Đồng chí Trần Phú là người con ưu tú của Đảng và dân tộc Việt Nam, thể hiện qua suy nghĩ và hành động ngay khi còn học tại Trường Quốc học Huế.

Trần Phú thuộc lớp thanh niên ưu tú thời dựng Đảng, nồng nàn yêu nước, khát khao lý tưởng cách mạng, tràn đầy hoài bão và nhiệt huyết cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Tuổi trẻ Trần Phú sớm có ý thức định hình, định hướng về cách mạng. Khi làm giáo viên tiểu học, Trần Phú đã khơi dậy tinh thần yêu nước, căm thù bọn xâm lược cho học sinh; truyền cảm hứng về niềm tự hào, truyền thống văn hóa-lịch sử, đấu tranh chống ngoại xâm của quê hương và dân tộc.

Trần Phú nhạy cảm với tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Lòng nhiệt huyết và nhạy bén chính trị đó đã sớm đưa Trần Phú tham gia tổ chức Hội Phục Việt và đến với tư tưởng cách mạng. Khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện do Người trực tiếp giảng dạy, Trần Phú đã nhanh chóng chuyển biến từ lập trường yêu nước có tinh thần cách mạng sang lập trường yêu nước cách mạng, quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra, nguyện cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.

Với trí tuệ lớn, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, đồng chí Trần Phú để lại cho Đảng ta, dân tộc ta và cách mạng Việt Nam bản Luận cương chính trị có giá trị sâu sắc về cả lý luận và thực tiễn.

Cùng với Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua, thì Luận cương chính trị (còn gọi là Luận cương cách mạng tư sản dân quyền) do Trần Phú khởi thảo, được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930) thông qua là những cương lĩnh chính trị có ý nghĩa lớn định hướng lâu dài cho cách mạng Việt Nam. Nội dung luận cương cơ bản thống nhất và khẳng định lại nhiều vấn đề cốt yếu thuộc về chiến lược cách mạng nước ta mà Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã nêu lên, trong đó sợi chỉ đỏ xuyên suốt là: “Cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không qua thời kỳ phát triển tư bản. Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc và đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân”. Luận cương khẳng định hai động lực chính của cách mạng là giai cấp vô sản và giai cấp nông dân, nhưng giai cấp vô sản là động lực rất mạnh, là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cách mạng Đông Dương là phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo với một đường lối chính trị đúng, kỷ luật tập trung, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc, liên lạc mật thiết với quần chúng. Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.

Đáng chú ý là trong Luận cương có một số điểm được cụ thể hóa hơn, xác định thêm một cách đúng đắn như phương pháp cách mạng, tình thế trực tiếp của cách mạng. Khi có thời cơ thì Đảng phải lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay công nông. Bàn tới mối quan hệ khăng khít, mật thiết giữa mục đích trước mắt và mục đích lâu dài của cách mạng, Luận cương cho rằng không chú ý mục đích hằng ngày là rất sai lầm, nhưng chỉ chú ý mục đích hằng ngày mà không chú ý mục đích lớn, cuối cùng cũng là rất sai lầm.

Dưới ánh sáng của Luận cương và những chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Trần Phú, phong trào cách mạng của quần chúng dấy lên sôi nổi, mạnh mẽ. Công nhân và nông dân bắt tay nhau giữa trận tuyến chống xâm lược và tay sai bán nước, tiến tới cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, một cao trào cách mạng đã có ảnh hưởng lớn, tỏ rõ tinh thần anh dũng luôn luôn nồng nàn trong tâm hồn quần chúng, mở đường cho thắng lợi về sau.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu 

Luận cương cho thấy sự nỗ lực, cố gắng cao độ của một trí tuệ lớn, bản lĩnh, năng động, sáng tạo. Đồng chí Trần Phú đã vận dụng những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt. Luận cương thể hiện một trái tim nhiệt huyết, một bộ óc thông minh, luôn luôn suy nghĩ đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và cách mạng lên trên hết, trước hết.

Những hạn chế mặt này, mặt khác của Luận cương là điều dễ hiểu, là biện chứng của sự phát triển. Bởi vì mỗi bản cương lĩnh cũng như nhiều tác phẩm lý luận khác từ xưa đến nay đều là sản phẩm nhận thức của một thời kỳ lịch sử cụ thể. Đánh giá Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình".

Là người đứng đầu đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc, Tổng Bí thư Trần Phú tỏ rõ là một nhà lãnh đạo xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, của dân tộc và cách mạng Việt Nam.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã cùng Ban Thường vụ Trung ương chỉ đạo soạn thảo, hoàn thiện các văn kiện về tổ chức Đảng, dân vận, Mặt trận...; lãnh đạo cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng chống lại các tư tưởng cơ hội, lệch lạc, đầu cơ, biệt phái...; tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin; khẳng định bản chất giai cấp công nhân trong Đảng; củng cố tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và tăng cường sức chiến đấu của chi bộ đảng.

Tổng Bí thư Trần Phú có đóng góp lớn về công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; trang bị lý luận Mác-Lênin; khắc phục bệnh ấu trĩ tả và hữu khuynh trong Đảng; kiện toàn các cơ quan đảng từ Trung ương đến các đảng bộ cơ sở.

Tổng Bí thư Trần Phú là người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về chí khí chiến đấu, để lại nhiều bài học quý cho Đảng ta hôm nay.

Trước hết, cần khẳng định Đảng ta là một Đảng cầm quyền, phải có một đường lối lãnh đạo đúng đắn, đó là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên định đường lối đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân.

Hai là, Đảng cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng theo tinh thần “bôn sê vích hóa” Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức, cán bộ; phải kiên quyết chống lại mọi biểu hiện làm lệch lạc đường lối của Đảng, những xu hướng cơ hội, bè phái; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình trên cơ sở cương lĩnh của Đảng, làm cho Đảng ta trở thành một Đảng chân chính cách mạng thực sự, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Một vấn đề không phải định mệnh nhưng có tính quy luật: Ở đâu, lúc nào Đảng không tự hoàn thiện mình, không sớm thì muộn, sẽ giảm dần và đi tới mất năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Ba là, trong mọi hoàn cảnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải “giữ vững chí khí chiến đấu”, kiên quyết, kiên trì quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung; chống thói vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né trách nhiêm. Phải kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới, bảo vệ nhân dân; xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, tự do, hạnh phúc.

PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG