Đại biểu thích nói thẳng

 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước từng là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 3 khóa liên tục (VIII, IX và X). Trong những năm ông là ĐBQH, cũng là giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, đất nước còn nhiều khó khăn, hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội cũng đang đổi mới. Ông thường có nhiều đóng góp xây dựng pháp luật hay đánh giá sắc sảo về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đề xuất chính sách, nhất là chính sách với hậu phương quân đội, với thương binh, bệnh binh và CCB. Ông là đại biểu luôn tích cực phát biểu và nổi tiếng với phong cách thẳng thắn, có lúc rất quyết liệt, gay gắt. Ông luôn tâm niệm: "Dù là đại biểu kiêm nhiệm, còn phải lo nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác, nhất là khi làm Tư lệnh Quân khu 4, nhưng với cương vị là đại biểu của nhân dân, do nhân dân tín nhiệm bầu ra thì không thể mang tiếng là “Nghị gật”.

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ ĐBQH, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, ông tìm hiểu, tự học hỏi, nghiên cứu nhiều tài liệu về các lĩnh vực KT-XH, nhất là lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri, phân tích, xem xét nhiều vấn đề từ thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, những thông tin ông nhận được đa dạng, phong phú, đa chiều. Đặc biệt, ông phát huy khả năng tư duy tham mưu trong chiến đấu trước đây để phân tích sàng lọc, đi đến nhận định khách quan, phát biểu sâu sát hơn, được cử tri tin tưởng và nhiều đại biểu kính nể.

Vốn tính thẳng thắn, cương nghị, ông luôn mong cán bộ của Đảng, của Nhà nước được Quốc hội tin tưởng phê chuẩn hay bầu giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước phải thật sự là công bộc của dân, không dựa vào chức quyền để tham nhũng, quan liêu, làm khó cho dân. Vì vậy, nhận thấy bộ, ngành nào khi ban hành chủ trương, quyết định không đứng trên lợi ích của dân, với cương vị ĐBQH, ông thẳng thắn nêu rõ vấn đề. Có lần ông nêu vấn đề cần thanh toán tiền đường điện nông thôn do nhân dân tự bỏ ra làm trước đây, nay ngành điện chuyển sang kinh doanh, dân yêu cầu phải bồi hoàn lại tiền cho dân.

Qua nhiều kỳ họp của hai nhiệm kỳ khóa IX và khóa X mà lãnh đạo Bộ Năng lượng (sau này là Bộ Công Thương) cứ trả lời loanh quanh, không giải quyết đến nơi đến chốn, ông đã đề nghị Thủ tướng trả lời công khai để cử tri biết. Trước yêu cầu chính đáng đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trả lời trước Quốc hội là Nhà nước sẽ bồi hoàn lại cho dân để đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân, cán bộ không được bớt. Thế là dân yên tâm và hoan nghênh Thủ tướng, càng quý ông đại biểu là sĩ quan quân đội hay nói thẳng vì lợi ích chính đáng của dân và tin hơn vào hoạt động của Quốc hội.

leftcenterrightdel

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước năm 2012.  Ảnh: HOÀNG CHỈNH. 

Tặng danh hiệu Anh hùng cho vợ

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh ngày 3-2-1926 tại xã Nghi Diên (Nghi Lộc, Nghệ An). Ông tham gia Việt Minh từ tháng 4-1945. Sau khi giành chính quyền tại địa phương, ông làm Phó bí thư rồi Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc. Đầu năm 1949, chàng thanh niên trí thức Nguyễn Quốc Thước tình nguyện nhập ngũ, đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) khóa 5. Cuối năm 1950 ra trường, ông vào chiến trường Bình-Trị-Thiên, cùng đơn vị vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững địa bàn, phát động kháng chiến giành thắng lợi.

Trong Chiến dịch Trung Hạ Lào cuối năm 1953, đầu năm 1954, với cương vị Phó đại đội trưởng rồi Đại đội trưởng, ông đã chỉ huy đơn vị phối hợp cùng các đơn vị bạn và bộ đội Pa-thét Lào chiến đấu dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt nhiều tiểu đoàn lính Âu-Phi, bắt tù binh, thu vũ khí của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh giao là kìm chân lực lượng lớn chủ lực của địch từ xa, tạo điều kiện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Sau Hiệp định Geneva, hai Trung đoàn 101 và 66 được lệnh hành quân về Việt Nam, đồng thời hỗ trợ hai tiểu đoàn bộ đội Pa-thét Lào cùng vượt giới tuyến đi qua Việt Nam để tập kết lên Thượng Lào.

Ông và hai đồng chí cán bộ chính trị được giao nhiệm vụ đi cùng, tổ chức cho bộ đội, cán bộ, nhân dân của bạn về Việt Nam an toàn. Khó khăn là đoàn của bạn có nhiều gia đình quân nhân, cả phụ nữ và trẻ em, lương thực, thuốc men thiếu thốn, lại gặp mùa mưa lũ, chốt kiểm soát của quốc tế nghiêm ngặt... Với tinh thần đùm bọc, yêu thương như anh em một nhà, đoàn kết quyết tâm vượt khó, đồng thời với chút vốn tiếng Pháp được vận dụng sáng tạo, khôn ngoan, ông đã đưa đoàn của bạn hành quân tập kết an toàn, đúng kế hoạch của hai nước. Sau này, nhiều đồng chí của bạn đi trong đoàn tập kết đã phát triển lên vị trí cao trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Lào nhưng luôn nhớ ghi bao kỷ niệm sâu sắc trong những ngày được bộ đội Việt Nam mà trực tiếp là nhóm cán bộ do ông chỉ huy giúp đỡ vượt đường dài qua đất Việt Nam, tập kết lên vùng giải phóng Thượng Lào tiếp tục sự nghiệp cách mạng.

Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang ở thời kỳ ác liệt nhất, ông được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. 10 năm gian khổ cùng bộ đội Mặt trận B3-Tây Nguyên, cùng nhân dân các dân tộc chiến đấu giành đất, giữ dân với những chiến thắng vang dội ở các cứ điểm A Sầu, Sa Thầy, Pô Cô, Đăk Tô-Tân Cảnh, Bắc Kon Tum... Có những lần ông nhận nhiệm vụ đột xuất của lãnh đạo Mặt trận Tây Nguyên dẫn Trung đoàn 24 hành quân khẩn cấp tham gia “Mặt trận An Sơn” ở Hạ Lào, xuôi dòng Sekong xuống giải phóng thị xã Stung Treng, Đông Bắc Campuchia, rồi đột ngột nhận lệnh trở lại Tây Nguyên với nhiệm vụ khác khó khăn hơn. Ông lại chỉ huy hành quân chiến đấu, phối hợp giải phóng tỉnh Attapeu và một vùng rộng lớn trên cao nguyên Bolaven, ổn định tình hình nhân dân, tạo thế liên hoàn chiến lược Trung Đông Dương, giữ vững và mở rộng hành lang an toàn cho Đường Hồ Chí Minh, bảo đảm vận tải cung cấp hậu cần thông suốt vào Nam.

Trung đoàn 24A do ông chỉ huy chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào cùng tặng huân chương. Đến Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, trên cương vị Quyền tham mưu trưởng của mặt trận, ông trực tiếp báo cáo và nhận mệnh lệnh từ Quân ủy Trung ương xây dựng kế hoạch giải phóng Tây Nguyên, rồi cùng Quân đoàn 3 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Sau đó, ông tiếp tục chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 4 trước khi nghỉ hưu.

leftcenterrightdel

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong một lần viếng đồng đội, tháng 7-2018.

        Ảnh: NGỌC THÀNH


Với gần 50 năm quân ngũ, trải qua hầu hết các chiến trường ác liệt, từ khi là chiến sĩ đến lúc trở thành một vị tướng, trên các cương vị chỉ huy cao cấp như: Tư lệnh Quân đoàn 3, Tư lệnh Quân khu 4, ông luôn yêu thương, gần gũi cấp dưới và gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Dù ở hoàn cảnh nào, phẩm chất nổi bật ở ông là chiến đấu và chỉ huy chiến đấu mưu trí, dũng cảm, chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao. Thời kỳ ông được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội CCB Việt Nam, ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho công tác hội và luôn quan tâm tới chính sách hậu phương quân đội, dành nhiều thời gian làm những việc nghĩa tình tri ân gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh.

Cuối năm ngoái, khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, ông rất vui và dường như khỏe hơn. Có người nói: Có lẽ ông là người cao tuổi nhất còn sống nhận danh hiệu cao quý này vì những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, lãnh đạo các đơn vị trong những năm tháng hào hùng, oanh liệt của đất nước. Cũng có đồng chí nói vui: Thủ trưởng của chúng ta còn xứng đáng là anh hùng cả khi đã nghỉ hưu vì công lao tận tình chăm sóc bác gái hơn chục năm bệnh nặng cuối đời. Chính bà là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời suốt mấy chục năm tần tảo ở quê nghèo Nghệ An để ông yên tâm đánh giặc. Ông thì nói: "Tôi muốn tặng cả danh hiệu Anh hùng này cho bà nhà tôi".

   NGUYỄN NHÂN TỎ