Câu nói cửa miệng ấy truyền qua bao nhiêu lớp chiến sĩ bổ sung vào đơn vị, lớp này vào rồi hy sinh, lại lớp quân mới bổ sung, cứ thế, chúng tôi đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày hòa bình ngồi điểm danh, lớp chiến sĩ thế hệ đầu tiên ngồi nói với nhau câu nói đó chỉ còn lại số ít, đa số là đều bị thương trên cơ thể, khó tìm được người chiến sĩ nào không bị thương khi đi qua cuộc chiến.

Hòa bình, chúng tôi chạy ào về làng, nơi cha ngóng, mẹ mong, nơi những lời hẹn hò đang đợi. Khoác trên mình chiếc áo quân phục bạc màu, chúng tôi lao vào cuộc chiến mới. Những người chiến sĩ ấy trở về với đời thường, lấy vợ sinh con, một tổ ấm hình thành. Ngày mới hòa bình, đất nước còn nhiều khó khăn, thời bao cấp thiếu đủ thứ, thiếu từ cái mà người dân mình chưa kịp làm ra, thiếu cả những thứ đã có hàng nghìn năm trên đất nước Việt. Mớ rau, cái đậu, con cá, con tôm, đồng đất bao la mà hạt gạo ăn không đủ. Thiếu, cái gì cũng thiếu. Bộ quần áo xanh bạc, rách lại vá, vá chằng vá đụp, vá để mặc, cốt sao nó không hở thịt ra ngoài. Những người lính xoay xở trong đói khổ, từ khi tuổi mới gần 30, khi vượt qua đã ở tuổi 50, 60 có lẻ. Trong lúc vượt qua những ngày tháng ấy, chả ai còn tâm trí nhớ đến câu nói ở rừng ngày nào.

Tôi có 5 đồng đội bị thương cùng ở rừng về, ngày ở rừng nói với nhau như thế, nhưng rồi ai cũng lao vào cuộc sống giữa đời thường, nào đã ai đến được Mũi Cà Mau. Bụng con đang đói, áo con đang rách, vật lộn cả ngày cả đêm vẫn không đủ miếng ăn, nào ai còn nghĩ tới việc ấy. Không chỉ 5 anh em chúng tôi, mà hàng vạn người lính ở rừng trở về cũng cùng hoàn cảnh như thế, đã mấy người đến được.

Cuộc du hành về Đất Mũi lần này cũng khá gian truân. Tôi nhờ nhà văn Hồ Thị Linh Xuân, hiện đang sống và viết tại Đồng bằng sông Cửu Long, thuê cho một chiếc xe bốn chỗ chở chúng tôi đi. Con đường mấy trăm cây số từ sân bay Cần Thơ đến Đất Mũi gập ghềnh bởi những chiếc cầu, mà miền Tây là miền sông nước, sông rạch nhiều nên cầu cũng nhiều. Mỗi con rạch cắt ngang là một cái cầu được bắc, cầu thì không lún, mà đường thì lâu ngày phải lún, thế là mỗi lần qua cầu, chiếc xe lại như muốn nhảy lên. Dù tài xế Nam, tay lái điệu nghệ, cừ khôi, mỗi lần vượt lên cầu, anh đều giảm tốc độ, đánh tay lái cho xe vòng cong một chút, vậy mà xe vẫn xóc.

leftcenterrightdel

Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: VŨ NGỌC

Chúng tôi đến Đất Mũi trời đã vào chiều, ánh hoàng hôn chiếu xuống mặt biển xanh, sóng lấp lánh như tráng bạc, ánh lấp lánh chiếu lên lá cờ Tổ quốc đang phần phật tung bay. Một màu xanh yên bình. Biển xanh, rừng xanh, bầu trời trong xanh, màu xanh làm lá cờ đỏ càng thắm đỏ trên cột cờ màu vàng sáng. Đứng nhìn lá cờ tung bay, tôi lại nhớ những người đồng đội, nhớ lời hẹn ước ở rừng. Những ai may mắn đến được nơi đây như tôi, được đứng trên Đất Mũi là họ cũng đã thực hiện được ước mong từ thời trẻ rồi.

Đứng trên Đất Mũi, tôi lặng nhìn phía xa, biển xanh sóng vẫn trào lên. Hòn Khoai như một thảm cỏ xanh nơi cuối trời, lẫn vào lớp lớp sóng biển nhấp nhô. 50 năm kể từ ngày đất nước im tiếng súng, tôi mới thực hiện được ước nguyện ngày ở rừng, đến được Mũi Cà Mau. Có thể tôi là người may mắn hơn bao đồng đội khác, họ chưa được đến, chưa kịp đến và họ sẽ không bao giờ đến được nữa. Đứng nơi đây, câu hẹn nhau ngày ở rừng trong đầu tôi đang cuộn cùng ngọn sóng. Ôi Đất Mũi Cà Mau, nơi bao đồng đội tôi mong ước được đến một lần. Đồng đội ơi, ai đã đến được Mũi Cà Mau, ai chưa đến được, ai chưa kịp đến hãy nghe tôi nói. Mũi Cà Mau một màu xanh yên bình, lá cờ đỏ đang phần phật tung bay, biển đang rì rầm tiếng sóng, như gió đang rì rào trên đỉnh Trường Sơn. Mũi Cà Mau đang vươn dài ra biển để Đất Mũi rộng dài thêm, để đất nước rộng dài thêm.

Đứng nơi đây, tôi nhớ lời hẹn của người đồng đội Nguyễn Trung Tá, anh quê ở Dân Quyền, Tam Nông, Phú Thọ. Anh hẹn tôi, hai anh em đi Côn Đảo và đến Đất Mũi. Tá bị thương, cụt một chân, anh không đi bộ xa được chứ ngồi ô tô thì anh vẫn còn ngồi được để đi. Tháng 7-2024, tôi lên nhà anh chơi, trên đường về, tôi còn ghé thăm nhà văn Tống Ngọc Hân, nhà chị Hân cách nhà anh Tá chừng 4 cây số, người cùng huyện Tam Nông. Vậy mà tôi về nhà được nửa tháng đã thấy anh gọi điện bảo, đang nằm viện ở Việt Trì. Tôi hỏi bệnh sao, anh trả lời: Ung thư phổi... Và anh đã ra đi trước Tết Giáp Thìn một tháng. Thế là anh lại đi theo Thức, theo Tư, những người đã ra đi trước anh mấy năm. Và 5 thằng ngày ấy giờ chỉ còn 2.

leftcenterrightdel

Sông nước Cà Mau. Ảnh: VŨ NGỌC

 

Mũi Cà Mau, điểm cực Nam của Tổ quốc, nơi đây cũng là điểm cuối của Đường Hồ Chí Minh, cột mốc Km2436. Đã có bao người lính hành quân tới Đất Mũi, những cánh rừng đước kia đã đón bao đoàn quân và từ nơi đây, những người lính đi vào cuộc chiến. Và có bao người chiến đấu hy sinh, nằm lại với rừng tràm, rừng đước? Tôi đứng lặng nơi bến tàu không số, nơi đón những con tàu từ Bắc vào Nam, những con tàu chở vũ khí tiếp lửa cho miền Nam, chở cả tấm lòng đồng bào miền Bắc dành cho đồng bào miền Nam đánh giặc. Những con tàu không số xuất phát từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng, mà có lần tôi đã đến, nơi ấy cũng có biểu tượng của con tàu ra khơi. Hôm nay, tôi được đứng nơi điểm đến của những con tàu không số, nơi có biểu tượng con tàu cập bến ở tận cùng Tổ quốc, lòng tôi nhói lên đau nhức. Đã có bao con tàu không cập được bến này đồng nghĩa với bao đồng đội tôi nằm dưới đáy biển xanh, các anh mãi mãi nằm lại với sóng.

Trên Đất Mũi, tôi được đọc lời Bác Hồ nói chuyện với đoàn quân Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12) ở Đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền thờ các Vua Hùng, trước khi về tiếp quản Thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Giữ lấy nước là giữ lấy non sông Đất Việt, giữ từ Mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái, giữ núi rừng dãy Trường Sơn đến hải đảo nơi ngọn sóng Biển Đông, ở đấy mỗi ngày mặt trời lại nhô lên từ mặt biển xanh thăm thẳm.

Cùng đi đến Đất Mũi với tôi là một cựu chiến binh, anh không phải là lính vượt Trường Sơn. Anh nhập ngũ sau năm 1975. Khi xuất ngũ, anh cũng trở về làng quê. Đúng ra là anh may mắn hơn tôi, vì anh trở về nguyên vẹn hình hài, chứ không như tôi, vỡ một đám trên đầu. Hai người cựu chiến binh của hai thời kỳ cứ nha nhẩn với sông nước mênh mang miền Đất Mũi, cứ đắm mình vào bạt ngàn rừng đước và con sóng đuổi nhau vỗ vào, tiếng vỗ như lời ru. Và trong tôi vang lên giọng hát của ai đó đang cất lên lời ca trong ca khúc "Biển hát chiều nay" của nhạc sĩ Hồng Đăng: "Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương".

Mũi Cà Mau, tháng 6-2025

Bút ký của VŨ NGỌC THƯ