Một chiều thu Hà Nội, tại Di tích Nhà cách mạng D67 thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tôi thấy một người đàn ông tóc bạc cứ miệt mài ghi chép từng hiện vật đến biển tên của các đại biểu trên bàn tại Phòng họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Tôi tiến lại gần hỏi chuyện thì được biết ông là Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Trưởng ban Tài chính, Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị; nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ông bảo: "Càng tìm hiểu lịch sử đất nước, tôi càng thấy say mê và có rất nhiều niềm vui trong cuộc sống".

Đến thăm nhà CCB Nguyễn Chí Sỹ ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng về kho tư liệu khá đặc biệt mà ông dày công sưu tầm, cất giữ hơn 50 năm qua.

Dẫn chúng tôi lên phòng khách, ông Sỹ mở tủ lấy lần lượt từng tập tài liệu được chủ nhân sắp xếp rất ngay ngắn, gọn gàng đưa cho chúng tôi xem. Ông khoe, hiện đã sưu tầm được hơn 500 bức ảnh tư liệu về Bác Hồ và hơn 300 mẩu chuyện về Bác. Những tư liệu ấy ông để theo từng chủ đề như: "Bác Hồ thời niên thiếu", "Bác Hồ với gia đình", "Bác Hồ với Quân đội nhân dân"; "Bác Hồ với nông dân"; "Bác Hồ với các bạn quốc tế"; "Bác Hồ với học sinh, sinh viên"...

Lật giở các tập tài liệu ấy, chúng tôi như bị cuốn theo sự hấp dẫn về nội dung cũng như hình thức sắp xếp tài liệu của người lính già tuổi đã ngoài 80. Rất cẩn thận, tỉ mỉ và có hệ thống. Phần lớn các quyển tài liệu đều do ông chép tay và kẻ bìa. Có những tập giấy đã ngả màu thời gian nhưng chữ viết của ông vẫn rất rõ nét, sạch đẹp. Bìa của các tập giấy đó được ông bọc bóng kính, còn gáy và mép giấy thì dán băng dính để chống rách khi giở xem hoặc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Mỗi tập tài liệu ông đều để vào các túi clear hoặc túi giấy xi măng để chống ẩm và viết ghi chú bên ngoài rất thuận tiện khi tìm kiếm. Các tập ông xếp gọn thành từng chồng, buộc dây chắc chắn rồi cất vào tủ. 

 - Vì sao ông lại có thể sưu tầm và lưu trữ được nhiều tư liệu như vậy khi công việc trước đây của ông chủ yếu là những con số, thống kê tài chính?-chúng tôi thắc mắc.

 CCB Nguyễn Chí Sỹ chia sẻ:

 - Thời chiến tranh, sách báo, tài liệu ít nên rất quý. Vì thế từ khi còn là học viên Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) tôi đã có ý thức lưu trữ tư liệu để khi cần thiết thì sử dụng. Đến năm 1967, khi đang là trợ lý của Phòng Tài vụ, Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị, mỗi lần đọc xong các tờ Báo Quân đội nhân dân hay tờ báo khác, thấy bài nào hay hoặc có ảnh Bác Hồ là tôi lại cắt ra lưu lại để làm tài liệu. Từ đó về sau, mỗi dịp đi công tác hay đến nhà bạn bè chơi, thấy có bức ảnh quý về Bác Hồ trên báo chí là tôi lại xin họ hoặc mượn chụp lại.

Không chỉ sưu tầm ảnh Bác, CCB Nguyễn Chí Sỹ còn sưu tầm và lưu trữ rất nhiều tư liệu về Quân đội nhân dân, lực lượng thanh niên xung phong, đường Trường Sơn huyền thoại, những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu, anh hùng, tướng lĩnh, danh nhân, di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội, biển, đảo và nhiều vùng đất cách mạng trên dải đất Việt Nam. Mỗi lần đi đâu ông đều cầm theo sổ ghi chép lại thông tin cần thiết cho bản thân và những thông tin liên quan đến quê hương mình để về cung cấp cho địa phương. Điều này ông học được từ câu chuyện mà nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ trong một lần nhà văn đến đơn vị nói chuyện khiến ông rất tâm đắc, đó là: "Các cô, các chú phải chịu khó đọc. Đọc xong thấy cái gì hay thì ghi lại hoặc cắt ra cất đi, rồi có lúc sẽ cần đến nó"...

Việc ghi chép, sưu tầm tư liệu vừa là sở thích cá nhân vừa đồng thời góp phần quan trọng giúp CCB Nguyễn Chí Sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một báo cáo viên trong những năm công tác ở Hội CCB huyện Chương Mỹ. Như ông tâm sự thì qua những thông tin, số liệu ghi chép được từ thực tế tại các di tích, bảo tàng, ông sẽ đối chiếu, kiểm chứng lại với tư liệu trong sách sao cho chính xác và bảo đảm sự thống nhất khi nói chuyện lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở các cơ quan, ban, ngành, trường học trên địa bàn. Những câu chuyện thu thập được từ di tích, bảo tàng giúp bài tuyên truyền của ông thêm phong phú, sinh động và thu hút người nghe.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Chí Sỹ trong một lần tham quan thu thập tư liệu tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).  

Nhờ nguồn tư liệu phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực nên CCB Nguyễn Chí Sỹ cũng rất tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống về Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội, Thủ đô Hà Nội... do Đảng bộ, chính quyền địa phương hay các ban, ngành, hội CCB tổ chức. Các bài dự thi ông đều đầu tư công phu, tâm huyết, nguồn tư liệu tốt và đặc biệt là tự ông viết tay từng trang rất đẹp. Nhờ vậy, rất nhiều bài thi của ông được giải hoặc được các cấp khen thưởng như: Giải Nhì cuộc thi tìm hiểu "75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam" năm 2005; giải Nhất cuộc thi tìm hiểu "Hội Nông dân Việt Nam 80 năm xây dựng và trưởng thành" năm 2010; giải Ba cuộc thi tìm hiểu "60 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" năm 2005; giải Ba cuộc thi tìm hiểu "60 năm Ngày thành lập LLVT nhân dân tỉnh Hà Tây" năm 2006; giải Nhì cuộc thi tìm hiểu Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây; giải Ba cuộc thi tìm hiểu "Luật Phòng, chống bạo lực gia đình" do TP Hà Nội tổ chức năm 2009; giải Nhì cuộc thi tìm hiểu "Công đoàn Việt Nam 80 năm một chặng đường"; Bằng khen của UBND TP Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và rất nhiều giải thưởng khác về tìm hiểu: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam; 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô; 60 năm Quốc hội Việt Nam; 40 năm "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"...

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-2024) vừa qua, dù không tham gia dự thi nhưng CCB Nguyễn Chí Sỹ vẫn giữ thói quen thu thập nhiều nguồn để hoàn thành quyển tài liệu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tặng bạn bè, CCB và giáo dục lịch sử cho con cháu. Hiện nay, ông vẫn đang tiếp tục thu thập tư liệu để hoàn thành quyển tài liệu nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị vào tháng 12 tới.

Ông Nguyễn Chí Sỹ sinh năm 1942 ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Khi đang là học viên của Trường Cán bộ Tài chính Hà Đông (nay là Trường Trung cấp Kinh tế-Tài chính Hà Nội), nhờ viết chữ đẹp nên ông được cử đi học cảm tình Đảng và được chi bộ địa phương kết nạp Đảng năm 1961, khi mới 19 tuổi. Ông Sỹ vinh dự là đảng viên thứ 18 của chi bộ Đảng ở Chúc Sơn thời điểm đó. Kết nạp Đảng được 4 tháng thì ông nhập ngũ vào Trung đoàn 36, Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong. Ông Nguyễn Chí Sỹ cũng là một trong những chiến sĩ đặc biệt vì là đảng viên trước khi nhập ngũ, đã được học về tài chính nên sau đó ông được đơn vị phân công làm nhiệm vụ tài chính, rồi gắn bó với công việc này cho đến lúc nghỉ hưu.

Gần 30 năm quân ngũ, gắn bó với môi trường Quân đội ở nhiều đơn vị, đến nay đã 82 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, CCB Nguyễn Chí Sỹ vẫn luôn giữ được nền nếp thói quen sinh hoạt điều độ của một quân nhân. Phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong con người ông vẫn tiếp tục lan tỏa trong thời bình. Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Chí Sỹ tiếp tục làm cán bộ Hội CCB huyện Chương Mỹ suốt 15 năm; 3 năm làm báo cáo viên của hội. Dù trên cương vị nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn là một tấm gương mẫu mực tiêu biểu trong công việc. Với những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực nên ông Nguyễn Chí Sỹ từng là một trong những công dân tiêu biểu được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng thưởng danh hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô".

Phát huy vai trò, trách nhiệm của một CCB trên mặt trận mới, những năm gần đây, ông Nguyễn Chí Sỹ còn tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng giải quyết hiệu quả điểm nóng ở địa phương, nhất là tháo gỡ những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, phục vụ làm đường và thi công các công trình công cộng trên địa bàn. Uy tín cá nhân cùng với sự khéo léo, nhẹ nhàng, thuyết phục trong lời nói của ông đã được người dân quý mến, tin tưởng và đồng lòng ủng hộ.

Bài và ảnh: MINH THÀNH