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu.
|
Xuất phát từ một miền quê địa linh nhân kiệt, một dòng họ có những vị đại thần trong quá khứ có nhiều công lao với đất nước, một gia đình có truyền thống yêu nước..., Nguyễn Mạnh Đẩu, không chỉ có một trí nhớ đặc biệt, anh còn có một tâm hồn phong phú. Tự bao giờ, lòng yêu văn chương, chữ nghĩa..., tự học để ghi chép các sự kiện mình chứng kiến, Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành một cây bút đặc sắc. Anh viết nhiều thể loại: Văn, thơ, phê bình văn học... Trang viết của anh đẫm chất đời sống, chân thực và cụ thể, sống động và sâu sắc, đặc biệt là những trang viết về chiến tranh, về những trận đánh cụ thể trên mặt trận, tức là những “sự thật trên chiến hào”.
Nguyễn Mạnh Đẩu cũng là cây viết có chính kiến sắc sảo, trước một vấn đề mới và phức tạp của đời sống văn chương (bài phê bình về tác phẩm "Tướng về hưu" chẳng hạn). Từ tự học, từ ghi chép cần mẫn hằng ngày, anh cầm bút viết văn như một tất yếu. Hai cuốn sách "Những vị tướng tôi từng được biết" và "Những nẻo đường thời gian" cho thấy khả năng bút mực của anh.
Thứ ba là tấm lòng của người viết. Tôi nhớ anh từng nói về lần đầu anh “ra nước ngoài”, đó là lần đơn vị anh lật cánh sang Tây chiến trường Lào, Nguyễn Mạnh Đẩu bồi hồi xúc động biết bao khi rời xa Tổ quốc. Tôi cũng nhớ lần đầu tiên anh hồi hộp từ biệt quê hương nhập ngũ lòng ngổn ngang cảm xúc vừa vui lại vừa buồn... vì xa gia đình, quê hương, bè bạn. Hình ảnh người cha, người mẹ, người thân thỉnh thoảng lại hiện lên trong “bộ phim quay chậm” về cuộc đời người lính này. Rồi biết bao lần anh bùi ngùi chia tay đồng đội. Và rất nhiều lần Nguyễn Mạnh Đẩu đi tìm lại đồng đội, khi chiến tranh đã kết thúc, từ khi anh trở về công tác ở hậu phương đến khi anh trở thành cán bộ cấp cao của Quân đội, Cục trưởng Cục Chính sách, Phó hiệu trưởng về chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật...
Phải nói rằng Nguyễn Mạnh Đẩu là người “nặng nợ, nặng tình” với cuộc đời này-cuộc đời đã cho anh sống có ích, được làm người yêu nước, được đưa tuổi trẻ của mình phục vụ Tổ quốc, được góp sức mình xóa đi những vết thương đau của chiến tranh, được gặp những người nhân nghĩa, đức độ và được cầm bút ghi lại như một sự tri ân cuộc đời.
Nhà văn LÊ THÀNH NGHỊ