Làm báo trong rừng sâu
Tháng 11 năm nay là tròn 100 năm ngày sinh nhà báo lão thành cách mạng, nhà hoạt động ngoại giao Lý Văn Sáu (tên thật là Nguyễn Bá Đàn). Ông sinh ngày 5-11-1924 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, Lý Văn Sáu được theo học tại trường Quốc học Huế và tham gia truyền bá chữ Quốc ngữ tại quê hương.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Lý Văn Sáu tham gia thanh niên cứu quốc tại Khánh Hòa rồi gắn bó lâu dài với mảnh đất ven biển Nam Trung Bộ nắng gió ấy. Đây chính là nơi khởi đầu sự nghiệp báo chí của ông với sự ra đời của Báo Thắng (tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay) vào năm 1947. Khi đó, ông Lý Văn Sáu là Trưởng ty Thông tin (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) Khánh Hòa, được giao chịu trách nhiệm Biên tập chính (sau này là Tổng biên tập).
Trong cuốn hồi ký "Một cuộc đời", nhà báo Lý Văn Sáu đã kể lại buổi ban đầu làm báo thời ấy: "Một ngày giữa tháng 4-1947, vào một buổi trưa, chúng tôi ở tòa báo (một cái lán giữa rừng sâu), mọi người vui mừng và xúc động cầm trên tay tờ báo còn thơm mùi mực... Mọi người ăn mừng với bữa cơm muối ớt và canh rau dớn nấu "ngóe" (loài nhái sống ở suối đá)... Tôi muốn được nói lên lòng biết ơn vô hạn công lao của biết bao đồng bào, đồng chí đã giúp cho báo có được cơ sở vật chất để ra đời. Tôi nhớ những bia đá cẩm thạch lấy từ Thanh Minh gùi lên núi, những bó giấy trắng khổ A40x20 đã luồn qua bao đồn bốt giặc để tập kết lên chiến khu. Những ống mực và rulô in mà cơ sở ở Nha Trang đã lén lút thu gom, mua sắm để gửi lên cho chúng tôi. Được biết các chị phụ nữ phải bó giấy vào đùi mình rồi lấy dây thun cột chặt để lọt qua các trạm gác giặc mà không bị phát hiện... Giấy cũng phải mua từng mảnh chứ không thể mua nhiều một lúc...".
Cùng với việc làm Báo Thắng, ông Sáu cùng 4 đồng nghiệp của tòa báo ấy lại ra thêm một tờ báo tiếng Pháp đặt tên "Le Trait d'Union" (Cái gạch nối), là một tờ báo địch vận, làm cầu nối giữa ta và binh lính Pháp, giúp họ hiểu được vì sao ta kháng chiến, vạch trần bộ mặt thực dân, kêu gọi họ chống lại cuộc chiến xâm lược. Nhờ có vũ khí sắc bén thuyết phục trên mặt trận báo chí mà thời kỳ ấy đã có không ít đối tượng chạy sang hàng ngũ của ta.
|
|
Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (1924-2012). |
Nhà ngoại giao điềm tĩnh, sắc sảo
Sự nghiệp cách mạng của ông Lý Văn Sáu trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, gắn bó với nhiều vùng đất trong nước và nước ngoài. Đối với ông, hoạt động ngoại giao và báo chí không tách rời nhau và là phương tiện quan trọng để vận động, thuyết phục, tranh thủ dư luận thế giới đồng tình ủng hộ, giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, ông Sáu là một trong những thành viên tham gia Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam những năm 1968-1973. Ông tham dự với tư cách ủy viên, cố vấn, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris từng nhận xét rằng, theo dõi khá xuyên suốt và là người phát ngôn báo chí của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris là đồng chí Lý Văn Sáu... Đây là một con người thông minh, tư duy báo chí rất nhạy bén, sắc sảo nhưng cũng rất điềm tĩnh, khôn khéo của một nhà ngoại giao...
Ông Lý Văn Sáu tham gia Hội nghị Paris suốt gần 5 năm, họp báo tới gần trăm lần và có nhiều câu trả lời nổi tiếng đến nay vẫn được lịch sử nhắc nhớ. Sau lễ ký kết Hiệp định Paris, trước khi ra về, một nhà báo Mỹ hỏi ông rằng: "Ông có nhắn gì người Mỹ không?" Ông Lý Văn Sáu đáp: "Tôi muốn nhắn với họ rằng, họ hãy remember Việt Nam, hãy nhớ mãi Việt Nam để không bao giờ để cho những người cầm quyền của họ phạm sai lầm bi thảm như cuộc chiến tranh Việt Nam".
Những năm sau này, khi đất nước thống nhất, nhiều người bạn đã hỏi ông: "Cậu ngồi ở Hội nghị Paris gần 5 năm, họp báo gần trăm lần, nói cái gì năm này qua năm khác mà không sợ lặp đi lặp lại à?" Ông Sáu nói: "Suy nghĩ kỹ thì những người làm công tác phát ngôn báo chí chúng tôi trong chừng ấy năm trời chỉ nói bằng nghìn cách khác nhau một chân lý không gì thay đổi được, đó là: "Nước Việt Nam là một, người Việt Nam dầu ở miền Nam hay miền Bắc cũng đều có nghĩa vụ thiêng liêng chung lưng đấu cật chống xâm lược Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Quả thực, làm người phát ngôn báo chí trong chừng ấy năm tại Hội nghị Paris với ông Lý Văn Sáu là một cuộc đấu tranh dư luận vô cùng gay go, phức tạp, nhưng cũng là một thời kỳ làm báo sôi nổi với những kỷ niệm không thể nào quên, như ông từng chia sẻ.
Con người sâu nặng tình nghĩa, thủy chung
Không chỉ là một nhà báo say nghề, tận tụy với công việc, một người phát ngôn thông minh, sắc sảo, ông Lý Văn Sáu còn là người giàu lòng nhân ái, sống tình nghĩa, thủy chung, luôn biết ơn đồng chí, đồng nghiệp trong nước và bạn bè quốc tế từng giúp đỡ, chở che, bảo vệ, đùm bọc ông trong những ngày gian khó qua các thời kỳ hoạt động.
Phía sau sự thành công của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu là một tổ ấm luôn tràn đầy tình yêu thương, ấm áp làm điểm tựa tinh thần vững chắc cho ông. Ở đó, ông luôn dành tình cảm sâu nặng tưởng nhớ các bậc sinh thành; rất mực yêu thương vợ con và các cháu.
Trò chuyện với cô Nguyễn Khánh An, con gái của nhà báo Lý Văn Sáu, chúng tôi được biết một điều rất thú vị là việc ông bà đặt tên 4 người con (Bá Sơn, Trọng Dân, Khánh An, Nam Liên) cũng thể hiện rất rõ tình cảm sâu sắc của một người cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng, với quê hương, đất nước, tình đoàn kết hữu nghị với bạn bè quốc tế. Với người vợ (bà Ngọc Ánh, quê ở Khánh Hòa), ông thường gọi là nguồn ánh sáng của cuộc đời, đã soi bước chân ông trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ của đất nước.
|
|
Vợ chồng ông Lý Văn Sáu cùng các con tại nơi sơ tán của Ban Thống nhất Trung ương ở Thạch Thất, Hà Tây, tháng 7-1967. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
|
Cô Khánh An kể, sau khi má cô qua đời (năm 1998), ba cô ngày đêm nhớ thương vợ da diết nên đã viết mấy câu thơ bày tỏ cảm xúc ấy: "Xứ Trầm hương cho tôi hai của báu/ Một con đường cách mạng/ Một hòn Ngọc để yêu thương và chiếu sáng con đường...".
Gia đình cô Khánh An có may mắn được ở gần ông nhiều nên những hình ảnh, kỷ niệm về người ba mẫu mực như luôn hiện hữu bên cạnh cô. Khi chia sẻ những ký ức về ba với chúng tôi, cô Khánh An đã không ít lần phải dừng lại lau nước mắt vì xúc động, khi nhớ lại những tháng ngày cuối đời của ông. Nhất là mỗi lần đọc bài thơ "Ba tặng An" (ông viết tháng 4-2009), cô đều không kìm được nước mắt bởi đó là khoảng thời gian ba cô đã trải qua cuộc đại phẫu lần đầu tiên, cũng là cuối cùng và nặng nề nhất trong cuộc đời khi buộc phải cắt cụt một chân do biến chứng tiểu đường: "Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi cha nước mắt nỉ non/ Ba ơi ở lại với con/ Để con làm trọn việc nước non việc nhà".
"Trong những ngày trải qua những cơn đau vật vã ấy, ba đã lặng lẽ viết 4 câu thơ tặng tôi như thế. Phải chăng ông viết 4 câu thơ đó như để động viên các con và cũng là để tự vượt lên chính mình, vượt qua cơn đau khủng khiếp ấy?"-cô Khánh An nói.
Thời điểm đó, ông Sáu đã ở tuổi 85, trải qua cuộc đại phẫu kéo dài hàng giờ đồng hồ, chịu đựng những cơn đau vật vã thường ngày như thế thật đáng khâm phục. Ấy vậy mà, hằng ngày, ông vẫn đều đặn xem tivi, báo đài, tạp chí nước ngoài, nghe tin tức thời sự trên tất cả các kênh bằng vốn ngoại ngữ mà ông có (Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha)... Ông thường xuyên dặn dò các con cháu mọi điều và câu nói mà những người thân trong gia đình đều nhớ là: "Các con, các cháu cần "khai thác" gì ở ông thì nhanh nhanh khai thác và hỏi han thật nhiều đi...". Ông còn dặn các con, cháu của mình không bao giờ được quên ơn đất nước và nhân dân Cuba từng giúp đỡ ông trong những ngày làm việc ở quốc đảo này.
Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu là một người như thế. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng cho đến khi đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn không cho phép mình tách khỏi môi trường báo chí đang đổi mới hằng ngày, hằng giờ của đất nước. Cho đến tận những tháng ngày cuối đời, ông vẫn viết bài theo dõi, đóng góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm làm báo với những người làm báo trẻ, trong đó có Báo QĐND; vẫn say mê tìm hiểu, tiếp cận công nghệ mới, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế qua thư từ, email, điện thoại... Ông Lý Văn Sáu thực sự là một tấm gương mẫu mực, xuất sắc để các con, cháu và các đồng nghiệp, thế hệ trẻ ngày nay noi theo.
Sự nghiệp cách mạng của nhà báo Lý Văn Sáu trải qua nhiều chức vụ khác nhau như: Trưởng ty Thông tin Khánh Hòa kiêm Tổng biên tập Báo Thắng (tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay); Giám đốc Đài Tiếng nói miền Nam Liên khu 5; Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Ban Thống nhất Trung ương; Phó trưởng Cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba; Phó giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng biên tập Đài Truyền hình Việt Nam; Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; Ủy viên thư ký BCH Hội Nhà báo Việt Nam; Phó tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam... Ông mất ngày 30-4-2012.
|
HÀ THANH MINH