Gia đình hiếu học
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến là một trong những vị tướng đặc biệt của Quân đội ta từng tham gia các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc từ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, Tây Nguyên, biên giới phía Bắc đến làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào, Campuchia... Ông nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320; nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3; nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1... Cuộc đời Trung tướng Khuất Duy Tiến cũng trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, cực hình khi bị địch bắt tù đày tra tấn dã man trong nhà tù Hỏa Lò, rồi tham gia chiến đấu khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam... Thế nhưng ông vẫn luôn giữ vững chí khí, bản lĩnh và phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.

Năm nay, đã ngoài 90 tuổi, trông ông vẫn minh mẫn và mạnh khỏe với nước da hồng hào. Hằng ngày, ông vẫn dậy từ 5 giờ sáng tập thể dục và nấu một ấm chè tươi hoặc chè đắng rồi chuẩn bị bữa sáng. Nhìn lại cuộc đời, ông bảo mình mang ơn nhiều người lắm: “Bố mẹ tôi suốt đời vất vả, áo rách không kịp vá, quanh năm ăn không đủ no, chạy bữa sáng lo bữa tối. Nhưng bố tôi lại động viên tôi học chữ Nho, chữ Quốc ngữ, vạch đường chỉ hướng luyện rèn chí khí cho tôi từ nhỏ”. Đến nay, ông vẫn nhớ như in câu nói rứt ruột của bố: “Bố đã thất học, chịu cảnh hèn hạ, giờ con cũng theo bố ư?... Nhà ta còn có bữa cơm bữa cháo, con phải cố gắng đi học, khi nào hết chữ thầy mới thôi”... Nhờ đó, ông được gửi đến các thầy dạy chữ Nho, chữ Quốc ngữ để theo học từ rất sớm. Vốn thông minh, học giỏi nên ông được thầy quý mến.

Trò chuyện với chúng tôi, vị tướng già rất xúc động khi nói về người vợ của mình: “Tôi mắc nợ bà ấy rất nhiều. Cuộc đời sự nghiệp và hạnh phúc gia đình của tôi có được hôm nay cũng nhờ bà ấy rất lớn”...

Bà Vũ Thị Hồng Vân-vợ Trung tướng Khuất Duy Tiến khi xưa là một người phụ nữ xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình trí thức cùng quê với ông ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Bà là một dược sĩ. Hai người nên duyên vợ chồng năm 1958 và lần lượt sinh được 6 người con, nhưng không may hai người con đã mất từ lúc còn nhỏ, còn lại 4 người con (2 trai, 2 gái). Trong suốt mấy chục năm ông Tiến đi biền biệt ở chiến trường thì bà Vân ở nhà vừa đi làm vừa phải vất vả lo toan sắp xếp công việc gia đình hai bên nội ngoại, nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn.

Nhớ lại tuổi thơ của mình, Trung tướng Khuất Việt Dũng, người con cả của Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ: "Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, thương con nhưng bà cũng rất nghiêm khắc, rèn giũa các con tính chủ động, tự lập từ nhỏ. Mặc dù xa cách nhau nhưng bố mẹ tôi rất thống nhất trong cách dạy con".

Cũng như bao người lính ở chiến trường, ông Khuất Duy Tiến gửi gắm tình cảm và nhắc nhở các con qua từng lá thư. Mỗi lần về phép, ông thường đưa các con tới hiệu sách để mua đồ chơi và chọn cho con những cuốn sách phù hợp. Từ đó, định hướng các con hình thành thói quen ham mê đọc sách. Ông còn tỉ mỉ chỉ bảo các con thực hiện nền nếp sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp, khoa học như bộ đội. Từ việc gấp chăn màn, sắp xếp giày dép, cách để cốc uống nước, chiếc bàn chải đánh răng đến việc phơi khăn mặt đều phải gọn gàng, ngay ngắn. Theo Trung tướng Khuất Việt Dũng thì chính nền nếp ấy đã có tác dụng rất tốt đến việc sắp xếp thời gian học tập cũng như công tác sau này của ông và các em.

Đến nay, cả 4 người con của Trung tướng Khuất Duy Tiến đều thành đạt trên nhiều lĩnh vực công tác. Đầu tiên là Trung tướng Khuất Việt Dũng (sinh năm 1959), tốt nghiệp ngành tên lửa Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), cử nhân luật, Tiến sĩ điều khiển học kỹ thuật. Ông nguyên là Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; hiện là Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; đại biểu Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội...

Người con thứ hai là Khuất Thu Hồng (sinh năm 1960), tốt nghiệp Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Lomonosov (Liên Xô), hiện là chuyên gia về xã hội học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội. Người con thứ ba là bác sĩ Khuất Hải Oanh (sinh năm 1971), tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, từng bảo vệ Thạc sĩ chuyên ngành sức khỏe tại Anh, hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam. Bác sĩ Hải Oanh là một trong những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu từng được trao giải thưởng “Tầm nhìn” 2016 dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng” của Câu lạc bộ phụ nữ quốc tế Hà Nội vì những đóng góp của bà cho bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam. Năm 2017, bà là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn.

Người con thứ tư là Khuất Việt Hùng (sinh năm 1974), tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải, bảo vệ Tiến sĩ ngành khoa học vận tải tại Đức. Hiện anh là Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Vợ chồng ông Tiến, bà Vân hiện có 9 người cháu, 6 người chắt. Hầu hết các cháu của ông đều tốt nghiệp thạc sĩ hoặc đang học thạc sĩ. Các con hiếu thảo, cháu chắt chăm ngoan, học giỏi, đó là “của để dành” mang lại niềm vui tuổi già cho vị tướng anh hùng.

leftcenterrightdel

Đại gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh do nhân vật cung cấp

Gìn giữ nền nếp gia phong

Trước sự thay đổi và tác động của đời sống xã hội hiện đại, nhiều phong tục truyền thống đang bị mai một thì nền nếp trong gia đình của hai Trung tướng được duy trì như thế nào khi nhiều thế hệ sống quây quần bên nhau?

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến nói: “Gia đình tôi vẫn tôn trọng nền nếp gia phong của các cụ ngày xưa. Nói chung, từ thói quen, nếp sống sinh hoạt đến lời ăn tiếng nói trong gia đình chịu ảnh hưởng rất đậm nền văn hóa Nho giáo từ nhiều đời các cụ để lại. Những phép tắc lễ nghĩa truyền thống vẫn được coi trọng. Quan hệ ứng xử của các thành viên trong nhà đều theo nguyên tắc tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau...".

Mỗi dịp Tết đến, xuân về hay vào các ngày lễ chiến thắng 30-4, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), đại gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến và các con cháu thường tổ chức bữa cơm thân mật. Đặc biệt, từ ngày Ba mươi đến hết ngày mồng Ba Tết cổ truyền, tất cả con cháu đều tập trung về để cùng sắp cỗ cúng tổ tiên và quây quần bên bữa cơm ngày Tết.

Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, mỗi lần gặp mặt đông đủ con cháu như vậy, chính là dịp tốt để các thế hệ trò chuyện, chia sẻ cùng nhau những chuyện vui buồn trong cuộc sống cũng như công việc. Mỗi thành viên trong gia đình noi gương lẫn nhau, soi lại mình, tự nhắc nhở bản thân cần phải cố gắng để ngày càng hoàn thiện hơn. Dù mỗi người con, người cháu công tác, học tập trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến luôn dặn các con cháu phải chú ý giữ gìn phẩm chất đạo đức, lễ phép với người lớn, khiêm tốn với bạn bè; gặp những người có hoàn cảnh khó khăn nếu có thể giúp được thì hết lòng giúp đỡ...

Với phương châm ấy, suốt nhiều năm qua, hai bố con Trung tướng Khuất Duy Tiến-Khuất Việt Dũng và các thành viên trong gia đình đều duy trì sợi dây gắn kết chặt chẽ với quê hương, kính lễ tại nhà thờ dòng họ, tưởng nhớ tổ tiên trước, trong và sau dịp Tết. Hằng năm, đại gia đình hai vị tướng vẫn thường xuyên về quê để tham gia ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến còn tích cực hưởng ứng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của địa phương, xây dựng Quỹ khuyến học để tặng thưởng thầy cô giáo, học sinh xuất sắc và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần nhân rộng phong trào khuyến học, khuyến tài của dòng họ, quê hương.

Có thể nói, bên cạnh sự nghiệp lừng danh, Trung tướng Khuất Duy Tiến còn có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn nghĩa tình. “Làm những việc thật tốt để trả ơn bố mẹ và tri ân đồng đội đã hy sinh xương máu cho mình sống mạnh khỏe đến hôm nay”... Đó là điều vị tướng-Anh hùng Khuất Duy Tiến luôn tâm nguyện khắc ghi.

HÀ THANH MINH