Những lời dặn sâu sắc

Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nước ta bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được điều động vào Quân đội đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm TCCT, Phó bí thư Tổng Quân ủy. Cũng trong năm đó, hai tờ báo là Vệ Quốc quân và Quân du kích có quyết định sáp nhập thành một tờ báo chung của lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ giao chỉ đạo tổ chức thực hiện tờ báo của Quân đội.

Buổi ra mắt đầu tiên của tòa soạn mới là cuộc tranh luận sôi nổi, thú vị về việc đặt tên và xác định tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Có khoảng 20 ý kiến được đưa ra tại cuộc họp, có lập luận và lý lẽ riêng, trong đó một số ý kiến đề xuất tên báo là: Quân Giải phóng, Cờ Giải phóng... nhưng mọi người đều thống nhất rằng tên tờ báo phải vừa hay vừa có ý nghĩa sao cho toát lên bản chất của Quân đội ta. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh trình bày tại cuộc thảo luận đặt tên cho báo, Bác Hồ đã nhất trí lấy tên tờ báo là Quân đội nhân dân, bởi theo Người, tên ấy nói lên bản chất cách mạng của Quân đội ta. Một Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Từ đó, tờ báo Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam chính thức mang tên “Quân đội nhân dân” (theo "Lịch sử Báo QĐND 1950-2020", Nxb QĐND 2020).

Báo QĐND ra số đầu tiên vào ngày 20-10-1950. Ngay trên trang nhất số này có bài viết của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với tiêu đề “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng” phân tích một cách sâu sắc hai nhiệm vụ quan trọng của Quân đội lúc bấy giờ là chiến đấu và bảo vệ sản xuất. Sau đó, tác giả Nguyễn Chí Thanh còn xuất hiện dưới nhiều bài báo khác trên Báo QĐND.

Báo QĐND những ngày mới ra đời với bao khó khăn, thử thách, luôn được sự chỉ đạo động viên, quan tâm sâu sát của đồng chí Chủ nhiệm TCCT từ nơi làm việc của anh em phóng viên đến chuyên môn làm báo. Trước khi xuất bản số báo thứ hai, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có buổi làm việc thẳng thắn, chân tình, chan hòa với toàn tòa soạn. Đồng chí nhắc nhở: “Đảng đã giao công việc, chúng ta phải nghiến răng lại mà làm; phải cướp lấy thời gian. Sắp tới phải lưu ý 3 việc lớn trước mắt: Đánh giặc, chuẩn bị Đại hội Đảng và Đại hội Việt Minh Liên Việt”. Và trên Báo QĐND số 2 ấy, có đăng bài đồng chí Nguyễn Chí Thanh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo QĐND nhân dịp Báo QĐND ra mắt bạn đọc. Trong đó, đồng chí khẳng định vai trò rất quan trọng của báo chí trong công tác chính trị. Đồng thời đề nghị, “người phụ trách tờ báo phải cẩn thận, viết đúng đường lối, chủ trương, viết cho dễ để đội viên đọc hiểu, cái gì thiết thực thì viết, viển vông thì đừng”...

Những lời dặn dò, nhắc nhở của vị Chủ nhiệm TCCT được các phóng viên Báo QĐND luôn ghi nhớ. Là một trong những phóng viên làm việc từ khi Báo QĐND mới ra đời và cũng là phóng viên của Báo QĐND tại Mặt trận Điện Biên Phủ, đến nay, Đại tá, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp vẫn nhớ mãi lần được đồng chí Nguyễn Chí Thanh gặp gỡ, nói chuyện và tiễn chân trước khi ông cùng đoàn của tòa soạn tiền phương lên Điện Biên công tác cuối năm 1953. Ông kể, để thành lập tòa soạn tiền phương theo chỉ đạo của trên nhằm tuyên truyền cho bộ đội nhận thức được tầm quan trọng của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Báo QĐND cử 5 đồng chí gồm: Hoàng Xuân Tùy (phụ trách chung); Trần Cư (Thư ký tòa soạn); Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp (phóng viên) và Nguyễn Bích (họa sĩ). Trước khi ra mặt trận, cả tòa soạn tiền phương được học tập chính trị một tuần. Vào một buổi chiều trước khi đoàn khởi hành, đồng chí Chủ nhiệm TCCT đến trụ sở Báo QĐND tại thôn Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa, Thái Nguyên) gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho tòa soạn tiền phương. Đồng chí dặn: Các anh em Báo QĐND tại mặt trận chỉ được viết tốt, làm báo tốt, không được làm dở hoặc để xảy ra thiếu sót... “Buổi gặp mặt diễn ra thật ấm áp và xúc động. Chúng tôi khi ấy chỉ biết hứa với thủ trưởng sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn đi cùng ra sân, đứng trò chuyện vui vẻ với mọi người rồi tiễn chân cả đoàn thêm một đoạn nữa ra cổng mới quay lại”-Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp nhớ lại.

Tòa soạn tiền phương của Báo QĐND những năm 1953-1954 nằm trong rừng Mường Phăng. Lán của tòa soạn báo và hầm nhà in ở cách hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh và đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm TCCT một cánh đồng bạt ngàn hoa riềng. Hằng ngày, phóng viên thường chạy qua chạy lại để lấy tin, bài, đưa văn bản báo cáo và xin chỉ thị... Thời kỳ đó, cả đồng chí Tổng Tư lệnh cũng như Chủ nhiệm TCCT đều rất quan tâm, vừa chỉ đạo, vừa viết các bài quan trọng cho Báo QĐND. Sau này, về Hà Nội công tác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở phố Lý Nam Đế, cũng thường xuyên đi bộ ra tòa soạn Báo QĐND tại số 7 Phan Đình Phùng để gặp gỡ và nói chuyện một cách cởi mở với anh em phóng viên.

Trong ký ức của nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một con người của hành động, của đổi mới, một con người rất hoạt, nói đi đôi với làm, rất quyết liệt. Ông có đặc điểm rất sôi nổi, nhiều sáng kiến. Nơi nào cần người năng động nhất thì ông có mặt và ở lĩnh vực nào, ông cũng để lại dấu ấn tốt...

leftcenterrightdel

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng, bên phải) đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân (ngày 10-7-1961). Ảnh tư liệu 

 Bài học về thâm nhập thực tế

Trên cương vị Chủ nhiệm TCCT, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn sâu sát với các thông tin trên báo chí. Năm 1958, Báo QĐND đăng các thông tin về phong trào thi đua học tập huấn luyện và lao động sản xuất rất sôi nổi ở Sư đoàn 305 với những khẩu hiệu như dầu sôi lửa cháy: “Ngày không giờ, tuần không thứ”, “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, “Đốt đuốc thay mặt trời”... Đọc được thông tin này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh quyết định về tận nơi xem xét phong trào. Chuyến đi đó, Báo QĐND cử đồng chí Vũ Hồ, biên tập viên Phòng Chính trị-Văn hóa đi tháp tùng thủ trưởng. Đến đơn vị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đi thẳng xuống đại đội nghe hết các ý kiến phát biểu từ cơ sở, họp với chỉ huy đơn vị rồi đưa ra kết luận, phong trào thi đua rất lành mạnh, cần được duy trì và đẩy mạnh, nhắc nhở cán bộ phải tôn trọng nhân tố mới quý giá ấy... Những ý kiến kết luận, chỉ đạo của đồng chí Chủ nhiệm TCCT đã được tác giả Vũ Hồ phản ánh kịp thời trên Báo QĐND qua những tin, bài phản ánh, tường thuật, ghi nhanh đăng liên tiếp trên mấy số báo. Tiếp thu sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Sư đoàn 305 đã đưa phong trào đi vào quỹ đạo, sau đó ra quân tham gia lao động ở Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đã có nhiều sáng kiến trong lao động, lập những kỷ lục vang dội khắp công trường.

Từ bài học về phong trào thi đua của Sư đoàn 305 mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi kiểm tra, kết luận, Báo QĐND cũng vận dụng ngay vào phong trào thi đua của tòa soạn, đề ra cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên một số mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng bài viết, như: “Cày sâu, cấy dài (đi sâu nắm tình hình thực tế, viết bài cô đọng, có chất lượng); đa năng (viết được nhiều loại bài, làm được nhiều phần việc); hoàn thành tốt chức trách; thi đua nở hoa tư tưởng. Các tổ đảng, phòng biên tập cũng họp bàn luận về phong trào của Sư đoàn 305, thảo luận về các vấn đề nâng cao chất lượng bài với phương châm chặt chẽ, nghiêm khắc, đặt yêu cầu cao khi viết bài, chọn bài đăng báo. Nhiều biên tập viên, phóng viên đã xung phong nhận thêm việc và bảo đảm mỗi bài viết đều đạt chất lượng tốt...

Có thể nói, sự gần gũi, quan tâm, động viên, chỉ đạo sát sao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Báo QĐND cũng như tác phong sâu sát cơ sở và nhiệt huyết lao vào thực tiễn tìm hiểu, nắm bắt vấn đề để giải quyết công việc nhanh của ông đã để lại những bài học vô cùng giá trị cho các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo QĐND học tập và noi theo.

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Cần mở rộng công tác phê bình văn nghệ có tính chất quần chúng trong sinh hoạt văn nghệ của đơn vị trên báo chí... Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội nên thường xuyên có bài phê bình, nhận xét các sáng tác, để giúp đỡ phong trào có phương hướng phát triển tốt (“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, Tổng tập, Nxb QĐND 2009).  

  MINH THÀNH